Diễn đàn

Một góc nhìn khác về các công trình của Gustave Eiffel tại Việt Nam

Đánh giá: (Tốt) (Báo cáo) - Người đăng: Pi

Gustave Eiffel là một kỹ sư kết cấu thép, là một nhà thầu và sau này là một nhà khí tượng học người Pháp. Tên tuổi của ông gắn liền với những công trình nổi tiếng như tháp Eiffel (1889) – biểu tượng của nước Pháp, kết cấu của tượng Nữ thần tự do (1886) – biểu tượng của nước Mỹ. Điều thú vị là Gustave Eiffel và công ty do ông thành lập cũng đã thiết kế và thi công những cây cầu bằng kết cấu thép đầu tiên tại Việt nam. Khi tìm trên Internet, chúng ta thấy có vô vàn thông tin về các công trình ở Việt Nam do Gustave Eiffel thiết kế. Trong số đó, không ít thông tin cho rằng cho rằng cầu Tràng Tiền, Huế và nhà Bưu điện trung tâm, Sài gòn là do Gustave Eiffel thiết kế và thi công. Tuy nhiên, điều này liệu có đúng là như vậy?

Trong khuôn khổ bài viết này, các tác giả muốn đưa ra một góc nhìn khác về các dự án được thực thi tại Việt Nam của hãng Eiffel và vấn đề còn chưa được làm rõ về các công trình của ông tại Việt Nam.

Phương án phác thảo tháp của Maurice Koechlin. Nguồn : https://fr.wikipedia.org/wiki/Maurice_Koechlin

Gustave Eiffel và hãng Eiffel.

Năm 1863, kỹ sư Gustave Eiffel thành lập hãng Gustave Eiffel và Cie (Société Gustave Eiffel et Cie). Không lâu sau đó, hãng này bắt đầu hoạt động tại Nam kì từ năm 1872. Từ năm 1872 đến năm 1889, hãng Gustave Eiffel và Cie thực hiện một số dự án tại Nam Kì, nhưng phần lớn hoạt động của họ lại ở Pháp. Năm 1889, hãng mở một loạt các trụ sở ở Sài Gòn, Thượng hải (Trung quốc), Lisbon (Bồ Đào Nha), Saint Pétersbourg (Nga) và Buenos Aires (Argentine) với các dự án cầu trên toàn thế giới. Đến thời điểm này, các dự án của hãng Eiffel nổi tiếng toàn thế giới như tháp Eiffel và tượng thần tự do ở New York. Cùng lúc đó, hãng tiến hành tham gia những dự án đầy tham vọng như đường hầm nối eo biển Mache, hoặc đài quan sát trên đỉnh núi Monblanc.

Nhưng đến năm 1891, tình hình hoạt động của hãng Eiffel xấu đi nhanh chóng. Hội đồng thành phố Paris huỷ bỏ dự án đường sắt đại đô của Eiffel vì dự án này không đảm bảo sự kết nối giữa các quận ngoại ô và quận trung tâm. Cùng lúc scandal hối lộ ở dự án kênh đào Panama nổ ra, mặc dù hãng Eiffel chỉ là một nhà thầu phụ nhưng vì Eiffel là một nhân vật rất nổi tiếng nên ông hứng chịu một cơn bão chỉ trích trên báo chí. Cùng lúc đó, các khách hàng Bồ Đào Nha không trả tiền, dự án đài vọng cảnh Monblanc bị huỷ bỏ, dự án kênh đào Manche không cạnh tranh nổi với hãng Schneider & Cie nên bị huỷ bỏ. Cổ phiếu của hãng tụt dốc nhanh chóng: từ 560 franc năm 1890 còn 350 năm 1892. Ngày 7 tháng 1 năm 1893, một phiên họp đặc biệt của hãng Eiffel et Cie diễn ra: Gustave Eiffel bị ép phải từ chức và trục xuất khỏi công ty. Phẫn nộ, Eiffel quyết định đòi lại tên, không cho phép hãng Eiffel và Cie sử dụng tên của mình. Kể từ thời điểm đó, hãng Eiffel và Cie phải đổi tên thành Hiệp hội xây dựng Levallois-Peret (Société de construction de Levallois-Perret – SCLP) Trong bối cảnh ảm đạm này, thị trường Đông Dương thực sự trở thành một cứu cánh hữu hiệu cho SCLP (WEILL 1995). Khi rút khỏi hãng, Gustave Eiffel chuyển sự chú ý của mình sang một lĩnh vực khác. Ông lập phòng thí nghiệm Eiffel, hợp tác với Bộ Quốc phòng Pháp tập trung nghiên cứu về khí động học, vốn là thứ mà ông thu thập được nhiều dữ liệu trong quá trình thực hiện các dự án Tượng Nữ thần tự do và Tháp Eiffel. Ông mất ngày 27/12/1923 tại Paris.

Về phần hãng S.C.L.P, trong khi thu gọn hoạt động trên thế giới, hãng lại quyết định tập trung vào thị trường Đông Dương, xem đó như nguồn sống chính của hãng. Sau khi Eiffel ra đi, Maurice Koechlin, nguyên trưởng bộ phận nghiên cứu của hãng Eiffel, tiếp tục lãnh đạo hãng từ năm 1893 đến năm 1940. Xuất thân từ trường Bách khoa Zurich, Thuỵ sỹ, Maurice Koechlin chính là tác giả đầu tiên phác thảo phương án cho toà tháp mà sau này mang tên Eiffel (Navailles 1989). Đến năm 1929, tin rằng ảnh hưởng của vụ bê bối Panama với công chúng đã chìm vào quên lãng, hãng SCLP quyết định đổi lại tên nhằm tìm lại hào quang cũ : Hiệp hội cựu Eiffel (Société des Anciens établissements Eiffel – S.A.E.E). Hãng tiếp tục hoạt động tại thị trường Đông Dương cho đến năm 1965.

Nam kỳ – Phòng thí nghiệm cho kỹ thuật xây cầu của hãng Eiffel?

Mặc dù chỉ xuất hiện trong một giai đoạn ngắn ở Nam kỳ, nhưng những gì được Gustave Eiffel thực hiện tại ở đây từ năm 1872 đến 1890 rất đặc biệt. Trong giai đoạn đầu khai thác thuộc địa của Pháp có một dự án đặc biệt quan trọng được thực hiện là tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho được thực hiện từ những năm 1880. Một khó khăn đặt ra là hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt ở đây. Để khắc phục điều này, đích thân thống đốc Nam kỳ thời đó là Charles-Marie Le Myre de Vilers trực tiếp liên lạc với Gustave Eiffel để trao đổi về chương trình phát triển của mình. Công việc xây dựng cầu ở Nam kỳ được tiến hành nhanh chóng. Ngoại trừ các kỹ sư trưởng, kỹ sư trợ lý là người Pháp, tất cả công việc thiết kế đều do các hoạ viên người Việt và ngươi Ấn độ thực hiện. Đây là những học sinh tốt nghiệp trường trung học Chasseloup Laubat (Sài gòn). Theo kỹ sư Dausque, đại diện của hãng Eiffel tại Saigon, các hoạ viên người Việt là những hoạ viên tuyệt vời, nhờ vào kỹ năng học hỏi sao chép và bản tính kiên nhẫn của họ (Bouinais 1884). Trong số các cầu được thi công tại Nam Kỳ, có cầu Tân An là một trường hợp đặc biệt. Độ rộng của sông và vận tốc của dòng chảy rất lớn, không cho phép lắp dựng giàn giáo thông thường. Để khắc phục điều này Eiffel đã sử dụng kỹ thuật lao dầm với long môn (montage porte-à-faux) do chính ông phát minh ra, được xem là đỉnh cao của kỹ thuật thi công cầu thời đó. Biện pháp này cho phép rút ngắn thời gian thi công xuống rất nhiều so với kỹ thuật thi công dùng cần cẩu và bánh xích thời đó. Trong khi, cầu Cubzac ở Bordeaux, Pháp, do hãng Daydé & Pillé (nhà thầu sau này thi công cầu Long Biên) thực hiện năm 1886 với cùng kĩ thuật lắp dựng, nhịp vượt chỉ là 72.8m, còn ở cầu Tân An, nhịp vượt của dầm chính lên đến 80m. Ở cầu Cubzac, dầm chính được vươn ra từ hai đầu và liên kết ở trụ trung gian thì ở cầu Tân An, độ sâu của sông và vận tốc dòng chảy không cho phép thực hiện điều này, ngay cả với những máy móc hiện đại nhất của thời đó. Vì vậy, dầm lao được thi công từ 2 đầu với điểm liên kết tại điểm giữa dòng sông mà không có trụ chống trung gian. Tải trọng bản thân của cây cầu là 1.400.000kg. Sau này cầu Tân An, cầu Bến Lức có chiều dài lên 551m với 4 trụ đỡ bằng thép trên sông, nặng đến 2.100.000kg (Gustave 1900; Prévost 1928).

Cầu Bình Điền.
Nguồn Les voies de communication en Cochinchine, R. Gentilini, 1886. Thư viện quốc gia Pháp

Đến năm 1884, từ chính những đặt hàng của Myre de Vilers cho hệ thống các cầu kênh rạch ở Sài gòn. Eiffel phát minh ra hệ thống cầu bằng lắp ghép bằng thép mang tên ông (pont portatif – système Eiffel) (Seitz 2014). Điểm đặc biệt của hệ thống cầu lắp ghép này là tính kinh tế, khả năng lắp dựng theo modul, phù hợp với những nơi có địa hình phức tạp, trình độ nhân lực thi công hạn chế. Hai trong số các cây cầu mà Eiffel lấy làm ví dụ điển hình khi ông viết về hệ thống cầu lắp ghép là cầu Rach-lang và cầu Dong-nhyen (tên trong nguyên bản) ở Nam kỳ kết hợp giữa gỗ và thép. Một cây cầu khác rất nổi tiếng kết hợp giữa hệ cầu lắp ghép và cầu parabol của Gustave Eiffel, xây dựng năm 1882 là cầu Điện tín Sài Gòn, hay còn được biết dưới cái tên dân dã là cầu Mống Sài gòn. Nhờ vào thiết kế của hệ thống cầu lắp ghép bằng thép này, Eiffel được tặng huy chương Elphege Baude của Hiệp hội xúc tiến công nghiệp quốc gia Pháp. Sau đó, quân đội Pháp đã nhanh chóng ứng dụng hệ thống cầu này và sau đó là quân đội Nga, Italia và Áo-Hung (Gustave 1900).

Những cây cầu xây dựng tại Nam Kỳ do hãng Eiffel thực hiện ở giai đoạn 1880-1890 một vai trò nhất định trong sự phát triển công nghệ xây dựng cầu của Eiffel. Mặc dù những cây cầu Bình Điền, Tân An không thể so sánh được với những công trình của hãng Eiffel cùng thời điểm như cầu Maria Pia ở Bồ Đào Nha (1877) với nhịp vượt 180m, hoặc cầu Garabit ở Pháp (1884) ở độ cao 122m với mặt sông, nhưng những cây cây cầu ở Việt Nam lại thể hiện 1 khía cạnh khác của trong sự phát triển hệ thống kỹ thuật của hãng Eiffel. Đó là khả năng bản địa hoá, thông qua hệ thống cầu lắp ghép, tìm ra những giải pháp phù hợp với điều kiện hạn chế về kỹ thuật, máy móc và nhân lực thi công. Bên cạnh đó, với điều kiện thời tiết ẩm nhiệt đới, một trong những kẻ thù nguy hiểm của những cây cầu bằng thép. Nhìn từ góc độ thực tiễn, phải chăng những cây cầu ở Nam kỳ là những « mẫu thí nghiệm » cho một hướng phát triển kỹ thuật của hãng Eiffel?

Cầu Rạch Lang. Nguồn Phòng lưu trữ Gustave Eiffel của bảo tàng Orsay

Những thông tin nhầm lẫn về các công trình của Gustave Eiffel tại Việt Nam

Như đã nói ở trên, có một số thông tin và bài báo cho rằng Cầu Tràng Tiền và nhà Bưu Điện Sài gòn là do Gustave Eiffel thiết kế. Tuy nhiên, dựa trên những gì thu thập được, các tác giả cho rằng thông tin này cần được kiểm chứng lại

Hiện nay, trong số danh mục các tài liệu liên quan đến hãng Eiffel tại Lưu trữ quốc gia Pháp, thì nhóm các dự án tại Đông Dương chỉ bắt đầu từ năm 1898 và lúc này đã mang tên là SCLP. Phần lớn các dự án mà SCLP thực hiện sau này phần lớn là những dự án nhỏ. Nổi bật trong số đó có cầu Tràng Tiền, được hoàn thành năm 1899, diễn ra 7 năm sau vụ bê bối Panama. Nhưng đây lại là khoảng thời gian mà Gustave Eiffel không còn ở hãng cũng như mối quan hệ căng thẳng giữa hai bên. Vì vậy sẽ không chính xác khi cho rằng Gustave Eiffel có liên quan đến cầu Tràng Tiền như trong nhiều tài liệu đã viết. Có lẽ do Levallois-Peret sau này đổi lại tên từ S.C.L.P theo tên cũ là công ty Eiffel vào năm 1929 nên các lưu trữ đều ghi do công ty Eiffel thực hiện. Nên dẫn đến sự nhầm lẫn về tác giả của cây cầu. Trên thực tế, Gustave Eiffel và hãng Levallois-Peret là hai thực thể hoàn toàn độc lập với nhau.

Công trình Tòa nhà Bưu điện trung tâm Sài Gòn, do KTS Marie-Alfred Foulhoux (1840-1892), kiến trúc trưởng của sở Công trình dân dụng thuộc địa Nam kỳ thiết kế. Công trình này được xây dựng trong giai đoạn 1886-1891, đóng vai trò quan trọng việc khai thác thuộc địa ở Nam kỳ. Công trình này của Foulhoux thể hiện rõ rệt ảnh hưởng từ Cung học tập (Palais des études) trong khuôn viên trường l’École des Beaux arts, Paris của KTS Félix Duban xây dựng năm 1930 và thư viện Sainte-Geneviève, Paris, xây năm 1840, do KTS Henri Labrouste thiết kế với hệ vòm ống trung tâm và kết cấu kim loại thanh mảnh với một mặt đứng hoành tráng, triết trung với vô vàn các trích dẫn cổ điển (Le Brusq and Selva 1999). Cả Félix Duban và Henri Labrouste đều từng được Giải thưởng lớn Grand prix Rome và trở thành giáo sư của trường l’École des Beaux arts, nơi mà Alfred Foulhoux theo học những năm 60 của thế kỷ 19. Không khó để thấy sự tương đồng hệ cột-cuốn kim loại của nhà bưu điện Sài gòn là một phiên bản đơn giản của thư viện Sainte-Geneviève – một công trình nổi tiếng ở Pháp thời bấy giờ do giải pháp kết cấu cuốn duyên dáng và tính duy lý không gian của nó.

Bưu điện Sài Gòn

Các công trình do Sở công trình dân dụng (service des bâtiments civils), ở giai đoạn này thường chính do các kỹ sư của Công chính Nam kỳ thực hiện hoặc do các kỹ sư công binh của quân đội Pháp ở thực hiện. Các tài liệu lưu trữ hiện nay đều chưa chỉ ra mối liên hệ trực tiếp giữa hãng Eiffel và công trình Bưu điện trung tâm Sài gòn, cả ở hạng mục thiết kế và thi công. Hơn nữa, việc giao tính toán kết cấu của một công trình, vốn không có gì phức tạp, cho một nhà thầu tư nhân Eiffel thực hiện là điều khó xảy ra. Thậm chí, giải pháp kết cấu của nhà bưu điện Sài gòn, với hệ cuốn kim loại đơn giản, phần nào tương tự như hệ kết cấu của bệnh viện Hải quân Sài gòn, xây dựng năm 1873 (nay là bệnh viện Nhi đồng 2) được lắp ghép các vòm cuốn kim loại. Trong khi đó, những công trình xây dựng mà hãng Eiffel thực hiện đều có không gian rất lớn, đòi hỏi những giải pháp kết cấu đặc biệt như các chợ, nhà ga, hoặc triển lãm. Trong khi ở nhà bưu điện Sài gòn, có thể nói giải pháp kết cấu và không gian lại rất quen thuộc, đơn giản và phổ thông ở giai đoạn này.

Vậy, tại sao lại có mối liên hệ giữa Gustave Eiffel và các công trình này. Trong trường hợp của cầu Trường Tiền, do hãng SCLP thực hiện và hãng này sau đó đã đổi lại tên cũ là hãng Eiffel nên mọi người có thể nhầm lẫn. Còn với nhà Bưu điện trung tâm Sài Gòn, có 2 giả thuyết đặt ra.

  • Sự tương đồng giữa mặt đứng của nhà bưu điện Sài gòn và Cung triển lãm Công nghiệp của triển lãm Quốc tế Paris năm 1855. Tuy nhiên, Gustave Eiffel lại không liên quan gì đến công trình này, mà ông thiết kế kết cấu cho Gian triển lãm Mỹ thuật của triển lãm Quốc tế Paris năm 1867 (!!). Sự lân cận về thời gian, chức năng và hình thức của các công trình này có thể kích hoạt một chuỗi những sự nhầm tưởng.
  • Sự nhầm lẫn về ngôn ngữ. Như đã nói ở trên, trong số những công trình đầu tiên của Eiffel tại Nam Kỳ, có cầu Binh-Dien xây dựng cùng thời điểm với nhà bưu điện Nam kỳ. Phải chăng, đã một sự nhầm lẫn nào đó khi chuyển ngữ giữa Binh-Dien và Buu-Dien trong các tài liệu sau này là hoàn toàn có thể xảy xa.

Gian triển lãm công nghiệp Paris 1855. Nguồn https://fr.wikipedia.org/wiki/Salon_des_refus%C3%A9s

Tuy nhiên, tất cả những điều trên chỉ là giả thuyết mang tính nghi vấn. Để thực sự chắc chắn khẳng định hoặc bác bỏ mối liên hệ, cần có thêm những bằng chứng xác thực hơn với các nghiên cứu kỹ lưỡng hơn trong tương lai. Lịch sử, trước hết là một khoa học dựa trên các sự kiện có thật. Những vấn đề liên quan đến lịch sử phụ thuộc vào các nguồn tài liệu lưu trữ rất nhiều, do đó chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến những sự sai lệch, nhầm lẫn thông tin.

Vũ Thị Ngọc Anh – Nguyễn Mạnh Trí
Bộ môn Lý thuyết và lịch sử kiến trúc, khoa Kiến trúc và quy hoạch, Đại học Xây dựng

Bình luận chủ đề

0 Bình luận

Bài viết liên quan

    Nơi làm việc hay ngôi nhà thứ hai?

    Nơi làm việc hay ngôi nhà thứ hai?

    13/02/24 21 0

    Văn phòng 4DH2 Design, nơi kiến trúc gặp gỡ nghệ thuật và cảm xúc, mang đến một không gian làm việc độc đáo và đầy cảm hứng. Tại đây, sự...

    Bản hoan ca của đời sống

    Bản hoan ca của đời sống

    13/02/24 23 0

    Trước hết, căn nhà là một công trình cải tạo tương đối phức tạp với diện tích 600m2 khá lớn, và cũng vì việc thay đổi khá nhiều những không gian...

CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ

    Bản hoan ca của đời sống

    Bản hoan ca của đời sống

    13/02/24 23 0

    Trước hết, căn nhà là một công trình cải tạo tương đối phức tạp với diện tích 600m2 khá...

    Văn phòng FPT telecom

    Văn phòng FPT telecom

    13/02/24 30 0

    FPT Telecom là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và internet hàng đầu tại Việt Nam trên...

    Nhà mới với vật liệu cũ

    Nhà mới với vật liệu cũ

    13/02/24 22 0

    Trước một căn nhà nhỏ tường xây gạch mộc, mái tranh, một người bạn của tôi kể về...

    NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

    NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

    20/11/23 48 0

    Mỗi ngôi nhà được xây dựng đều là một câu chuyện của kiến trúc sư, nhà thiết kế...
Update data ...