Diễn đàn

Cơ chế chính sách quản lý hành nghề Kiến trúc sư

Đánh giá: (Tốt) (Báo cáo) - Người đăng: Pi

Các hoạt động thiết kế kiến trúc tại nước ta hiện nay, cơ bản được quản lý bởi các Bộ ban ngành liên quan tới cấp phép xây dựng và các văn bản dưới luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên môn nhưng thiếu đồng bộ dẫn tới việc bảo hộ quyền tác giả cho công trình còn nhiều kẽ hở, chuẩn mực đạo đức cho KTS chưa có khung quy chiếu ảnh hưởng xấu tới cảnh quan đô thị, văn hóa kiến trúc, làm giảm lòng tin của xã hội đối với nghề kiến trúc sư. Bài viết này sẽ cung cấp một cái nhìn toàn diện trong việc xác định rõ cơ chế chính sách quản lý hành nghề KTS tại Việt Nam và đưa ví dụ tham khảo một số mô hình quản lý hành nghề tại các quốc gia trên thế giới.

Kiến trúc sư (KTS) là một nghề đòi hỏi bạn phải có kiến thức sâu rộng về nhiều mặt, không chỉ khả năng thẩm mỹ, trí tưởng tượng, sự sáng tạo mà còn có kỹ năng quản lý kỹ thuật và hiểu biết pháp luật. Danh xưng ấy là kết quả của một quá trình dài học tập, lao động, được cấp chứng chỉ hành nghề bởi cơ quan có thẩm quyền. Để được cấp giấy phép này thường ứng viên phải hoàn thành chương trình cấp bằng cử nhân, thạc sĩ hoặc tiến sĩ được công nhận. Các ứng viên sau đó phải hoàn thành một thực tập và vượt qua một kỳ thi. Đã có nhiều văn bản quy định về vấn đề hành nghề tại Việt Nam, tuy nhiên Luật Kiến Trúc được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 13/6/2019, có hiệu lực vào ngày 1/7/2020 tới đây sẽ thắt chặt cơ chế chính sách quản lý hành nghề còn nhiều bất cập.

Để được hoạt động trong lĩnh vực thiết kế xây dựng, bạn cần phải có giấy phép hành nghề KTS (Ảnh : internet)

Các văn bản quy định và mô hình quản lý

Kiến trúc, xây dựng vốn là một ngành đặc thù, có tầm quan trọng với sự phát triển của một quốc gia, bởi vì bộ mặt đô thị đều thể hiện qua kiến trúc. Kiến trúc ở đây không đơn thuần chỉ là xây dựng nhà ở, nội thất mà còn những công trình ở cấp cao hơn như kiến trúc quy hoạch, thiết kế trụ sở hành chính, nhà cao tầng, công trình công nghiệp,…chính vì thế có rất nhiều văn bản, quy định về phạm vi hành nghề cũng như các cấp quản lý hoặc việc cấp chứng chỉ hành nghề. Dưới đây là một số văn bản pháp luật liên quan tới việc quản lý, hành nghề KTS ở nước ta :

  1. Luật số 40/2019/QH14 của Quốc hội : Luật Kiến trúc : Luật này định nghĩa rõ những khái niệm trong quá trình hành nghề, các quy định để được cấp chứng chỉ KTS và khung luật về hành nghề theo cá nhân hoặc tổ chức rất cụ thể.
  2. Nghị định 100/2018/NĐ/CP (sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số điều của Nghị định 59/2015/NĐ-CP và Nghị định số 42/2017/NĐ-CP).
  3. Luật Xây dựng ngày 26/11/2003.
  4. Thông tư số 12/2009/TT-BXD hướng dẫn chi tiết về cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng ngày 24/6/2009.
  5. Thông tư số 33/2012/TT-BTC ngày 01/3/2012 của Bộ Tài chính ( Có hiệu lực từ 01/5/2012)

Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý hành nghề KTS gồm:

  1. Chính phủ : Là cơ quan quản lý đầu não, ban hành và xét duyệt các văn bản pháp luật liên quan đến kiến trúc.
  2. Bộ Xây dựng : Đề xuất và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật về kiến trúc; tổ chức quản lý, thẩm định, hướng dẫn, thanh tra, giải quyết khiếu nại; ban hành mẫu thiết kế; đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ; xây dựng cơ sở dữ liệu kiến trúc.
  3. Cục Quản lý : hoạt động thuộc Bộ Xây dựng, có thẩm quyền tổ chức, quản lý, xét duyệt hồ sơ thiết kế và cấp chứng chỉ hành nghề hạng I.
  4. Sở Xây dựng : có thẩm quyền tổ chức, quản lý, phê duyệt hồ sơ thiết kế và cấp chứng chỉ hành nghề hạng II, hạng III.
  5. UBND các cấp : Có trách nhiệm quản lý, phê duyệt hồ sơ thiết kế và quản lý các các nhân tham gia hoạt động thiết kế, xây dựng tại địa phương.

Ban chấp hành Hội KTS Việt Nam nhiệm kỳ 2015 – 2020 ( Ảnh : kienviet)

Hội Kiến trúc sư Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp của giới kiến trúc sư tuy nhiên chưa được Nhà nước công nhận để tập hợp và quản lý hành nghề KTS. Nhìn chung, hành nghề kiến trúc vẫn nằm dưới sự quản lý của bộ máy nhà nước, chưa có một ban ngành riêng biệt, độc lập về quản lý hành nghề KTS.

Xếp hạng hành nghề Kiến trúc sư

Định nghĩa về Hành nghề thiết kế kiến trúc “là hoạt động bao gồm thiết kế xây dựng mới hay cải tạo các công trình xây dựng, các khu công trình, thiết kế cảnh quan đô thị; trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá…”. Đối tượng hành nghề ở đây có thể là tổ chức hoặc cá nhân trên nguyên tắc tuân thủ các quy định pháp luật liên quan, phù hợp với định hướng phát triển kiến trúc đô thị. Để đảm bảo chất lượng của các công trình kiến trúc, Điều 21 của Luật Kiến trúc 2019 chỉ rõ 03 đối tượng bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề. Cụ thể là cá nhân đảm nhận chức danh chủ trì thiết kế kiến trúc, cá nhân chịu trách nhiệm chuyên môn về kiến trúc trong tổ chức hành nghề kiến trúc và kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân. Với những cá nhân không có chứng chỉ hành nghề thì được tham gia thực hiện dịch vụ kiến trúc trong các tổ chức hành nghề kiến trúc hoặc hợp tác với kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân.

Ba đối tượng bắt buộc cần có chứng chỉ hành nghề KTS tại Việt Nam. (Ảnh : tác giả cung cấp)

Để đạt được chứng chỉ hành nghề KTS, thì cần phải đáp ứng yêu cầu quy định cấp chứng chỉ do cơ quan có thẩm quyền đề ra, thêm vào đó KTS sẽ tham gia một cuộc thi sát hạch kiến thức được tổ chức bởi cơ quan cấp chứng chỉ đó. Theo Nghị định 100/2018/NĐ-CP quy định về yêu cầu và quy trình cấp Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng (CCHN HĐXD), có 4 mức độ hành nghề KTS là : Hạng I, II, III và KTS mới ra trường chưa có kinh nghiệm.

Để đạt được Hạng I : KTS cần có trình độ đại học chuyên ngành Kiến trúc, có 7 năm kinh nghiệm trở lên với các thể loại công trình hoặc quy hoạch tương đương với nội dung xin cấp chứng chỉ. Phạm vi hoạt động : Được làm chủ nhiệm đồ án, chủ trì thiết kế bộ môn chuyên ngành của tất cả các đồ án quy hoạch xây dựng cùng hạng.

Hạng II: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm trên 5 năm tham gia các thể loại công trình hoặc quy hoạch tương đương với nội dung xin cấp chứng chỉ. Phạm vi hoạt động : Được làm chủ nhiệm đồ án, chủ trì thiết kế bộ môn chuyên ngành của tất cả các đồ án quy hoạch xây dựng cùng hạng.

Hạng III: Có trình độ chuyên môn phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia thể loại công trình, quy hoạch tương đương với nội dung xin cấp chứng chỉ: Từ 2-3 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ đại học; từ 3-5 năm đối với cá nhân có trình độ cao đẳng, trung cấp. Phạm vi hoạt động : Được làm chủ nhiệm đồ án, chủ trì thiết kế bộ môn chuyên ngành của tất cả các đồ án quy hoạch xây dựng cùng hạng.

Các loại chứng chỉ hành nghề thiết kế, xây dựng cần phải có. Kiến trúc sư cần được cấp chứng chỉ hành nghề KTS. (Ảnh : internet)

Việc Kiến trúc sư đăng ký cấp mới, nâng cấp thứ hạng CCHN HĐXD là điều kiện cần để được quyền tham gia thực hiện các dự án, công trình có quy mô, tính chất cũng như vai trò quan trọng hơn, từ đó nâng cao mức độ tín nhiệm về nội dung hành nghề KTS. Sở hữu chứng chỉ hành nghề còn là điều kiện tiên quyết để KTS được chấp nhận thành lập văn phòng tư vấn thiết kế hoặc đứng tên chủ trì trong các dự án thiết kế theo quy định.

Các mô hình tổ chức quản lý, hành nghề Kiến trúc sư trên thế giới

  • Mô hình ở Mỹ

Tại Mỹ có tới 50 tiểu bang và mỗi tiểu bang đều có quy chế hành nghề riêng theo luật KTS (Architect Act). Muốn được chính thức hành nghề tại tiểu bang nào thì phải lấy chứng chỉ và con dấu hành nghề tại tiểu bang đó. Cũng như ở Việt Nam, nếu không có chứng chỉ hành nghề riêng thì KTS cần làm việc trong văn phòng hoặc cơ sở hành nghề có đăng ký và chứng chỉ hoặc buộc phải thuê KTS có chứng chỉ để đứng tên dự án với những công trình yêu cầu giấy phép xây dựng. Tuy mỗi tiểu ban quy định đặc thù riêng nhưng nhìn chung về mặt hành nghề thì giống nhau.

Có 4 cơ quan liên quan tới quản lý nghề KTS là :

  1. Chính quyền bang (State License Board) với nhiệm vụ cấp chứng chỉ hành nghề ;
  2. Hội đồng định danh kiến trúc quốc gia – NCARB ( National Council of Architectural Registration Boards) có chức năng quản lý các kỳ thi chứng chỉ hành nghề, các chương trình thực tập kiến trúc, giáo dục, đào tạo KTS, quản lý cơ sở dữ liệu KTS và đánh giá bằng cấp nước ngoài;
  3. Hiệp hội kiểm định chất lượng đào tạo kiến trúc – NAAB (National Architectural Accrediting Board) ;
  4. Hiệp hội KTS Hoa Kỳ – AIA (American Institute of Architects) với trách nhiệm là đại diện quyền lợi cho cộng đồng KTS tại Mỹ, soạn thảo các quy chuẩn, quy định hành nghề, hợp đồng mẫu, tổ chức các hội thảo hàng năm cho giới KTS, tổ chức đào tạo, định hướng cho sinh viên và KTS trẻ, quan hệ công chúng, nâng cao hình ảnh của giới KTS và trao giải thưởng cho doanh nghiệp, cá nhân có công trình hoặc hành nghề xuất sắc. (Theo dõi cụ thể hơn trong mô hình bên dưới).

Mô hình quản lý hành nghề KTS tại Mỹ. (Ảnh : tác giả cung cấp)

Để sở hữu chứng chỉ hành nghề KTS tại Mỹ thì chỉ cần có ít nhất 3 năm kinh nghiệm, có bằng cấp kiến trúc sư hoặc không, bằng nước ngoài cũng được chấp nhận nhưng sẽ phải qua hệ thống thẩm định. Có thư giới thiệu của 5 KTS và cuối cùng là trải qua bài thi lên tới 6 bài thi. Ứng viên có thể chọn thi một lần hoặc trải qua thi 6 lần, tới khi nào đỗ cả 6 kỳ thi thì sẽ được cấp một chứng chỉ (Certificate) và con dấu hành nghề. Con dấu này sẽ bao gồm tên KTS, số chứng chỉ hành nghề, khu vực được đăng ký hành nghề (ví dụ tiểu bang California) và được sử dụng trên tất cả các bản vẽ được phát hành chính thức, các tài liệu pháp lý, chịu trách nhiệm trước pháp luật với sản phẩm của mình. Những KTS đạt chứng chỉ hành nghề sẽ được phép mở văn phòng tư vấn với tư cách cá nhân hoặc kết hợp cổ phần.  

  • Mô hình ở Ý

Theo thống kê, có hơn 160.000 KTS hành nghề tại Ý và đây là quốc gia đầu tiên phê chuẩn đạo luật bảo hộ danh xưng KTS được phê chuẩn vào năm 1923. Chỉ có KTS đã đăng ký chứng chỉ hành nghề tại Hiệp hội Kiến trúc Ý (Consiglio Nazionale Architetti Pianificatori Paesaggisti e Conservatori – CNAPPC) mới được phép mang danh xưng này, người không có chứng chỉ hành nghề chỉ được gọi là cử nhân Kiến trúc hoặc Kỹ sư không được bảo hộ. Không như Mỹ, có tới 4 cơ quan quản lý phối hợp thì tại Ý cũng như phần lớn các nước châu Âu, thì Hội KTS là tổ chức công tối cao, duy nhất có thẩm quyền cấp phép hành nghề cho KTS, hoạt động dưới hình thức tự quản lý dưới sự hướng dẫn của Bộ Tư Pháp. Ngoài ra còn có nhiệm vụ hướng dẫn cho các KTS hành nghề theo khuôn khổ và đạo đức nghề nghiệp.

Điều kiện đăng ký phải có bằng đại học hoặc Thạc sĩ Kiến trúc, ít nhất 2 năm kinh nghiệm thiết kế – thi công trên công trường, tùy theo yêu cầu cụ thể từng bang hoặc vùng. Tiếp theo, ứng viên phải vượt qua một kỳ thi quốc gia bao gồm 3 bài thi viết/ thiết kế đồ họa và một bài thi vấn đáp với các câu hỏi về kiến thức chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.

Mô hình quản lý hành nghề KTS tại Ý.( Ảnh : tác giả cung cấp)

Xếp hạng KTS tại Ý được chia làm 2 nhóm A và B :

Nhóm A : Chứng chỉ dành cho KTS có bằng Thạc sĩ – Laurea Magistrale và chia làm nhiều loại như : KTS, KTS cảnh quan, KTS bảo tồn di sản chứ không phân cấp công trình như ở Việt Nam.

Nhóm B: Sinh viên tốt nghiệp với bằng Đại học (Laurea Triennale) cũng có quyền ghi danh nhưng chỉ được xếp vào nhóm B – Architetto Junior (KTS cơ sở), và chỉ được hành nghề độc lập trong một phạm vi giới hạn như các công trình dân dụng quy mô nhỏ và đơn giản. Nếu muốn tham gia vào các công trình quy mô lớn hơn thì cần phải làm việc theo hình thức Cộng tác viên hoặc trong các văn phòng, xưởng thiết kế của nhóm KTS loại A.

Kiến trúc sư tại Ý sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề, sẽ có con dấu riêng để đóng vào các bản vẽ mang tính pháp lý. (Ảnh : internet )
  • Mô hình ở Anh

Hành nghề Kiến trúc sư tại Vương quốc Anh bị hạn chế nhiều hơn bởi pháp luật. Đối với những người muốn có danh hiệu KTS thì phải đăng ký tại Ban đăng ký Kiến trúc sư – ARB (Architects Registration Board); đây là cơ quan nắm quyền quy định trình độ KTS, quản lý sổ tay KTS, ban hành bộ quy tắc ứng xử, năng lực chuyên môn và áp dụng các biện pháp trừng phạt nếu phát hiện hành vi chuyên nghiệp không được chấp nhận hoặc không đủ năng lực chuyên môn đối với một KTS. Cơ quan điều hành này bắt đầu hoạt động từ năm 1931 dưới đạo luật KTS.

Mô hình quản lý hành nghề KTS tại vương quốc Anh. (Ảnh : tác giả cung cấp)

Để được đăng ký hành nghề KTS thường mất 7 năm để có được bằng cấp và kinh nghiệm cần thiết. Những người muốn đăng ký trước tiên phải có bằng tốt nghiệp một trường đại học đào tạo kiến trúc. Sau đó ứng viên sẽ phải qua ba giai đoạn do Viện Kiến trúc sư Hoàng gia Anh – Royal Institute of British Architects (RIBA) quản lý :

Giai đoạn I : Hoàn thành bằng cấp đại học về kiến trúc, thường là 3 hoặc 4 năm. Sau đó, ứng viên phải có khoảng thời gian tối thiểu là 12 tháng thực tập tại một văn phòng kiến trúc được công nhận.

Giai đoạn II: Ứng viên đã hoàn thành khóa học Thạc sĩ (thường là 1-2 năm).

Giai đoạn III : Ứng viên phải trải qua một khoảng thời gian ít nhất 12 tháng thực tập trong một văn phòng kiến trúc trước khi được phép tham dự kỳ thi hết sức nghiêm ngặt của RIBA để trở thành một KTS chính thức.

Trước khi được tham dự kỳ thi, ứng viên phải trải qua một khóa học trực tuyến đánh giá năng lực như một kiến ​​trúc sư. Ngoài làm bài thi kiểm tra trong 3 ngày, ứng viên còn phải nộp CV, Hồ sơ Phát triển & Kinh nghiệm chuyên nghiệp – Professional Experience & Development Record (PEDR), phỏng vấn online. Hội đồng sẽ thẩm định trình độ học vấn cũng như kinh nghiệm làm việc của ứng viên.

Cuối cùng, ứng viên sẽ nhận được một chứng chỉ KTS gọi là Chứng chỉ nâng cao cho việc thực hành chuyên nghiệp về kiến trúc Advanced Diploma in Professional Practice in Architecture (ADPPA) được cấp bởi RIBA và có quyền lợi được hành nghề KTS chính thức tại UK cũng như trên toàn EU.

Để trở thành KTS tại Vương quốc Anh là con đường không hề dễ dàng. (Ảnh : internet)

Kết luận

Luật Kiến trúc được áp dụng vào tháng 7/2020 tới đây sẽ là một bước tiến trong cơ chế quản lý hành nghề KTS tại Việt Nam. KTS là một nghề dịch vụ nhưng sản phẩm của nó là bộ mặt của đô thị và có ảnh hưởng tới đời sống tinh thần của cá nhân, tổ chức, cộng đồng, xã hội. Vì thế cơ chế quản lý cũng cần phải đặc biệt, chặt chẽ và linh hoạt. Cá nhân, tổ chức có nhu cầu hành nghề đều cần phải có điều kiện chuyên môn, đào tạo bài bản và thời gian thực hành nhất định mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Nếu nghề Y có Lời thề Hippocrates (Hippocratic Oath) thì thiết nghĩ, nghề KTS cũng cần tuân thủ đạo đức nghề nghiệp cũng như trau dồi, phát triển nâng cao trình độ, cập nhập các kiến thức mới định kỳ trong nước và quốc tế. Hy vọng trong tương lai không xa, sẽ có thêm nhiều quy định, tổ chức cơ cấu quản lý được đồng nhất, rõ ràng và đơn giản để tạo điều kiện cho giới KTS được hành nghề tốt hơn.

Ths. KTS. Nguyễn Ngọc Quỳnh – Tốt nghiệp Thạc sĩ Kiến trúc sư
Khóa học Built Environment Interior tại trường Polytechnic of Milan
Theo Kiến Việt


Nguồn tham khảo :

  1. “Thực hành nghề Kiến trúc trên đất nước Italy” TS. KTS. Nguyễn Quang Đạt – ĐH Bách khoa Milan / Politecnico di Milano bài đăng tháng 11/2018.
  2. Diễn đàn: Luật kiến trúc với vấn đề hành nghề của KTS – Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04/2019.
  3. “Hành nghề và tổ chức văn phòng kiến trúc ở Hoa Kỳ” – talkshow KTS. Nguyễn Nhật Huy AIA, văn phòng Gresham Smith, Nashville, TN. 23/05/2020.
  4. “Những yêu cầu chuyên môn cho kiến trúc sư” ( Truy cập ngày 27/05/2020)
    https://en.wikipedia.org/wiki/Professional_requirements_for_architects
  5. Luật Kiến Trúc 2019 ( Truy cập ngày 27/05/2020)
    http://vbpl.vn/boxaydung/Pages/vbpq-van-ban-goc.aspx?ItemID=136039
  6. 3 Steps to Become an Architect in the UK ( Truy cập ngày 28/05/2020) http://www.studentworldonline.com/article/3-steps-to-become-an-architect-in-the-uk/462/
  7. ​Pathways to qualify as an architect ( Truy cập ngày 28/05/2020)
    https://www.architecture.com/education-cpd-and-careers/how-to-become-an-architect

Bình luận chủ đề

0 Bình luận

Bài viết liên quan

    Nơi làm việc hay ngôi nhà thứ hai?

    Nơi làm việc hay ngôi nhà thứ hai?

    13/02/24 25 0

    Văn phòng 4DH2 Design, nơi kiến trúc gặp gỡ nghệ thuật và cảm xúc, mang đến một không gian làm việc độc đáo và đầy cảm hứng. Tại đây, sự...

    Bản hoan ca của đời sống

    Bản hoan ca của đời sống

    13/02/24 26 0

    Trước hết, căn nhà là một công trình cải tạo tương đối phức tạp với diện tích 600m2 khá lớn, và cũng vì việc thay đổi khá nhiều những không gian...

CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ

    Bản hoan ca của đời sống

    Bản hoan ca của đời sống

    13/02/24 26 0

    Trước hết, căn nhà là một công trình cải tạo tương đối phức tạp với diện tích 600m2 khá...

    Văn phòng FPT telecom

    Văn phòng FPT telecom

    13/02/24 33 0

    FPT Telecom là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và internet hàng đầu tại Việt Nam trên...

    Nhà mới với vật liệu cũ

    Nhà mới với vật liệu cũ

    13/02/24 24 0

    Trước một căn nhà nhỏ tường xây gạch mộc, mái tranh, một người bạn của tôi kể về...

    NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

    NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

    20/11/23 51 0

    Mỗi ngôi nhà được xây dựng đều là một câu chuyện của kiến trúc sư, nhà thiết kế...
Update data ...