Diễn đàn

Nghĩ về bảo tàng danh nhân văn hóa

Đánh giá: (Tốt) (Báo cáo) - Người đăng: Pi

Dù vẫn còn những tranh luận về cách gọi (danh nhân văn hóa hay vĩ nhân văn hóa) nhưng xét tiêu chí đánh giá thế nào là một danh nhân văn hóa thì đến nay đã có điểm chung ở nhiều quốc gia. Đó là những con người nổi tiếng, kiệt xuất, có cống hiến lớn, tạo ra cái thiện, cái đẹp trong những lĩnh vực khác nhau, được lịch sử ghi nhận và đánh giá cao, là đại diện cho nền văn hóa dân tộc. Chính vì vậy, lưu giữ những ký ức về danh nhân văn hóa (công trình, tác phẩm, nơi ở, nơi mất…) được xem là việc cần thiết trong chuỗi các hoạt động bảo tồn văn hóa.

Ở những nước có truyền thống và thành tựu về bảo tàng danh nhân

Ở hầu khắp các nơi trên thế giới, trong hệ thống di tích, bảo tàng về các triều đại, các lĩnh vực của đời sống, các sự kiện làm nên quá trình hình thành và phát triển lịch sử một đất nước, luôn có các bảo tàng danh nhân rất phong phú, đa dạng về quy mô và tính chất. Bảo tàng danh nhân phần lớn được hình thành trên cơ sở những nơi ở của danh nhân từ lúc chào đời, những nơi danh nhân từng sống và làm việc; hoặc giả là một địa điểm tập hợp và trưng bày các tác phẩm, công trình, hiện vật gắn liền với cuộc đời danh nhân. Điều đáng ghi nhận là tuy bảo tàng, nhà lưu niệm về các lãnh tụ, các chính khách phần lớn đều khá khang trang, nhưng bảo tàng về các danh nhân văn hóa cũng không hề thua kém về số lượng và giá trị.

Thực tế đó chứng tỏ sự đóng góp của các nhà khoa học và các văn nghệ sĩ về mặt tinh thần đã rất được xã hội coi trọng. Tài năng và lao động sáng tạo của các nhà khoa học và các văn nghệ sĩ tuy không trực tiếp mang lại lợi ích vật chất cho xã hội nhưng đem đến cho con người kiến thức và cảm xúc để có thể nhận biết và phân biệt giữa cái đẹp, cái cao cả và sự tử tế đáng trân trọng với sự xấu xa, tầm thường và  thấp hèn đáng khinh bỉ.

Căn nhà số 9 đường Getreidegasse (màu vàng) nay đã trở thành một địa điểm tham quan thu hút rất nhiều khách du lịch đến Áo. Tại đây bạn có thể nghe hầu hết các tác phẩm của Mozart bằng một chiếc máy tính được đặt trong phòng riêng của ông. Nguồn: Tripadvisor/Lostbird

Đến thăm nhà của đại danh họa Claude Monet, của văn hào Victor Hugo ở Pháp; nhà của Mozart ở Áo; nhà của đại thi hào J.W.Goeth ở Đức, nhà của nhạc sĩ vĩ đại Chopin ở Ba Lan..., thông qua những hiện vật và câu chuyện thuyết minh, khách tham quan đều có thể cảm nhận được quá trình hình thành tài năng, nhân cách của các danh nhân, từ đó thêm ngưỡng mộ giá trị tinh thần mà họ đã sáng tạo và cống hiến cho nhân loại.

Điều đáng nói là ở nhiều quốc gia, các bảo tàng danh nhân văn hóa được hình thành trên cơ sở khá phong phú về hình thức sở hữu và quản lý: phần lớn là tư nhân, số còn lại đan xen giữa tư nhân và nhà nước hoặc nhà nước hoàn toàn. Hiệp hội bảo tàng và di sản quốc gia phối hợp với chính quyền địa phương là cơ quan có trách nhiệm nắm giữ danh sách và tình trạng nói chung của các di tích, di sản, bảo tàng, trong đó có các bảo tàng danh nhân.

Nhiều bảo tàng danh nhân, trong đó có bảo tàng danh họa Pháp Claude Monet, có cách quản lý rất hiệu quả khi chuyển từ tư nhân sang một tổ chức văn hóa. Sau khi con trai của danh họa Claude Monet qua đời năm 1966, toàn bộ khu nhà và khuôn viên rộng lớn và tuyệt đẹp của danh họa ở Giverny (cách Paris 80km) đã được di tặng cho Viện Hàn lâm Nghệ thuật Pháp với một mong muốn thiêng liêng là tất cả những kỷ niệm và kỷ vật của cha mình được chăm sóc, bảo quản cẩn thận và chia sẻ rộng rãi cho công chúng vào tham quan.

Bảo tàng Giverny - nơi ở đến cuối đời của Claude Monet (1840 – 1926) - người sáng lập trường phái mỹ thuật Ấn tượng, chính là nguồn cảm hứng lớn lao để danh họa sáng tạo ra nhiều bức tranh nổi tiếng. Địa điểm này mở cửa hàng năm từ tháng 4 đến ngày 1.11, thu hút 600.000 khách tham quan đến từ khắp nơi trên thế giới. Mỗi khách nếu chọn tham quan Giverny từ điểm xuất phát là Paris sẽ trả gói vé xe di chuyển và tham quan gần 1,5 triệu đồng Việt Nam/người.

Bảo tàng Giverny. Ảnh: Viator

Tất cả tiền vé tham quan thu được đều được báo cáo đầy đủ cho cơ quan quản lý tài chính, được hưởng mức ưu đãi thuế thấp để có thể dùng số tiền có được chi trả cho việc bảo quản toàn bộ khu nhà bên trong và trang viên bên ngoài. Việc trùng tu định kỳ khu Giverny theo phương thức bảo tồn di tích nhận được mức hỗ trợ nhất định từ Cơ quan quản lý di sản, bảo tàng quốc gia Pháp và nhà nước địa phương. 

Việt Nam, những bước đi chập chững

Ở nước ngoài thì như vậy. Còn ở Việt Nam, chúng ta không thiếu các văn nhân, nghệ sĩ, các nghệ nhân tài giỏi qua nhiều thời kỳ lịch sử và trên thực tế đã có những người được UNESCO vinh danh là danh nhân thế giới. Nguyễn Trãi (1380 -1422) được vinh danh năm 1980. Nguyễn Du (1765 -1820) được vinh danh năm 2015. Chu Văn An (1292 -1370) được vinh danh năm 2019... Chúng ta cũng đã có một vài khu lưu niệm danh nhân khá bề thế như khu lưu niệm Nguyễn Du, khu lưu niệm Nguyễn Công Trứ ở Hà Tĩnh; khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế, dự kiến hoàn tất sửa chữa nâng cấp năm 2020 với kinh phí 25 tỷ đồng; khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu (tác giả bản nhạc tổ cải lương Dạ cổ hoài lang) ở Bạc Liêu; không gian điêu khắc Điềm Phùng Thị ở Huế.

Những khu lưu niệm vừa kể trên sở dĩ có quy mô khang trang là vì được đầu tư xây dựng từ ngân sách nhà nước. Còn những danh nhân văn hóa khác có tài năng xứng đáng nhưng không được nhà nước cấp kinh phí thì liệu họ có được hậu thế xây nhà lưu niệm hay không? Câu trả lời là hoàn toàn tùy thuộc vào mức độ quan tâm và khả năng tài chính của gia đình, dòng tộc. Trường hợp các nhà lưu niệm của nhà văn Kim Lân (Hà Nội), nhà thơ Nguyễn Bính (TP.HCM), nhà văn Sơn Nam (Mỹ Tho), nhà thơ Lưu Trọng Lư (quận 7, TP.HCM), nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (TP.HCM) và một vài văn nhân, nghệ sĩ khác chưa liệt kê đầy đủ ở đây là do chính con cháu trong gia đình, dòng họ tự bỏ tiền thực hiện từ nội dung đến hình thức.

Khu di tích lưu niệm Nguyễn Du. Ảnh: Vietnam Journey

Tầm vóc văn hóa và quy mô của các nhà lưu niệm ấy khác nhau là điều có thể hiểu. Nhưng điều đáng quý nhất là con cháu của các danh nhân văn hóa đã có đủ sự quan tâm, trân trọng thân thế, sự nghiệp của cha ông nên khi có điều kiện kinh tế, nhiều ít khác nhau, họ lập tức bắt tay vào công việc lưu giữ những kỷ niệm, kỷ vật gắn với cuộc đời danh nhân là cha, ông mình. Trong số các nhà lưu niệm danh nhân do tư nhân đầu tư và quản lý đó, chúng ta vui mừng biết rằng đã có một địa chỉ có giá trị văn hóa du lịch tầm mức thế giới như không gian ký ức Lê Bá Đảng ở làng Kim Sơn (Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế), do nữ doanh nhân Lê Cẩm Tế làm chủ đầu tư và KTS. Hồ Viết Vinh thiết kế chỉ vì lòng quý trọng tài năng nghệ thuật và tác phẩm nghệ thuật của một danh họa.

Cảnh quan ngọn núi và dòng suối tự nhiên được giữ lại làm nền thiết kế và xây dựng công trình kiến trúc đã mang đến cho không gian này một dáng vẻ thiên nhiên đi cùng hiện đại vô cùng đặc biệt, tạo mỹ cảm cho khách tham quan. Chính ở đây, các tác phẩm hội họa và điêu khắc của Lê Bá Đảng đã phô được hết vẻ đẹp độc đáo của một danh họa tầm cỡ quốc tế, năm 1992 từng được Trung tâm tiểu sử quốc tế thuộc Đại học Cambridge của Anh đưa vào danh mục những người có tên tuổi của thế giới. 

Vui mừng là vậy, nhưng thử hỏi ở Việt Nam có được bao nhiêu hậu thế của các danh nhân văn hóa có điều kiện đầu tư bảo tàng, nhà lưu niệm cho bậc tiền bối của mình? Và để làm được thì cần có những điều kiện gì? 

Thử hỏi ở Việt Nam có được bao nhiêu hậu thế của các danh nhân văn hóa có điều kiện đầu tư cho bảo tàng, nhà lưu niệm cho bậc tiền bối của mình? Và để làm được thì cần có những điều kiện gì?

Trước hết là kinh phí và đất đai, ở nông thôn còn dễ xoay xở, chứ ở thành phố - nơi mà tấc đất tấc vàng thì quả thật việc dành hẳn một ngôi nhà, một khuôn viên để làm nhà lưu niệm danh nhân là không dễ. Nhà nước đã không dễ thì tư nhân phần lớn còn khó hơn. Gia đình may mắn có con cháu đủ điều kiện kinh tế và biết trân trọng chí hướng của ông cha thì có thể. Nhưng còn những gia đình không khá giả thì con cháu có muốn cũng không sao xoay sở được tài chính, đất đai để xây một nhà lưu niệm cho dù cha ông họ rất xứng đáng, như Hữu Loan, Văn Cao, Lưu Quang Vũ. Vậy thì, phải chăng khi xuất hiện nhu cầu xây dựng nhà lưu niệm danh nhân, nhà nước nên có chính sách cho tư nhân thuê đất giá rẻ để làm, ngân hàng có chính sách cho vay vốn ưu đãi dài hạn đồng thời yêu cầu họ trình phương án phát huy giá trị ngôi nhà trên cơ sở kết nối, hợp tác phát triển nhà lưu niệm thành sản phẩm du lịch phục vụ khách tham quan.

Có một điều nữa cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành bại của loại hình nhà lưu niệm, bảo tàng danh nhân là con cháu các văn nghệ sĩ đó có mong muốn dành hẳn một căn nhà hay một phần để làm nơi lưu giữ những kỷ vật của bậc tiền bối nổi tiếng trong dòng họ hay không? Họ có muốn giữ lại các di sản của cha ông họ hay không? Sẽ là may mắn nếu con cái nối nghiệp cha, mẹ thì họ cố gắng giữ lại, nhiều thì một khuôn viên ít thì một góc nhỏ lưu giữ trưng bày các tác phẩm, di sản của cha ông với sự hỗ trợ ít nhiều từ chính quyền huyện, xã.

Ở các tỉnh phía Bắc, nhiều dòng họ gia tộc làm việc này khá tốt, họ coi đó là một tài sản quý giá truyền đời. Chúng ta có thể đến thăm các nhà lưu niệm khá bề thế như nhà lưu niệm cũng là bảo tàng tranh của họa sĩ Sỹ Tốt, nhà lưu niệm nhà văn Nam Cao, khu lưu niệm họa sĩ Nguyễn Phan Chánh... Nhưng nếu con cái không cùng chí hướng với cha mẹ, hoặc kinh tế không mấy khá giả thì khi ấy giữ lại di sản của người đã khuất trở thành gánh nặng cho con cái. 

Không gian Lưu niệm Lê Bá Đảng (Lebadang Memory Space) tại thôn Kim Sơn, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế (khánh thành 21.4.2019). Ảnh: TL

Tuy là khó, nhưng không phải không có lối ra. Thiết nghĩ trước hết, Nhà nước phối hợp với các trường đại học, các hiệp hội nghề nghiệp tổ chức các hội đồng tiến hành định vị lại giá trị tài sản sáng tạo của các văn nghệ sĩ, bởi vì không phải văn nghệ sĩ nào cũng có kết quả lao động nghề nghiệp ở tầm mức như nhau. Kết quả công tác kiểm định, đánh giá giá trị các di sản của họ để lại là căn cứ để đưa ra các phương án khai thác hợp lý. Những văn nghệ sĩ nào mà con cháu có điều kiện kinh tế và có nguyện vọng thì Nhà nước hỗ trợ về pháp lý trong việc xây dựng nhà lưu niệm. Những văn nghệ sĩ nào có tầm ảnh hưởng lớn mà con cháu ở xa, hay không có điều kiện thì Nhà nước cần có hỗ trợ ban đầu về địa điểm (nếu sử dụng lại nhà cũ làm nhà lưu niệm thì tìm địa điểm khác thích hợp để ở cho con cháu; nếu phải xây nhà lưu niệm mới thì thực hiện chính sách mua đất giá rẻ hoặc thuê đất với giá ưu đãi dành cho loại hình văn hóa); tiếp đó là hỗ trợ kinh phí cho giai đoan đầu, là giai  đoạn sưu tầm, phân loại, thiết kế, trưng bày, cùng các trang thiết bị kỹ thuật, trang thiết bị văn phòng kèm theo.

Giai đoạn kế tiếp là làm sao cho các nhà lưu niệm này tự sống được mà không cần đến chính sách hỗ trợ của nhà nước nữa. Tức là các bảo tàng và nhà lưu niệm danh nhân phải được phát triển thành sản phẩm văn hóa – du lịch có giá trị để thu hút khách tham quan tại địa phương và các vùng khác, tạo nguồn thu từ việc bán vé tham quan, bán các sản phẩm văn hóa liên quan đến sự nghiệp của danh nhân văn hóa, bán các dịch vụ ẩm thực nhẹ phục vụ nhu cầu của khách tham quan.  Nguồn thu này là một trong những nguồn lực góp vào trang trải chi phí quản lý, vận hành nhà lưu niệm. 

Nguồn thu đó có ngày càng phát triển hay không còn phụ thuộc năng lực tổ chức hiệu quả các hoạt động bổ trợ cho nhà lưu niệm gắn liền với việc quảng bá, phát huy giá trị của danh nhân như: tổ chức các tiết học ngoại khóa, các buổi sinh hoạt khoa học, các buổi ra mắt tác phẩm mới, đấu giá tranh, các tọa đàm và trình diễn nghệ thuật với quy mô thích hợp để ghi hình có thu phí. 

Năm 1981, lần đầu tiên tôi (khi ấy còn là giảng viên trẻ) cùng cán bộ, giáo viên Đại học Bách khoa TP.HCM được nghe GS-TS. Trần Văn Khê nói chuyện và diễn xướng về âm nhạc dân tộc, từ 8g30 đến hơn 12g, hàng ngàn người im phăng phắc, há hốc mồm nghe “hò, liu, xàng, xê, cống”. Khi ấy tôi đã nghĩ: nếu không biết trân trọng gìn giữ để phát huy một di sản nhân văn như thế bằng một nhà lưu niệm cho thế hệ mai sau thì thật là uổng phí. 

Điều cuối cùng, nếu vận động chính trị kết hợp với chính sách tốt và quy hoạch thật rõ ràng thì việc mỗi doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhận bảo trợ lâu dài cho hoạt động của một nhà lưu niệm danh nhân văn hóa thực sự là một khả thi.

Nguyễn Minh Hòa - Nguồn

Bình luận chủ đề

0 Bình luận

Bài viết liên quan

    Nơi làm việc hay ngôi nhà thứ hai?

    Nơi làm việc hay ngôi nhà thứ hai?

    13/02/24 25 0

    Văn phòng 4DH2 Design, nơi kiến trúc gặp gỡ nghệ thuật và cảm xúc, mang đến một không gian làm việc độc đáo và đầy cảm hứng. Tại đây, sự...

    Bản hoan ca của đời sống

    Bản hoan ca của đời sống

    13/02/24 25 0

    Trước hết, căn nhà là một công trình cải tạo tương đối phức tạp với diện tích 600m2 khá lớn, và cũng vì việc thay đổi khá nhiều những không gian...

CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ

    Bản hoan ca của đời sống

    Bản hoan ca của đời sống

    13/02/24 25 0

    Trước hết, căn nhà là một công trình cải tạo tương đối phức tạp với diện tích 600m2 khá...

    Văn phòng FPT telecom

    Văn phòng FPT telecom

    13/02/24 33 0

    FPT Telecom là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và internet hàng đầu tại Việt Nam trên...

    Nhà mới với vật liệu cũ

    Nhà mới với vật liệu cũ

    13/02/24 24 0

    Trước một căn nhà nhỏ tường xây gạch mộc, mái tranh, một người bạn của tôi kể về...

    NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

    NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

    20/11/23 51 0

    Mỗi ngôi nhà được xây dựng đều là một câu chuyện của kiến trúc sư, nhà thiết kế...
Update data ...