Diễn đàn

Kiến trúc sư Chánh Phương: Muốn có sản phẩm thì phải có con người toàn cầu

Đánh giá: (Tốt) (Báo cáo) - Người đăng: Admin_03 (Đạt)

Hoạt động trong lĩnh vực nội thất hơn 25 năm và giữ vai trò quan trọng tại các tập đoàn, công ty lớn, kiến trúc sư Nguyễn Chánh Phương có sự quan sát thấu đáo và đưa ra những nhận định sâu sắc về quá trình phát triển của sản phẩm nội thất tại Việt Nam vài thập kỷ qua.

Theo kiến trúc sư Chánh Phương, nhìn vào sự chuyển mình của sản phẩm nội thất nghĩa là nhìn vào dòng chảy của kinh tế, văn hóa và đời sống xã hội. Nội thất là thứ đến sau, khi mà con người đã có đủ điều kiện về tài chính (để mua sắm) và hiểu biết (để lựa chọn và sử dụng đúng).

ĐỦ, ĐÚNG, ĐẸP

Trước kia, có một khoảng thời gian chúng ta không có đủ đồ nội thất để dùng, đặc biệt là khu vực nông thôn. Các sản phẩm lúc bấy giờ rất đơn giản và được sử dụng đa mục đích, cho mọi thành viên trong gia đình. Cả nhà có thể cùng ăn cơm trên một bộ bàn ghế gỗ, đó đồng thời cũng là nơi để tiếp khách, làm việc; bố mẹ, con cái dùng chung một tủ quần áo, ngủ chung một chiếc giường. Điều kiện kinh tế khó khăn cũng dẫn theo văn hóa thấp, đôi khi, đồ nội thất không được sử dụng đúng với không gian và mục đích.

kien truc su noi that sofa sang trong nha xinh

Phòng khách theo phong cách Modern Luxury với các sản phẩm Nhà Xinh.

kien truc su noi that sofa sang trong nha xinh

Phòng khách thoải mái và trẻ trung với cách “chơi” giữa những gam màu tương phản.

Theo thời gian, kinh tế và văn hóa phát triển, chúng ta có thể mua nhiều đồ hơn và dần sử dụng đúng cách hơn. Việc con người ngày càng sở hữu nhiều vật chất cũng đòi hỏi các sản phẩm lưu trữ được sản xuất đa dạng. Từ một chiếc tủ dùng chung, giờ đây, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy vô số loại tủ, phục vụ cho đủ loại nhu cầu, đối tượng, sở thích khác nhau…

Kiến trúc sư Chánh Phương nói thêm, khi đã đủ và đúng, đến một lúc nào đó, người dùng bắt đầu quan tâm đến sự đẹp. Họ tìm kiếm những sản phẩm có tính thẩm mỹ, thiết kế tốt và phản ánh được cá tính, phong cách sống của gia đình mình. Sản phẩm nội thất lúc này không chỉ là đồ dùng sinh hoạt hằng ngày mà còn là sản phẩm đầu tư cho niềm vui, nhu cầu giải trí và thiết lập cảm giác cho không gian sống.

Ngay cả sự xuất hiện của các vật liệu mới cũng cho thấy nhu cầu thường thức của con người đã có sự thay đổi. Nếu trước kia, một chiếc tủ chỉ làm hoàn toàn từ nhôm, sắt hoặc gỗ thì ngày nay, không khó để tìm thấy một chiếc tủ có chân bằng sắt, mặt bằng gỗ, tay nắm bằng da… Khi khả năng giao thương và hợp tác diễn ra dễ dàng hơn, cùng với sự phát triển của một tầng lớp thị dân có kiến thức, trải nghiệm và khả năng thẩm mỹ cao, các món đồ đa chất liệu và có thiết kế táo bạo sẽ xuất hiện như một lẽ tất yếu.

kien truc su do noi that eponji

Ghế gỗ thuộc BST Kiko của Éponji.

KTS Chánh Phương 4

Ghế thư giãn Kiko của Éponji, được làm từ gỗ dẻ gai với phần nệm ngồi bọc vải polyester tái chế 100%.

KTS Chánh Phương 5

Ghế thư giãn thuộc BST Nemal của Éponji. Nemal là từ viết tắt của “New Normal”, khai thác các vật liệu bền vững và vải tái chế.

NHỮNG NGẢ ĐƯỜNG PHÂN HOÁ

Cùng với kinh tế phát triển, quá trình chuyển mình của đô thị và sự phân hóa không gian sống cũng dẫn đến nhiều đổi thay trong thiết kế sản phẩm nội thất. Ngày xưa người ít, nhà rộng, các gia đình nhiều thế hệ sống chung với nhau. Sau này, khi quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, các gia đình được chia nhỏ và hình thành đời sống riêng tại các không gian hẹp hơn, riêng tư hơn. Những căn nhà thấp tầng ba gian trở thành nhà lầu, rồi từ nhà phố trở thành chung cư. Sự phân hóa cũng diễn ra trong chính không gian gia đình, khi mỗi người đều có phòng riêng, bàn làm việc của bố mẹ sẽ khác bàn học của con, giường của người lớn sẽ khác với giường của trẻ nhỏ. Việc chia tách không gian sống và nhu cầu tiện nghi dẫn đến các sản phẩm nội thất được đa dạng hóa theo độ tuổi, nhu cầu, sở thích, diện tích nhà ở, phong cách thiết kế và thậm chí là giá cả.

Bàn về sự thay đổi của phong cách thiết kế sản phẩm nội thất, kiến trúc sư Chánh Phương cho rằng, sản phẩm nội thất tại Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng từ nước ngoài, được phân chia theo lịch sử và khu vực địa lý. Trước kia, khi còn là một đất nước thuần nông, đồ nội thất chủ yếu mang “phong cách nông thôn” với những bộ bàn ghế to, những chiếc phản hay trường kỷ lớn bằng gỗ hoặc bàn thờ đồ sộ. Rồi khi nông thôn được đô thị hóa và con người trở nên giàu có hơn, đồ nội thất cũng rẽ sang hai lối. Nếu người miền Nam chuộng sản phẩm mang âm hưởng phương Tây với thiết kế hiện đại, gọn gàng thì người miền Bắc vẫn thích các sản phẩm mang tinh thần Á Đông nhiều hơn. Điều này cũng không quá khó để lý giải, bởi kiến trúc và nội thất miền Nam vốn chịu nhiều ảnh hưởng của Pháp, Mỹ, Thái Lan, Singapore trong khi miền Bắc lại gần gũi với thị trường Trung Quốc, Quảng Châu, Hồng Kông, Đài Loan…

ĐẦU TƯ CHO THẾ HỆ TƯƠNG LAI

Tuy đã có thời gian dài phân hóa và phát triển, ngành thiết kế sản phẩm nội thất tại Việt Nam vẫn chưa định hình được phong cách riêng. Theo kiến trúc sư Chánh Phương, người Việt có khả năng làm rất tốt khâu kỹ thuật, sản xuất và thiết kế, nhưng để định hình phong cách, thiết lập cảm xúc và xây dựng khả năng nhận diện thì chúng ta vẫn chưa làm được. “Để có một sản phẩm toàn cầu thì phải có con người toàn cầu”, anh nhận định. Việc xuất hiện nhiều không gian văn hóa, sân chơi nghệ thuật là một tín hiệu tốt, nhưng vẫn đang chủ yếu nuôi dưỡng đời sống sáng tạo của người làm nghề là chính chứ chưa thực sự tiếp cận được số đông. “Văn hóa là thứ rất khó xây dựng trong thời gian ngắn nếu không có chiến lược. Để nuôi dưỡng một thế hệ sáng tạo không chỉ giỏi kỹ năng mà còn giàu cảm xúc và định hình được cốt lõi văn hóa, gia đình và quốc gia cần tạo điều kiện, đầu tư cho các bạn khám phá sở thích từ nhỏ và đi học từ sớm, bước ra bên ngoài để khám phá thế giới, để hiểu được thế giới và hiểu được bản thân mình”, anh chia sẻ.

Ngoài ra, luật pháp cũng phải được xây dựng để bảo vệ giá trị sáng tạo thì mới giúp người dùng nâng cao nhận thức. Ở châu Âu, bất cứ món đồ nội thất nào mua ở IKEA cũng có nhãn truy xuất nguồn gốc, ngay cả tầng lớp bình dân nhất cũng đã yêu cầu chuyện đó. Vậy nên, muốn ngành sản xuất đồ nội thất phát triển thì phải bắt đầu từ việc phát triển văn hóa và hiểu biết của người dân.

Theo quan sát của kiến trúc sư Chánh Phương, độ tuổi sở hữu đồ nội thất đang dần trẻ hóa. Chính vì vậy, anh cũng đang ấp ủ kế hoạch xây dựng một thương hiệu hướng tới nhóm thị dân trẻ, đặc biệt là các bạn Gen Z. Nhóm đối tượng này chưa có khả năng quyết định việc mua đồ nội thất, tuy nhiên, họ là nhóm khách hàng có gu, có cá tính riêng và cần dấu ấn độc đáo trong các lựa chọn của riêng mình. Chính lựa chọn của nhóm khách hàng này sẽ là yếu tố quyết định tương lai của ngành thiết kế nội thất tại Việt Nam.

Q&A CÙNG KIẾN TRÚC SƯ CHÁNH PHƯƠNG

Công trình ấn tượng nhất tại Việt Nam trong thập kỷ qua?

Đó là Gem Center. Ở thời điểm 2014-1015, Gem Center có thể nói là công trình phản ánh sự thay đổi về nhu cầu thẩm mỹ và đời sống văn hóa – thường thức của người Việt. Nếu như trước đó, các trung tâm hội nghị vẫn mang dáng dấp của các hội trường cứng nhắc và khuôn mẫu thì sự xuất hiện của Gem Center đã tái định nghĩa không gian sự kiện – một nơi có kiến trúc ấn tượng với nội thất sang trọng, đầy đủ tiện nghi và công năng đa dạng. Đặc biệt, nó còn là một công trình do người Việt thiết kế và xây dựng.

Một góc Gem Center

Một góc Gem Center.

Thiết kế sản phẩm nội thất ấn tượng nhất?

Có một sản phẩm khá cá biệt là chiếc ghế bằng giấy bồi của Atelier Saigon do điêu khắc gia Trần Thiện Nhứt thực hiện. Tôi rất ấn tượng vì chiếc ghế này được làm từ giấy carton tái chế nhưng thoạt nhìn lại tưởng như được làm bằng đá. Vì được phủ sơn mài nên nó mang nét thẩm mỹ rất đặc trưng và sáng tạo, vừa là một tác phẩm điêu khắc, vừa có tính công năng cao.

Ghế giấy tái chế của Atelier Saigon

Một chiếc ghế có kiểu dáng độc đáo được làm từ giấy tái chế của Atelier Saigon.

NTK sản phẩm nội thất tiêu biểu tại Việt Nam đối với anh là gì?

Tôi thích Nguyễn Đình Hòa của thương hiệu LAITA Deign và Vũ Hoàng Anh. Cả hai đều là các NTK trẻ và có tư duy thiết kế rất tốt.

BST Mây của LAITA Design

BST Mây của LAITA Design.

kien truc su Chánh Phương 6

KIẾN TRÚC SƯ NGUYỄN CHÁNH PHƯƠNG

– Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA)
– Phó Tổng giám đốc AA Corporation – nhà thầu thi công và sản xuất đồ gỗ nội thất thành lập năm 1993, hiện là tập đoàn toàn cầu có 13 công ty con hoạt động tại 7 quốc gia, xuất khẩu sản phẩm nội thất đến 40 quốc gia trên toàn thế giới.
– Phó chủ tịch Công ty cổ phần nội thất AKA – một thành viên của tập đoàn AA, hiện đang sở hữu độc quyền trên 30 thương hiệu nội thất nổi tiếng trong và ngoài nước như Nhà Xinh, BoConcept, Calligaris, Bellavita Luxury, Lago, Baxter, Ligne Roset…

Hình ảnh: NVCC

Theo Đoàn Trúc

Elle Decoration

Bình luận chủ đề

0 Bình luận

Bài viết liên quan

    Nơi làm việc hay ngôi nhà thứ hai?

    Nơi làm việc hay ngôi nhà thứ hai?

    13/02/24 22 0

    Văn phòng 4DH2 Design, nơi kiến trúc gặp gỡ nghệ thuật và cảm xúc, mang đến một không gian làm việc độc đáo và đầy cảm hứng. Tại đây, sự...

CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ

    Bản hoan ca của đời sống

    Bản hoan ca của đời sống

    13/02/24 24 0

    Trước hết, căn nhà là một công trình cải tạo tương đối phức tạp với diện tích 600m2 khá...

    Văn phòng FPT telecom

    Văn phòng FPT telecom

    13/02/24 31 0

    FPT Telecom là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và internet hàng đầu tại Việt Nam trên...

    Nhà mới với vật liệu cũ

    Nhà mới với vật liệu cũ

    13/02/24 23 0

    Trước một căn nhà nhỏ tường xây gạch mộc, mái tranh, một người bạn của tôi kể về...

    NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

    NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

    20/11/23 50 0

    Mỗi ngôi nhà được xây dựng đều là một câu chuyện của kiến trúc sư, nhà thiết kế...
Update data ...