TIN DESIGN THẾ GIỚI
Tại sao các tác phẩm điêu khắc của Ai Cập cổ đại luôn bị gãy mũi?
Bảo tàng của Quỹ tài trợ Nghệ thuật Pulitzer ở St. Louis, Missouri (Hoa Kỳ) tổ chức một cuộc triển lãm dành riêng cho các tác phẩm mũi bị hỏng và bàn tay bị cắt xén từ thời Ai Cập cổ đại. Đây không phải là nạn nhân của thời gian, mà là do những hành động phá hoại. Thủ phạm ư? Chính là những kẻ cướp mộ, những kẻ thù chính trị và các tín đồ Thiên Chúa giáo.
Tại sao các tác phẩm điêu khắc Ai Cập cổ đại luôn bị gãy mũi?
Đây là một câu hỏi mà nhà khảo cổ học người Mỹ Edward Bleiberg đã đặt ra từ lâu. Để tìm ra câu trả lời, trong thời gian làm việc tại Bảo tàng Brooklyn (New York), ông đã nghĩ ra một kế hoạch cho cuộc triển lãm hợp tác với Bảo tàng của Quỹ tài trợ Nghệ thuật Pulitzer, ở Saint-Louis ở Missouri mang tên “Quyền năng hùng mạnh: biểu tượng ở Ai Cập cổ đại”.
Thông qua 40 tác phẩm, triển lãm này thể hiện sự đả phá những tín ngưỡng lâu đời, ám chỉ tình trạng hư hại có chủ ý của các vật thể tượng hình đại diện tôn giáo trong thời cổ đại Ai Cập. Các tác phẩm được thu thập từ thế kỷ 25 trước Công nguyên đến thế kỷ 1 Công nguyên. Những bức tượng bán thân, tượng, bia, quan tài bằng đá, phù điêu trang trí lăng mộ và đền thờ, đã bị hư hại và bị cắt xẻo.
Những hình ảnh đáng sợ
Đối với Edward Bleiberg, tất cả các tác phẩm này đều bị phá vỡ ở mũi. “Sự giống nhau giữa các thiệt hại quan sát được trên các tác phẩm điêu khắc cho thấy là do cố ý”, ông giải thích với tạp chí trực tuyến chuyên về nghệ thuật Artsy.
Những hành động phá hoại này được thực hiện bởi những tên trộm, những kẻ cướp mộ vì lý do chính trị hoặc tôn giáo. Phần lớn các tác phẩm này đã bị hư hỏng trong thời cổ đại (từ thế kỷ 3) bởi những người theo Thiên Chúa giáo, những người “nghĩ rằng chúng chứa chấp các lực lượng tâm linh nguy hiểm”, thông cáo báo chí của triển lãm giải thích.
“Ở Ai Cập cổ đại, các vật thể không chỉ có chức năng là hình ảnh đại diện. Chúng được coi là chứa năng lượng tâm linh mạnh mẽ, mãnh liệt”, tài liệu giải thích. Sự xuống cấp của các vật thể đại diện mang hình dạng con người được xem xét cẩn trọng. Người Ai Cập tin rằng “làm hỏng một vật thể đại diện sẽ ảnh hưởng đến người được đại diện”, Edward Bleiberg nói rõ thêm.
Các chữ tượng hình cho thấy một cái nhìn bao quát về niềm tin này. Các bức tranh tường cho thấy những người lính chiến đấu đã tạo ra một tượng sáp đại diện kẻ thù của họ và phá hủy nó.
Phá hủy để bảo vệ bản thân khỏi sự trả thù
Những tác phẩm mang hình người vừa thu hút vừa đáng sợ. “Tất cả đều có mối liên hệ với siêu nhiên” – Edward Bleiberg giải thích – và chúng có một chức năng rất đặc biệt. Trong các ngôi mộ, chúng giúp người quá cố sống sót ở thế giới bên kia, đặc biệt là bằng cách cung cấp cho họ thức ăn. Trong các đền thờ, họ tổ chức các buổi cúng tế các vị thần để bảo chính bản thân họ.
Do đó, mục đích phá hoại các tác phẩm này là để “vô hiệu hóa sức mạnh của vật đại diện”, Edward Bleiberg giải thích. Không có mũi, những tượng hình người không thể thở được nữa. Do đó, họ đã bị “sát hại” và không còn có thể hoàn thành vai trò người bảo vệ. Những kẻ phá hoại sợ bị trả thù và tin rằng bằng cách phá hủy một chi tiết quan trọng của vật thể đại diện, người chết hoặc các vị thần không còn có thể trả thù.
Không có tay, không có thức ăn
Bên cạnh đó, mũi không phải là bộ phận duy nhất của cơ thể bị phá hủy. Những kẻ phá hoại cũng cắt râu của pharaon Hatshepsut – “biểu tượng của hoàng gia chính thống”, vương miện của pharaon Akhenaton, đôi tai để những lời cầu nguyện không còn được nghe thấy cũng như là những bàn tay để nhận lễ vật cúng bái hoặc để lấy thức ăn ở thế giới bên kia.
Đây là trường hợp với tấm bia của Setju. Tượng đài này được tìm thấy trong một ngôi mộ của một nhà quý tộc – Setju, đang ngồi với bàn tay hướng về phía một cái bàn. “Những hư hại gây ra trên mặt và bàn tay phải của Setju có lẽ là do người dân, kẻ cướp mộ hoặc kẻ thù chính trị gây ra, những kẻ muốn tước đoạt mọi nguồn thức ăn và quyền năng của ông ở kiếp sau, để ông không thể trả thù cho tội ác của chúng”, thông cáo báo chí giải thích.
Ngày nay, việc phá hoại một tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt nếu nó có ghi nhận ngày tháng, rất khó chấp nhận và thường bị pháp luật trừng trị. Tuy nhiên, như Edward Bleiberg đã đề cập, người Ai Cập đã không coi những vật thể này là nghệ thuật.
Đối với họ, những tác phẩm này chỉ là một “công cụ” để tự bảo vệ mình trong suốt cuộc đời và trong cuộc sống sau khi chết.
Nguyễn Văn Sơn - Nguồn
Copyright © 2020 - Bản quyền thuộc về Jade Swan
Người online: 50 | Tổng lượt truy cập: 9,676,616