Diễn đàn

ALP Mini-talk (Mùa 3) #3: Thủ khoa ngành Kiến trúc và những sự thật sau khi ra trường

Đánh giá: (Tốt) (Báo cáo) - Người đăng: Pi

Danh hiệu “Thủ khoa”, áp lực và sự vỡ mộng sau khi ra trường luôn là vấn đề gây băn khoăn ở nhiều ngành nghề, liệu Kiến trúc cũng gặp tình trạng tương tự?

COVER EP 3@2x.png

Trong tập 3 của PodcastALP Mini-talk: The Un-Gap| Không khoảng cách, đáp án đã được ít nhiều hé mở sau cuộc trò chuyện của hai thủ khoa Đại học Kiến trúc đến từ hai thế hệ cách nhau 20 năm. 

“Đàn anh” trong cuộc trò chuyện này là KTS. Nguyễn Thu Phong: Thủ khoa khoá 1992-1997 Đại học Kiến Trúc TP.HCM - hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đồng thời cũng là Nhà sáng tập, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Nhà Vui Group. Đối thoại cùng thủ khoa “đàn anh” là KTS. Tăng Vĩnh Anh Duy, cũng là Thủ khoa trường Đại học Kiến trúc TP.HCM khóa 2012- 2017, từng đạt giải Nhất Loa Thành và đang làm việc tại Kiến Trúc O. 

Hãy cùng ALP Mini-talk trò chuyện với hai cựu Thủ khoa để nghe thêm về những góc nhìn đa chiều giữa học đường và thực tiễn của ngành Kiến trúc, một ngành nghề tuy không mới nhưng lại hiếm khi được “nhìn sâu” tại Việt Nam.

Fix_DSC_0998.jpg

Hành trình đạt được hai ngôi vị Thủ khoa danh giá đã diễn ra như thế nào?

Fix_DSC_0984.jpg

KTS. Nguyễn Thu Phong: Ước muốn trở thành Thủ khoa Kiến trúc của mình xuất phát từ những năm tháng học phổ thông. Mình chọn ngành Kiến trúc vì vẽ đẹp và cũng hiểu biết về không gian, hình khối. Lúc đó mình đọc một bài báo trên Tuổi Trẻ về một chị trên hai khóa, chị rất giỏi và là Thủ khoa Kiến Trúc. Từ đó, mình tự đặt ra thách thức để trở thành Thủ khoa. Bằng cái quyết tâm đấy mình đã là người đứng đầu trên 2.400 sinh viên vào trường năm đó.

KTS. Tăng Vĩnh Anh Duy: Chia sẻ thật trong cả quá trình học và làm đồ án tốt nghiệp, mình không bao giờ nghĩ mình sẽ là Thủ khoa. Mình chỉ cố gắng làm hết sức có thể. Nếu mình đã làm hết sức điều gì đó thì chính bản thân mình đã cảm thấy hạnh phúc trước và sau đó rồi. Trong 5 năm học, mình luôn dùng hết sức đề dành cho Kiến trúc và thực sự ở mỗi đồ án mình đều hài lòng.

Danh xưng Thủ khoa mang ý nghĩa như thế nào đối với hai người, đó là một “áp lực” hay “động lực”?

KTS. Nguyễn Thu Phong: Đó là một động lực cá nhân hơn là một sự công nhận từ xã hội. Tuy nhiên nó không đồng nghĩa đảm bảo cho sự thành công hay con đường sau này. Đó chỉ là sự công nhận mang tính nội tại, để mình phải sống và làm việc để duy trì phong độ. Ở góc độ nào mọi người cũng có chút tính tranh đua, mình đã làm được điều đó, đã đạt được cột mốc đó thì không lý gì lại trở nên kém cỏi hơn, không có lý gì lại trở nên tụt hậu. Vì vậy tốt nhất mình cần duy trì nội lực trên con đường Kiến trúc một cách xứng đáng.

1.jpg

KTS. Tăng Vĩnh Anh Duy: Nghĩ đơn giản thì Thủ khoa của trường Đại học cũng chỉ là một kết quả của quá trình học tập. Sau quá trình đó, mình bước ra thực tế, đụng chạm, mình lại là một người bình thường. Mình vẫn học lại từ đầu rất nhiều. Danh xưng chỉ là một kỷ niệm đẹp. Còn khi vận dụng vào thực tiễn, nó hoàn toàn là một thế giới khác.

Sau khi ra trường, sự nghiệp của hai Thủ khoa như thế nào, liệu có dễ dàng hơn so với những KTS khác? 

KTS. Nguyễn Thu Phong: 3 năm đầu sau khi ra trường, đó là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với mình. Mình không biết nên bước ra hành nghề hay học lên cao hơn. Mình nhớ kỷ niệm đầu tiên khi đi làm công ty. Sau tháng đầu tiên, mình không được nhận ở lại làm việc. Thời đó mọi thứ đều phải vẽ tay và rất nhiều người vẽ tốt hơn mình. Vì vậy mình cực kỳ hoang mang. Nhưng sau một khoảng thời gian đi làm thêm vài công ty nữa, mình phát hiện ra được thế mạnh của bản thân. 3 năm sau ra trường, tức năm 2000, mình gặp hai người đồng chí hướng và bắt đầu thành lập Nhà Vui. Và cách mình chọn tiếp cận với khách hàng chính là website. Ở thời đại đó, tiếp cận thông qua internet là cách tìm kiếm nhanh nhất những thành phần tri thức. Khi chọn cái tên Nhà Vui, nó cũng là một từ khoá rất đáng giá giúp mọi người dễ dàng tìm kiếm. Trước giai đoạn đó, người dân chủ yếu xây nhà theo ý kiến của nhà thầu chứ ít khi có sự tham gia của Kiến trúc sư. Mình rất tự hào khi Nhà Vui là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc tư vấn thiết kế nhà ở dân dụng cho người Việt.

KTS. Tăng Vĩnh Anh Duy: Hiện tại mình đang vừa làm việc như một Kiến trúc sư, vừa tham gia giảng dạy. Sau khi tốt nghiệp, cũng giống như những bạn Kiến trúc sư trẻ khác, mình cũng được tham gia những dự án thực tế nhưng vai trò chỉ là phụ việc. Sau một khoảng thời gian, may mắn mình được tham gia chính dự án xây dựng một điểm trường ở tỉnh Sơn La. Ý nghĩa cộng đồng của dự án này rất lớn và đây cũng là dự án mình tự hào nhất sau khi ra trường.

Sự khác nhau giữa học đường và thực tiễn liệu có khiến Thủ khoa ngành Kiến trúc vỡ mộng?

KTS. Nguyễn Thu Phong: Không hẳn là sự vỡ mộng. Nhưng thực tế, kiến thức để làm nghề Kiến trúc quá mênh mông, học mãi không hết. 5 năm Đại học chỉ giúp chúng ta có nền tảng để tiếp cận các phương pháp. Mỗi thể loại công trình đều đòi hỏi người Kiến trúc sư phải cập nhật và và học tập những chuyên môn mới. Một yếu tố của ngành Kiến trúc đó chính là làm việc nhóm, đây không phải là công việc cá nhân. Tư tưởng của mình là luôn xem tập thể thiết kế của mình như là một đội bóng, trong đó mình phải phát triển những cầu thủ giỏi và tạo thành một đội ăn ý. 

KTS. Tăng Vĩnh Anh Duy: Về việc có vỡ mộng hay không thì có thể là không. Bởi vì mình đã tham gia thực tập ngay từ thời sinh viên nên cũng phần nào hình dung được sự khó khăn khi ra trường, cũng như không mơ mộng gì đó quá cao, dù sâu trong bản thân mình cũng có rất nhiều khát khao.

Một bài học mà 2 vị thủ khoa đã đúc kết được sau khoảng thời gian làm nghề là gì?

KTS. Nguyễn Thu Phong: Slogan của Nhà Vui, cũng là slogan của mình từ thời còn trai trẻ đó chính là Kiến trúc sư phải luôn khát khao sáng tạo cuộc sống. Cuộc sống ở đây không phải ngôi nhà, mà là không gian, là cả một môi trường sống. Ngoài ra, ngành Kiến trúc cũng có nhiều bạn trẻ nhầm lẫn giữa sở đoàn và sở trường. Lời khuyên của mình là bạn phải chọn đúng thế mạnh của mình để ứng dụng vào thực tế thì mới phát huy được hết khả năng.

KTS. Tăng Vĩnh Anh Duy: Đối với một người trẻ như mình, bài học của mình là phải giữ được lửa trong 5 năm học, tiếp theo đó là chuẩn bị tinh thần để sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thách thức của nghề trong môi trường thực tế. Nếu may mắn và đủ năng lực thì mình tin là hai điều này sẽ tạo nên một người Kiến trúc sư thành công.

ALP Mini-talk Mùa 3: The Un-Gap | Không khoảng cách là chuỗi Podcast thảo luận chuyên đề dành cho cộng đồng Kiến trúc - Thiết kế tại Việt Nam. Podcast được phát triển từ chuỗi hoạt động của chương trình Architecture Leader Perspective do LIXIL Việt Nam sáng lập và tổ chức từ năm 2016, nhằm kết nối, tạo động lực và truyền cảm hứng để kiến tạo một cộng đồng Kiến trúc - Thiết kế gắn kết, cùng phát triển.

Nguồn

Bình luận chủ đề

0 Bình luận

Bài viết liên quan

    Nơi làm việc hay ngôi nhà thứ hai?

    Nơi làm việc hay ngôi nhà thứ hai?

    13/02/24 21 0

    Văn phòng 4DH2 Design, nơi kiến trúc gặp gỡ nghệ thuật và cảm xúc, mang đến một không gian làm việc độc đáo và đầy cảm hứng. Tại đây, sự...

    Bản hoan ca của đời sống

    Bản hoan ca của đời sống

    13/02/24 23 0

    Trước hết, căn nhà là một công trình cải tạo tương đối phức tạp với diện tích 600m2 khá lớn, và cũng vì việc thay đổi khá nhiều những không gian...

CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ

    Bản hoan ca của đời sống

    Bản hoan ca của đời sống

    13/02/24 23 0

    Trước hết, căn nhà là một công trình cải tạo tương đối phức tạp với diện tích 600m2 khá...

    Văn phòng FPT telecom

    Văn phòng FPT telecom

    13/02/24 30 0

    FPT Telecom là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và internet hàng đầu tại Việt Nam trên...

    Nhà mới với vật liệu cũ

    Nhà mới với vật liệu cũ

    13/02/24 22 0

    Trước một căn nhà nhỏ tường xây gạch mộc, mái tranh, một người bạn của tôi kể về...

    NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

    NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

    20/11/23 48 0

    Mỗi ngôi nhà được xây dựng đều là một câu chuyện của kiến trúc sư, nhà thiết kế...
Update data ...