Diễn đàn

Tái sử dụng công trình công nghiệp cũ

Đánh giá: (Tốt) (Báo cáo) - Người đăng: Pi

Tại các thành phố (TP) lớn của Việt Nam, có rất nhiều các công trình công nghiệp (CTCN) lâu đời, chúng tạo công ăn việc làm cho người dân và có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đô thị, các CTCN cũ này nằm xen lẫn với khu dân cư hay trung tâm mới của TP. Chúng vô tình trở thành nhân tố gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống về nhiều mặt: Ô nhiễm, tiếng ồn, ách tắc giao thông hay gây quá tải cho hệ thống kỹ thuật hạ tầng.


Mặt khác, các CTCN cũ này dần trở nên lạc hậu, lỗi thời về công nghệ, sản phẩm có chất lượng kém và không đáp ứng hay cạnh tranh nổi với nhu cầu hiện đại. Điều này dẫn đến làm ăn thua lỗ, èo uột nên càng ngày các công trình này càng xuống cấp, gây lãng phí về cơ sở vật chất và tài nguyên đất đai của xã hội. Chính vì thế, trong các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch xây dựng của TP, chủ trương di dời các CTCN cũ này ra khỏi TP là đúng đắn và hợp lý.

Việc tái sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật và quỹ đất của các CTCN cũ này hay chuyển đổi công năng của chúng cho phù hợp với quy hoạch chung, phù hợp với năng lực và nguyện vọng của nhà đầu tư là một nhiệm vụ khó khăn.
Có thể nói, những CTCN cũ là một phần di sản văn hóa của địa phương. Việc tháo dỡ những công trình này làm mất đi một phần kí ức lịch sử đô thị. Trên thế giới, việc tái sử dụng các CTCN cũ đã được nhiều nước áp dụng thành công như Mĩ, Pháp, Anh, Đức, Hà Lan, Singapore…

Trên thực tế ở nước ta, rất nhiều các CTCN cũ có giá trị như khu liên hợp Ba Son, nhà máy dệt Nam Định hay các nhà máy “Cao su Sao Vàng –Xà phòng Hà Nội –Thuốc lá Thăng Long” ở Hà Nội đều nằm trong diện di dời hay đã bị tháo dỡ hoàn toàn để lấy quỹ đất vàng xây dựng các chức năng mới.

Ở nước ta, các nghiên cứu về vấn đề tái sử dụng lại các CTCN cũ chưa được chú trọng và có rất ít tài liệu nghiên cứu. Do đó, nghiên cứu việc tái sử dụng thành công các CTCN cũ trên thế giới, sẽ rút ra được các bài học tham khảo, tạo tiền đề cho những nghiên cứu sâu hơn là điều cần thiết và phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.

Câu chuyện về Tái sử dụng các CTCN cũ trên thế giới

Các CTCN đại diện cho nền sản xuất vật chất của một địa phương. Ví dụ khi nhắc đến Nam Định người ta nghĩ ngay đến nhà máy dệt. Tương tự như vậy đối với nhà máy xi măng Hải Phòng; nhà máy kẽm Quảng Ninh; khu nhà máy cao su Sao Vàng, Xà phòng, Thuốc lá Thăng Long ở Hà Nội; khu liên hợp Ba Son ở TP.HCM…

Ngoài sự lỗi thời, chi phí để phục hồi; thì các CTCN cũ còn gặp những khó khăn riêng của nó, ví dụ như ô nhiễm do thời gian sử dụng kéo dài. Việc khôi phục lại các tòa nhà công nghiệp cũng đồng thời phải giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, các CTCN cũ lại có kiến trúc rất độc đáo và chuyên biệt. Chúng có diện tích sàn, khoảng vượt nhịp, chiều cao không gian lớn và chịu được tải trọng nặng hàng trăm tấn. Vì thế, ngay cả việc tháo dỡ chúng cũng là vấn đề khó khăn không ít. Ngoài ra, các công trình này thường được xây dựng ở những nơi đông dân cư và có hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải tốt để dễ dàng phục vụ cho sản xuất. Đây là những đặc điểm thuận lợi để có thể tái sử dụng lại chúng.

Do đó, các CTCN cũ có thể nói là những tài sản quý giá của cộng đồng. Vì vậy, việc tái sử dụng lại những tài sản hiện có này là một phương thức đầu tư mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho xã hội.

Sau cách mạng công nghiệp, khắp nơi trên thế giới đều tồn tại nhiều khu công nghiệp cũ bỏ hoang. Chúng là vấn đề cần phải giải quyết của các nước: Hoặc là được xã hội tái sử dụng lại hoặc là bị xóa bỏ hoàn toàn.
Tái sử dụng lại các CTCN cũ trong hoàn cảnh xã hội mới là một cách tốt nhất để bù đắp cho chi phí phục hồi và bảo trì chúng. Điều này sẽ tạo được sự phát triển, tạo ra việc làm và kích thích sự đầu tư vào cộng đồng.

1. Những lợi ích của việc tái sử dụng các CTCN cũ

a. Đầu tiên, việc tái sử dụng các CTCN cũ này là được xem như một chiến lược tốt để bảo quản và bảo tồn di sản.

Thay vì phải tốn kinh phí bảo trì và bảo dưỡng hàng năm, những công năng mới của công trình sẽ tạo ra lợi nhuận để bù đắp cho các kinh phí này. Ở Mỹ, Có 4 cách để bảo tồn di sản:

  • Bảo tồn: Kìm hãm sự xuống cấp của công trình, giữ nguyên hiện trạng lịch sử của nó. Duy trì và sửa chữa công trình tiếp tục theo thời gian;

Công trình nhà xưởng Ba Son. [Nguồn: internet]

Công trình nhà xưởng Ba Son. [Nguồn: internet]
  • Khôi phục: Cần phải xác định được giai đoạn có ý nghĩa đối với công trình và sửa chữa, khôi phục lại nó. Đồng thời, loại bỏ những ảnh hưởng của những giai đoạn khác;
  • Tái thiết: Tái tạo lại chi tiết hoặc cấu trúc của công trình thông qua việc xây dựng mới, nhằm trả lại hình thức ban đầu;
  • Phục hồi chức năng: Thừa nhận sự cần thiết phải thay đổi hoặc thêm vào các chi tiết khác để đáp ứng tiếp tục khả năng sử dụng tiếp tục hoặc thay đổi chức năng sử dụng của công trình, nhưng vẫn phải giữ được tính lịch sử của công trình đó.

b. Tái sử dụng CTCN cũ được xem như một hệ thống lợi ích cho xã hội.

  • Lợi ích về mặt xã hội: Các dãy nhà, khu phố, công trình trống không và bị bỏ hoang có ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý đối với cộng đồng. Chúng là biểu hiện của thất nghiệp và nghèo đói, biểu hiện của sự từ bỏ và tuyệt vọng. Ngoài ra, chúng còn có thể thu hút các hành vi nguy hiểm và bất hợp pháp.

Lý thuyết “Cửa sổ vỡ” nổi tiếng đã chứng minh: Sự suy thoái của một khu phố có một tác động xúc tác, dẫn đến việc bị bỏ rơi và phá hủy nhiều hơn. Và ở chiều ngược lại, các nỗ lực tái tạo có thể biến đổi các khu phố theo các chiều hướng tích cực hơn.

Do đó, phục hồi các khu vực này sẽ gửi tín hiệu đến cho cộng đồng rằng các cơ hội mới đang đến, để TP của họ có thể thích ứng, phát triển và hồi sinh.[2]

  • Lợi ích về mặt kinh tế: Xét trên phương diện thi công, việc tái sử dụng lại công trình làm giảm chi phí nhân công (thường rất đắt, đối với các quốc gia phát triển như Mỹ hay Châu Âu thường chiếm ½ chi phí xây dựng). Ngoài ra, các bộ phận cần thiết để thay thế và sữa chửa có thể mua tại địa phương. Điều này có lợi cho các doanh nghiệp và nhà cung cấp của địa phương đó.

Xét trên phương diện hiệu quả kinh doanh, các tòa nhà được khôi phục mang lại lợi ích cao hơn các dự án được xây mới cùng thể loại. Giả sử tất cả các công trình đều được xây mới như nhau, thì chỉ còn một lý do duy nhất để khách hàng đến công trình đó là khoảng cách và sự thuận tiện mà nó mang lại. Một công trình xây mới dù hấp dẫn sẽ chỉ thu hút được khách hàng ở thời gian đầu, không lâu sau, người ta sẽ chọn đến nơi nào tiện hơn, vì chỗ nào cũng giống nhau cả. Trong khi đó, với hình ảnh của các khu phố ổn định, lâu dài do có bề dày lịch sử được cải tạo thành các khu mua sắm, điều này tạo sức thu hút đặc biệt cho các công trình tái sử dụng.

Lấy một ví dụ là khu Coal Drops Yard của Anh, vốn là các dãy nhà kho và bãi bốc dỡ than cũ, được cải tạo thành khu trung tâm mua sắm. Khu vực này đã mang lại một nguồn lợi nhuận kinh doanh khổng lồ (theo thống kê của Báo cáo tác động bán lẻ ở Anh, thì đến năm 2020, hơn 16.000m2 bán lẻ của khu vực này sẽ mang lại hơn 80 triệu bảng Anh [1].

Theo thống kê khác của Mỹ, những người mua hàng ghé thăm các khu phố lịch sử tiêu tốn trung bình 62 đô la mỗi ngày nhiều hơn các khách du lịch khác.[1]

  • Lợi ích về môi trường: Tái sử dụng lại các công trình cũ là một trong những giải pháp phát triển bền vững, vốn là xu thế toàn cầu đang hướng tới, bằng cách làm giảm thiểu tiêu tốn năng lượng và giảm khí thải thoát ra môi trường.

Khi tái sử dụng một tòa nhà công nghiệp 100.000 foot vuông, có thể tiết kiệm được khoảng 97 triệu MBTU (đơn vị được sử dụng trong việc xây dựng hệ thống theo dõi sử dụng năng lượng của Anh). Hơn 1200 MBTU được tiết kiệm khi không phải tháo dỡ công trình. Những con số này đơn giản nói lên là khi quyết định tái sử dụng lại công trình, làm giảm thiểu tiêu tốn năng lượng.

Hiện nay, theo tiêu chuẩn LEED (Leadership in Energy & Enviroment Design), tiêu chí tái sử dụng công trình: Giữ tối thiểu 75% đến 95% vật liệu ốp và kết cấu công trình hiện có. Sử dụng tối thiểu 50% các cấu kiện không chịu lực bên trong công trình hiện hữu.

Tất cả những số liệu trên đều là minh chứng rõ rệt cho những lợi ích đối với môi trường của việc tái sử dụng công trình CTCN cũ. [1]

2. Những bài học thành công trên thế giới

Một trường hợp khá nổi tiếng là khu công nghiệp khai thác than đá Zeche Zollverein, Essen, Đức. Đây vốn là một trung tâm khai thác than đá và thép quan trọng nhất của Đức nửa sau thế kỷ 20. Ngày nay, công trình được cải tạo lại thành khu liên hợp bảo tàng, biểu diễn nghệ thuật, hòa nhạc, nhà hàng, cafe rất độc đáo và mang lại nguồn thu khổng lồ về du lịch.

Công năng mới ở Nhà máy đóng tàu Philadelphia, Mỹ

Công năng mới ở Nhà máy đóng tàu Philadelphia, Mỹ

 

Khu Coal Drops Yard – Anh. [Nguồn: internet]

Khu Coal Drops Yard – Anh. [Nguồn: internet]

Một trường hợp khác là khu cảng Albert Dock tại Liverpool, Anh. Có thể nói, công trình này là một chứng tích quan trọng cho thời kỳ công nghiệp trước thế kỷ 19 ở Anh. Ngày nay, Albert Dock là một trong những điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất của Liverpool, được UNESCO công nhận là di sản Thế giới. Đồng thời, Albert Dock cũng là phức hợp đa chức năng thu hút nhất ở Vương quốc Anh khu vực ngoài London.

 

 

Khu công nghiệp khai thác than đá Zeche Zollverein Essem, ĐỨc ngày nay. [Nguồn: internet]

Khu công nghiệp khai thác than đá Zeche Zollverein Essem, ĐỨc ngày nay. [Nguồn: internet]

Sự sầm uất của cảng Albert Dock ngày nay. [Nguồn: internet]

Sự sầm uất của cảng Albert Dock ngày nay. [Nguồn: internet]

 

Kết luận

Một dự án tái sử dụng CTCN cũ thành công cần có vai trò quản lý và định hướng của nhà nước, cùng sự kết hợp với các nguồn lực tư nhân trong xã hội.

Ở nước ta, do có những bất cập trong việc xếp hạng di sản văn hóa, nên đến nay vẫn chưa có CTCN cũ nào của Việt Nam được công nhận là công trình di sản. Sự biến mất dần của các công trình như nhà máy đóng tàu Ba Son, nhà máy dệt Nam Định, nhà máy thuốc lá Sài Gòn…là một mất mát to lớn đối với kí ức đô thị.

Việc giữ được bản sắc văn hóa cùng với ký ức lịch sử riêng biệt của mỗi TP sẽ là yếu tố khác biệt, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế.

Qua những nghiên cứu trên có thể thấy, việc tái sử dụng lại các CTCN cũ thay vì xóa xổ chúng là điều hoàn toàn có thể áp dụng tại Việt Nam.

Tài liệu tham khảo :

  1. Nguyễn Vương Hồng. (2017). Luận văn thạc sỹ “Tái sử dụng công trình công nghiệp cũ tại TP.HCM”. Trường ĐH Kiến trúc TP. HCM.
  2. Lưu Thị Thanh Trang. (2016). Luận văn thạc sĩ “Sự chuyển đổi công năng những kiến trúc cũ có giá trị thành công trình văn hóa tại TP.HCM”. Trường ĐH Kiến trúc TP. HCM
  3. Kate Spencer Milgrim. (2010). Manufacturing Prosperity: Evaluating the
    Rehabilitation of Industrial Complexes, Masters Thesis University of Pennsylvania, US.
  4. Andrew Mead. (2002). The Factories: The conversions for Urban culture, TransEuropeHalles, EU.

*ThS.KTS Nguyễn Vương Hồng
Khoa Kiến trúc – Xây dựng Mỹ thuật ứng dụng – Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2020)

Bình luận chủ đề

0 Bình luận

Bài viết liên quan

    Nơi làm việc hay ngôi nhà thứ hai?

    Nơi làm việc hay ngôi nhà thứ hai?

    13/02/24 25 0

    Văn phòng 4DH2 Design, nơi kiến trúc gặp gỡ nghệ thuật và cảm xúc, mang đến một không gian làm việc độc đáo và đầy cảm hứng. Tại đây, sự...

CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ

    Bản hoan ca của đời sống

    Bản hoan ca của đời sống

    13/02/24 25 0

    Trước hết, căn nhà là một công trình cải tạo tương đối phức tạp với diện tích 600m2 khá...

    Văn phòng FPT telecom

    Văn phòng FPT telecom

    13/02/24 33 0

    FPT Telecom là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và internet hàng đầu tại Việt Nam trên...

    Nhà mới với vật liệu cũ

    Nhà mới với vật liệu cũ

    13/02/24 24 0

    Trước một căn nhà nhỏ tường xây gạch mộc, mái tranh, một người bạn của tôi kể về...

    NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

    NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

    20/11/23 51 0

    Mỗi ngôi nhà được xây dựng đều là một câu chuyện của kiến trúc sư, nhà thiết kế...
Update data ...