TIN DESIGN THẾ GIỚI
Những xu hướng nổi bật tại Milan Design Week 2023
Sau hai năm gián đoạn vì đại dịch, sự kiện thiết kế hàng năm lớn nhất thế giới Milan Design Week 2023 đã quay trở lại ấn tượng tại thành đô Milan – thủ phủ của cái đẹp – vào mùa xuân như thường lệ. Trong số những ý tưởng độc đáo và sáng tạo từ các NTK và KTS, nhiều xu hướng mới đã xuất hiện và hứa hẹn sẽ trở nên thịnh hành trong tương lai gần.
Mặc dù trong năm nay, hội chợ đồ nội thất Salone del Mobile tổ chức với quy mô nhỏ hơn các năm, nhưng số lượng khách tham dự tổng cộng hơn 300.000 người, tăng 15% so với đợt trước. Ngoài ra, nhằm thu hút sự chú ý ở trung tâm thành phố, nhiều thương hiệu lớn tổ chức các công trình sắp đặt như một phần của chương trình sự kiện Fuorisalone (tên gọi khác của Milan Design Week), trong số đó có các hãng thời trang xa xỉ như Bottega Veneta hay Loewe. Trong khi phần lớn các thương hiệu tránh xa mồi nhử Instagram và theo hướng đi của Chủ nghĩa Tối đa, các NTK nhỏ hơn đã tận dụng các kỹ thuật sản xuất sáng tạo, từ vật liệu tái chế đến trí tuệ nhân tạo. Đây chỉ là một trong số những xu hướng nổi bật tại Milan Design Week 2023. Cùng ELLE Decoration điểm qua những nét đặc sắc khác tại sự kiện thiết kế này.
Điểm giao giữa thế giới thực và ảo
Không giống hoàn toàn với những gì chúng ta nghĩ về xu hướng thiết kế trước đó, trong bối cảnh các sự kiện hậu đại dịch đang trở lại, thay vì tiếp tục với việc thiết kế trên vũ trụ ảo (metaverse), các NTK đã thử nghiệm và tạo nên các tác phẩm thực dựa trên những ý tưởng từ thiết kế kỹ thuật số.
Tại triển lãm Alcova, Forma Rosa Studio đến từ Brooklyn đã trình bày một loạt các loại ghế đẩu và đèn được làm từ gốm, có hình dạng Fractal (hình phân dạng) được tạo nên bằng một thuật toán và được hiện thực hóa bằng cách áp dụng các kỹ thuật làm gốm truyền thống.
Cách đó không xa, NTK Ryan Decker đã giới thiệu bộ đôi đèn mang hình thù như người ngoài hành tinh, kết hợp các thành phần điêu khắc thủ công với các tấm nhôm phẳng được in bằng kết xuất kỹ thuật số và kết cấu do AI tạo ra để khiến chúng mang hình thể không gian ba chiều.
Còn tại Phòng trưng bày Nilufar, NTK người Pháp Audrey Large có màn trở lại với sản phẩm hoành tráng nhất của cô ấy tại Milan từ trước đến nay. trình làng các mẫu đồ nội thất với các dạng hữu cơ xoáy được vẽ bằng tay và được tạo ra nhờ máy in 3D.
Tiếp cận với khán giả theo cách tương tác hơn, Studio Snoop của Úc đã giới thiệu một sản phẩm mà họ tự gọi là “NTK AI đầu tiên trên thế giới” – một chatbot trong công cụ ChatGPT có thể giúp các NTK tối ưu hóa công việc của mình.
Giải pháp cho chất thải công nghiệp
Xu hướng thiết kế bền vững vẫn sẽ là tiêu điểm của các ngành. Từ nông nghiệp đến xây dựng, việc sử dụng vật liệu phế thải do các ngành công nghiệp khác sản xuất là một chiến lược khá phổ biến khi các NTK muốn giảm tác động đến môi trường khi tạo ra sản phẩm.
Xưởng thiết kế Formafantasma đã hợp tác với thương hiệu đồ nội thất Tacchini trong việc dùng len cừu và cao su thiên nhiên dư thừa để thay thế cho nhựa. Trong khi đó, công ty Prowl Studio của California sử dụng sợi gai dầu bỏ đi để củng cố nhựa sinh học tạo thành chiếc ghế Peel có thể phân hủy công nghiệp.
Bên cạnh những chiếc ghế đẩu bằng nhựa sinh học làm từ vỏ trấu và chất thải ô liu ép, tại Alcova, studio nghiên cứu vật liệu Atelier Luma đã giới thiệu về các tấm cách âm hình thành từ phụ phẩm trong quá trình sản xuất lúa gạo.
Trong khi đó, các NTK khác cũng đã làm việc để mang lại sức sống mới thay thế cho các tòa nhà quan trọng bị phá hủy. Chẳng hạn như NTK Hàn Quốc Subin Seol đã tạo ra một loạt bàn ghế hình thành từ tay vịn gỗ làm ra từ Nhà máy điện Fawley của Hampshire. Hay gạch ốp mặt tiền từ Hội trường Phần Lan (Finlandia Hall) mang tính biểu tượng của NTK kiêm KTS Alvar Aalto đã được tái chế để tạo thành bàn trưng bày cho triển lãm Habitare materials.
Ít mạng xã hội hơn, nhiều trải nghiệm thực tế hơn
Cùng với sự trở lại của sự kiện Milan Design Week, những cái tên tham dự sự kiện năm nay cho thấy một xu hướng muốn khách tham quan trải nghiệm thực tế nhiều hơn. Sau khi ra mắt một số tác phẩm dàn dựng “thân thiện” với Instagram tại Milan trong 2 năm qua, bao gồm bốn thiết kế tháp nước lộng lẫy tỏa sáng tựa như những chiếc đèn lồng, nhà mốt Hermès đã thực hiện một cách tiếp cận đơn giản hơn cho thiết kế năm 2023. “Năm nay, phối cảnh của thiết kế này sẽ không quá choáng ngợp,” Charlotte Macaux Perelman, đồng giám đốc nghệ thuật của Hermès Maison cho biết.
Ngoại trừ một vài NTK độc lập – trong số đó có khu vực trưng bày của Marc Fornes dành cho thương hiệu Louis Vuitton và một tác phẩm đầy lấp lánh của thương hiệu đèn đến từ Đức Ingo Maurer bên trong ga tàu Porta Nuova – các sản phẩm được bất chấp đăng lên Instagram này đã được phản ánh khắp thành phố.
Thay vào đó, các thương hiệu tập trung nhiều hơn vào việc cung cấp trải nghiệm cho khách hàng. Google đã tuyển dụng Lachlan Turczan để tạo ra một không gian tối đen gợi nhớ đến một nhà hát, nơi những người qua đường có thể ngồi và xem những hình ảnh rung chuyển được tạo ra bởi những chiếc loa khổng lồ phủ đầy nước của nghệ sĩ.
Còn những người khác thì theo đuổi mô hình Alcova và mở cửa các công trình mang tính lịch sử cho công chúng: như thương hiệu đồ nội thất Đan Mạch Gubi trưng bày các sản phẩm của mình trong một bể bơi ngoài trời mang phong cách thập niên 30, hay NTK người Ý Cristina Celestino với tác phẩm sắp đặt của mình tại trụ sở của Câu lạc bộ quần vợt Milano Bonacossa – một tòa nhà được thiết kế bởi kiến trúc người Milan, Giovanni Muzio.
Chủ nghĩa Tối đa
Trong bối cảnh sự suy thoái kinh tế toàn cầu đang rình rập, đồ nội thất theo Chủ nghĩa Tối đa lại là xu hướng và diễn ra mạnh mẽ.
Trong khắp thành phố, nhiều tác phẩm của các NTK được trưng bày thể hiện điều này một cách rõ nét: BST đồ nội thất bằng vàng của Dolce & Gabbana, những chiếc ghế họa tiết paisley sáng tạo bởi Etro, hay cửa hàng bách hóa Liberty nổi bật lên với sọc đậm và hoa văn trừu tượng lấy cảm hứng từ chủ nghĩa vị lai (Futurism) của Ý.
Ở quận 5vie, studio nội thất đặt tại Ireland – Kingston Lafferty Design – đã tân trang lại toàn bộ phòng khách trong căn hộ cũ từ những năm 1930. Trong căn phòng, sự tương phản của giấy dán tường hoa trang trí công phu với tấm thảm da đỏ và sofa Erasmo của Afra và Tobia Scarpa đã tạo nên một bố cục ấn tượng.
Thương hiệu thời trang và đồ gia dụng của Milan La DoubleJ đã kỷ niệm bước đột phá đầu tiên trong lĩnh vực giấy dán tường với một sự thay đổi mạnh mẽ về hoa văn cho phòng tắm cho 8 khu vực trên khắp Milan – từ Pasticceria Cucci đến Câu lạc bộ Apophis.
Thời trang chiếm lĩnh Milan Design Week 2023 như một cơn bão
Từ lâu, các nhà mốt từ Dior đến Louis Vuitton vẫn luôn góp mặt tại Milan Design Week. Nhưng kể từ khi doanh số bán đồ nội tăng vọt trong thời kỳ đại dịch, thì năm nay, trên các thành phố lớn đã tràn ngập các sản phẩm đến từ nhiều thương hiệu hơn, như Timberland, Stone Island, Sunnei, Jimmy Choo hay Fila, cho thấy xu hướng lấn sân vào lĩnh vực đồ nội thất của các hãng thời trang ngày càng mạnh mẽ.
Nhà mốt đến từ Ý, Bottega Veneta là một trong số những cái tên mới đáng chú ý. Hãng đã đóng cửa toàn bộ cửa hàng Montenapoleone trong dịp này và biến nơi đó thành một tác phẩm trông như hang động được thiết kế bởi Gaetano Pesce, người tiên phong trong thiết kế Radical của Ý.
Và trong nhà thờ San Paolo Converso thế kỷ 17, G-star RAW và NTK người Hà Lan Maarten Baas đã sử dụng những tấm ván làm từ vải denim tái chế của hãng để tạo nên những chiếc tủ đồ và thậm chí cả một chiếc máy bay tư nhân bọc denim, nhằm mỉa mai cho sự tiêu thụ quá mức.
Trong khi Dior đã mang Philippe Starck trở lại lần nữa mô phỏng chiếc ghế Medallion của hãng, thì NTK Jonathan Anderson của hãng thời trang Loewe đã mô phỏng lại chiếc ghế stick cổ điển của xứ Wales bằng một loạt các vật liệu không ngờ tới, từ giấy bạc đến vải lông cừu.
Ý tưởng từ thức ăn
Tại đất nước có nền ẩm thực được xem như nghệ thuật như Ý, thức ăn không chỉ đơn thuần được đựng trên dĩa, mà các NTK đã thực sự tạo ra một bữa buffet gồm nhiều sản phẩm khác nhau, được tích hợp dưới hình dạng đặc biệt của các mặt hàng tạp hóa từ cà rốt đến các loại mì ống.
Trong khi tổ chức Basketclub – được thành lập trong đại dịch – trưng bày những chiếc giỏ được dệt từ bánh mì thật, vòng xoắn kẹo dẻo và dây chuyền kẹo, thì NTK Robert Stadler đã sử dụng trái cây và rau bằng gốm để tạo thành bộ sưu tập đồ nội thất OMG-GMO của mình, trong đó có cà tím làm chân bàn và lát dưa hấu khổng lồ làm ghế ngồi.
Với cách tiếp cận trừu tượng hơn, NTK Chris Fusaro ở Montreal đã trưng bày bộ sưu tập bát và rây lọc mì ống bằng đồng, được đúc trong khuôn làm từ những sợi mì ống thật bằng cách cải tiến kỹ thuật làm đồ trang sức theo cách truyền thống.
Food design Laila Gohar cũng đã trở lại tuần lễ thiết kế Milan sau khi ra mắt thương hiệu đồ gia dụng của mình vào năm ngoái, nhằm tạo ra những màn trình diễn ẩm thực ấn tượng cho buổi triển lãm của thương hiệu vật liệu SolidNature và OMA, cũng như Ingo Maurer và Hermès.
Theo Khánh Quỳnh
Copyright © 2020 - Bản quyền thuộc về Jade Swan
Người online: 221 | Tổng lượt truy cập: 9,467,170