Diễn đàn

KTS Hoàng Thúc Hào – Giải thưởng lớn UIA (Vassilis Sgoutas Prize 2017): Kiến trúc là hoa của đất

Đánh giá: (Tốt) (Báo cáo) - Người đăng: Pi

KTS Hoàng Thúc Hào từ lâu đã được công nhận tại Việt Nam bởi sự tận tụy của ông với kiến trúc bản địa các khu vực nông thôn. Sinh tại Hà Nội ngày 2/5/1971, Hoàng Thúc Hào theo học Đại học Xây dựng (nơi sau này ông giảng dạy về kiến trúc bền vững), và Đại học Bách khoa Turin – Italia. Thành tựu sáng tạo kiến trúc của ông cho những cộng đồng yếm thế đã được quốc tế công nhận với giải thưởng lớn Vassilis Sgoutas 2017.

Trong số này, TCKT trích đăng cuộc đối thoại giữa KTS Emily Bonin (Hội KTS thế giới UIA) với KTS Hoàng Thúc Hào nhân dịp Đại hội Hội KTS thế giới UIA sắp diễn ra tại Rio de Janeiro – Brazil (2021).

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Hai lớp học thân thiện với môi trường tại điểm trường Đao – Lào Cai

KTS Emily Bonin: Điều gì thu hút ông làm việc với các vùng nông thôn hẻo lánh?

KTS Hoàng Thúc Hào

KTS Hoàng Thúc Hào: Phần lớn quả đất, nhất là những khu vực thiểu số, nơi nắm giữ trữ lượng văn hóa quan trọng nhưng lại không có kiến trúc do KTS chuyên nghiệp thiết kế. Bên cạnh đó, nhà nước quá nhiều việc ưu tiên nên chưa thực sự quan tâm, đồng thời giới KTS vẫn thiếu chủ động dấn thân vào những khu vực hẻo lánh, xa xôi. Tình trạng này đặc biệt phổ biến ở Việt Nam – một đất nước đã trải qua chiến tranh liên miên trong suốt thế kỷ 19 và 20.

Lớn lên ở Hà Nội nhưng nông thôn là quê hương cha mẹ tôi sinh ra. Những chuyến về quê thủa ấu thơ, những câu chuyện truyền từ đời này sang đời khác vun đắp trong tôi tình yêu xứ sở và những người dân quê chất phác, có phần yếm thế trước người thành thị.

Và cuối cùng, chúng tôi mong muốn được đóng góp sức mình xây dựng và đổi mới xã hội thông qua kiến trúc, vào sự phát triển cân bằng, hài hòa giữa thành thị và nông thôn.

Trường học Lũng Luông – Thái Nguyên

Nhà cộng đồng Tả Phìn – Lào Cai

KTS Emily Bonin: Tại sao các thiết kế của ông tập trung vào kiến trúc bản địa?

KTS Hoàng Thúc Hào: Toàn cầu hóa mang thế giới lại gần nhau nhưng cũng đẩy người nghèo, những cộng đồng thiểu số, yếm thế ra xa hơn. Những TP như Bangkok, Dubai, Thâm Quyến… thiết kế rập khuôn, đơn điệu, thiếu bản sắc. Các tổ chức nhà nước, xã hội có trách nhiệm xây dựng đô thị và nông thôn chủ yếu tập trung những dự án lớn, tốc độ nhanh, chi phí thấp, chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu chứ hầu như không chú ý đến yếu tố văn hóa, bản sắc.

Trong khi đó, phần lớn các khu vực nông thôn, thiểu số, người dân kế thừa kinh nghiệm hàng ngàn năm của ông cha, tự làm kiến trúc. Họ nắm giữ trữ lượng văn hóa khổng lồ, đóng góp vào sự đa dạng của loài người. Câu chuyện này biểu hiện rõ nét ở Việt Nam – 54 dân tộc với kiến trúc truyền thống độc đáo nhưng chưa có kiến trúc hiện đại xứng tầm.

Tôi tin rằng: “Kiến trúc là hoa của đất” – Mỗi vùng đất có một “loài” hoa đặc trưng. Chúng tôi tìm hiểu, nghiên cứu, mong ước gìn giữ các di sản văn hoá đất nước mình, góp phần bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa kiến trúc trên thế giới.

KTS Emily Bonin: Làm thế nào ông có thể huy động [nhân lực] các cộng đồng tham gia vào những dự án [kiến trúc cộng đồng] của ông?

KTS Hoàng Thúc Hào: Trước tiên, KTS phải thấu hiểu sâu sắc nhu cầu cụ thể, thiết yếu của người dân bản địa, xem họ thực sự cần gì. Tiếp theo, nghiên cứu văn hóa, phong tục tập quán của từng cộng đồng mình hướng đến…

Chúng tôi trao đổi, tiếp nhận những ý kiến đóng góp của cộng đồng trước và trong khi thiết kế, thuyết phục người dân hiểu rõ giá trị dự án mang lại hạnh phúc cho chính họ và vùng đất của họ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và gắn kết xã hội. Triết lý “Kiến trúc Hạnh phúc 1 + 1> 2” là đúc rút từ quá trình hành nghề gần 30 năm của chúng tôi. Nói cách khác, sự kết hợp giữa sáng tạo của KTS với những giá trị cốt lõi bản địa và tiếng nói cộng đồng lớn hơn tổng từng thành phần.

Như vậy, sẽ huy động được sức mạnh nội tại của cộng đồng và các nguồn lực xã hội bên ngoài – cả vật chất lẫn tinh thần. Một khi cộng đồng ý thức rõ mục đích công việc, họ sẽ tự nguyện đóng góp sức người, sức của vào dự án chung.

KTS Emily Bonin: Quá trình thiết kế kiến trúc cho cộng đồng nông thôn khác với thành thị như thế nào?

KTS Hoàng Thúc Hào: Văn hóa làng là độc nhất, nhưng lại rất mong manh trước sự tấn công ồ ạt của các trào lưu kiến trúc “thời thượng”. Không chỉ ở Việt Nam, thế giới cũng đối mặt với thách thức này. Kiến trúc nông thôn đòi hỏi sự tinh tế, kiên trì, nhất là khi ứng xử với không gian văn hóa và phong tục bản địa. Quá trình thiết kế của chúng tôi đặc trưng bởi quan hệ mật thiết với những giá trị địa văn hóa, chính trị của cộng đồng, bao hàm trực tiếp trong tất cả các giai đoạn của quy trình thiết kế.

KTS Emily Bonin: Cảm ơn ông với những chia sẻ này và xin chúc ông cùng các cộng sự tiếp tục dấn thân cho kiến trúc nông thôn và các cộng đồng yếu thế!

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2020)

Bình luận chủ đề

0 Bình luận

Bài viết liên quan

    Nơi làm việc hay ngôi nhà thứ hai?

    Nơi làm việc hay ngôi nhà thứ hai?

    13/02/24 25 0

    Văn phòng 4DH2 Design, nơi kiến trúc gặp gỡ nghệ thuật và cảm xúc, mang đến một không gian làm việc độc đáo và đầy cảm hứng. Tại đây, sự...

    Bản hoan ca của đời sống

    Bản hoan ca của đời sống

    13/02/24 25 0

    Trước hết, căn nhà là một công trình cải tạo tương đối phức tạp với diện tích 600m2 khá lớn, và cũng vì việc thay đổi khá nhiều những không gian...

CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ

    Bản hoan ca của đời sống

    Bản hoan ca của đời sống

    13/02/24 25 0

    Trước hết, căn nhà là một công trình cải tạo tương đối phức tạp với diện tích 600m2 khá...

    Văn phòng FPT telecom

    Văn phòng FPT telecom

    13/02/24 33 0

    FPT Telecom là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và internet hàng đầu tại Việt Nam trên...

    Nhà mới với vật liệu cũ

    Nhà mới với vật liệu cũ

    13/02/24 24 0

    Trước một căn nhà nhỏ tường xây gạch mộc, mái tranh, một người bạn của tôi kể về...

    NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

    NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

    20/11/23 51 0

    Mỗi ngôi nhà được xây dựng đều là một câu chuyện của kiến trúc sư, nhà thiết kế...
Update data ...