Diễn đàn

Trao giải cuộc thi Thiết kế ý tưởng kiến trúc và Tìm lời giải cho bài toán khó thiết kế kiến trúc Bệnh viện hiện đại

Đánh giá: (Tốt) (Báo cáo) - Người đăng: Pi

Ngày 8/7, Tạp chí Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) đã tổ chức trao giải cuộc thi Thiết kế ý tưởng kiến trúc bệnh viện dã chiến.

trao giai cuoc thi thiet ke y tuong kien truc benh vien da chien
Ông Nguyễn Quốc Thông - Phó chủ tịch Hội Kiến Trúc sư Việt Nam trao Giải thưởng do Hội đồng Giám khảo lựa chọn cho các tác giả đạt giải.

Cuộc thi được phát động từ ngày 27/4/2020, nhân dịp kỷ niệm Ngày Kiến trúc Việt Nam, đúng thời kỳ cả nước đang đồng lòng chống dịch Covid-19. Mục đích của cuộc thi là nhằm phát huy các ý tưởng sáng tạo của kiến trúc sư trong thiết kế các bệnh viện dã chiến, sẵn sàng ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đáp ứng công năng theo yêu cầu của Bộ Y tế về khám chữa bệnh… để có thể triển khai nhanh chóng, ngay khi có yêu cầu, đảm bảo an toàn, tiết kiệm.

Sau gần 2 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được 76 phương án dự thi từ 33 cá nhân, 23 nhóm và 20 tổ chức tư vấn trong nước.

Theo đánh giá chung của Hội đồng Giám khảo, cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm của giới nghề và cộng đồng với nhiều bài thi tốt, ý tưởng sáng tạo, có thể ứng dụng và triển khai trong thực tế.

Sau hai vòng xét chọn, Hội đồng Giải thưởng đã chọn 20 phương án vào vòng xét giải. Kết quả, có 8 phương án đạt Giải thưởng do Hội đồng Giám khảo lựa chọn, 2 phương án đạt Giải thưởng do Cộng đồng bình chọn; 1 phương án đạt Giải thưởng thiết kế ấn tượng.

Giải thưởng do Hội đồng Giám khảo lựa chọn có trị giá 20 triệu đồng/giải, kèm theo Bằng Sáng tạo của Hội Kiến trúc sư Việt Nam và 1 năm Tạp chí Kiến trúc. Giải thưởng do Cộng đồng bình chọn và Giải thưởng Thiết kế ấn tượng có trị giá 5 triệu đồng/giải và 1 năm Tạp chí Kiến trúc.

Theo Ban tổ chức, các phương án được Hội đồng thống nhất lựa chọn trao giải là những phương án có bố cục, tổ chức chặt chẽ, giải pháp sáng tạo, tiếp cận xu hướng kiến trúc hiện đại, hợp lý và hiệu quả đối với thể loại bệnh viện dã chiến.

Đây cũng là các phương án được đánh giá cao bởi khả năng phát triển thành các công trình bệnh viện dã chiến trong thực tế, phù hợp điều kiện Việt Nam về giải pháp thực hiện, ứng dụng tiến bộ khoa học và giá thành hợp lý.

trao giai cuoc thi thiet ke y tuong kien truc benh vien da chien
Hội đồng Giải thưởng, Ban tổ chức và các tác giả đạt giải chụp ảnh lưu niệm.

Ông Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi chia sẻ: Đất nước còn nghèo, trải qua nhiều biến cố, thiên tai, vì vậy trong quá trình phát triển, rất cần chuẩn bị khả năng chống chọi, sẵn sàng ứng phó trước các sự cố. Chuẩn bị càng tốt, càng giảm được thiệt hại, mất mát khi sự cố xảy ra, tương lai đất nước càng phát triển vững bền.

Các phương án ý tưởng thiết kế đạt giải của cuộc thi là cơ sở để có thể ứng dụng xây dựng những bệnh viện dã chiến khi có những sự cố do đại dịch hay thiên tai như lũ lụt, động đất, sóng thần, hỏa hoạn… xảy ra.

Dù hy vọng không bao giờ phải sử dụng các phương án này, song Hội Kiến trúc sư Việt Nam vẫn sẽ chuyển những phương án đạt giải cho các cơ quan Nhà nước như: Bộ Y tế, quân đội, để chuẩn bị, có thể kịp thời ứng dụng trong tình huống khẩn cấp.

Nhận xét về chất lượng cuộc thi, ông Nguyễn Tấn Vạn nhận định: Thiết kế bệnh viện dã chiến là một đề tài khó. Tuy nhiên, cuộc thi đã rất thành công bởi trong một thời gian ngắn đã thu hút sự quan tâm của Bộ Y tế và sự tham gia của đông đảo các kiến trúc sư trên toàn quốc.

Cuộc thi góp phần tăng cường nhận thức về vai trò, trách nhiệm xã hội của lực lượng kiến trúc sư đối với cộng đồng trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm với giới kiến trúc sư thế giới trong thể loại công trình đặc biệt này.

Những cuộc thi như thế này sẽ trở thành sân chơi hữu ích đối với giới làm nghề, góp phần thúc đẩy giới kiến trúc sư Việt Nam tham gia các hoạt động ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kiến trúc Việt Nam một cách bền vững và có bản sắc.

Cùng ngày, Tạp chí Kiến trúc đã phối hợp với Bộ Y tế, Bệnh viện Quân đội Trung ương 108 tổ chức Hội thảo “Giải pháp thiết kế kiến trúc bệnh viện hiện đại”.

Với sự tham gia của lãnh đạo một số bệnh viện, các bác sĩ, ban quản lý dự án và đông đảo kiến trúc sư, hội thảo cùng bàn luận các vấn đề, từ lý thuyết đến thực tiễn trong thiết kế, quản lý dự án và quản lý vận hành các bệnh viện hiện đại. Từ đó, chủ động đề xuất những giải pháp về kiến trúc, công nghệ, vật liệu nhằm đáp ứng được các yêu cầu về khám và điều trị bệnh hiện đại, hướng tới đảm bảo vận hành bệnh viện một cách thích dụng, an toàn và bền vững.

với sự bảo trợ của Bộ Y tế và Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp thiết kế kiến trúc Bệnh viện hiện đại”.

tim loi giai cho bai toan kho thiet ke kien truc benh vien hien dai
Lãnh đạo các Bệnh viện cho rằng người thiết kế cần phải thực sự am hiểu quy trình khám chữa bệnh.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nhận định: Công trình Bệnh viện là 1 trong 3 yếu tố (gồm nhân lực y tế, thuốc và điều kiện cơ sở vật chất) quyết định chất lượng khám chữa bệnh. Hiện nay, số lượng Bệnh viện đang được đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo đang ngày càng gia tăng. Rất nhiều công trình Bệnh viện do các kiến trúc sư Việt Nam thiết kế được xã hội đánh giá cao, vừa cập nhật được những tiêu chí xanh, tiết kiệm năng lượng của kiến trúc hiện đại, đồng thời cũng đáp ứng những tiêu chuẩn chăm sóc sức khoẻ đặc thù của hệ thống y tế.

Bên cạnh điểm sáng là những công trình kiến trúc Bệnh viện tiêu biểu thì vẫn tồn tại những quan điểm kiến trúc chưa phù hợp trong thiết kế Bệnh viện. Đối với các công trình Bệnh viện được xây mới, do hạn chế về điều kiện kinh tế tài chính và kinh nghiệm chuyên môn đặc thù, nên công tác thiết kế kiến trúc Bệnh viện vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu về công nghệ khám chữa bệnh với các phương pháp chẩn đoán, kỹ thuật, điều trị, dịch vụ hỗ trợ và trang thiết bị hiện đại.

Đối với các công trình Bệnh viện cải tạo, quá trình đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng vẫn mang tính chất manh mún, chắp vá với mục tiêu là giảm quá tải mà chưa giải quyết được thấu đáo các nhu cầu khám chữa bệnh thời kỳ mới.

Đặc biệt, đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, hệ thống Bệnh viện ở Việt Nam bộc lộ điểm yếu nữa là trong thiết kế chưa trù tính đến những khu vực dự phòng để triển khai các phương án đối phó với dịch bệnh quy mô rộng. Thứ trưởng Trương Quốc Cường nhận định: Bệnh viện là thể loại công trình công cộng đặc thù, có tính chất phức tạp, yếu tố công năng được đề cao. Công nghệ khám chữa bệnh và trang thiết bị hiện đại đòi hỏi cần sự thay đổi cấp thiết trong thiết kế kiến trúc các công trình Bệnh viện. Người thiết kế Bệnh viện phải thực sự am hiểu quy trình khám chữa bệnh, quy trình vận hành của trang thiết bị y tế và phải lường trước được sự phát triển của y học để thiết kế Bệnh viện đảm bảo thích ứng với điều kiện mới.

“Công tác thiết kế Bệnh viện cần có những đột phá, thay đổi về “chất”, trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc những quan điểm mới, nhằm đưa kiến trúc Bệnh viện ở Việt Nam tiệm cận với xu hướng Bệnh viện hiện đại trên thế giới”, Thứ trưởng kỳ vọng.

tim loi giai cho bai toan kho thiet ke kien truc benh vien hien dai
Các kiến trúc sư Việt Nam thiếu sự đồng hành của các chuyên gia có chuyện môn sâu về y tế trong quá trình thiết kế Bệnh viện.

Từ thực tế đầu tư, vận hành Bệnh viện Quân đội Trung ương 108, GS.TS Mai Hồng Bàng - Giám đốc Bệnh viện Quân đội Trung ương 108 cho rằng: Thiết kế Bệnh viện cần phải phù hợp với nhu cầu khám chữa bệnh, văn hóa, phong tục tập quán, điệu kiện khí hậu của mỗi nước… Một Bệnh viện hiện đại không chỉ cần hợp lý về không gian mà phải phù hợp công năng khám chữa bệnh, phải phối hợp hài hòa với hệ thống trang thiết bị, công nghệ y học hiện đại. Thiết kế Bệnh viện phải chú trọng yếu tố tiết kiệm năng lượng, quản trị thông minh và phải tính đến không gian dự phòng cho thảm họa như thiên tai, dịch bệnh…

GS.TS Bàng nhấn mạnh: Bệnh viện hiện đại là một cộng đồng, do vậy thiết kế Bệnh viện phải lấy bệnh nhân làm trung tâm. Để khi đến khám, chữa, bệnh nhân phải cảm thấy an toàn, thoải mái, thư giãn và được tôn trọng…

Chia sẻ về thực tế chống dịch như chống giặc trong đại dịch Covid-19 vừa qua, TS Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết: Từ một Bệnh viện vận hành bình thường, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 Đông Anh buộc phải chuyển đổi thành vận hành khép kín. Khi đó, bệnh nhân không có người nhà chăm sóc, mà Bệnh viện kiêm nhiệm khám chữa và chăm sóc toàn diện. Y, bác sỹ phải ở lại Bệnh viện, không được về nhà trong toàn chiến dịch.

Thực tế này đặt ra một số vấn đề. Thứ nhất, Bệnh viện hiện đại phải có khu vực như khách sạn phục vụ người nhà bệnh nhân và nhà công vụ cho y, bác sỹ, nhân viên y tế khi ở lại Bệnh viện. Thứ hai, phải phân loại, phân luồng các khu điều trị, khu dịch vụ nhằm hạn chế lấy nhiễm. Thứ 3, không gian Bệnh viện phải linh hoạt, phải dự phòng và đáp ứng được yêu cầu khám chữa khi có tình huống khẩn cấp xảy ra nhưng vẫn sử dụng được, không bỏ lãng phí các không gian này khi dịch bệnh qua đi. Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, khu dự phòng điều trị chống thảm họa dịch bệnh lúc bình thường là khu vực thư giãn cho bệnh nhân trong nhà.

tim loi giai cho bai toan kho thiet ke kien truc benh vien hien dai
Hội thảo thu hút sự quan tâm của các kiến trúc sư.

Nhìn nhận kiến trúc Bệnh viện ở góc độ giải pháp thiết kế, các kiến trúc sư có rất nhiều trăn trở. Với kinh nghiệm thiết kế nhiều Bệnh viện trong và ngoài nước, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, Bệnh viện là một trong những thể loại công trình thay đổi nhanh chóng nhất và đòi hỏi lượng kiến thức vô cùng lớn.

Bệnh viện là công trình dân dụng nhưng cũng là công trình công nghiệp, công trình khoa học. Chính vì vậy, ở Mỹ, trước khi thiết kế, kiến trúc sư nhận được sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia y tế tư vấn nghiên cứu không gian các khu chức năng trong Bệnh viện.

Ở Việt Nam thì không có, kiến trúc sư vừa là người thiết kế, vừa là chuyên gia. Các kiến trúc sư Việt Nam làm việc gấp mấy lần đồng nghiệp ở nước ngoài nhưng với thiết kế phí vô cùng thấp. Và chính thiết kế phí thấp cũng là một trong những nguyên nhân khiến ở Việt Nam không thể thuê được đội ngũ chuyên gia bài bản tư vấn trước khi thiết kế công trình Bệnh viện.

Nhận định về xu hướng phát triển của Bệnh viện hiện đại, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, nếu ở Việt Nam đang phát triển Bệnh viện theo xu hướng resort thì trên thế giới xu hướng này cũng đã dần trở nên cũ. Xu hướng mới nhất là các Bệnh viện được đầu tư xây dựng theo mô hình phức hợp đa chức năng, khu đô thị sức khoẻ. Và trong tương lai, có thể sẽ là xu hướng Bệnh viện từ xa, tức là mọi người dân có thể được theo dõi, chăm sóc sức khỏe ngay tại nhà.

Chia sẻ về bề dày kinh nghiệm của Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam trong thiết kế 126 Bệnh viện và 183 cơ sở y tế trong cả nước, TS.KTS Nguyễn Huy Khanh - Phó Tổng Giám đốc cho rằng, thiết kế Bệnh viện là một công việc khó, đòi hỏi chuyên gia phải có chuyên môn sâu.

Đề cập đến những bất cập trong công tác thiết kế Bệnh viện, TS.KTS Nguyễn Huy Khanh cho biết: Bệnh viện là một công trình công cộng hỗn hợp, vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, trong thiết kế các Bệnh viện hiện nay mới chỉ tập trung vào các khu điều trị, dịch vụ y tế mà chưa quan tâm đến nhiều yếu tố khác như nhà tang lễ (không có trong tiêu chuẩn) nên các Bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải.

Bệnh viện là một cơ thể thống nhất giữa dây chuyền y tế và vỏ kiến trúc. Nhưng trên thực tế, quá trình đầu tư thường chia ra làm 2 dự án. Một dự án đầu tư xây dựng, làm trước và một dự án đầu tư thiết bị y tế, làm sau. Nhà thầu thường xuyên phải sửa, đập dỡ công trình khi dự án thiết bị y tế được phê duyệt đầu tư. Điều này vừa gây lãng phí, vừa làm cho quá trình xây dựng Bệnh viện bị kéo dài, quá trình xử lý hồ sơ của chủ đầu tư rất phức tạp.

Hơn nữa, quá trình đầu tư Bệnh viện thường đầu tư “nhỏ giọt” từng hạng mục nên công trình Bệnh viện không khai thác hết được công suất tối đa, vừa gây lãng phí, vừa kéo dài thời gian đầu tư và không an toàn về mặt y tế cho người sử dụng.

tim loi giai cho bai toan kho thiet ke kien truc benh vien hien dai
Các đồ án thiết kế Bệnh viện thu hút sự quan tâm của giới kiến trúc sư.

Đề xuất giải pháp cho những vấn đề nêu trên, KTS Nguyễn Huy Khanh cho rằng, cần sớm ban hành Thông tư liên ngành hướng dẫn việc lập dự án đầu tư Bệnh viện, sao cho dự án xây dựng Bệnh viện và dự án đầu tư thiết bị y tế đồng cấp; cấm việc phân đoạn đầu tư “nhỏ giọt” các hạng mục, làm giảm hiệu quả khai thác cũng như ảnh hưởng đến chất lượng môi trường y tế của Bệnh viện; cải thiện suất đầu tư cho công trình Bệnh viện…

Tại Hội thảo, các kiến trúc sư cũng đề cập một số vấn đề tồn tại khác như: Quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế Bệnh viện lạc hậu; suất đầu tư thấp; quy trình bảo trì cho công trình Bệnh viện thiếu; cơ hội của các kiến trúc sư nội trong môi trường có sự cạnh tranh của các nhà tư vấn ngoại…

Quý Anh - Nguồnhttps://baoxaydung.com.vn/tim-loi-giai-cho-bai-toan-kho-thiet-ke-kien-truc-benh-vien-hien-dai-283783.html

Bình luận chủ đề

0 Bình luận

Bài viết liên quan

    Nơi làm việc hay ngôi nhà thứ hai?

    Nơi làm việc hay ngôi nhà thứ hai?

    13/02/24 27 0

    Văn phòng 4DH2 Design, nơi kiến trúc gặp gỡ nghệ thuật và cảm xúc, mang đến một không gian làm việc độc đáo và đầy cảm hứng. Tại đây, sự...

CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ

    Bản hoan ca của đời sống

    Bản hoan ca của đời sống

    13/02/24 28 0

    Trước hết, căn nhà là một công trình cải tạo tương đối phức tạp với diện tích 600m2 khá...

    Văn phòng FPT telecom

    Văn phòng FPT telecom

    13/02/24 35 0

    FPT Telecom là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và internet hàng đầu tại Việt Nam trên...

    Nhà mới với vật liệu cũ

    Nhà mới với vật liệu cũ

    13/02/24 26 0

    Trước một căn nhà nhỏ tường xây gạch mộc, mái tranh, một người bạn của tôi kể về...

    NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

    NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

    20/11/23 54 0

    Mỗi ngôi nhà được xây dựng đều là một câu chuyện của kiến trúc sư, nhà thiết kế...
Update data ...