Diễn đàn

KTS Takaharu Tezuka: “Hãy làm điều khác biệt – Để kiến trúc có thể thay đổi thế giới!”

Đánh giá: (Tốt) (Báo cáo) - Người đăng: Admin_07

Đó là quan điểm và cũng là lời nhắn gửi của KTS Takaharu Tezuka đến các KTS trẻ Việt Nam trong buổi diễn thuyết kiến trúc TOTO Architect Talk 2019 – Sự hòa hợp giữa Kiến trúc và tự nhiên: Tương lai hoài niệm. Tạp chí Kiến trúc đã có cuộc trò chuyện với KTS Takaharu Tezuka ngay trước chương trình đặc biệt này.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Photo by Katsuhisa Kida/FOTOTECA

Nhà trẻ Muku – Muku Nursery còn được gọi là Ngôi nhà bong bóng vì các khối nhà như những quả bóng bay trong không khí. Mỗi quả bóng mang một chức năng duy nhất, dễ dàng nhận biết các phòng chức năng khác nhau bởi các vật dụng nội thất cùng các vách ngăn.

Phóng viên (P/v): Chủ đề của TOTO Architect Talk 2019 năm nay – Tương lai hoài niệm (Nostalgic Future) đã thu hút sự chú ý của đông đảo KTS Việt Nam. Ông có thể chia sẻ thêm về chủ đề này với độc giả của TCKT?

Nguồn ảnh: TOTO Việt Nam

KTS Takaharu Tezuka: Để trả lời câu hỏi này, có lẽ tôi sẽ nói thêm một chút về sự đan cài của tự nhiên trong kiến trúc và cuộc sống của con người từ quá khứ, hiện tại và tương lai. Kể từ khi nền văn minh của loài người bắt đầu, con người luôn cố gắng tạo ra một môi trường thoải mái cho mình. Kiến trúc chính là nền tảng của cuộc sống văn minh. Mỗi khi các nhà khảo cổ tìm ra những khám phá mới, họ luôn tìm thấy những tàn dư của kiến trúc, do đó, có thể nói rằng lịch sử kiến trúc cũng kéo dài như nền văn minh của loài người. Trong khi đó, kiến trúc hiện đại, khi so sánh với sự chung sống dài lâu giữa con người và kiến trúc cổ đại, lại khiêm tốn hơn nhiều.

Trong thời đại này, ta có thể có tất cả những gì chúng ta muốn, mọi thứ đều hiện đại và mang tính hướng tới tương lai, chúng ta có iphone, máy tính, nhưng không phải tất cả đều có mục đích rõ ràng. Vào thế kỷ 20, thậm chí chúng ta đã phải điều chỉnh cuộc sống theo máy móc, máy tính, iphone… Công nghệ ngày nay đã tiên tiến vượt bậc đến nỗi ta không còn nhận thấy sự hiện diện của chúng. Trong thế kỷ 20, tương lai được mô phỏng bởi máy tính hay các cỗ máy. Trong bộ phim điện ảnh “Tron”, tương lai được mô tả bởi đồ họa máy tính thông qua các vạch huỳnh quang nhiều màu sắc, trong khi nhân vật chính được giả lập bằng hình ảnh. Đó là một góc nhìn về tương lai từ thế kỷ 20. Vào đầu thế kỷ 21, ví dụ như phim “Ma trận”, công nghệ được mô tả như một sự hiện diện vô hình tồn tại ở mọi nơi trong cuộc sống. Người ta từng nghĩ tương lai chính là máy tính, bây giờ thì máy tính chỉ là công cụ mà thôi. Cuộc sống của chúng ta bị kiểm soát bởi 1 đám mây – Có thể bỏ túi, và rất nhẹ nhàng, có thể đi bất kỳ đâu chỉ với công nghệ GPS….

Chúng ta từng lo lắng có lẽ con người sẽ mất đi tính nhân văn, quên mất định nghĩa thế nào là con người. Tất cả mọi việc đang diễn ra theo hướng công nghệ, nhưng tôi nghĩ có thể tiếp cận cuộc sống theo hướng ngược lại. Chúng ta có thể biết về tất cả mọi việc đang diễn ra trên thế giới như thế nào. Chúng ta có thể quan tâm đến môi trường, sự nóng lên của trái đất, sự biến đổi khí hậu… bởi vì chúng ta có công nghệ. Thế hệ con của chúng ta sẽ khó phân biệt việc vẽ trên giấy và những thứ như iphone, ipad. Con gái tôi có thể vẽ tranh rất đẹp trên ipad, nhưng không có nghĩa rằng máy tính có thể kiểm soát được nó. Tôi nghĩ rằng công nghệ càng phát triển thì chúng có thể trở thành một phần của con người, của cuộc sống. Và như thế, chúng ta có thể đến gần hơn với tương lai – Và tôi gọi những thời khắc này là hoài niệm tương lai.

Trường mẫu giáo Fuji

Photo by Katsuhisa Kida/FOTOTECA

Với công trình “Trường mẫu giáo Fuji”, KTS. Takaharu Tezuka tạo ra một không gian liên kết độc đáo giữa trẻ nhỏ và thiên nhiên. Mảnh đất xây trường vốn là một khu đất mát mẻ nhờ bóng của 3 cây sồi lớn. Thay vì hủy hoại bóng mát tự nhiên đó rồi phải làm mát công trình bằng phương pháp nhân tạo, KTS. Takaharu Tezuka bảo lưu cả 3 cây sồi. Ông tận dụng triệt để đặc thù của cây để tạo ra môi trường mát về mùa hè, ấm về mùa đông, thúc đẩy trẻ vận động. Phần móng công trình đan xen cùng rễ cây được thi công tỉ mỉ như một dự án khảo cổ để hệ thống rễ không bị ảnh hưởng nhưng vẫn đảm bảo độ bền vững của tòa nhà. Trường mẫu giáo Fuji được thiết kế dựa trên hiểu biết sâu sắc của KTS. Takaharu Tezuka về thói quen và nhu cầu của trẻ nhỏ. Ông thiết kế tỉ mỉ về cả âm thanh, ánh sáng, không khí,… để trẻ có được môi trường trải nghiệm tối đa mọi giác quan.

Phòng Thương mại và công nghiệp Tomioka – Tomioka Chamber

Photo by Katsuhisa Kida/FOTOTECA

Commerce and Industry được xem là sự trẻ hóa cho cảnh quan mang tính lịch sử do công trình trong vùng lân cận của Nhà máy dệt lụa Tomioka (được chính phủ Nhật Bản xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia). Tòa nhà bao gồm các gờ mái lặp đi lặp lại, được tạo ra để hài hòa với cảnh quan truyền thống vốn có.

P/v:Trong các tác phẩm của ông, người ta luôn thấy rõ sự hài hòa giữa kiến trúc, tự nhiên và con người. Xin ông cho biết thêm về phong cách thiết kế của mình?

KTS Takaharu Tezuka: Trong những năm gần đây, mọi người lo lắng về sự nóng lên của trái đất và nguy cơ biến đổi khí hậu. Tôi thì nghĩ trái đất này không cần chúng ta, không cần con người. Thậm chí nếu chiến tranh hạt nhân có nổ ra thì sự sống vẫn tiếp tục. Nhưng nếu chúng ta mất kiểm soát về môi trường thì con người – chúng ta sẽ gặp rắc rối. Tôi không đồng tình với các nhận định cho rằng chúng ta phải làm việc này cho trái đất mà tôi cho rằng: Chúng ta phải làm việc này cho chính chúng ta. Chúng ta luôn phải là một phần của thiên nhiên, mọi lúc, mọi nơi.

Tôi cũng muốn nói thêm một chút về sự thoải mái. Rất khó để tìm được một môi trường nhiệt độ lý tưởng cho con người. Có giả thuyết cho rằng nhiệt độ ký tưởng cho con người từ 18-28 độ C, nhưng không vì thế mà chúng ta dừng tìm kiếm những môi trường đa dạng hơn. Ví như việc con người lao ra biển, tận hưởng bờ cát 50 độ C vào mùa hè, hay đi trượt tuyết giữa mùa đông -20 độ… Cơ thể con người được thiết kế để thích ứng, trở thành một phần của môi trường biến đổi, do đó trạng thái thoải mái không chỉ được xác định bởi nhiệt độ hay độ ẩm. Chúng ta không được tạo ra để chống lại thiên nhiên mà là một phần của hành tinh này. Vì vậy, khi thiết kế, tôi nghiên cứu sao cho con người là một phần của tự nhiên. Đó không chỉ là triết lý thiết kế mà còn là triết lý sống của tôi.

P/v: Trong cuốn sách “Takaharu + Yui Tezuka Architecture Catalogue, ông từng chia sẻ quan điểm: “Kiến trúc có thể trở thành nghệ thuật nhưng kiến trúc không phải là nghệ thuật”. Vậy theo ông, làm thế nào để kiến trúc trở thành nghệ thuật đích thực và điều này có ý nghĩa gì trong các thiết kế của ông?

KTS Takaharu Tezuka: Tôi vẫn luôn cho rằng: Nghệ thuật không liên quan đến sự đánh giá. Nghệ thuật tồn tại vì có những nghệ sĩ, những nghệ nhân tồn tại. Nghệ thuật là những cảm xúc thuần tuý, không bị ràng buộc bởi bất kỳ điều gì.

Nhưng, kiến trúc thì khác – Nếu con người không muốn sử dụng thì kiến trúc không tồn tại. Mặt khác, người ta không thể sống mà không có kiến trúc. Chúng ta cần những thiết kế kiến trúc phục vụ cho cuộc sống. Còn nghệ thuật lại không nhất thiết phải như thế – Đó chính là lý do kiến trúc không phải là nghệ thuật.

Một điều rất quan trọng mà tôi cần lưu ý các bạn là: Kiến trúc có thể đem lại những niềm vui giống như nghệ thuật có thể mang lại, bởi lẽ kiến trúc cũng có thể ảnh hưởng lớn như những tác phẩm nghệ thuật, ghi nhận vai trò của tác phẩm kiến trúc đối với xã hội và cộng đồng.

P/v: Được biết ông tham gia Hội đồng Giám khảo cuộc thi ““Cảm tác vẻ đẹp tự nhiên giữa lòng đô thị” – Tìm kiếm giải pháp thiết kế đánh thức tự nhiên. Ông đánh giá như thế nào về bài dự thi của các bạn SV? Ông có lời khuyên nào dành cho họ không?

KTS Takaharu Tezuka: Tôi rất có ấn tượng với các bài dự thi về sự nghiêm túc đối với kiến trúc. Đôi khi đó là điều tốt nhưng cũng có thể là sự hạn chế đối với các bạn. Tôi nghĩ rằng vẫn luôn tồn tại một định kiến gì đó về kiến trúc, đến mức mọi người có thể nghĩ đó là điều đương nhiên. Nhưng thực chất, điều đó được định hình bởi một cá nhân hoặc nhóm người nào đó và nó không phù hợp với tự nhiên.
Tôi cho rằng các bạn cần những cách nhìn mới, tạo ra được sự khác biệt nhưng cũng mang hơi hướng của truyền thống. Chúng ta sẽ có sự cảm thông với những thiết kế đó. Sự sáng tạo luôn nằm sau những lớp sương mù, và phần thưởng sẽ đến với những ai nỗ lực để tìm ra nó.
Các bạn SV Việt Nam cần cố gắng hơn nữa để thoát khỏi những lối mòn, những khuôn mẫu ràng buộc. Trong tương lai, khi có dịp tôi sẽ cố gắng dành thời gian để giúp đỡ họ.

P/v: Ông đã từng thiết kế công trình nào ở Việt Nam chưa? Và trong tương lai, ông có kế hoạch gì về việc hợp tác hoặc thực hiện công trình nào ở Việt Nam không?

KTS Takaharu Tezuka: Cách đây vài năm, tôi từng suýt nhận một dự án kiến trúc tại Việt Nam. Tôi biết các bạn có nhiều KTS giỏi, như Võ Trọng Nghĩa hoặc các KTS trẻ khác. Trước khi mời gọi KTS nước ngoài, tôi nghĩ các bạn nên dành cơ hội cho các KTS Việt Nam. Tôi sẽ rất vui khi được hợp tác với họ.

P/v: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ với độc giả của TCKT! Hy vọng rằng sẽ có nhiều dịp để ông gặp gỡ và giao lưu với các KTS trẻ Việt Nam!

Photo by Tezuka Architects

Takaharu Tezuka là KTS

Nhà sáng lập Công ty Tezuka Architects, đồng thời là Giáo sư Trường Đại học Tokyo

Takaharu Tezuka tốt nghiệp cử nhân Học viện công nghệ Musashi và thạc sĩ tại Đại học Pennsylvania. Từ năm 1990 đến năm 1994, Takaharu Tezuka làm việc tại công ty thiết kế Richard Rogers Partnership Ltd. Năm 1994, quay trở về Nhật, ông sáng lập công ty thiết kế Tezuka Architects cùng vợ là Yui Tezuka. Trong suốt thời gian hoạt động và phát triển, Tezuka Architects liên tiếp nhận được những giải thưởng lớn tại Nhật Bản.

Nguồn: https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/kts-takaharu-tezuka-hay-lam-dieu-khac-biet-de-kien-truc-co-the-thay-doi-the-gioi.html

Bình luận chủ đề

0 Bình luận

Bài viết liên quan

    Nơi làm việc hay ngôi nhà thứ hai?

    Nơi làm việc hay ngôi nhà thứ hai?

    13/02/24 27 0

    Văn phòng 4DH2 Design, nơi kiến trúc gặp gỡ nghệ thuật và cảm xúc, mang đến một không gian làm việc độc đáo và đầy cảm hứng. Tại đây, sự...

CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ

    Bản hoan ca của đời sống

    Bản hoan ca của đời sống

    13/02/24 28 0

    Trước hết, căn nhà là một công trình cải tạo tương đối phức tạp với diện tích 600m2 khá...

    Văn phòng FPT telecom

    Văn phòng FPT telecom

    13/02/24 35 0

    FPT Telecom là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và internet hàng đầu tại Việt Nam trên...

    Nhà mới với vật liệu cũ

    Nhà mới với vật liệu cũ

    13/02/24 26 0

    Trước một căn nhà nhỏ tường xây gạch mộc, mái tranh, một người bạn của tôi kể về...

    NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

    NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

    20/11/23 54 0

    Mỗi ngôi nhà được xây dựng đều là một câu chuyện của kiến trúc sư, nhà thiết kế...
Update data ...