Diễn đàn

Cuộc thi sáng tác biểu trưng Quận Long Biên: “Long Biên Hội tụ – Khởi sắc và tương lai”

Đánh giá: (Tốt) (Báo cáo) - Người đăng: Admin_03 (Đạt)

Với Tọa đàm: “Long Biên Hội tụ – Khởi sắc và tương lai” diễn ra trong buổi Lễ phát động Cuộc thi sáng tác biểu trưng quận Long Biên ngày 24/5/2023 vưà qua, các đại biểu tham dự đã có dịp được lắng nghe những chia sẻ thú vị từ các nhà văn hóa, lịch sử, mỹ thuật, các chuyên gia thiết kế trong lĩnh vực đồ hoạ. Câu chuyện lịch sử, văn hóa và sự hình thành vùng đất Long Biên đã mang đến nhiều gợi mở cho các nhà thiết kế quan tâm đến cuộc thi. Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc nội dung cuộc trò chuyện thú vị giữa KTS – Nhà văn Nguyễn Trương Quý với Nhà sử học Dương Trung Quốc, Ông Nguyễn Mạnh Hà (Chủ tịch UBND quận Long Biên và Ông Vũ Xuân Hạnh – Founder tA Creative, thành viên Ban Giám khảo cuộc thi.

Ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch UBND quận Long Biên, Nhà sử học Dương Trung Quốc, Nhà văn Nguyễn Trương Quý, Ông Vũ Xuân Hạnh – Founder tA Creative (theo thứ tự từ trái sang phải)

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Quận Long Biên được thành lập ngày 6/11/2003, sắp tròn 20 năm, thuộc hàng đơn vị cấp quận trẻ nhất của Hà Nội, song địa danh Long Biên lại là một cái tên cổ, gợi lại một lịch sử hai thiên niên kỷ của người Việt. Vậy xin nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết những dữ kiện lịch sử đó gợi ý gì cho một xu hướng thiết kế nhận diện thương hiệu và cụ thể hơn là biểu trưng của quận Long Biên hiện đại không?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Trước hết, tôi muốn gợi lại một số cảm xúc của mọi người với quận Long Biên, với tư cách là một người đã có nhiều gắn bó với địa danh này. Gia đình tôi sống ở phố Hàng Đường đã nhiều năm, nhưng tôi lại có cả tuổi thơ gắn bó với Long Biên, cũng như chứng kiến sự thay đổi của Quận. Về vị thế, quận Long Biên dù mới thành lập được gần 20 năm nay nhưng tôi nhớ đến một câu chuyện gần 50 năm nay, liên quan đến một vị tướng Pháp. Ông từng chia sẻ rằng: Ông đã đứng trên cầu Long Biên quan sát Hà Nội và hơi băn khoăn: Mặc dù Hà Nội rất đẹp với tên gọi TP trong sông, nhưng tại sao nó lại quay lưng lại với dòng sông? Hà Nội thời đó chủ yếu phát triển bên bờ Nam, suốt dọc con đường ven sông Hồng hồi đó còn chưa có đê. Sau năm 1962 được làm đê, người ta quên mất Hà Nội nằm bên bờ sông. Tôi nhắc tới điều đó để thấy rằng, ở thời đại của chúng ta, cùng với sự phát triển của Long Biên, chính chúng ta đang hoàn thiện lại Hà Nội, bù đắp lại sự khiếm khuyết của nghìn năm. Mốc 20 năm kể từ khi thành lập tới nay, với sức sống của Long Biên đã cho chúng ta thấy, chúng ta đang đi đúng đường, hoàn thiện những gì tổ tiên chưa làm được. Và chính vì thế, chúng tôi nhận thấy Long Biên chính là “mặt tiền” của Hà Nội, xứng đáng trở thành khu vực trung tâm không khác gì khu phố cổ, khu phố cũ mà chúng ta kế thừa từ thời Thăng Long. Tôi mong rằng điều đó sẽ đem đến cảm hứng cho các bạn – Khi thiết kế biểu trưng quận Long Biên, các bạn có thể nhận diện ra nội hàm đó, nhìn rõ vị thế lịch sử và sứ mạng của Long Biên là góp phần hoàn thiện một thành phố. Và cuối cùng, đương nhiên khi nói về một logo, một biểu trưng, chúng ta phải nói về ngôn ngữ, địa danh. Ngôn ngữ được sử dụng khi nhắc đến điều này có ý nghĩa rộng lớn hơn rất nhiều. Cũng như Gia Lâm, Long Biên kế thừa giai đoạn này. Chính vì vậy, khi nhắc đến Long Biên, không thể không nhắc đến cây cầu. Chữ Long Biên mang giá trị hoàn toàn mới, nhưng nó cũng kế thừa truyền thống xa xưa.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Chúng ta sẽ có những suy nghĩ khác nhau về Sông Hồng và những ký ức gắn với Sông Hồng. Trong tâm thức của người dân Hà Nội nói chung và Long Biên nói riêng, Hà Nội đã có từ rất lâu rồi. Vì vậy tôi muốn nghe thêm một chia sẻ nữa từ một nhà sử học khác. Xin mời GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, một khách mời quan trọng của cuộc toạ đàm hôm nay.

GS. TS Nguyễn Quang Ngọc – Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội: Lịch sử văn hóa Việt Nam là điều tôi rất tâm đắc. Và tôi cũng đồng tình với ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc: Long Biên là mặt tiền của Hà Nội. Đây vừa là cửa ngõ, vừa là trung tâm của Hà Nội. Sông Hồng là trục chủ đạo của toàn bộ tiến trình phát triển Thăng Long – Hà Nội. Trước đây chúng ta đi lại trên sông và sông mới là đầu mối giao thương. Nhìn về phía hình thái, Hà Nội có vẻ nghiêng về phía bên kia sông, nhưng thực tế hoạt động ở bên này sông cũng rất mạnh. Long Biên có vị thế đặc biệt hơn nhiều vị thế khác vì được bao trọn bởi dòng sông Hồng và dòng sông Đuống. Con người chủ yếu hoạt động trên sông, nên đây phải là trung tâm của mọi hoạt động trong đô thị. Trước đây, nhiều kỳ công của tổ tiên gần như gắn với dòng sông và 2 bên bờ sông. Tôi rất hoan nghênh chủ trương của TP. Sau thời gian chúng ta bỏ quên sông Hồng, thì bây giờ chúng ta đã có chủ trương rất lớn – Đưa sông Hồng trở thành trục trung tâm của Hà Nội – Đô thị Văn minh – Văn hiến. Như vậy, Long Biên đã trở thành trung tâm của vùng đất, đầu mối của mọi sự phát triển. Tôi cũng cho rằng, biểu hiện cao nhất là chúng ta đang quay trở lại trục trung tâm, và Long Biên là biểu hiện sáng giá nhất của Hà Nội chúng ta. Ở đây, nếu như con số 20 năm có ý nghĩa về 20 năm thành lập Quận, nhưng Long Biên đã có lịch sử hàng nghìn năm. Tôi tin rằng Long Biên đang hội được những điều kiện để đi đầu trong phát triển thủ đô văn hiến.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Cảm ơn những chia sẻ của Ông. Về phía nhà chuyên môn trong lĩnh vực nhận diện thương hiệu, xin hỏi ông Vũ Xuân Hạnh, ông có đánh giá thế nào về xu hướng tạo hình ảnh, hoặc mô tả cụ thể từ một hình thái, ví dụ cầu Long Biên hay sông Hồng, hoặc thể hiện bằng những đường nét mang tính trừu tượng?

Ông Vũ Xuân Hạnh – Founder tA Creative: Bất kỳ ai khi nhắc đến Long Biên cũng đều nghĩ đến một biểu tượng, đó là cầu Long Biên. Đó vừa là thách thức, nhưng cũng là lợi thế để tạo ra một biểu trưng cho Quận Long Biên. Lợi thế ở đây là đâu đó, chúng ta đã tận dụng được hình ảnh đã ghi dấu ấn trong lòng nhân dân, giúp mọi người nhận diện ra quận Long Biên ngay khi nhìn thấy nó. Tuy nhiên, cầu Long Biên và Sông Hồng mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa nhiều hơn. Vậy nên ở đây, câu hỏi đặt ra là: Chúng ta muốn người dân nhìn theo chiều hướng nào: Về lịch sử, văn hóa hay xây dựng biểu tượng đổi mới, phát triển sáng tạo bùng nổ? – Chúng ta hoàn toàn có thể có một biểu trưng theo hướng đổi mới trong hình tượng cầu Long Biên, theo một tinh thần của Long Biên. Giống như hình ảnh biểu tượng Paris vừa rồi, họ vẫn gợi ra hình ảnh của Paris nhưng cũng đồng thời sử dụng được những hiệu ứng về hình ảnh. Ngôn ngữ logo sẽ gợi một phần nào đó, mang tính chất biểu tượng nhận diện mới nhất. Ngoài ra, việc chúng ta sử dụng những yếu tối graphic cũng góp phần tạo nên logo. Một logo không cần tập trung quá nhiều thông thin mà chỉ cần mang được tính biểu trưng, gợi mở, còn lại chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng ngôn ngữ đồ họa kèm theo những biểu tượng rời rạc, cách kể chuyện tốt hơn. Ví dụ logo mang yếu tố Long Biên sẽ là một thành phố ven sông chẳng hạn, gợi mở yếu tố về vị trí. Đó là một số gợi ý của tôi và qua chia sẻ của hai nhà sử học, chúng ta thấy rằng có thể sử dụng được nhiều yếu tố, không chỉ thuộc chuyên môn ở đây.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Thực ra, sau khi ông và hai nhà sử học chia sẻ, tôi lại nghĩ đến cây cầu gần đây rất thu hút sự chú ý của dư luận, và nó được vắt sang trung tâm quận Long Biên, đó là cầu Trần Hưng Đạo. Từ dư luận, đến các nhà chuyên môn đều đặt vào nó hy vọng sẽ trở thành một biểu trưng cho thời đại phát triển mới của Hà Nội. Ngoài ra, chúng ta có ví dụ về quốc huy của nước Úc với hình ảnh là con chuột túi và con chim Kiwi. Có thể nói quốc huy này rất chi tiết, với các hình ảnh cụ thể. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, khi chúng ta thiết kế biểu trưng quận Long Biên, chúng ta hãy thoải mái hơn và đừng quá đặt nặng vào một chi tiết cụ thể, hay một ngôn ngữ cụ thể nào đó. Ở đây tôi muốn hỏi ý kiến Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND quận Long Biên: Quận Long Biên có diện tích rộng bằng vài quận trong khu vực nội thành cũ, bao chứa đa dạng hình thái gồm các di tích cổ, các công trình kiến trúc từ thời Pháp thuộc đến các cơ sở công nghiệp thời kỳ xây dựng XHCN và các khu CN hiện đại, các làng xóm gốc nông nghiệp và các khu đô thị mới. Từ phía đơn vị đặt hàng, ông thiên về một biểu trưng thể hiện được đầy đủ các thành tố đó hay một nét đại diện mà thôi?

Ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch UBND quận Long Biên: Qua phần ý kiến của chuyên gia và hai nhà sử học, đứng từ phía đơn vị đặt hàng, rõ ràng điều chúng tôi muốn hướng đến cũng đồng thời được thể hiện ở tên của Tọa đàm này: “Long Biên Hội tụ – Khởi sắc và tương lai”. Chúng tôi không đặt tên là lịch sử hay 20 năm phát triển quận Long Biên, cũng như tương lai phát triển mà điều chúng tôi hướng đến là Hội tụ. Để làm được điều đó, chúng ta có thể lắng nghe các ý kiến từ các chuyên gia, nhà văn hóa, lịch sử. Như cá nhân tôi, khi chúng ta nhìn về cầu Long Biên, tôi có một thắc mắc là tại sao chúng ta không lấy tên khác mà lại lấy một cái tên gắn với đúng địa danh của nó. Chúng ta cũng cần tìm hiểu xem cái tên Long Biên có nghĩa là gì. Ngoài ra, tôi nghĩ rằng khi Long Biên lựa chọn được một biểu trưng, thì chúng ta làm sao phải thể hiện được thực tế: Long Biên là một vùng đất đáng sống.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Đó thực sự là một gợi mở cho các nhà thiết kế. Vậy thưa ông Dương Trung Quốc, chúng ta vẫn thường nhắc đến Long Biên như một phần của Hà Nội. Long Biên gắn liền với nhiều địa danh khác nhau. Theo ông, biểu trưng có nhất thiết phải chứa một yếu tố quen thuộc của Hà Nội không?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Mục tiêu của Tọa đàm lần này là gợi ra những cảm xúc cho các tác giả. Nhưng với vị trí là một công dân, tôi cam đoan chắc chắn sẽ có nhiều phương án sử dụng hình ảnh biểu trưng cầu Long Biên. Vì nó không chỉ là một địa danh mà là một sự liên kết giữa hai bờ, một bước chuyển của xã hội chúng ta. Cầu Long Biên là sự kết nối, hội tụ. Long Biên là một dấu mốc đánh dấu sự phát triển của Hà Nội về phía Bắc sông Hồng, cho nên đây là một cách rất hiện đại và chúng ta cố gắng làm sao cho nó mới mẻ.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Vâng, cảm ơn chia sẻ của ông. Tôi xin hỏi ông Vũ Xuân Hạnh, ông có ý kiến gì về việc cân bằng giữa các yếu tố kiến trúc, văn hóa, lịch sử, đồ họa khi thiết kế logo?

Ông Vũ Xuân Hạnh – Founder tA Creative: Trước tiên, việc biểu trưng có mang yếu tố kiến trúc hay bất kỳ yếu tố nào khác không, thì chúng ta phải nhìn nhận được: Yếu tố đó có mang ý nghĩa nhận diện không, hay gợi mở điều gì cho người xem không. Có rất nhiều kiểu logo, như logo tả thực, chi tiết, hay logo mang tính tượng trưng. Ví dụ: Cầu Long Biên là một yếu tố mang tính biểu trưng tốt; hay yếu tố về sông Hồng mang ý nghĩa về địa lý, địa danh… Điều này sẽ thể hiện ở cách tiếp cận của tác giả. Chúng ta sẽ phải “gợi” và “tả” một yếu tố nào đó, để nhận diện ra Long Biên, đó cũng là thành công của biểu tượng. Biểu tượng quan trọng ở việc cô đọng hóa mọi thứ. Câu hỏi của anh Quý, theo tôi là chúng ta không nên loại trừ bất kỳ ý tưởng, yếu tố, lĩnh vực văn hóa nào trong một logo cả, miễn là nó mang tính tượng hình.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Xin hỏi một câu “làm khó” lãnh đạo quận LB: nếu kết quả cuộc thi có quá nhiều phương án xuất sắc, liệu quận có mở rộng khả năng sử dụng nhiều biểu trưng cùng lúc không? Một cuộc thi thành công không chỉ ở kết quả lựa chọn mà còn ở phương diện truyền thông khi gây được chú ý. Quận có chuẩn bị tinh thần đón nhận những tranh cãi trong lựa chọn phương án không?

Ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch UBND quận Long Biên: Thực ra, Quận Long Biên đang mong muốn lựa chọn ra được một sản phẩm tiêu biểu. Tuy nhiên, chúng ta có 2 vòng và tại vòng thi thứ 2, chúng ra sẽ lựa chọn ra các phương án tiêu biểu nhất. Nhưng quan điểm của quận Long Biên chúng tôi vẫn hướng đến việc chọn ra một sản phẩm để sử dụng. Đối với các tác phẩm tiêu biểu còn lại, chúng tôi vẫn ghi nhận và chúng tôi sẽ trình lên cấp cao nhận của Quận để lựa chọn, chỉnh sửa, hoàn thiện thêm. Có thể sẽ có nhiều phương án được cùng đưa ra để cân nhắc, nhưng chúng ta chỉ có thể sử dụng một biểu tượng, đây cũng là điều đương nhiên. Và có thể, chúng ta sẽ phải ghi nhận rất nhiều ý kiến khác nhau, chúng tôi, UBND quận Long Biên và nhân dân sẽ nhìn nhận lại những ý kiến đó.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Vâng, xin được cảm ơn những vị khách mời của chương trình và những đại biểu đã tham dự buổi toạ đàm thú vị này. Hy vọng, những chia sẻ của các nhà sử học và các chuyên gia sẽ là những gợi ý cho các bạn tham gia cuộc thi sáng tác biểu trưng cho quận Long Biên. Xin chúc cuộc thi thành công tốt đẹp và Long Biên sẽ lựa chọn được một biểu trưng văn hoá xứng đáng, góp phần khơi dậy niềm tự hào, phát huy truyền thống lịch sử, những giá trị văn hoá cốt lõi … đến với du khách trong và ngoài nước.

Theo Thụy An

Tạp chí Kiến trúc

Bình luận chủ đề

0 Bình luận

Bài viết liên quan

    Nơi làm việc hay ngôi nhà thứ hai?

    Nơi làm việc hay ngôi nhà thứ hai?

    13/02/24 23 0

    Văn phòng 4DH2 Design, nơi kiến trúc gặp gỡ nghệ thuật và cảm xúc, mang đến một không gian làm việc độc đáo và đầy cảm hứng. Tại đây, sự...

    Bản hoan ca của đời sống

    Bản hoan ca của đời sống

    13/02/24 25 0

    Trước hết, căn nhà là một công trình cải tạo tương đối phức tạp với diện tích 600m2 khá lớn, và cũng vì việc thay đổi khá nhiều những không gian...

CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ

    Bản hoan ca của đời sống

    Bản hoan ca của đời sống

    13/02/24 25 0

    Trước hết, căn nhà là một công trình cải tạo tương đối phức tạp với diện tích 600m2 khá...

    Văn phòng FPT telecom

    Văn phòng FPT telecom

    13/02/24 32 0

    FPT Telecom là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và internet hàng đầu tại Việt Nam trên...

    Nhà mới với vật liệu cũ

    Nhà mới với vật liệu cũ

    13/02/24 24 0

    Trước một căn nhà nhỏ tường xây gạch mộc, mái tranh, một người bạn của tôi kể về...

    NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

    NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

    20/11/23 51 0

    Mỗi ngôi nhà được xây dựng đều là một câu chuyện của kiến trúc sư, nhà thiết kế...
Update data ...