NHÀ HÀNG CAFE 1986

  • Thứ hai, 08:49 Ngày 22/07/2019   Lượt xem: 299
  •  

    Cuối tháng 7 vừa qua, Trên tạp chí ArchDaily - một tạp chí kiến trúc uy tín của Mỹ - đã đăng tải bài viết về nhà hàng cafe rất độc đáo ở thành phố cảng Hải Phòng, miền Bắc nước ta.

    THIẾT KẾ : LE HOUSE ARCHITECT

    ĐỊA ĐIỂM : 33 Đinh Tiên Hoàng, Hoàng Văn Thụ, Hồng Bàng, Hải Phòng

    DIỆN TÍCH : 1.000 m2

    HOÀN THÀNH : năm 2017

    Bạn đã bao giờ tự hỏi làm thế nào để tạo nên một thiết kế ấn tượng? Chỉ cần cung cấp cho KTS các tài liệu cơ bản, họ sẽ tạo ra "những phép màu”. Công trình này là một minh chứng cho điều đó. Xét về mặt định hướng đặc trưng trong thiết kế, nhà hàng cafe này vẫn có một câu chuyện hết sức riêng. Nó lấy ý tưởng từ chiếc khăn “Mỏ Quạ” - một loại khăn truyền thống của người Việt Nam, có nguồn gốc là chiếc mũ hình đầu chim, được làm bằng mỏ chim thật hay bằng vải, tre nứa, hiện còn thấy trên những hình người và tượng người của văn hóa Đông Sơn cũng như của các nền văn hóa gốc Đông Sơn khác, phổ biến được biết đến là trang phục của cô gái miền Bắc. Những nét đẹp gắn với khăn mỏ quạ đã trở thành vẻ đẹp cổ điển của người con gái Việt, và nay nó đã được biểu tượng hóa thành một công trình kiến trúc đầy hãnh diện

    Để thoát khỏi không gian nhà ống rất quen thuộc ở Việt Nam thường tạo cho người sử dụng cảm giác chật chội về bề rộng, các KTS của Le House Architect đã đưa vào khu vườn thiên nhiên nhỏ ở giữa, tạo ra tầm nhìn khoáng đạt và xanh mướt ở mọi góc nhìn. Rất nhiều các loại cây quen thuộc, từ tán thấp đến vươn cao thẳng đứng được sắp xếp hài hòa với nhau, len lỏi là hồ cá bên dưới đưa đến một sự hòa quyện tuyệt vời giữa các yếu tố phong thủy Kim (sắt), Mộc (cây), Thủy (nước), hỏa (đèn và ánh sáng) và Thổ (gạch và đất).

    Điều mình muốn nói ở đây chính là cách sử dụng các vật liệu giản dị và gần gũi nhưng được phối với nhau rất chuẩn mực và tinh tế. Cách bố trí không gian các sàn lớn được kết nối với nhau bởi hai cầu thang sắt lên và xuống rất dài, nhưng đường nét cực kỳ thanh mảnh, phối với tay vịn gỗ đơn sơ hòa trong những cành cây mộc điểm xuyết lá xanh. Cả công trình trở nên cực kỳ lung linh khi chiều về, khi các ánh đèn bão hay đèn treo bóng tròn được bật lên và chiếu sáng từ nhiều góc, tạo tra khung cảnh vô cùng huyền ảo, đẹp mắt

    Một gốc cây tự nhiên được dùng làm chỗ ngồi thi vị cạnh bên khu vườn nhỏ, dưới chân cầu thang. Một chiếc xe đẩy quầy hàng thức ăn cũng được dựng kề bên, với chất liệu thô mộc, được xử lý bề mặt theo cách bạc xưa, cũ kỹ khiến cho người vừa nhìn thấy đã bất giác muốn chạm tay vào, như một cái chạm từ hiện đại muốn gợi nhớ quãng lịch sử văn hóa xa xưa. Những bức "Tranh" 3D trên tường không mang hình dáng của tranh khung gỗ bình thường nữa mà là những chậu cây cảnh nhỏ, được đặt lồng trong những khối hộp sắt tròn, thể hiện cả một sự đầu tư về ý tưởng lẫn tâm tư, tình cảm của người thiết kế

    .

    Trần nhà được thiết kế theo dạng kính với khung thép với ý đồ mở ra bầu trời thiên nhiên với ánh sáng và cảnh vật mây trời được biến đổi theo ngày đêm, theo cả màu mây trời xanh hay trắng của các mùa xuân, hạ, thu, đông. Tầng áp mái như một ban công lớn với thiết kế mở không mái che dành cho những vị khách thích hít thở bầu không khí thực sự của thành phố. Vẫn phải nhấn mạnh trở lại sự kết hợp vật liệu quá xuất sắc, giữa cái thô mộc, giản dị của gạch và cái hiện đại, chính xác của kết cấu thép đã mang lại rất nhiều cảm giác khác nhau ở nhiều góc nhìn nhưng tổng hợp vẫn là sự đồng nhất về tổng thể, về câu chuyện của sự giao thoa giữa kiến trúc và nét đẹp văn hóa vùng miền. 

    Thực sự bày tỏ niềm ngưỡng mộ cho các công trình của Le House với những công trình đậm dấu ấn của niềm say mê nghề và sự am hiểu cả về chuyên môn lẫn văn hóa. Công trình cũng làm mình gợi nhớ tới tòa nhà Comed ở Áo, với những ý tưởng khác nhau nhưng đều tạo nên vẻ đẹp và cách xử lý rất riêng biệt

    0 Bình luận
    Update data ...