Biến di sản thành sân chơi cho trẻ: Cuộc chạy đua của các lâu đài nước Pháp

  • Thứ hai, 17:18 Ngày 14/08/2023   Lượt xem: 67
  • “Làm thế nào để người dân quan tâm đến di sản?”, “Kinh phí để bảo tồn di sản lấy từ đâu?”, những vấn đề này luôn là thách thức, thậm chí là rào cản khi đứng trước lựa chọn ứng xử với di sản, với công trình cổ. Tại Pháp, quốc gia có bề dày trong công tác bảo tồn di sản, cũng luôn phải đối mặt với những vấn đề bảo tồn đầy khó khăn, đặc biệt ở những vùng đất tồn tại lâu đời nơi mà di sản lịch sử để lại dày đặc nhưng kinh phí công không đủ trang trải. 

    Tạm bỏ qua những di sản được xếp hạng tầm UNESCO hay quốc gia, công cuộc giữ gìn những di sản có quy mô và giá trị khiêm tốn hơn, hoặc thuộc sở hữu tư nhân, đòi hỏi rất nhiều công sức, nhiệt thành và những ý tưởng mới mẻ. Cải tạo và duy trì những lâu đài dọc vùng sông Loire tại Pháp là một ví dụ điển hình.

    Dày đặc lâu đài: Khó khăn khi tìm chỗ đứng bên những di sản tầm mức quốc gia

    Nói đến hệ thống các di sản kiến trúc Pháp thì phải dành một chương mục lớn cho các lâu đài, nổi tiếng nhất là những lâu đài vùng sông Loire (Châteaux de la Loire). Nhờ phần lớn vào những lâu đài này mà vùng Val de Loire được được UNESCO xếp hạng di sản thế giới vào năm 2000. Chỉ riêng việc điểm danh phân loại các lâu đài cũng có thể trở thành cuộc tranh cãi lớn của các sử gia khi số lượng lâu đài dao động từ 500 đến…3000 chỉ trong phạm vi 5 tỉnh Maine-et-Loire, d’Indre-et-Loire, du Loir-et-Cher, d’Eure-et-Loir et du Loiret.

    kienviet bien di san thanh san choi cho tre em 1
    Lâu đài Château d’Ussé ở Pháp (Ảnh: Travel Bliss Now)

    Ở vùng sông Loire, những lâu đài cổ nhất vùng này có lịch sử bắt đầu từ thế kỷ 11-12 dưới dạng những pháo đài, nhưng đều được tu sửa, thay đổi vào giai đoạn Phục Hưng thế kỷ 15-16 để có diện mạo như ngày nay. Giai đoạn này, nhiều vua và hoàng tộc nước Pháp chọn vùng Tours và lưu vực sông Loire làm nơi đóng đô hoặc đặt nơi ở chính (dù thủ đô vẫn ở Paris). Vì vậy hàng loạt cung điện hoàng gia cũng như những lâu đài của giới thân vương, quý tộc được xây mới hoặc mở rộng trên nền những lâu đài cổ, tạo nên di sản hàng trăm (đến hàng nghìn) lâu đài tập trung ở vùng miền Trung nước Pháp này.

    Ngày nay, sự giàu có về di sản các lâu đài này là sức hút lớn của du lịch vùng Val de Loire. Chỉ cách Paris tầm 2-3h xe, kết hợp với cảnh sắc thiên nhiên đồng bằng, sông nước thanh bình trù phú, du lịch tham quan những lâu đài là lựa chọn khá hợp lý cho chuyến đi cuối tuần hoặc kỳ nghỉ ngắn.

    Tuy nhiên, số lượng dồi dào các lâu đài này cũng đặt ra vấn đề cạnh tranh, đặc biệt là đối với những lâu đài quy mô và mức độ nổi tiếng tầm trung. Làm thế nào để trở thành cái tên được chọn, giữa hàng trăm lâu đài muôn hình muôn vẻ nhưng lại khá tương đồng về lịch sử, kiến trúc, chức năng? 

    Khác với những lâu đài nổi tiếng tầm quốc tế như Chambord, Ambroise, Chenonceau, việc thu hút khách tham quan đối với những lâu đài càng nhỏ là vấn đề sống còn để đảm bảo duy trì ngân quỹ cho việc bảo tồn công trình. Đặc biệt, phần lớn trong số chúng là những lâu đài sở hữu tư nhân nên không thể trông chờ vào nguồn kinh phí hỗ trợ khá hạn chế. 

    Sống động hóa di sản để “cứu” di sản

    Như đã đề cập, đối với đa số những lâu đài này, việc bảo tồn phải song hành với nguồn thu tài chính từ khách tham quan và các dịch vụ du lịch, sự kiện. Với yêu cầu đó, việc lựa chọn hướng phát triển du lịch và mảng hoạt động mới lạ, hấp dẫn “không được giống ai” là điều kiện tiên quyết. Những lâu đài quy mô vừa cần có ít nhất khoảng 40-50 nghìn khách mỗi năm mới có thể duy trì hoạt động và đảm bảo chi phí tu sửa, bảo trì. Các chủ sở hữu và nhà quản lý phải luôn tìm hướng đi và không ngừng làm mới để thu hút khách tham quan.

    Điểm qua các hướng đi của các lâu đài vô cùng phong phú, tùy vào thế mạnh riêng. 

    Theo hướng nghệ thuật, một số lâu đài trở thành địa điểm của những triển lãm sắp đặt, nghệ thuật, trình chiếu ánh sáng, giới thiệu các bộ sưu tập tranh, tượng cá nhân độc đáo. Các lâu đài gần thành phố Blois là ví dụ. Nằm gần trường cảnh quan nổi tiếng, một số lâu đài ở khu vực này là nơi diễn ra những cuộc thi thiết kế cảnh quan hoặc sắp đặt tầm cỡ quốc tế; tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật, ca kịch, hòa nhạc. 

    Một số lâu đài trở thành nơi có vườn ươm thực vật, vườn hoa theo mùa, vườn thiết kế cảnh quan, trang trại, khu nuôi ngựa , vườn thú. 

    Theo hướng thể thao, một số lâu đài có trường dạy cưỡi ngựa, khu vui chơi trên hồ nước, khu leo trèo mạo hiểm trên cây, khu cắm trại cho du khách chơi chèo thuyền kayak trên sông, hay tổ chức các trò chơi tìm kho báu bên trong lâu đài.

    Yếu tố lịch sử được đan cài trong các hoạt động trưng bày, vui chơi, thông qua việc tái hiện các giai đoạn lịch sử, giới thiệu nghề truyền thống, triển lãm cổ vật, tổ chức các trò chơi kiểu cổ. Những pháo đài Trung Đại là nơi hay diễn ra những lễ hội tái hiện đời sống thời kỳ đó, với hình ảnh các hiệp sĩ khiên giáp cưỡi ngựa bắn tên, với các trang phục, đời sống thời bấy giờ, là dịp thu hút hàng ngàn khách tham quan, đặc biệt là trẻ em. Ngoài ra, sự kiện hội nghị, thuê phòng nghỉ trong lâu đài, lễ hội vào những ngày lễ lớn,.. là các hoạt động không thể thiếu.

    Hướng đến đối tượng du khách trẻ em – Một hướng đi nhiều hứa hẹn

    Ở góc độ khách tham quan cũng thấy việc lựa chọn không hề đơn giản. Với quỹ thời gian hạn hẹp, số lượng lâu đài dày đặc san sát, quyết định đến lâu đài nào đôi khi phụ thuộc rất nhiều vào các hoạt động hấp dẫn đi kèm. Đặc biệt với những gia đình có con nhỏ, nếu chỉ đi viếng thăm những lâu đài với cách bày trí cổ điển, các bộ sưu tập hội họa cá nhân, hay sân vườn cắt tỉa kiểu cách, sẽ nhanh chóng cảm thấy nhàm chán.

    Nhận thức được tâm lý này, ngày càng nhiều lâu đài chú trọng nhắm vào đối tượng khách là trẻ em. Đơn giản nhất bắt đầu từ những quyển trò chơi được phát cho trẻ khi mua vé, để các em nhỏ lần tìm các chỉ dẫn, các hiện vật trưng bày để trả lời câu đố. Trò chơi đi tìm kho báu bằng những tuyến đường riêng dành cho trẻ em là một hoạt động ưa thích của các du khách nhí. 

    Ngày nay, trong các địa điểm tham quan, bảo tàng, triển lãm nói chung, phần tương tác với trẻ em được tổ chức ngày càng hấp dẫn, công phu, thậm chí trở thành một nội dung trưng bày song song. Nhiều nơi có kèm theo những màn hình tương tác, trò chơi kỹ thuật số, các tờ rơi hay máy nghe hướng dẫn dành riêng cho trẻ em. Trong vòng 5-10 năm trở lại đây, khi quay lại thăm các bảo tàng cùng con nhỏ, tôi nhận thấy sự tiến bộ và nâng cấp này gần như có ở mọi địa điểm tham quan.

    Với các lâu đài hướng đến mảng đề tài này, việc chào đón đối tượng khách trẻ em còn đầu tư nhiều hơn nữa. Ngoài phần trưng bày thiết kế lôi cuốn trẻ em như kể trên, không gian ngoài trời cũng được khai thác triệt để thành các không gian vui chơi cho trẻ. Tận dụng lợi thế là các lâu đài thường nằm trong một quần thể không gian xanh, vườn hoa hay rừng riêng biệt, việc sáng tạo các sân chơi cho trẻ em trở nên rất phong phú.

    Một vài ví dụ

    Đầu tiên phải kể đến Rivau là một lâu đài vùng sông Loire chọn chủ đề “Truyện cổ tích”. Tuyến đi vòng quanh vườn của các em sẽ đi xuyên qua từng thiết kế gợi không gian của những Nàng Bạch Tuyết, ma trận với các nhân vật của Alice ở xứ sở diệu kỳ, gặp căn chòi bỏ hoang của Gã khổng lồ xanh, đi qua các vật dụng khổng lồ để biến mình thành bé tí hon, nhìn lên chòi cao nơi công chúa Raiponse bị giam hãm. Trong suốt hành trình giải mã, các em nhỏ đi dưới những tán cây, lắng nghe âm nhạc hoặc tiếng chim, qua những vườn hoa trái chim công lững thững đi dạo, kết thúc hành trình bằng cuộc tìm kiếm cây đũa thần cất dấu trong lâu đài cổ.

    kienviet bien di san thanh san choi cho tre em 14
    Hành trình khám phá ở lâu đài Rivau
    kienviet bien di san thanh san choi cho tre em 20
    Lối vào mê cung trong xứ sở diệu kỳ của Alice
    kienviet bien di san thanh san choi cho tre em 15
    Biến thành bé tí hon ở lâu đài Rivau

    Lâu đài Meung sur Loiret chọn chủ đề “Những chàng hiệp sĩ và những truyền thuyết về con rồng huyền thoại”. Cả khu vườn được thiết kế thành 3 khu vực lớn, một khu rừng thưa đi một vòng để “gặp” từng con rồng được dựng lại theo truyền thuyết của các vùng đất khác nhau. Từng con rồng cỡ lớn, dựng rất chi tiết trên các vách đá, có gắn động cơ và âm thanh để cử động, hí gầm, quay đầu đảo mắt, quẫy đuôi, trông rất bề thế và sống động. Khu sân chơi trẻ em giữa những tán cây theo chủ đề “Hiệp sĩ và pháo đài” dẫn dắt các em nhỏ vào những trò chơi trên lưới dây treo, dây trượt, lối đi gỗ thăng bằng đòi hỏi đôi chút khéo léo và vận động, để cuối cùng dẫn đến đích là qua cầu treo vào trong pháo đài. Dù là trò chơi “hiệp sĩ” nhưng vẫn thu hút cả các bé gái. Cuối cùng, khoảng sân rộng là nơi trẻ em được trải nghiệm và tự do thử sức với những trò chơi truyền thống bằng gỗ đặt rải rác khắp vườn. 

    kienviet bien di san thanh san choi cho tre em 8
    kienviet bien di san thanh san choi cho tre em 18
    Rồng trong vườn lâu đài Meung sur Loiret
    kienviet bien di san thanh san choi cho tre em
    Chơi bóng trên lưới treo giữa những cành cây
    kienviet bien di san thanh san choi cho tre em 4
    Hướng dẫn viên kể lịch sử lâu dài Meung sur Loiret

    Mang tính khoa học hơn, lâu đài Clos Lucé – nơi ở cuối đời của thiên tài Leonard De Vinci, chọn chủ đề triển lãm và sân chơi xung quanh các sáng chế của ông. Lâu đài có phòng làm việc, nơi ở, triển lãm phác thảo hội họa, các bản vẽ minh họa sáng chế, phim chiếu 3D chi tiết về những cỗ máy do ông sáng chế. Ngoài vườn, mỗi góc lại dựng một mô hình chi tiết các cỗ máy trên để các em nhỏ khám phá và tự mình thử nghiệm các sáng chế máy móc của nhà vật lý thiên tài này. 

    Sân chơi của lâu đài Cheverny lại chọn chủ đề xoay quanh nhân vật hoạt hình, truyện tranh nổi tiếng Tin Tin và chú chó Milou.

    Pháo đài cổ Marqueyssac, nằm trong vùng Dordogne lại tận dụng vị thế trên chỏm đồi cao, biến toàn bộ cảnh quan xung quanh thành một vườn treo khổng lồ được cắt tỉa bởi một đội ngũ thiết kế cảnh quan bài bản. Các em nhỏ có thể chơi cả ngày tại đó vì thiết kế vườn đặc biệt dành cho những hành trình trải nghiệm các hoạt động với độ khó khác nhau cho từng lứa tuổi. Đi theo hành trình, các em sẽ được vui chơi ở những khu vườn cắt tỉa ma trận, những chòi gỗ trên cây, cầu treo, lối đi treo trên lưới ở độ cao vài mét, rồi lại lom khom chui xuống chân một thác nước. Nếu thích mạo hiểm hơn có thể lấy dung cụ để chơi môn thể thao leo vách đá dựng đứng,..

    Sống động hóa di sản bằng sân chơi – Mũi tên trúng nhiều đích

    Về mặt quảng bá du lịch, việc tạo ra các sân chơi và hoạt động để thu hút trẻ em đồng nghĩa với thu hút cả gia đình là một lựa chọn thông minh để tăng nhanh con số khách tham quan. Hướng tới đối tượng gia đình cũng rất phù hợp với thói quen du lịch ở châu Âu, đó là thói quen chọn đi tham quan dài ngày để khám phá từng vùng đất, kết hợp tìm hiểu văn hóa với các hoạt động thể thao ngoài trời, tương tác với thiên nhiên.

    Ở góc độ bảo tồn di sản, việc làm các công trình lịch sử vốn buồn tẻ, già cỗi với trẻ nhỏ trở nên thú vị, gần gũi hơn chắc chắn sẽ làm thế hệ tương lai có thêm hiểu biết, quan tâm đến lịch sử, di sản. Tìm hiểu bằng các trò chơi, trong những kỳ nghỉ thư giãn, sẽ là cách “học” hiệu quả và tự nhiên nhất cho các em. Khi những đứa trẻ hôm nay hiểu biết và yêu thích các công trình di sản, xã hội có nhiều hi vọng rằng những chủ nhân tương lai này sẽ có những lựa chọn phát triển tốt nhất để gìn giữ các di sản thế hệ trước để lại.

    Nguồn

    0 Bình luận
    Update data ...