Thiết kế xanh và nghệ thuật sinh thái

  • Thứ hai, 11:28 Ngày 09/10/2023   Lượt xem: 65
  • Thiết kế xanh (Green Design) và Nghệ thuật sinh thái (Eco Art) đều hướng đến các thông điệp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, hướng đến một tương lai bền vững và phát triển nhận thức về môi trường.

    Green Design (Thiết kế xanh) là thiết kế các sản phẩm trung hòa carbon, bền vững và thân thiện với môi trường. Thiết kế xanh tập trung hướng đến việc giảm thiểu tác động tối đa đến môi trường bằng cách sử dụng các vật liệu bền vững, tái sử dụng/ tái chế, bảo tồn/ sử dụng hiệu quả năng lượng, … Chiến lược thiết kế xanh chống lại biến đổi khí hậu, khan hiếm tài nguyên, ô nhiễm, cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch, suy giảm tầng ozon, để tạo ra một tương lai bền vững. Tương tự như vậy, Eco-art (Nghệ thuật sinh thái) phát triển nhận thức về các vấn đề môi trường và nhấn mạnh tầm quan trọng của thiết kế xanh và hoạt động sinh thái. Một ngôi nhà được thiết kế theo nguyên tắc thiết kế xanh sẽ giảm thiểu lượng khí thải carbon bằng cách sử dụng tường có khả năng cách nhiệt, định hướng mặt trời tối ưu, che nắng, sử dụng vật liệu tái chế, bảo trì tối thiểu, vòng đời dài. Sử dụng chiến lược thiết kế xanh trong môi trường xây dựng là điều bắt buộc hướng đến sự bền vững và tương lai của hành tinh.

    CopenHill. Photo: ©Hufton + Crow

    Thiết kế xanh trong kiến trúc

    Thiết kế xanh trong kiến trúc nhằm mục đích đảm bảo một tương lai bền vững bằng cách giảm tác động môi trường do công trình và môi trường xây dựng gây ra. Ngành xây dựng thế giới chiếm hơn 11% GDP toàn cầu và 40% lượng phát thải CO2; sự mở rộng liên tục này tác động tiêu cực đến môi trường, dẫn đến sự nóng lên toàn cầu và suy thoái môi trường. Các tác động sinh thái tiêu cực dẫn đến biến động khí hậu, hiện tượng nóng lên toàn cầu/mực nước biển dâng cao, thiên tai, cháy rừng và gây tổn hại đến môi trường sống và hệ sinh thái tự nhiên. Điều quan trọng là phải tuân theo các chiến lược thiết kế xanh về thiết kế bền vững, giảm thiểu/ tái sử dụng/ tái chế vật liệu, bảo tồn/ sử dụng hiệu quả năng lượng và tập trung vào thiết kế và tuổi thọ của sản phẩm hay cấu trúc. 

    CopenHill (Copenhagen, Đan Mạch)

    CopenHill, còn được gọi là Amager Bakke, là một nhà máy chuyển rác thải thành năng lượng với thiết kế mái dốc trượt tuyết, đường đi bộ đường dài và tường leo núi. Công trình được hoàn thành vào năm 2019 bởi Tập đoàn Bjarke Ingels (BIG). Tòa nhà này nằm ở Copenhagen và có diện tích 41.000m2; nó thúc đẩy thiết kế xanh bằng cách tạo ra một trung tâm môi trường/giải trí đô thị trên cơ sở một công trình năng lượng với mái nhà xanh rộng 10.000m2 bao gồm cảnh quan đa dạng sinh học có thể hấp thụ nhiệt, giảm thiểu nước mưa chảy tràn và loại bỏ ô nhiễm không khí. Khối tích của nhà máy điện được hình thành nhờ máy móc lò đốt rác thải hoạt động 24 giờ và các cấu trúc tòa nhà tạo ra mái nhà dốc, cao 85m, với đường mòn đi và chạy bộ rợp bóng cây dài 490m, đồng thời mái dốc cũng đóng vai trò là địa hình trượt tuyết như vùng núi ở nơi có địa hình bằng phẳng. Cơ sở này chuyển đổi 440.000 tấn rác thải thành năng lượng sạch cho 150.000 ngôi nhà mỗi năm. 

    Cấu trúc công trình có những bức tường xanh, cửa sổ lắp kính đón ánh sáng ban ngày và trục thông gió để hút gió, tạo ra một hệ thống tiết kiệm năng lượng cho 10 tầng của không gian hành chính. Công trình đa chức năng và thân thiện với môi trường này là một điểm nhấn kiến trúc và là hình mẫu về tòa nhà có thiết kế xanh tuyệt vời .

    Trụ sở Công ty Toàn cầu Suzlon One Earth (Pune, Ấn Độ)

    Trụ sở Công ty Toàn cầu Suzlon One Earth được thiết kế vào năm 2009 bởi Architects CCBA Designs và Suzlon Energy Limited, một công ty năng lượng gió hàng đầu thế giới có trụ sở tại Pune, Ấn Độ. Theo phương châm của công ty “mang lại năng lượng cho ngày mai xanh hơn”, tòa nhà được thiết kế để trở thành văn phòng xanh nhất ở Ấn Độ, được xây dựng bằng vật liệu tái chế và không độc hại, với cửa sổ che nắng tiết kiệm năng lượng, hệ thống sưởi nước bằng năng lượng mặt trời, tái chế nước xám và sử dụng hệ thống lưu không khí tự nhiên. Dự án truyền đạt những lợi ích của công trình xanh và các phương pháp đạt được năng lượng ròng bằng cách sản xuất năng lượng tại chỗ và tìm ra những cách sáng tạo để giảm tải năng lượng. Khu phức hợp rộng 75.000m2 được xây dựng trên khu đất rộng 10,4 mẫu Anh (khoảng 42.500m2). Nó đã đạt được chứng nhận Leed Platinum và Teri Griha 5 sao với 8% năng lượng hàng năm được tạo ra tại chỗ thông qua các tấm pin mặt trời và cối xay gió. Các yếu tố như khu vực ẩm ướt để làm mát bay hơi và cải thiện chất lượng không khí, không gian trung tâm rộng lớn để lưu thông không khí và bảo tồn năng lượng, cùng các cửa nhôm để lấy ánh sáng ban ngày và thông gió chéo khiến cơ sở này trở thành dự án zero energy với 92 % (4 MW) năng lượng được sử dụng cho môi trường xanh và bền vững. Dự án này dẫn đầu các công trình kiểu mẫu cho thiết kế xanh và tương lai bền vững.

    Nghệ thuật sinh thái là gì?

    Nghệ thuật sinh thái hay nghệ thuật môi trường là một thể loại nghệ thuật đương đại nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường và sinh thái. Loại hình này tập trung vào việc sử dụng các vật liệu tự nhiên và các biện pháp thực hành bền vững để thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong tình hình môi trường toàn cầu và là một công cụ quan trọng cho hoạt động và nhận thức. Eco Art tránh xa khung cảnh chật hẹp của không gian phòng trưng bày để sử dụng không gian tự nhiên ngoài trời nhằm bày tỏ mối quan tâm đối với môi trường tự nhiên thông qua các tác phẩm nghệ thuật tại chỗ, sắp đặt tái chế và nguyên liệu thô. Eco Art có thể ưu tiên các hoạt động bền vững và động lực sinh thái thông qua các vật liệu bền vững, giải quyết các vấn đề môi trường, tái sử dụng và hợp tác.

    Simon Beck: Nghệ thuật tuyết, Les Arcs, Pháp

    Les Arcs. Photo: ©Simon Beck

    Simon Beck, nghệ sĩ và kỹ sư tốt nghiệp Oxford và đồng thời là người vẽ bản đồ đã tạo ra nghệ thuật sinh thái bằng cách đi bộ trên giày tuyết để tạo ra các hoa văn phức tạp trên tuyết. Tác phẩm của anh tôn vinh những tháng mùa đông và các chu kỳ môi trường của Trái đất, là những điều cần thiết cho hệ sinh thái. Những hình ảnh trừu tượng dựa trên các số liệu toán học được thiết kế trên giấy vẽ biểu đồ và được tạo ra bằng cách đi bộ khoảng 40km mỗi ngày ở Les Arcs trên dãy Alps của Pháp. Việc tạo ra những tác phẩm nghệ thuật này đòi hỏi tốc độ thực hiện nhanh vì thời tiết thay đổi và tuyết rơi có thể ảnh hưởng đến các mẫu thiết kế. Tác phẩm Eco Art do Simon Beck tạo ra có quy mô ấn tượng, rộng từ 7.000 đến 70.000 mét vuông và thường nằm trên tuyết và hồ đóng băng. Tác phẩm của Simon Beck rất độc đáo và phi thực tế; bản chất tạm thời và mong manh mang lại cho chúng một cường độ sâu sắc, đặt câu hỏi về những tình huống môi trường toàn cầu không thể tránh khỏi.

    Cánh đồng sét của Walter De Maria

    Cánh đồng sét, 1977 | Walter De Maria. Photo: ©John Cliett, Dia Art Foundation

    Cánh đồng sét là một tác phẩm nghệ thuật sinh thái được tạo ra bởi nhà điêu khắc Walter De Maria. Đây là một tác phẩm sắp đặt nổi tiếng khám phá thiên nhiên và môi trường vật lý và đã trở thành tiền thân cho sự xuất hiện của Nghệ thuật sinh thái. Việc lắp đặt bao gồm 400 cột thép không gỉ có đường kính 2 inch kéo dài lên tới độ cao từ 15 đến 26 feet (tương đương 4,6 - 8m), được đặt cách nhau 67m trong mạng lưới hình chữ nhật có kích thước 1x1,6 km ở Quận Catron, New Mexico. Quy mô, cấu trúc và tính chất của tác phẩm sắp đặt tạo ra trải nghiệm tinh tế nhưng hoành tráng cho khán giả, nó truyền đạt các giá trị về thời gian, không gian, đất đai và môi trường. Tác phẩm được ủy quyền bởi Dia Art Foundation và tồn tại cho đến ngày nay ở vị trí ban đầu.

    Biên dịch: Anh Tuấn | re-thinkingthefuture

    0 Bình luận
    Update data ...