Diễn đàn

Vì sao Việt Nam thiếu vắng công trình của các bậc thầy kiến trúc quốc tế hiện đại

Đánh giá: (Tốt) (Báo cáo) - Người đăng: Admin_03 (Đạt)

Trước thời kỳ cách ly bởi dịch Covid-19, một số bạn đồng môn quốc tế của chúng tôi trong lĩnh vực kiến trúc đã sang Việt Nam nghiên cứu. Sau một quá trình thăm thú khắp mọi miền, họ rất ngưỡng mộ những công trình kiến trúc truyền thống, cổ điển của chúng ta. Tuy nhiên, họ đã hỏi chúng tôi một câu rất khó trả lời: Vì sao Việt Nam thiếu vắng công trình của các bậc thầy kiến trúc quốc tế hiện đại?

Việt Nam đã từng tiếp cận với các bậc thầy kiến trúc trên thế giới, nhưng dường như chưa thực sự có duyên với họ. Tiêu biểu có thể nhắc đến sự kiện Tadao Ando tới Việt Nam với tư cách diễn giả vào năm 2008; Dự án Nhà hát Thăng Long được thiết kế bởi Renzo Piano; VietinBank Tower mời hãng Foster & Partners (chưa phải đích danh tác giả Norman Foster)… các dự án đến nay đều án binh bất động. Để mời được giới tinh hoa của kiến trúc thế giới tới thăm đã khó, để có công trình của họ được xây dựng còn khó hơn. Việt Nam không phải ngoại lệ.

Lượng khách du lịch tới Bilbao hàng tháng từ 1980 – 2006 (hiệu ứng Bilbao)

TP Bilbao (Tây Ban Nha) là một minh chứng điển hình khi nói đến sự hiện diện rõ nét của KTS bậc thầy và khả năng biến đổi vùng của kiến trúc. Từ trạng thái hầu như bị lãng quên, thế nhưng bắt đầu từ Lễ Khánh thành Bảo tàng Guggenheim Bilbao được thiết kế bởi Frank Gehry vào năm 1997, TP đã hoàn toàn lột xác. Trong 20 năm (1997-2017), TP đã đón tiếp trên 20 triệu lượt khách trong khi dân số chỉ vỏn vẹn khoảng 350.000 người. Du lịch đã tạo ra (trực tiếp) khoảng từ 300 – 500 triệu euro/năm cho GDP của TP (gián tiếp mang tới 1 tỷ USD /năm cho Tây Ban Nha); Bilbao đã trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du lịch và kinh doanh tạo nên sự thịnh vượng từ đó đến nay .

Việc Solomon R. Guggenheim Foundation (chủ đầu tư) mời Frank Gehry để tạo nên một thứ gì đó “phá cách và sáng tạo” là một phần quan trọng trong chiến lược cải tạo TP, lúc đó đang chịu tỷ lệ thất nghiệp lên tới 25%, các ngành công nghiệp truyền thống đã lỗi thời, trong khi các vấn nạn như bạo lực, ô nhiễm đang hoành hành. Năm 1995, Bilbao chỉ đón 25.000 khách du lịch.

“Hiệu ứng Bilbao”/“the Bilbao effect” trở thành thuật ngữ được dùng để chỉ mối quan hệ nhân quả xảy ra khi một dự án đẳng cấp quốc tế trở thành một chất xúc tác để hồi sinh một TP đang kiệt quệ, hoặc tạo nên định danh cho một TP còn mờ nhạt, đang trở thành một cơn sốt toàn cầu.

Tại Việt Nam, các công trình quốc tế có rất nhiều, nhưng khó có thể kể tên được những công trình sau khi đi vào hoạt động trở thành điểm đến, thu hút nhiều du khách và trở thành tác nhân làm biến đổi vùng ở quy mô toàn cầu.
Chúng tôi có khảo cứu một số nơi là các điểm tụ hội của các KTS bậc thầy quốc tế. Đa số các điểm đến này, mặc dù với những cách thức khác nhau, có điểm chung là chiến lược và quan điểm rõ ràng về việc thu hút, tạo điều kiện cho các KTS tài năng một cách trọng thị để có được những công trình mang dấu ấn tác giả rõ nét.

Nhóm điểm đến thứ nhất: Tạo ra môi trường cho các KTS tài năng hiện tại và tương lai

Fort Worth, Texas và Cincinnati, Ohio (Hoa Kỳ) là hai TP tại Hoa Kỳ có sự hiện diện công trình các KTS bậc thầy. Các TP tại Mỹ có lợi thế lớn khi có rất nhiều KTS trong nước có đẳng cấp quốc tế và thường xuyên hoạt động toàn cầu. Việc mời các KTS “quốc tế” có thể được thực hiện thông qua các mối quan hệ cá nhân; trong nhiều trường hợp, TP có thể có được các công trình của các KTS có tiềm năng trở thành “Starchitect” trước khi họ thành danh trên thế giới, thậm chí bắt đầu từ các công trình dân dụng với chủ sở hữu tư nhân.

Công trình Tandy House, Fort Worth được KTS. I.M. Pei (quốc tịch Hoa Kỳ dù sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc) thiết kế cho gia đình Tandy giàu có, hoàn tất vào năm 1969, rất lâu trước khi Pei giành được Giải thưởng Pritzker vào năm 1983. Kimbell Art Museum được thiết kế từ năm 1966 bởi Louis Kahn. Trong khi đó, chiến lược Starchitects của Cincinnati được bắt đầu với việc Michael Graves, người được The New York Times mô tả như “một trong những KTS nổi bật nhất cuối thế kỷ 20” và là cựu sinh viên của trường đại học Cincinnati, tự thiết kế một công trình trong khuôn viên trường (Engineering Research Center) và mời những người bạn của mình, cũng là những KTS nổi danh trong giới mà về sau nhiều người trở thành nổi tiếng toàn cầu.

Theo Ockman (2004), khi Giám đốc của Bảo tàng Nghệ thuật mới tại Cincinnati mời KTS Zaha Hadid (khi chưa được trao giải Pritzker), để “tạo nên một Bilbao mới”, ông không mong chờ một công trình trông giống như Bilbao. Ý của ông là một sự ẩn dụ, dành riêng cho TP của ông: “Một điểm hấp dẫn du khách mà sự hiển hiện đầy hấp dẫn của nó sẽ làm lột xác TP khỏi hình ảnh nghèo nàn lúc đó, một chất xúc tác để cải tạo TP thông qua phương thức rõ ràng từ kiến trúc”.

Trung tâm Nghệ thuật đương đại Lois và Richard Rosenthal, Cincinnati, Mỹ – KTS, Zaha Hadid

Khi các TP thường xuyên tiếp cận các KTS nổi tiếng, việc phát triển thế hệ KTS tài năng tương lai, đồng thời tạo nên chiến lược mời các KTS đang và sẽ nổi tiếng khác trở nên tự nhiên và đầy khả thi. Frank Gehry thiết kế Vontz Center for Molecular Studies (1995-1997) tại TP Cincinnati cùng thời điểm với Guggenheim Bilbao. Trong khi đó, các dự án Fort Worth Water Gardens của Phillip Johnson (1974) và The Modern Art Museum của KTS. Nhật Bản Tadao Ando (2002) là những công trình nổi bật trong sự nghiệp của những KTS lừng danh này và có vị trí đáng trân trọng trong lịch sử kiến trúc thế giới.

Trong khi đó, Trung Quốc, một quốc gia mong muốn phát triển thế hệ KTS bản địa vươn tới tầm vóc quốc tế cũng như có khả năng cạnh tranh Giải thưởng Pritzker, sử dụng một cách thức rất trực tiếp và tương tự với cách họ tạo ra môi trường để phát triển bóng đá: Dùng tiền để mời các KTS quốc tế. Điển hình có thể kể tới trụ sở CCTV của Rem Koolhaas và các công trình Guangzhou Opera House và Galaxy Soho của Zaha Hadid tại Bắc Kinh. Chính sách này đã mang đến nhiều công trình hoành tráng và cả những thử nghiệm kỳ lạ. Trong khi nền bóng đá chưa có gì khởi sắc, Trung Quốc đã có những kết quả khả quan với một loạt KTS nội địa được trọng dụng trong các dự án quan trọng và đặc biệt với việc KTS. Wang Shu đạt được Giải thưởng Pritzker năm 2012. Từ năm 2015, Giám đốc công ty kiến trúc Zaha Hadid Patrik Schumacher cho rằng, công việc cho các KTS nước ngoài đang dần bị co hẹp, do chính sách khuyến khích tài năng trong nước.

Các công trình Vườn nước và Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Fort Worth là những công trình có hơi hướng Nhật Bản tại Texas, Mỹ

Nhóm điểm đến thứ hai: Duy trì truyền thống phát triển các KTS ngôi sao “quốc tế” nội địa

Nhật Bản – quốc gia có nhiều Giải thưởng Pritzker nhất thế giới, sử dụng phương thức tự đào tạo và tạo điều kiện cho KTS trong nước tầm sư học đạo, để trở thành các KTS nội địa mang đẳng cấp quốc tế. Kenzo Tange, Tadao Ando đưa phong cách của Le Corbusier về Nhật Bản, trong khi đó Toyo Ito chịu ảnh hưởng lớn từ nghệ thuật gấp giấy Origami truyền thống của bản xứ. Từ đó, nhiều TP Nhật Bản có được các công trình của các KTS nổi tiếng mà có thể kể đến là: St. Mary’s Cathedral, Tokyo (1964) của Kenzo Tange, Tokyo Metropolitan Gymnasium (1991) của Fumihiko Maki, Church of the Light (1989) của Tadao Ando, 21st Century Museum of Contemporary Art, Kanazawa (2003) của Kazuyo Sejima and Ryue Nishizawa, Sendai Mediatheque (2001) của Toyo Ito, và Art Tower Mito (1990) của Arata Isozaki.

Nhóm điểm đến thứ ba: Hào phóng mời các KTS “siêu sao” để xây dựng thương hiệu và thúc đẩy phát triển du lịch

Trung Quốc, UAE và Kazackstan là các nước nổi bật về chiến lược này. UAE có một chính sách rất quyết liệt với mục tiêu xây dựng Abu Dhabi thành một TP du lịch kiến trúc: Phát triển đảo Saadyat thành “Thiên đường Prizker”. Khu vực khoảng 250ha mặt nước bao gồm những công trình được thiết kế bởi những KTS nổi tiếng nhất, bao gồm Zaha Hadid, Jean Nouvel, Foster and Partners, Tadao Ando, Frank Gehry và những người khác. Đây có thể coi là những công trình kiến trúc phái sinh mang tinh thần của tác giả hơn là những công trình đặc sắc độc lập.

Ở Kazackstan, tại thủ đô Astana, hơn 7 tỷ đô la đã được đầu tư, và con số này sẽ còn tăng lên mạnh mẽ cho các dự án từ Norman Foster đến Zaha Hadid. Tất cả được quyết định bởi Nursultan Nazarbayev, tổng thống đầu tiên và duy nhất của Kazakhstan, lãnh đạo trọn đời từ 1989 và là tổng công trình sư của TP .

Ngoài ra, còn rất nhiều TP dồn nguồn lực với mong muốn tái hiện “Hiệu ứng Bilbao” thông qua một hoặc vài công trình tạo động lực phát triển du lịch. Có thể kể tới Millennium Park ở Chicago của Frank Gehry, Museum of Islamic Art ở Doha by I.M. Pei, Natural History Museum of Utah của Ennead Architects, CCTV Building tại Beijing của OMA (Rem Koolhaas), Milwaukee Art Museum của Santiago Calatrava, Jewish Museum tại Berlin của Daniel Libeskind, Vals Thermal Bath tại Thụy Sỹ của Peter Zumthor, Riverside Museum tại Glasgow và Maxxi Museum tại Rome của Zaha Hadid .

Những thông tin đã nêu có thể lý giải phần nào lý do mà các bậc thầy kiến trúc thế giới chưa có mặt tại Việt Nam với tư cách tác giả và mang tới tác phẩm cụ thể. Quá trình trưởng thành của nền kiến trúc mỗi quốc gia đều cần trải qua các giai đoạn tầm sư học đạo, hấp thụ (chịu ảnh hưởng), tỏa sáng, tạo sức hấp dẫn, hình thành giá trị mới và tạo ảnh hưởng quốc tế.

Tập quán, môi trường văn hóa, xã hội truyền thống của Việt Nam thường ít dung nạp cái tôi cá nhân. Điều này ảnh hưởng tới cả môi trường kiến trúc với dấu ấn tác giả không rõ nét (trong lịch sử và hiện tại). Cho tới nay, các lời mời tham gia thiết kế công trình kiến trúc cũng thường được gửi đến các hãng thiết kế lớn thay vì cá nhân tác giả. Trong khi đó, các tác phẩm kiến trúc hiện đại luôn luôn song hành với tên tuổi cá nhân. Chúng ta sẽ không thể có được tinh hoa nếu ta không chấp nhận và kỳ vọng vào dấu ấn tác giả. Theo ý kiến của bạn bè và đồng nghiệp, các công trình kiến trúc quốc tế hiện có tại Việt Nam mờ nhạt về phong cách, thiếu bản sắc và giá trị học thuật.

Cung điện Hòa Bình và Hòa Giải (Palace of Peace and Reconciliation) của Norman Foster là một kim tự tháp cao 77m tại Astana, Thủ đô của Kazakhstan

Nếu vẫn duy trì môi trường kiến trúc như hiện tại, Việt Nam đang và sẽ trở nên giống như một số quốc gia khác: Các hãng kiến trúc quốc tế hàng đầu tới làm những công trình theo những lời mời mang tính thương mại, không thực sự để lại dấu ấn sáng tạo của tác giả. Việc thiếu vắng những tác phẩm đỉnh cao của các bậc thầy kiến trúc quốc tế là thiệt thòi lớn trong phát triển các thế hệ KTS nói riêng và kinh tế xã hội nói chung. Việc này vẫn đang diễn ra chứ không chỉ trong quá khứ.

Để thay đổi, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm, lựa chọn áp dụng các chiến lược của những quốc gia nêu trên với định hướng và kế hoạch cụ thể. Tương tự Nhật Bản hay Hoa Kỳ, chúng ta hoàn toàn có thể biến những yếu tố bản địa trở thành những xu hướng mang tính toàn cầu, được quốc tế học hỏi và sử dụng rộng rãi thay vì tư tưởng “chỉ có ở Việt Nam” như hiện tại.

Không khi nào là muộn, nhà nước và các cấp chính quyền địa phương cần có chiến lược về KTS bậc thầy: Làm cho biết đến, làm cho họ đến, làm cho thích thú, làm cho sáng tạo, làm cho tỏa sáng, làm cho phát triển. Và qua đó, chính giới kiến trúc có cơ hội hiện thực hóa truyền thống “tôn sư trọng đạo” để kiến trúc Việt Nam trưởng thành.

Theo Ths. KTS. Hà Văn Thanh Khương – MCP. MBA.
Lê Nguyên Phương – (Master of Community Planning, DAAP; MBA/ University of Cincinnati, Ohio, USA)
Lê Hoàng Phương – (Sinh viên năm cuối Khoa Quy hoạch Đô thị/ DAAP University of Cincinnati, USA)

Tạp chí Kiến trúc

Bình luận chủ đề

0 Bình luận

Bài viết liên quan

    Nơi làm việc hay ngôi nhà thứ hai?

    Nơi làm việc hay ngôi nhà thứ hai?

    13/02/24 21 0

    Văn phòng 4DH2 Design, nơi kiến trúc gặp gỡ nghệ thuật và cảm xúc, mang đến một không gian làm việc độc đáo và đầy cảm hứng. Tại đây, sự...

CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ

    Bản hoan ca của đời sống

    Bản hoan ca của đời sống

    13/02/24 23 0

    Trước hết, căn nhà là một công trình cải tạo tương đối phức tạp với diện tích 600m2 khá...

    Văn phòng FPT telecom

    Văn phòng FPT telecom

    13/02/24 30 0

    FPT Telecom là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và internet hàng đầu tại Việt Nam trên...

    Nhà mới với vật liệu cũ

    Nhà mới với vật liệu cũ

    13/02/24 22 0

    Trước một căn nhà nhỏ tường xây gạch mộc, mái tranh, một người bạn của tôi kể về...

    NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

    NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

    20/11/23 48 0

    Mỗi ngôi nhà được xây dựng đều là một câu chuyện của kiến trúc sư, nhà thiết kế...
Update data ...