Diễn đàn

Bệnh viện dã chiến ở Việt Nam – thử đề xuất mô hình tương thích

Đánh giá: (Tốt) (Báo cáo) - Người đăng: Admin_04

Trong sự phát triển của loài người, việc phòng bệnh và điều trị bệnh ngày càng trở thành một nhu cầu thiết yếu. Từ xa xưa, hệ thống y tế phục vụ công tác điều trị bệnh tật đã từng bước được hình thành và phát triển để dần dần trở thành mô hình bệnh viện với các quy mô và các cấp khác nhau như ngày nay. Hệ thống y tế dự phòng ra đời muộn hơn, từng bước đồng hành phát triển cùng hệ thống y tế điều trị. Nhưng do thói quen “tự tin về khả năng kiểm soát ” của con người nên các quốc gia đều tạo lập hệ thống y tế điều trị một cách khuôn khổ và hệ thống y tế dự phòng trở nên thứ yếu với quy mô nhỏ.

Bệnh viện dã chiến Vũ Hán – Trung Quốc

Khi có các cuộc chiến tranh xảy ra với thương vong hàng loạt và đặc biệt là khi có dịch bệnh lây lan nhanh, kiểm soát trở nên hỗn loạn thì vấn đề “điều trị ” và “dự phòng” theo mô hình quy chuẩn trên bộc lộ những nhược điểm to lớn, tạo thành sự khủng khoảng y tế sâu rộng, mang đến thiệt hại vô cùng đáng tiếc nhất là về tính mạng, mà không một quốc gia nào tránh được. Đại dịch Covid -19 đang diễn ra trên toàn cầu là một minh chứng đắt giá vấn đề này.

Thực tế cho thấy, nếu chuẩn bị được những cơ sở điều trị y tế bổ sung đáp ứng tức thì và năng lực dự phòng dồi dào sẽ tầm soát kịp thời, dập tắt chủ động được các đại dịch. Mô hình bệnh viện dã chiến với trang thiết bị y tế đủ từ nguồn dự phòng chính là giải pháp hữu hiệu đóng vai trò chủ đạo về mặt cơ sở vật chất đồng hành cùng với nhân lực toàn diện.

Loại hình bệnh viện dã chiến có đặc điểm chung nhất là yêu cầu điều trị đồng thời hàng loạt với 2 dạng bệnh chính: Không lây nhiễm và lây nhiễm. Dạng không lây nhiễm thường phục vụ cho điều kiện thiên tai, chiến tranh, địch họa. Dạng này không đòi hỏi về yếu tố cách ly đáng kể nhưng cần hệ thống cận lâm sàng chuyên sâu và đáp ứng tính cơ động khẩn cấp…. Dạng lây nhiễm phục vụ chính cho các trạng thái dịch bệnh, chiến tranh sinh hóa ở các mức độ khác nhau nhưng ưu tiên là yếu tố cách ly, hệ thống cận lâm sàng phổ thông, tính kịp thời tại chỗ cũng rất cần thiết.

Tuy nhiên nếu tách thành 2 dạng khác nhau để thiết kế xây dựng riêng từng loại mô hình bệnh viện dã chiến sẽ gặp nhiều bất cập về khả năng chuẩn bị, cả vật chất và trang thiết bị, dễ dẫn đến lãng phí về kinh tế. Vì vậy, đề xuất của chúng tôi chỉ quy về một dạng bệnh viện dã chiến cân bằng yếu tố để phục vụ cho cả 2 nhu cầu. Khi đó, yêu cầu cách ly được đặt lên hàng đầu trong công tác điều trị. Yêu cầu này không ảnh hưởng nhiều và cũng tốt hơn cho cả dạng thứ nhất khi có các ca nhiễm trùng xảy ra.

Anh thần tốc lập BVDC lớn nhất thế giới 4000 giường tại trung tâm triển lãm ExCel-London

Mô hình bệnh viện dã chiến có lây nhiễm đã xây dựng trên thế giới, đặc biệt là bệnh viện cấp cứu trong dịch bệnh Ebola châu Phi năm 2014 và đại dịch Covid-19 tại Trung Quốc. Từ kinh nghiệm điều trị các loại bệnh dạng này, việc xây dựng bệnh viện dã chiến ở Việt Nam cần đáp ứng các nguyên tắc :

  • Hệ thống cách ly: Đây có lẽ là nguyên tắc quan trọng nhất, tức là “cách ly” hoặc khoanh vùng bệnh nhân – nhóm người, dựa trên mức độ rủi ro mà họ gây ra;
  • Khả năng khử trùng: Đây cũng là nguyên tắc rất quan trọng, nếu làm tốt sẽ giải quyết triệt để yêu cầu “cách ly” một cách hiệu quả và đặc biệt là tránh lây nhiễm chéo thụ động sang nhân viên y tế và lực lượng vận hành;
  • Kiểm soát lưu thông: Nhằm giúp những người có nguy cơ cao về lây nhiễm không tiếp xúc với người khác, nhất là khi di chuyển theo nguyên tắc 3 vùng và 2 kênh – phân chia thành 3 vùng sạch, bán ô nhiễm và ô nhiễm; cộng với việc tạo ra 2 kênh riêng biệt cho nhân viên y tế và bệnh nhân đi bộ hoặc di chuyển phương tiện khác xuyên qua.Với 2 rào cản: Rào cản “bẩn” và rào cản “sạch”;
  • Chức năng chuyên biệt: Từ việc giao hàng và chuyển bệnh nhân đến đi; chức năng công nghệ, y tế của tòa nhà, sử dụng phòng máy tính, kho vật tư trung tâm và phòng khử trùng xe cứu thương; tạo lập hệ thống thông gió không ô nhiễm; vận hành hệ thống nước vệ sinh thoát thải đều là những biện pháp quan trọng nhằm kiểm soát nhiễm trùng;
  • Quy mô – tốc độ: Có khả năng đáp ứng đúng công suất và mở rộng dễ dàng. Tốc độ xây dựng phải đạt yêu cầu khẩn cấp thường là không kéo dài quá 30 ngày và càng nhanh càng tốt. Đối với bệnh viện phục vụ chiến tranh thời gian xây dựng này có khi đòi hỏi từ 12 -15 giờ.

Về giải pháp, bệnh viện dã chiến có thể thiết kế, xây dựng theo 2 cách:

  • Thứ nhất là tận dụng một mặt bằng công trình sẵn có và lấp đầy bằng các giường bệnh cùng hệ thống lâm sàng trong một vài ngày. Cách này giảm thiểu về kinh phí nhưng khó đáp ứng được các nguyên tắc trên, nhất là nguyên tắc cách ly – khử trùng – kiểm soát lưu thông.
  • Thứ hai là tạo nên cơ sở hạ tầng và công trình từ các block, bộ phận “tiền chế” đã được tính toán sẵn về ráp nối kỹ thuật và yêu cầu y tế, nhất là hệ thống khí cơ học và áp suất âm cần thiết cho việc ngăn chặn virus, vi khuẩn…cách này sẽ giải quyết được triệt để các nguyên tắc. Tuy nhiên, nếu không tính toán đầy đủ sẽ bị bất cập bởi các yếu tố: Không có giá trị sử dụng lâu dài, chuyển đổi mục đích hay tháo dỡ niêm cất tái sử dụng; tính an toàn bền vững và giá thành xây dựng cũng bị đe dọa; khi hệ thống xử lý nước thải không đảm bảo có thể biến thành ổ dịch, ảnh hưởng đến khu vực cư dân lân cận.

Thực tế các bệnh viện dã chiến đã được xây dựng trên thế giới cho thấy :

Tại Tây Phi, bệnh viện dã chiến được xây dựng để cấp cứu trong dịch Ebola 2014 (loại dịch bệnh tái lập theo chu kỳ không nhất quán) với quy mô 100÷200 giường cho các vùng nông thôn châu Phi – nơi hệ thống y tế chính thống vô cùng thiếu thốn và tồi tệ. Việc thực hiện bấy giờ với các nguyên tắc, không rõ ràng, kỹ thuật công nghệ lạc hậu, sự chuẩn bị “tiền chế” bị động… do đó, các bệnh viện này phải hoàn thành với thời gian hơn 1 tháng, dẫn đến việc phát huy tác dụng các bệnh viện này chỉ rất hạn chế. Điều may là dịch chỉ phát ở quy mô nhỏ, khả năng khoanh vùng dập dịch tương đối dễ dàng.

Tại Trung Quốc, khi chạy đua để kiểm soát virus corona xuất hiện tại Vũ Hán, một kỳ tích về xây dựng bệnh viện dã chiến đã được tạo ra: Bệnh viện Hỏa Thần Sơn được thiết kế và xây dựng trong khoảng 10 ngày với quy mô 2 tầng, rộng 36.000 m2 cho 1000 giường bệnh; và sau đó là bệnh viện Lôi Thần Sơn cũng được xây dựng với thời gian tương tự có quy mô lên đến 1600 giường.

Hai bệnh viện đã thực hiện với việc thiết kế “lại”, dựa trên mô phỏng bệnh viện Tiểu Sương Sơn tại Bắc Kinh năm 2003 (chỉ với thời gian xây dựng 7 ngày kể từ khi dịch SARS bùng phát). Với các kết cấu phần nền móng đổ tại chỗ, phần thân gồm các cấu kiện có sẵn và hàng nghìn công nhân thi công suốt ngày đêm. Bệnh viện được thiết kế đảm bảo đầy đủ các nguyên tắc nêu trên, đặc biệt là vấn đề tạo áp suất âm không khí đảm bảo luồng thông thoáng đi vào rất tốt nhưng không thoát ra khỏi phòng cách ly để lây lan bệnh. Việc đảm bảo phân luồng “sạch”, “bẩn” đã đạt tốt. Toàn bộ ráp nối hạ tầng nhanh chóng, kín khít. Hệ thống xử lý thải đặc biệt là nước được thiết kế, xây dựng thành dạng hộp lắp ghép sẵn, giảm thiểu khả năng ô nhiễm ra môi trường xung quanh với xử lý cấp độ an toàn cao hơn bệnh viện thông thường (5 giờ so với 1,5 giờ). Các phòng bệnh ở đây với mỗi phòng trang bị 2 giường đều có khu WC riêng, sàn tầng 1 có độ cao hơn mặt đất 30 cm để chống ngập. Mỗi phòng đều có một ngăn cửa kim loại 2 chiều có khả năng khử khuẩn bằng tia cực tím để nhân viên giao thức ăn cho bệnh nhân không bị lây nhiễm.

Tuy nhiên, các bệnh viện dã chiến mà Trung Quốc vừa xây dựng có vấn đề là giá thành vẫn còn khá đắt đỏ, bằng khoảng 80% so với xây dựng kiên cố, chưa tính đến được khả năng sử dụng lâu dài bằng chuyển đổi mục đích hoặc tháo dỡ niêm cất tái sử dụng. Bệnh viện Tiểu Sương Sơn ở Bắc kinh đã bị “lặng lẽ bỏ hoang” sau dịch SARS 2003 đến nay. Khả năng ô nhiễm cục bộ không phải là không có nguy cơ xảy ra khi hạ tầng bệnh viện dừng hoạt động. Sự quá tải hơn quy mô giường bệnh đã khống chế nếu có sẽ không có giải pháp hữu hiệu.

Mô hình dã chiến ở Milan, Ý

Tại Italy, một nhóm KTS đã cố gắng tìm cách kết hợp lợi thế của phương án “tận dụng sẵn có” và phương án “tiền chế” nhằm tối ưu hóa về thời gian. Kết quả của họ là tạo ra các Cure (đơn vị kết nối cho bệnh hô hấp) bao gồm hệ thống máy tạo áp suất âm bên trong từng container có thể vận chuyển đến bất cứ đâu, triển khai lắp ráp trong vài giờ. Ưu điểm lớn nhất của phương án này là: Tiêu chuẩn y tế buồng bệnh đã được tạo sẵn, đảm bảo và rất linh hoạt trong di chuyển, giá thành có thể chấp nhận được. Nhược điểm: Triển khai quy mô lớn sẽ khó khăn về công nghệ tạo block, việc vận chuyển lắp ráp cần chuyên sâu, hạ tầng đồng bộ không dễ đảm bảo ngay, khó thực hiện với các nước kém phát triển.

Tại Việt Nam, bệnh viện dã chiến từ lâu cũng đã được triển khai các mô hình trong hoạt động nhất là lĩnh vực quân sự với 2 loại:

  • Loại thứ nhất tại các diễn tập đáp ứng yêu cầu chuẩn bị thời chiến, đó là các bệnh viện được lắp ráp với thời gian kỷ lục trong 1-2 ngày từ các nhà bạt chuyên dụng được sản xuất mẫu theo các chức năng khác nhau: Nhà bạt phẫu thuật, nhà bạt điều trị cận lâm sàng, các dạng bạt cho bệnh nhân quy mô 2÷16 giường… Hoàn toàn lắp trên địa hình tự nhiên, không cần gia cường nền móng, có khả năng tháo dỡ, niêm cất, sử dụng lại nhiều lần. Các hệ thống sàn công tác bên trong được lắp ráp đồng bộ kèm theo với giá thành cực kỳ rẻ. Nhược điểm của dạng này là khó làm quy mô lớn, khả năng tạo áp suất âm cho buồng bệnh và khu điều trị không thực hiện được; khả năng kiểm soát lây nhiễm rất hạn chế. Hệ thống hạ tầng và xử lý thải đồng bộ khó giải quyết được thấu đáo.
  • Loại thứ 2 là dồn dịch tận dụng các không gian linh hoạt và dự phòng trong các bệnh viện truyền thống để quây thành bệnh viện dã chiến khi có yêu cầu (thường là đã tính toán khi thiết kế bệnh viện) hoặc tận dụng các cơ sở nhà sẵn có lắp ráp trang thiết bị bổ sung đồng bộ để chuyển thành bệnh viện dã chiến (loại này đã thực hiện tại một số nơi trong đợt chống dịch Covid-19). Ưu điểm của loại này là thời gian triển khai tương đối nhanh, tận dụng được hạ tầng, đầu tư tiện nghi và tiêu chuẩn kỹ thuật theo yêu cầu y tế có thể đáp ứng được, việc hoán đổi tận dụng cơ sở sau dịch đơn giản. Nhược điểm: Khả năng đảm bảo 3 nguyên tắc cách ly – khử trùng – phân tách lưu thông không dễ, quy mô giường bệnh không linh hoạt; xử lý hạ tầng khó kiểm soát thải; dễ ảnh hưởng đến hoạt động đồng thời của bệnh viện chính và dân cư khu vực.

Đề xuất mô hình kiến trúc cho Bệnh viện dã chiến tại Việt Nam

Ngoài việc tận dụng cơ sở sẵn có như vừa qua, đối với bệnh viện dã chiến phục vụ thảm họa – chiến tranh – địch họa thì việc lựa chọn phương án hợp lý kịp thời nhất chính là dạng tổ hợp một cách có tính toán thiết kế cơ bản hệ thống nhà bạt trên địa hình tự nhiên kết hợp với các xe khám điều trị chuyên dụng y tế. Mô hình này cần lựa chọn các mẫu nhà bạt thích dụng cho từng chức năng tổ hợp thành dây chuyền công năng thống nhất. Đó là loại khung thép lắp ghép tiền chế đặt trực tiếp trên mặt đất, bên trong đặt các sàn thao tác ráp nối dạng tấm. Với các loại bạt cách nhiệt hiện nay, hệ thống cửa thông thoáng và bổ sung lớp dù tản nhiệt cho mái đã đạt được nền nhiệt chênh lệch trong ngoài 3oC ÷ 5oC. Như vậy là vào mùa khô tại miền Nam và mùa hè tại miền Bắc dạng này cơ bản cũng đáp ứng điều kiện vi khí hậu, ảnh hưởng ít đến sức khỏe bệnh nhân. Mô hình Bệnh viện dã chiến này có thể lắp ghép linh hoạt và tháo dỡ niêm cất dễ dàng, kinh phí xây dựng rất thấp so với giá thành xây dựng kiên cố (bằng khoảng 20% ÷ 30%). Tuy nhiên, dạng nhà bạt này khó đảm bảo cách ly và không tạo được phòng cần áp suất âm, khâu WC riêng biệt nhiều khó khăn, xử lý thải chỉ tập trung thu gom cục bộ và vận chuyển đi nơi khác.Vì vậy, dạng này sử dụng phù hợp hơn cho Bệnh viện dã chiến cần rất đột xuất ngắn ngày.

Nhà container

Nhà cơ động

Nhà Bạt

Để phục vụ điều trị dịch bệnh từ chiến tranh sinh học và bệnh truyền nhiễm nhất là hạng A như loại virus SARS – COVI 2 thì lựa chọn mô hình bệnh viện thiết kế chế tạo sẵn block, cấu kiện dạng tiền chế để khi có yêu cầu có thể lắp ghép khẩn cấp hàng loạt với quy mô từ vài trăm đến hàng ngàn giường là phương án rất cơ bản, có thể từ 2 hướng:

  • Thứ nhất: Là dạng tổ hợp từ container có sẵn hoặc kiểu container. Hộp này được hoàn thiện sẵn thành các buồng bệnh chức năng ghép lại với nhau thành dãy hoặc thành cụm khối có độ cao 1÷2 tầng, được liên kết dây chuyền với nhau bởi các hành lang lắp ghép. Mỗi buồng bệnh từ 2÷3 giường có khu WC được sản xuất cabin rời ráp nối cùng. Việc tăng giường bệnh bằng cách nối chuỗi các container. Giải pháp này bền chắc là do mỗi container đã có bộ khung tự chịu lực rất tốt với độ an toàn rất cao, liên kết chồng lên nhau hoặc liên kết dãy đều đảm bảo. Việc khoét lỗ để lắp cửa đi, cửa sổ bằng khung kim loại cũng rất dễ dàng kể cả lắp cửa chống lây nhiễm. Một lợi thế hiện hữu nữa là: Hiện nay, số lượng container quá date cho chức năng vận chuyển bị tồn tại các kho cảng rất lớn sẽ là một nguồn cung giá rẻ dồi dào. Hạ tầng kỹ thuật đối với dạng bệnh viện dã chiến này được xử lý đồng bộ định sẵn. Thời gian tạo mặt bằng nền móng có thể triển khai rất nhanh, khả năng xây dựng hoàn thành trong vòng 3÷5 ngày. Giá thành rẻ hơn nhiều so với xây dựng kiên cố.
  • Thứ hai: Là dạng lắp ghép từ cấu kiện tiền chế tại nhà máy. Các modul nhà được định hình sẵn từ các cấu kiện mẫu, chở đến lắp ghép tại công trường thành các công trình theo chức năng, lấy buồng điều trị bệnh nhân là đơn vị cơ sở. Khu WC cũng được sản xuất thành hộp lắp ghép kèm theo các modul hoặc tạo sẵn và đưa đến lắp ráp thành khu riêng bên ngoài. Hệ thống ống kỹ thuật đặc biệt là thoát thải được đặt nổi, kín trên nền đất tự nhiên theo độ đốc thích hợp, liên kết đầu nối đặt sẵn tại các nhà. Nhà lắp ghép loại này đề xuất lựa chọn các loại có chân điều chỉnh độ cao và sàn nổi để khi mang đến địa hình tự nhiên có thể lắp ghép ngay không cần làm nền móng. Với các loại vật liệu tường và mái cách nhiệt tốt như hiện nay – việc tạo áp suất âm cho các phòng điều trị có yêu cầu cũng là điều có thể thực hiện dễ dàng. Loại này có thể sản xuất theo thiết kế tại nhà máy cho mô hình 1÷2 tầng. Tuy nhiên với loại không cần làm móng thì kết cấu 1 tầng vẫn phù hợp hơn. Ưu điểm của loại này là có thể lắp ghép tương tác tự do, mở rộng dễ dàng quy mô. Khi không còn nhu cầu sử dụng có thể tháo lắp, niêm cất dễ dàng để sử dụng nhiều lần. Giá thành thực tế bằng khoảng 50%÷60% xây dựng bệnh viện kiên cố cùng quy mô. Nhược điểm của loại này là mức độ tiện nghi sử dụng và đáp ứng yêu cầu y tế vẫn dễ thấp hơn lắp ghép dạng container và loại xây dựng cố định.Việc xử lý thải khi xây dựng và sau khi tháo dỡ cũng là bài toán không dễ giải quyết.

Thay lời kết

Để đáp ứng các vấn đề đòi hỏi điều trị y tế đột biến đặc biệt với tốc độ lây lan nhanh và có thể dẫn đến bùng phát của dịch bệnh thì việc chuẩn bị sẵn theo mẫu thiết kế thống nhất các loại nhà bạt, các block định hình, các cấu kiện dạng tiền chế để có thể lắp ráp thần tốc thành những bệnh viện dã chiến điều trị chuyên dụng là có tính thực tiễn rất lớn. Đó cũng là một dạng y tế dự phòng rất cần thiết. Các mô hình bệnh viện dã chiến này nếu được các KTS nghiên cứu kỹ lưỡng từ tổng quát đến chi tiết sẽ giải quyết được những vấn đề thấu đáo về cả 3 phương diện: Công năng tốt nhất, đáp ứng nhanh nhất và giá thành hợp lý nhất. Đồng thời, về mặt thẩm mỹ cũng hoàn toàn có cơ hội sáng tạo. Trong tương lai phát triển không dễ đoán định được thời điểm và quy mô xuất hiện các loại dịch bệnh thì việc này càng có tính cấp thiết.

Nguồn: Tapchikientruc

Bình luận chủ đề

0 Bình luận

Bài viết liên quan

CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ

    Bản hoan ca của đời sống

    Bản hoan ca của đời sống

    13/02/24 28 0

    Trước hết, căn nhà là một công trình cải tạo tương đối phức tạp với diện tích 600m2 khá...

    Văn phòng FPT telecom

    Văn phòng FPT telecom

    13/02/24 35 0

    FPT Telecom là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và internet hàng đầu tại Việt Nam trên...

    Nhà mới với vật liệu cũ

    Nhà mới với vật liệu cũ

    13/02/24 26 0

    Trước một căn nhà nhỏ tường xây gạch mộc, mái tranh, một người bạn của tôi kể về...

    NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

    NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

    20/11/23 54 0

    Mỗi ngôi nhà được xây dựng đều là một câu chuyện của kiến trúc sư, nhà thiết kế...
Update data ...