Khải Hoàn Môn (Pháp) độc lạ trong tấm áo mới

  • Thứ năm, 22:13 Ngày 23/09/2021   Lượt xem: 319
  • Tác phẩm sắp đặt tạm thời của nghệ sĩ Christo và Jeanne-Claude, L'Arc de Triomphe, Wrapped đã ra mắt công chúng vào ngày 18 tháng 9. Vậy nên từ nay đến ngày 3-10, du khách đến thủ đô Paris sẽ được chứng kiến Khải Hoàn Môn tỏa sáng trong chiếc áo mới được làm từ 25.000m2 vải phủ màu bạc ánh xanh thân thiện với môi trường.

    Khải Hoàn Môn (1)

    Nhân dịp Những ngày di sản châu Âu, tượng đài của Vinh quang và chiến thắng của nước Pháp, tọa lạc trên quảng trường Ngôi sao ở thủ đô Paris, đã chính thức ra mắt công chúng trong diện mạo mới, được bao bọc hoàn toàn bằng 25.000m2 vải bạc ánh xanh và được níu giữ bởi 3.000m dây thừng màu đỏ.

    Ước mơ "khoác áo nghệ thuật cho Khải Hoàn Môn" đã được cố nghệ sĩ sắp đặt Christo Vladimirov Javacheff ấp ủ hơn 60 năm, và chỉ trở thành hiện thực 1 năm sau khi nghệ sĩ đã qua đời.

    Khải Hoàn Môn (2)

    Đây là dự án mong đợi nhất và cũng là dự án cuối cùng của người nghệ sĩ Mỹ gốc Bulgaria, Christo, đã qua đời ở tuổi 84 vào tháng 5-2020

    Theo Bộ trưởng Văn hóa Pháp, Roselyne Bachelot-Narquin, "Khải Hoàn Môn được bọc kín là một món quà tuyệt vời cho người dân Paris, cho người Pháp, và xa hơn nữa, cho tất cả những ai yêu nghệ thuật đương đại".

    Trong khi đó, người dân thì thực sự cảm thấy ấn tượng và thích thú khi nhìn chiếc cổng vòm chiến thắng cổ xưa trở nên mới lạ, lộng lẫy và hiện đại trong chiếc áo choàng ánh kim xanh. Chỉ trong hai ngày 18 và 19-9, hàng nghìn người đã đổ xô đến nơi này để được chiêm ngưỡng di sản thế giới trong "chiếc áo nghệ thuật".

    Sau công trình khoác áo vải cho cầu Pont-Neuf bắc qua sông Seine của Paris vào năm 1985, và công trình mặc áo cho tòa nhà Reichtag ở Berlin năm 1995, thì nay đến lượt Khải Hoàn Môn được nghệ sĩ sắp đặt Christo khoác áo.

    Khải Hoàn Môn (3)

    Ý tưởng này đã nảy sinh từ cách đây 60 năm, khi nghệ sĩ ngắm nhìn đài tưởng niệm Khải Hoàn Môn từ căn hộ đầu tiên của ông ở Paris trên đại lộ Foch và ngay từ năm 1962, Christo và vợ Jeanne-Claude đã ký hợp đồng chụp ảnh với tượng đài được "đóng gói".

    Với chi phí 14 triệu euro, dự án hoàn toàn được tài trợ bằng tiền bán các tác phẩm nghệ thuật của ông. Với tấm áo mới, Khải Hoàn Môn "sẽ trở nên sống động hơn trong gió và phản chiếu lấp lánh dưới ánh sáng. Các nếp gấp sẽ di chuyển, bề mặt của tượng đài sẽ trở nên gợi cảm hơn".

    Khải Hoàn Môn (4)

     Dự án sẽ được trưng bày cho đến ngày 3 tháng 10 năm 2021

    Nghệ sĩ Christo giải thích như vậy khi trình bày dự án cuối cùng của mình, hai năm trước khi ông qua đời. Ông mong ước tác phẩm sẽ trở nên đại chúng, tất cả mọi người đều có thể tham quan và tác phẩm không mang bất kỳ thông điệp nào về chính trị hay xã hội.

    Sau 4 năm chuẩn bị và 2 lần trì hoãn, công trình đã chính thức được tiến hành từ tháng 7-2021. Với sự trợ giúp của hai chiếc cần cẩu hạng nặng và hàng chục công nhân, một hệ thống giàn giáo đã được dựng lên để bảo vệ Khải Hoàn Môn.

    Khải Hoàn Môn (7)

    Khải Hoàn Môn (6)

    Tấm vải phủ có diện tích 25.000m² được may tại một xí nghiệp ở thành phố Lübeck (Đức) và bằng chất liệu vải công nghiệp polypropylene màu bạc ánh xanh có thể tái chế được hoàn toàn. Tấm vải chỉ được mang đến và phủ lên đài tưởng niệm trước 5 ngày.

    Tác phẩm nghệ thuật có vẻ đẹp phù du, hiện đại và lịch lãm này sẽ chỉ tồn tại trong 15 ngày và sau đó sẽ được cắt nhỏ để tặng khách tham quan. Du khách có thể đến chiêm ngưỡng và đánh giá cao tác phẩm nghệ thuật đương đại trong không gian công cộng của quảng trường Ngôi sao từ nay đến 3-10.

    Theo Tuổi Trẻ

    0 Bình luận
    Update data ...