Những tác phẩm từ sơ phác đến tác phẩm kiến trúc của Ieoh Ming Pei

  • Thứ tư, 12:25 Ngày 15/12/2021   Lượt xem: 313
  • Ieoh Ming Peilà người Mỹ gốc Hoa, ông là một trong những KTS thành công nhất của thế kỷ 20.

    Ieoh Ming Pei sinh năm 1917 tại Tô Châu, Giang Tô, Trung Quốc. Năm 18 tuổi gia đình ông di cư sang Hoa Kỳ. Ông học kiến trúc tại Đại học Pennsylvania, sau đó lấy bằng Thạc sĩ Kiến trúc tại Học viện kỹ thuật Massachusetts (MIT) năm 1940. Hai năm sau ông theo học thiết kế tại Đại học Harvard. Năm 1944, ông lấy bằng Thạc sĩ thứ hai tại Đại học Harvard, dưới sự hướng dẫn của Walter Gropius và làm trợ lý giáo sư tại Harvard. Năm 1954, ông nhập quốc tịch Mỹ. Năm 1955, ông thành lập văn phòng thiết kế Ieoh Ming Pei và cộng sự. Ông đã đến Taliesin West để gặp KTS nổi tiếng nhất Hoa Kỳ – Frank Lloyd Wright. Ieoh Ming Pei có học vấn rất rộng, được nhiều trường đại học ở Hoa Kỳ, Roma, Paris, Hồng Kông tặng các bằng danh dự. Ông được rất nhiều giải thưởng của các Viện Hàn lâm Nghệ thuật các nước tặng: Ở Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh KTS quốc tế UIA. Năm 1983 ông được giải thưởng Pritzker.

    Công trình kiến trúc do Ieoh Ming Pei thiết kế được xây dựng trên nhiều quốc gia. Lẽ tất nhiên xây dựng ở Mỹ là nhiều nhất. Ở châu Âu và Bắc Mỹ, nhiều công trình của ông được xây dựng tại Pháp, Đức, Canada. Ở châu Á, ông xây dựng khá nhiều ở Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Nhật Bản… Gần đây, ông xây dựng Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo Doha Museum of Islamic Art ở Qatar, một tác phẩm rất đẹp.

    Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo Doha Museum of Islamic Art ở Qatar

    Từ năm 1968 đến 1978, ông thực hiện thiết kế và xây dựng tòa nhà phía Đông Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Quốc gia Mỹ ở Washington. Tòa nhà này nằm riêng biệt với tòa nhà phía Tây đã được xây dựng rất lâu trước đó. Ý tưởng chủ đạo của Pei được thể hiện trong sơ phác của ông (Hình 1). Tổng thể tòa nhà chia thành hai khối tam giác, giữa hai khối có một “rãnh” tạo nên một “lực trượt” giữa hai khối, lực trượt này càng mạnh, toàn bộ khối công trình càng hấp dẫn. Một khối là những không gian trưng bày, một khối có những phòng nghiên cứu, thư viện, lưu trữ, phục chế. Ở hình này ta thấy hình tam giác là yếu tố chủ đạo, khe trượt được tô đậm, có ý nghĩa quan trọng nhất trong sơ phác ý tưởng này. Hình 2 – vẽ cụ thể nội dung các phòng bên trong công trình, toàn bộ là các không gian tam giác và hình thoi. Hình 3 là hình vẽ phối cảnh chim bay của công trình. Hình 4 là ảnh công trình đã được xây dựng. Những khối bê tông to lớn, mạnh mẽ khiến công trình như một tác phẩm điêu khắc khổng lồ có sức mạnh hấp dẫn.

    Năm 1982, Ieoh Ming Pei thiết kế Ngân hàng Trung Hoa ở Hồng Kông (Bank of China BOC). Bản vẽ sơ phác cho ta thấy một tư tưởng cách mạng trong sáng tác kiến trúc. Ngôi nhà như một cột điện cao thế với những kết cấu đan chéo hình chữ X. Kết cấu này đưa phần chịu lực ra ngoài (Hình 5). Mặt bằng tổng thể công trình là một hình vuông chia thành 4 tam giác bởi hai đường chéo. Bốn tháp có đáy tam giác đặt khít vào nhau dựa vào 5 trụ thép cơ bản, 1 trụ giữa và 4 trụ ở 4 góc. Các tháp tam giác này cao thấp khác nhau tạo nên hình ảnh toàn bộ công trình (Hình 6). Hình vẽ số 6 diễn đạt cấu tạo ngôi nhà gồm 4 tháp đáy tam giác cộng vào nhau rồi cộng thêm 4 mái xiên thành công trình cuối cùng. Hình 7 là công trình được xây dựng hoàn thành cao 369m với 70 tầng và diện tích sàn là 100.000m2. Công trình xây dựng lên bị phê phán rất nhiều về mặt phong thủy: Có nhiều góc nhọn, đó là điều kiêng kỵ, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự thịnh vượng của người cư ngụ. Những kết cấu bên ngoài có hình chữ X đan chéo cũng không tốt và toàn bộ công trình như một lưỡi dao khổng lồ chĩa lên trời cũng không tốt.

    Trước đây, lối vào bảo tàng nằm trên đại lộ Tivoli, là lối vào cạnh, nay việc mở rộng bảo tàng đòi hỏi một lối vào hoành tráng, kết hợp với việc vào tầng hầm là khu vực mở rộng bảo tàng – Ieoh Ming Pei đã chọn lối vào nằm giữa sân Napoléon, đó là kim tự tháp bằng kính và thép (Hình 9). Kim tự tháp kính thép này nằm trên trục đường quan trọng nhất của Paris: Từ lỗ cửa vào kim tự tháp coi như điểm khởi đầu xuyên qua khải hoàn môn Carrusel qua quảng trường La Concorde đến khải hoàn môn Ngôi sao và cuối cùng đến cổng lớn ở La Défense là điểm kết thúc. Hình 10 là hình vẽ mặt cắt qua sân Napoléon cho ta thấy hệ thống tầng hầm đồ sộ, trong đó trưng bày rất nhiều hiện vật và còn là khu kho tàng, phục chế và các dịch vụ sách báo, lưu niệm, ăn uống…

    Ban đêm, kim tự tháp sáng rực lộng lẫy. Ở hình 11 ta thấy cả ba kim tự tháp nhỏ dùng lấy ánh sáng thiên nhiên xuống tầng hầm. Qua vài sơ phác của Ieoh Ming Pei, ta thấy ông có những ý tưởng rất khác thường. Những công trình của ông bị phê phán và phản đối gay gắt (nhất là kim tự tháp ở bảo tàng Louvre) nhưng cuối cùng đã được thừa nhận và ca ngợi, trở thành những kiệt tác kiến trúc của nhân loại.

    J.S tổng hợp từ bài viết của PGS. KTS Tôn Đại

    0 Bình luận
    Update data ...