Diễn đàn

Tạo lập không gian thúc đẩy sáng tạo

Đánh giá: (Tốt) (Báo cáo) - Người đăng: Pi

Không gian khởi nguồn cho sáng tạo

Innovation Tower

Tháng 2/2015, khi được dịp qua thăm lại Đại học Bách Khoa Hồng Kông (The Hong Kong Polytechnic University), người viết bài này đã thật sự choáng ngợp và xúc động trước một công trình – Tượng đài mới của kiến trúc trường đại học – Tòa tháp Đổi mới, Innovation Tower do Zaha Hadid thiết kế. Từng viết về công trình đặc biệt này cũng như từng đưa vào dẫn chứng cho công trình nghiên cứu về Nhà cao tầng trong các trường đại học, và mặc dù đã từng tới quan sát khi công trình gần hoàn tất để đưa vào sử dụng, sự cảm nhận về không gian dành cho sáng tạo này dường như vẫn không thể miêu tả nổi. Lần giở lại hồ sơ cuộc thi thiết kế năm 2007, với một tiêu chí ngắn gọn của đầu bài “Công trình (mong được thấy) là một cấu trúc mang tính biểu tượng và định hướng phát triển Hồng Kông thành một trung tâm thiết kế của châu Á” – Mới thấy Zaha Hadid đã kiến tạo Innovation Tower theo yêu cầu không thể hoàn hảo hơn. Dường như thông qua kiệt tác này, bà đã truyền cả cái “Khát vọng luôn đổi mới rất Zaha” vào khát vọng sáng tạo của Hồng Kông. Khát vọng này không chỉ thể hiện ở tính biểu tượng của một cấu trúc chuyển động khi nhìn từ bên ngoài mà nó còn hiển hiện ở mọi nơi mọi chỗ, ở từng không gian bên trong, nơi dành cho giới trẻ tinh hoa Hồng Kông thể hiện khát vọng sáng tạo của mình. Với 15.000 m2 trên 15 tầng, có sức chứa đến 1.800 sinh viên, gồm những không gian chức năng đặc thù cho đào tạo và thực hành các kỹ năng thiết kế và sáng tạo đổi mới như lớp học chuyên dụng, studio thiết kế và đồ họa, xưởng thực nghiệm, giảng đường, hội thảo, trưng bày, triển lãm … cũng như các không gian giao lưu khác. Quan sát những con người trẻ tuổi ở đây, cũng không khó để nhận ra rằng họ, khi hối hả và khoan thai, khi căng thẳng và thư giãn, khi chăm chú và lơ đễnh… tất cả như đều dành cho công việc sáng tạo và tại chính những không gian mà họ đang hòa mình đã thúc đẩy họ sáng tạo.

Những con số về sự phát triển và thứ hạng châu Á và thể giới của Đại học Bách khoa Hồng Kông trong vòng 5 năm qua với những công trình nghiên cứu được cho ra lò từ đây cho ta thấy những giá trị đích thực của Innovation Tower. Phải chăng, có thể bắt đầu từ đây để trao đổi về hướng tạo lập những không gian mà ở đó sáng tạo thiết kế được thúc đẩy, vai trò, tính chất và nội hàm, cũng như những mô hình và thực tế, ngõ hầu giúp ích cho những đồng nghiệp đã đang và sẽ dấn thân vào sáng tạo thiết kế kiến trúc.

Những không gian chức năng

Thiết kế nói chung và thiết kế kiến trúc nói riêng là một công việc đòi hỏi tính sáng tạo rất cao, đặc biệt, nó không chỉ mang tính sáng tạo trong ý tưởng (creative) mà còn có mục đích rõ ràng là chuyển hóa sáng tạo có tính đổi mới (innovation) vào thực tế tạo lập những không gian cụ thể. Những không gian mà trước hết phù hợp với chức năng của những hoạt động sáng tạo đặc thù, hoặc chuyên ngành nghệ thuật như thời trang, hội họa, điện ảnh, nhiếp ảnh, âm nhạc… hoặc kỹ thuật công nghệ như phần mềm, đồ họa, sáng chế… hoặc đa ngành như những trung tâm sáng tạo. Ở đây, trong những không gian giới hạn và không giới hạn, ba nhu cầu chủ yếu là: Được đào tạo, được sáng tạo và được thể hiện. Từ đó dẫn đến các hoạt động chủ yếu cũng là đào tạo, sáng tạo và thể hiện mà cần có các không gian chức năng phù hợp cho những hoạt động này. Đó chính là chức năng đào tạo với những lớp học, giảng đường, phòng lab, studio, thư viện… và chức năng thể hiện như phòng trưng bày, triển lãm sản phẩm, hội thảo, forum…

Những hoạt động bên trong Innovation Tower

Tuy nhiên, cũng chính mục tiêu sáng tạo đã là định đề để tạo lập những không gian chức năng đặc thù không đơn thuần của các mô hình đào tạo và thể hiện thông thường khác. Và dường như bài toán phải giải ở đây là dung hòa được sự kích thích tư duy sáng tạo cá nhân và một môi trường tương tác. Đó cũng chính là sứ mệnh thứ hai mà không gian kiến trúc ở đây cần hướng tới – Thúc đẩy sáng tạo. Sự thúc đẩy sáng tạo có thể đến từ tổ chức không gian lớp học, giảng đường… và cũng có thể do những không gian mang tính tương tác cao như phòng trưng bày, triển lãm.. thậm chí cà phê, căng tin… đem lại. Thư viện, phòng đọc hay khoảng vườn xanh thư giãn dành cho nơi thu mình cá nhân bên cạnh bàn cà phê, căng tin… giao lưu trao đổi nhóm. Khi mà đặc trưng của hoạt động sáng tạo thiết kế là cá nhân và nhóm, mọi không gian được yêu cầu dường như tạo mọi điều kiện cũng như kích thích các hoạt động này một cách có hiệu quả. Ở đây, những không gian xanh đóng vai trò như một sự điều tiết cần có, không mâu thuẫn với sự tập trung cao độ mà lại tạo ra những khoảng lặng để suy ngẫm.

Đặc biệt, khi con người đã bước vào kỷ nguyên của công nghiệp văn hóa, cái tôi trong sáng tạo được cuốn vào, hòa mình, phát triển để đáp ứng và phù hợp với nhịp sống đương đại, hướng tới những sáng tạo mang tính dự báo cho tương lai. Còn nhớ cách đây tròn thế kỷ, ở nước Nga Xô Viết non trẻ, hệ thống các xưởng sáng tác và trưng bày nghệ thuật tự do Svomas (Free State Art Studios) đã chắp cánh cho những ý tưởng kiệt xuất mang tính dự báo của kiến trúc đương đại với những tên tuổi như Ivan Leonidov, El Lissitzky, Vladimir Tatlin…Tìm tòi và phát triển những cấu trúc mới cũng chính là một trong những mục tiêu của sáng tạo thiết kế.

Như vậy, một không gian phù hợp với những diện tích chức năng cần có, một không gian khuyến khích để luôn tạo ra môi trường đổi mới trong sáng tạo và một không gian linh hoạt để thiết kế đi trước được một bước là những nội hàm cần có trong các không gian sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế. Bên cạnh đó, nhu cầu sáng tạo và thể hiện cũng chính là tiền đề cho những không gian mang tính cố định tĩnh và không gian linh hoạt động, có thể được xây dựng kiên cố hoặc tạm thời (cũng như triển lãm cố định và triển lãm chuyên đề) với không gian giới hạn trong nhà hoặc không gian mở ngoài nhà. Những không gian này được tạo lập dành cho những chương trình thường xuyên và những hoạt động theo chuyên đề.

Mô hình và thực tiễn

Sáng tạo là một món quà Trời ban cho con người, không kể tới tuổi tác. Tuy nhiên người viết bài này muốn hướng tới những không gian sáng tạo dành cho những đồng nghiệp mà tuổi trẻ gắn liền với động lực và khát vọng sáng tạo, đổi mới, những không gian mà họ có thể được đào tạo và tự đào tạo để sáng tạo và có điều kiện thể hiện, trưng bày những sản phẩm thiết kế sáng tạo của mình.

Trước hết, có thể nói về những ngôi trường kiến trúc, nơi đào tạo những KTS, ở đây sẽ không đề cập đến những yêu cầu kinh điển về cơ sở vật chất mà một trường đại học đào tạo các KTS cần có mà chỉ tập trung vào những mô hình không gian đặc thù góp phần khuyến khích và thúc đẩy ý tưởng sáng tạo cho các KTS tương lai ngay từ trong quá trình được đào tạo. Xét về nội hàm, những không gian chức năng cần có ở đây có thể phân ra không gian thực hiện bao gồm phương tiện (tin học, đồ họa, xưởng chế tác mô hình, tra cứu…) và không gian giới thiệu (trưng bày, triển lãm, thuyết trình giao lưu, trao đổi…). Đáng chú ý ở đây là điều kiện hoàn toàn tự do trong tiếp cận và sử dụng đối với sinh viên, cá nhân hoặc theo nhóm. Xét về thời gian, các không gian chứa đựng những nội hàm nói trên có thể được tạo lập theo mô hình tĩnh – cố định và mô hình động – tạm thời. Mô hình “TĨNH” là những không gian cố định và được thiết kế trong các diện tích chức năng đào tạo, được phục vụ cho các học phần mở với tín chỉ khuyến khích hoặc tự chọn, mà kết quả có thể dùng làm cơ sở để các Văn phòng tư vấn tuyển chọn sau này. Mô hình “TĨNH” được kiến tạo như một xưởng thiết kế mở rộng với nhiều không gian linh hoạt để sinh viên tiếp cận sử dụng dễ dàng, tự nguyện thậm chí thực hiện mô hình tự đào tạo một cách tự do, “Học thày không tày học bạn”, “Năm trên dạy năm dưới” khuyến khích đổi mới sáng tạo ngay cả từ cách dạy và học thiết kế kiến trúc. Bên cạnh giải pháp Xưởng – Điểm nói trên đáng chú ý còn có giải pháp Tuyến – Phố sáng tạo sinh viên. Đó là những không gian chức năng nói trên được bố trí dạng tuyến liên kết thấp tầng, nối các nhà học khoa bao gồm các lớp học giảng đường kinh viện. Hãy tưởng tượng ra bạn có thể tiếp tục cái sự học – sáng tạo của mình sau giờ lên lớp nơi giảng đường trên một con phố sinh viên, đi bộ và cây xanh với hai bên đường đầy đủ quán xá, phương tiện để thực hiện và trình bày những ý tưởng sáng tạo của mình trong thiết kế.

Mô hình “ĐỘNG” là những không gian tạo dựng tạm thời phục vụ những sự kiện dạng như liên hoan sinh viên kiến trúc sáng tạo, quy mô trường, liên trường hoặc quốc tế… hoặc các trại hè sáng tác dành cho sinh viên kiến trúc. Mô hình này thường được tạo dựng ở các quảng trường, sân trường, những forum sân trong rộng giữa các nhà học của trường. Mô hình “ĐỘNG” cũng có thể được tạo lập bởi chính bàn tay của các sinh viên kiến trúc trong những không gian rộng, trống, không vách ngăn, phục vụ cho những cuộc thi thiết kế nhanh theo chuyên đề.

Rời ghế nhà trường, các KTS trẻ tiếp tục con đường sáng tạo của mình tại các công ty, văn phòng thiết kế tư vấn. Các không gian dành cho và thúc đẩy sáng tạo tùy thuộc vào định hướng, triết lý, văn hóa và điều kiện cơ sở vật chất của từng công ty và văn phòng, đặc biệt với những văn phòng lập nghiệp (start – up). Kinh nghiệm quốc tế cho thấy chính quyền, nghiệp đoàn, địa phương tạo lập những không gian như Nhà Kiến trúc (House of Architect, Dom arkhitectorov), nơi các KTS (không chỉ) trẻ có thể đăng ký đến làm việc và sử dụng không gian, phương tiện. Nó cũng có thể là những ngôi nhà trống hoặc bỏ hoang để giúp các KTS tạo lập những văn phòng thiết kế di động của mình (Dạng như Ngôi nhà 59 phố Rivoli, Xưởng họa khổng lồ nổi tiếng ở Paris dành cho các họa sỹ tự do sáng tác và trưng bày tác phẩm). Nó cũng có thể chỉ đơn giản là những không gian ki ốt quanh quảng trường hoặc phố đi bộ dành cho cuộc thi sáng tác ý tưởng nhanh về một địa danh nào trong thành phố. Đây chính là những không gian truyền cảm hứng, hỗ trợ và thúc đẩy sáng tạo thiết kế cho các KTS trẻ.

Về AGOhub hay Thay cho lời kết

Ở Hà Nội, có một địa chỉ mà mấy năm trở lại đây đã trở thành một nơi rất quen thuộc của giới kiến trúc, không chỉ thu hút sự chú ý của các KTS trẻ, đó là không gian với tên gọi AGOhub ở 12 Hòa Mã, cách Trụ sở của Hội KTS ít phút đi bộ. Đây là một căn biệt thự Tây cũ được KTS Nguyễn Tuấn Anh, một KTS thế hệ 7X, người từng đoạt giải nhất Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia với công trình Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, cải tạo lại, biến nó thành một không gian hỗ trợ và thúc đẩy sáng tạo thiết kế một cách đầy sáng tạo. Đây có thể được coi là một House of Architect thu nhỏ với rất nhiều không gian chức năng tạo cảm hứng cho sáng tạo bằng cả hình thức lẫn nội dung hoạt động. Bạn có thể tìm thấy ở đây những không gian lý tưởng cho văn phòng thiết kế “bỏ túi” hay đơn giản là một chỗ làm việc online. Có chỗ làm việc cho nhóm hoặc cá nhân, có chỗ để đọc sách, tra cứu, có chỗ có thể để “nghịch làm mô hình”, có cả văn phòng truyền thông để sẵn sàng tư vấn… và có rất nhiều không gian để hội thảo, huấn luyện, trưng bày, thậm chí có cả phòng cách âm cho nghe và chơi nhạc khi cần thư giãn. Tất cả được sắp xếp, bố cục một cách khéo léo xung quanh một sân trong – giếng trời có mái che, dưới là quán cà phê đóng vai trò như một trung tâm giao lưu, trò chuyện về nghề và cả về nghiệp, một trái tim của ngôi nhà về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Một không gian rất thú vị mà chủ nhân của nó chỉ gọi một cách khiêm tốn – nơi kết nối các KTS khát khao sáng tạo (bốn chữ sau do tác giả bài viết thêm vào).

Ngày 31/10/2019, Hà Nội vừa được UNESCO vinh danh là Thành phố sáng tạo (lĩnh vực thiết kế) thiết nghĩ trao đổi về những mô hình không gian thúc đẩy sáng tạo, có thể góp phần đưa Hà Nội vào kỷ nguyên xây dựng sáng tạo.

Trong những ngày này, có hai tin rất vui về sức sáng tạo của tuổi trẻ trong lĩnh vực thiết kế, đó là tin Nhóm sinh viên Đại học Bách khoa TP HCM thắng giải về Thiết kế ứng dụng mới cho Google và tin Nhóm sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội đoạt giải Nhất trong cuộc thi thiết kế Cột mốc số Km0 bên Hồ Gươm. Và cần lắm, những không gian sân chơi để sáng tạo, như AGOhub hay tương tự.

TS.KTS Trần Thanh Bình

Nguồn

Bình luận chủ đề

0 Bình luận

Bài viết liên quan

    Nơi làm việc hay ngôi nhà thứ hai?

    Nơi làm việc hay ngôi nhà thứ hai?

    13/02/24 24 0

    Văn phòng 4DH2 Design, nơi kiến trúc gặp gỡ nghệ thuật và cảm xúc, mang đến một không gian làm việc độc đáo và đầy cảm hứng. Tại đây, sự...

CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ

    Bản hoan ca của đời sống

    Bản hoan ca của đời sống

    13/02/24 25 0

    Trước hết, căn nhà là một công trình cải tạo tương đối phức tạp với diện tích 600m2 khá...

    Văn phòng FPT telecom

    Văn phòng FPT telecom

    13/02/24 33 0

    FPT Telecom là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và internet hàng đầu tại Việt Nam trên...

    Nhà mới với vật liệu cũ

    Nhà mới với vật liệu cũ

    13/02/24 24 0

    Trước một căn nhà nhỏ tường xây gạch mộc, mái tranh, một người bạn của tôi kể về...

    NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

    NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

    20/11/23 51 0

    Mỗi ngôi nhà được xây dựng đều là một câu chuyện của kiến trúc sư, nhà thiết kế...
Update data ...