Diễn đàn

Kiến trúc vị dân sinh – Ôn cố tri tân

Đánh giá: (Tốt) (Báo cáo) - Người đăng: Admin_03 (Đạt)

Những năm đầu thế kỷ 20, nhà chí sỹ yêu nước Phan Chu Trinh đã khởi xướng phong trào Duy Tân, với khẩu hiệu “Khai Dân trí – Chấn Dân khí – Hậu Dân sinh” và chủ trương tự lực khai phá, hướng tới vấn đề dân quyền cho 20 triệu đồng bào Việt. Có rất nhiều văn bản đề cập đến việc ông chú tâm nhất đến “Khai Dân trí”, nhưng theo Nhà văn Nguyên Ngọc thì Phan Chu Trinh đã rất coi trọng “Hậu Dân sinh”. Ở lĩnh vực Kiến trúc, tôi nghĩ càng nên nêu “Dân sinh” lên trước hết vì phục vụ con người là nhiệm vụ chủ đạo của kiến trúc. Có thể thấy những thành công đầu tiên của Kiến trúc Việt Nam luôn luôn gắn với vấn đề này.

Các KTS dự hội nghị KTS Việt Nam lần thứ II, ngày 26,27 – 4 – 1975

1. Thế hệ Kiến trúc sư đầu tiên của Việt Nam

Nhà Ánh Sáng là phong trào cải cách xã hội do nhóm Tự Lực Văn Đoàn khởi xướng, với phương châm Xã hội – Nhân đạo – Cải cách. Vượt ra khỏi giới hạn thuần túy của một phong trào xây dựng nhà ở cho người nghèo trên khắp Việt Nam, chương trình Nhà Ánh Sáng được một số nhà nghiên cứu xem như hạt giống của xã hội công dân hoặc một hình thức nhân đạo xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở nước ta.

Hoà vào phong trào ngay từ những ngày đầu, hai KTS Nguyễn Cao Luyện và Hoàng Như Tiếp đã vẽ “Một kiểu nhà mới” cho dân nghèo ở thôn quê, kèm bài viết giải thích cách chọn phương hướng, làm sao cho nhà thoáng và mát (đăng trên báo Phong Hoá, đầu năm 1936). Đây là kiểu nhà gỗ, mái tranh, tường đất, thềm gạch, với mẫu bàn ghế và đồ đạc bằng gỗ và tre để bày biện trong nhà – đề xuất này được phát triển thành mẫu cho những Nhà Ánh Sáng, dựng năm 1938 ở bãi Phúc Xá.

Cuối năm 1936, hai ông đã nghĩ ra loạt nhà kiểu mẫu, làm theo kiến trúc mới, để thay những khu nhà hỗn độn thiếu khí trời và ánh sáng. Lớp nhà mới này, làm không tốn thêm tiền so với nhà theo lối cũ nhưng lại có đủ tiện nghi, có luật lệ chung cư, để giữ vệ sinh chung. Đây là loạt nhà chung cư đầu tiên, được xây dựng trên đất nước ta.

Song song, hai ông “tìm cách làm phổ thông những điều thiết yếu của kiến trúc” nhằm thay đổi ý thức xã hội về vấn đề nhà ở, cụ thể trong loạt bài “Nhà cửa” đăng trên báo Ngày Nay (từ giữa năm 1936) đã viết những bài học nhập môn dạy việc làm nhà như thế nào; chỉ cho người dân quê, không nên làm những nhà tối tăm nữa, mà cùng với số tiền đó, có thể làm được những căn nhà đầy đủ tiện nghi, mát mẻ, hợp vệ sinh.

2. Khu Tập Thể đầu tiên

Ở miền Bắc, kể từ ngày về lại thủ đô (1954), nhà ở luôn là một trong những vấn đề quốc kế dân sinh được nhà nước quan tâm bao cấp. Với quan điểm phục vụ số đông (trên nguyên tắc XHCN, bình đẳng, thống nhất và dễ tiếp cận), ngành xây dựng đã đề ra cho mình phương châm hoạt động: nhanh, nhiều, tốt, rẻ.

Khu tập thể bờ sông (ngoài đê sông Hồng) là tên gọi của một trong những khu nhà ở tập thể đầu tiên như thế ở Hà Nội. Đây là kiểu nhà hai tầng, tường gạch thang gỗ, mỗi tầng có khoảng 10 phòng ở, mấy dãy nhà mới có chung một bể nước và khu vệ sinh chung.

Đầu những năm 1960, chính phủ Việt Nam bắt đầu một chương trình nhà ở lớn (nhà ở lắp ghép và nhà ở xây gạch), các căn hộ được cấp gần như miễn phí, người ở chỉ phải trả khoản tiền thuê nhà mang tính tượng trưng (bằng 1% tiền lương của họ). Mô hình microrayons (tiểu khu/ khu tập thể) đã được các chuyên gia của một số nước XHCN đem đến Hà Nội, cùng lúc các KTS Việt Nam đem từ Liên Xô về nước. Các khu ở kiểu này lần lượt được xây dựng (ở Hà Nội, Vinh) với những căn hộ giống nhau và rất nhỏ (25m2-30m2) nhằm đáp ứng thêm chỗ ở cho nhiều người lao động trong điều kiện kinh tế đất nước còn rất khó khăn; cùng những tiện ích đi kèm (nhà ăn tập thể, trường học và nhà trẻ, cửa hàng) trong các toà chung cư (2-5 tầng). Xen kẽ giữa các khối nhà là những không gian mở, thoáng, tạo ra bầu không khí trong lành cho người dân vui chơi và nghỉ ngơi. Các Khu tập thể đã tạo nên một nếp sống đô thị kiểu mới, có sự pha trộn với lối sống nông thôn truyền thống – lối sống tập thể, mình vì mọi người, mọi người vì mình .

Các Khu tập thể như là “… Di sản vật chất của những chính sách nhà ở có lẽ là nhân đạo nhất trong lịch sử hiện đại, nơi mà các KTS đã sử dụng kỹ năng của họ để cải thiện xã hội hơn là để đánh bóng tên tuổi,…” (nhận định gần đây của Giáo sư Nhân học người Mỹ Christina Schwenkel).

3. Giải Nhất quốc tế đầu tiên

Sau sự kiện 30/4/1975, lần đầu tiên các KTS người Việt Nam được làm chủ không gian hành nghề trên toàn bộ quốc gia của mình. Những đồ án dự thi quốc tế của các KTS trẻ ở giai đoạn này (đến 1986) tập trung nhiều vào giải quyết những vấn đề căn bản, cấp bách của Việt Nam hậu chiến – Đó là kiến trúc nông thôn, nhà ở và khôi phục đô thị với nhiều góc nhìn sáng tạo và có trách nhiệm xã hội thông qua các đề xuất về chất lượng không gian sống gắn với sinh kế của người dân. Những giải thưởng quý báu này góp phần đưa kiến trúc Việt hội nhập với quốc tế.

KTS Nguyễn Luận là người đầu tiên đề xuất mô hình nhà ở sinh thái hiện đại cho nông thôn Việt Nam, qua đồ án “Nhà ở nông thôn: Đơn vị cân bằng sinh thái” đạt giải Nhất cuộc thi kiến trúc quốc tế do ACCT và UNESCO tổ chức tại Paris vào năm 1979. Ở cuộc thi này, KTS Nguyễn Văn Tất (khi đó còn là sinh viên) cũng được giải Nhất với đồ án “Nhà ở vùng ngập nước Năm Căn”

Sau sự thành công với nhiều “đồ án” trên giấy, KTS Việt Nam lần đầu tiên có công trình thực tế đạt giải Vàng kiến trúc quốc tế tại Interarch-91, đó là Làng trẻ em SOS Hà Nội – KTS Vũ Hoàng Hạc đã thể hiện ý tưởng đầy nhân văn về một ngôi làng có tỷ lệ không gian hài hòa, thân thiện với trẻ em, các ngôi nhà trong làng sử dụng vật liệu gạch, ngói đỏ bản địa, ngôn ngữ tạo hình hiện đại mà vẫn giữ tinh thần không gian Việt Nam.

Cùng thời điểm những năm 1990, KTS Nguyễn Tiến Thuận thiết kế chợ Đông Hà, chợ Sơn Tây, chợ Hàng Da (đã bị phá để xây dựng TTTM bây giờ): Đó là các chợ dân sinh phục vụ cuộc sống hàng ngày của người dân bình thường (không phải siêu thị / TTTM cho người có tiền). Rồi biên soạn Tiêu chuẩn Thiết kế chợ (2012), quan tâm đến sinh kế của người dân (chợ ngoài trời có mái nhằm tạo điều kiện cho người dân có chỗ bán hàng, không phải đi rong trên phố). KTS Hoàng Phúc Thắng có giải pháp mở đường xuyên qua lõi ô phố cổ Hà Nội để tạo nên các phố mới bên trong, giải quyết tình trạng ô nhiễm và tạo cơ hội cho người dân làm dịch vụ để sinh sống,..

Họa đồ trên đây sẽ làm mẫu cho những Nhà Ánh Sáng, dựng năm 1938 ở bãi Phúc Xá, bên bờ sông Hồng, cạnh cầu Long Biên, phía Bắc Hà Nội, nay thuộc quận Tây Hồ.

Trại Ánh Sáng Phúc Xá, 1938

4. Thế kỷ 21 & Giải “Nobel Kiến trúc” Pritzker

Từ đầu thế kỷ 21, các giải thưởng quốc tế mà các KTS Việt Nam đạt được đa số là công trình thực tế có quy mô nhỏ (thậm chí rất nhỏ), hầu hết hướng tới giải quyết những vấn đề thời sự ở trong nước và toàn cầu: Xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu,.. Điều đó cho thấy trách nhiệm xã hội cao cùng với sự trưởng thành về chuyên môn và hướng đi đúng đắn của những KTS, có thể kể đến: KTS Hoàng Thúc Hào với các điểm trường cho học sinh nghèo, khu nhà ở công nhân và nhiều nhà cộng đồng; KTS Võ Trọng Nghĩa với chuỗi thử nghiệm nhà ở giá rẻ S House; KTS Lê Cao Anh với các dự án thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng; KTS Nguyễn Văn Tất đã đề xuất “những khu đô thị chuyển tiếp” sau khi chỉ ra sự chưa thoả đáng về quan điểm lấy nhà ở làm đối tượng chính của chương trình nhà ở xã hội ở nước ta từ trước tới nay,..

Giải thưởng Pritzker (và nhiều giải thưởng kiến trúc khác) gần đây cũng bắt đầu chuyển hướng tôn vinh những KTS có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng (Peter Zumthor, Wang Shu, Toyo Ito, Shigeru Ban, Alejandro Aravena, Lacaton & Vassal, Francis Kéré,..)

Giải thưởng kiến trúc Pritzker 2016 danh giá – hay còn được ví là giải Nobel kiến trúc – đã thuộc về kiến trúc sư người Chile Alejandro Aravena với ý tưởng về những công trình hoành tráng giúp giải quyết các thách thức kinh tế và xã hội trong thế kỷ 21

Pritzker 2016: Alejandro Aravena đã đi tiên phong trong việc thực hành kiến trúc nhằm giải quyết những thách thức quan trọng của thế kỷ 21. Ông ưu tiên nâng cao chất lượng môi trường đô thị thông qua chất lượng sống của cư dân, coi kiến trúc là công cụ để cân bằng giữa đặc quyền cá nhân và lợi ích tập thể. Và quan niệm: Kiến trúc nên mang sứ mệnh xã hội, hơn là theo đuổi những thứ đẹp đẽ vô hồn. Kiến trúc sư, vì thế có thể mạnh mẽ nêu cao một khái niệm rộng hơn về lợi ích cho dân và vì dân: Thiết kế như là giá trị gia tăng cho cộng đồng và kiến trúc tạo một môi trường công bằng. Các dự án half-half (50-50) của Aravena có giá thành xây dựng hết sức hợp lý và để người dân tham gia vào quá trình hoàn thiện khi chính họ sẽ “tự điền vào chỗ trống” theo nhu cầu lúc cần mở rộng không gian sống – một cuộc cách mạng thật sự cho việc tạo dựng nhà ở xã hội cho các nước đang phát triển.

Pritzker 2021: Lacaton & Vassal được vinh danh vì cách tiếp cận ưu tiên “Làm giàu cuộc sống con người”

Pritzker 2021: Lacaton & Vassal được vinh danh vì cách tiếp cận ưu tiên “Làm giàu cuộc sống con người”, mang lại lợi ích cho người dân và hỗ trợ sự phát triển đô thị. Các dự án nhà ở xã hội họ thực hiện thường theo hướng tạo ra những căn hộ tối đa, đáp ứng mong muốn có được một không gian rộng hơn trong khi vẫn duy trì giá thuê ổn định. Những không gian này mang lại niềm vui cho cư dân và đây chính là điều khác biệt so với logic cũ/ quan niệm thông thường: nhà ở giá rẻ = không gian nhỏ, vật liệu rẻ. Những kiến trúc này giúp nâng cao nhận thức và tác động lớn đến cộng đồng.

Pritzker 2022: Trong sự nghiệp kiến trúc của mình, Francis Kéré đã hướng tới cải thiện cuộc sống của người dân tại những vùng đất nghèo khó và có khí hậu khắc nghiệt, những nơi không có kiến trúc và cơ sở hạ tầng

Pritzker 2022: Trong sự nghiệp kiến trúc của mình, Francis Kéré đã hướng tới cải thiện cuộc sống của người dân tại những vùng đất nghèo khó và có khí hậu khắc nghiệt, những nơi không có kiến trúc và cơ sở hạ tầng. Ông đã cùng với cộng đồng địa phương xây dựng nên nhiều ngôi trường, cơ sở y tế, nhà ở, không gian công cộng,… chỉ bằng các vật liệu có sẵn ở địa phương với công nghệ xây dựng thô sơ và thủ công nhưng đầy hiệu quả và sáng tạo. Đây là những cấu trúc duyên dáng, tinh tế, đồng điệu với khí hậu cũng như văn hóa bản địa và sẽ truyền cảm hứng tự hào, niềm hy vọng lớn lao, đặt nền móng cho sự tiến bộ của một dân tộc. Và Francis Kéré đã trở thành người châu Phi đầu tiên được trao giải thưởng danh giá này.

5. Kiến trúc vị Dân sinh

Mệnh đề “Kiến trúc vị Dân sinh” được chúng tôi sử dụng lần đầu tiên từ 2008, đến nay đã tròn 15 năm, nhưng tôi để ý sau vài lần chia sẻ qua bài viết hoặc bài nói chuyện thì người đọc/ nghe đa phần nghĩ trong đầu/ viết ra/ phát ngôn là “Kiến trúc vị Nhân sinh”. Thế nên tôi xin phép nêu ngắn gọn thêm lần nữa về vấn đề này theo cách hiểu chưa trọn vẹn của mình.

“Nghệ thuật vị Nhân sinh” và “Nghệ thuật vị Nghệ thuật” có lẽ đã quen thuộc với nhiều người qua cuộc bút chiến nổi tiếng trên văn đàn nước ta những năm 30 của thế kỷ trước. Qua đó, “Nghệ thuật vị Nhân sinh” đã trở thành đường lối chính thống của văn hoá – nghệ thuật Việt Nam trong gần một thế kỷ qua.

“Vị Nhân sinh”/ “Vị Dân sinh” đều có nghĩa là vì cuộc sống của con người, nhưng “Vị Nhân sinh” nghe chừng khái quát hơn, “cao quý” hơn và cũng cá nhân hơn (mỗi người một khác ~ “Vị Nhân vật”) – thậm chí là thoát ly đời sống (chỉ là nhân sinh quan ~ “Vị Tiên sinh”); còn “vị Dân sinh” thì gần gũi hơn, hiện thực hơn, đời thường hơn và gắn với số đông/ với cộng đồng nhiều hơn.

Nhưng sứ mệnh của kiến trúc là trực tiếp phục vụ những sinh hoạt thường nhật của đông đảo người dân – cho nên không thể áp đặt quan điểm sống của cá nhân / nhu cầu thể hiện “cái Tôi” riêng của KTS cho mọi con người khác được. Để cho chữ “Nhân” không bị biến thái (và suy thoái) thành “Cá nhân”, thì nó phải được quan niệm là Nhân dân nói chung / là những con người thế tục (chứ không phải Con Người lý tưởng thoát ly hiện thực). Và vì thế, nên “Vị Nhân sinh” phải trở thành “Vị Dân sinh”, để tham dự vào cuộc sống của người dân một cách thiết thực – chứ không chỉ là quan điểm sáng tạo nghệ thuật trong đầu tác giả, tọa ở bên ngoài cuộc sống đó.

Năm 2016, Hội KTS Việt Nam tổ chức hội thảo thường niên “Gặp gỡ mùa thu” với chủ đề “Kiến trúc vì cộng đồng” – cụm từ gây khó hiểu này khiến chúng tôi thấy cần phải làm rõ cộng đồng ở trong chủ đề lần ấy là cộng đồng nào (?) bởi trong thực tế đời sống XH, các cộng đồng rất đa dạng/ phong phú (doanh nhân, người thu nhập thấp, dòng họ, đảng phái, “ảo”..) và đều có kiến trúc tương ứng vì “cộng đồng” đó. Chúng ta đang sống ở thời kỳ công nghiệp hóa và đô thị hóa bùng nổ – song những quyền công dân cơ bản được quy định bởi Hiến pháp và pháp luật (như quyền được sống, được có nhà ở, được học tập, được mưu cầu hạnh phúc,..) vẫn chưa đến được những nhóm dân cư chịu nhiều thua thiệt/ những người lao động nghèo/ những đối tượng bị xem là “thấp kém”, không có tiếng nói chính danh, không được quan tâm và bị gạt ra bên lề xã hội. Đó chính là những “Cộng đồng dễ bị tổn thương (về vật chất + vị thế xã hội + cơ hội phát triển)”- mà hầu như ở địa bàn nào cũng có – và kiến trúc vị Dân sinh hướng tới, với sứ mệnh: Đáp ứng (các hoạt động sống thiết thực của người dân) + Cải thiện (chất lượng cuộc sống) + Bù đắp (những thua thiệt về kinh tế, văn hoá xã hội) cho người dân.

Có thể coi “Kiến trúc vị Dân sinh” gồm những không gian dành cho các hoạt động thuộc ba tầng nhu cầu cơ bản của con người (theo tháp nhu cầu Maslow, hướng từ dưới lên): Nhu cầu sinh học cá nhân (ăn, ngủ, nghỉ, bài tiết,..); Nhu cầu an sinh (cảm giác yên tâm, an toàn thân thể, có công ăn việc làm, chỗ ở,..); Nhu cầu xã hội (muốn được trong một nhóm cộng đồng, bạn bè thân hữu tin cậy,..). Từ đó, hình thành nên các chuỗi dự án tương ứng với ba tầng nhu cầu này, có thể ví dụ: Vườn vệ sinh cho đồng bào nghèo vùng cao; Nhà ở nhỏ cho người dân ở vùng bị thiên tai và ở khu vực nông thôn, ngoại vi đô thị; Không gian mở thân thiện cho tất cả mọi người ở những khu vực đô thị hóa ngột ngạt,..

Vai trò tổ chức của KTS là vận dụng kiến thức chuyên môn theo thế giới quan nhân văn của mình để tạo dựng môi trường không gian cho các hoạt động đó đạt được hiệu quả lâu dài/ bền vững – vì cuộc sống người dân, vì cả lợi ích của cộng đồng và toàn xã hội.

6. Thư Bác Hồ gửi Hội nghị thành lập Đoàn KTS

Đến hôm nay, vẫn biết Kiến trúc là vật thể có khối tích lớn thứ hai sau thiên nhiên nhưng chúng ta đã “mượn” thiên nhiên những khoảng không quý giá để tiếp tục tạo dựng thêm một khối lượng kiến trúc khổng lồ và “đáp trả” thiên nhiên bằng những đô thị rộng lớn, nhiều tổ hợp công trình đồ sộ, đa chức năng,.. nhưng lại thiếu công viên cây xanh, bệnh viện, trường học và thừa “ô nhiễm”. Những dự án kiến trúc – quy hoạch với vốn đầu tư hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng nhưng hiệu quả sử dụng thấp – thiếu tầm nhìn, thậm chí còn bỏ hoang, lãng phí thì vô kể,.. Chúng ta xây nhiều khu ở thương mại nhưng lại rất thiếu nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp. Chúng ta lấy đất nông nghiệp, lâm nghiệp để làm sân golf, xây resort, nhưng lại “quên” nhà ở của nông dân và môi trường cảnh quan ở nông thôn, của đồng bào vùng lũ lụt, đồng bào nghèo các dân tộc miền núi,..

Chúng ta đang triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với Bộ tiêu chí quốc gia cụ thể và kỳ vọng góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp, nâng cao chất lượng sống cho nông dân và người dân nông thôn. Nhưng sau hơn 10 năm, chúng ta cũng nhận ra Chương trình không thể “mặc đồng phục” trên khắp cả nước, mà cần dựa trên tính đặc thù (môi trường tự nhiên, môi trường VH-XH) mỗi vùng miền, từ đó đa dạng về ý tưởng quy hoạch, kiến trúc cảnh quan nông thôn. Theo kết quả điều tra nông thôn mới tại Đắk Lắk (3/2019), một số nghiên cứu đã chỉ ra tiêu chí nông thôn mới số 9 là “75% số hộ có nhà đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng” chưa phù hợp với nhiều bản làng Tây Nguyên vốn có phong tục dựng nhà sàn, nhà gỗ và vật liệu địa phương; việc “xây dựng nghĩa trang theo quy hoạch” – tiêu chí nông thôn mới số 17 là chuyện không dễ để thực hiện vì nhiều bản vùng sâu, vùng xa, dân cư thường sống không tập trung.

Chúng ta cũng triển khai Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vượt lũ đồng bằng sông Cửu Long từ 2001 với mục đích giúp người dân vùng lũ ổn định cuộc sống, nâng cao chất lượng cuộc sống. Và cũng đã có những kết quả không như mong muốn như ở Kiên Giang, khi người dân khốn khổ vì “Cụm dân cư vượt lũ” thường xuyên ngập lũ (mùa lũ ngập, mưa lớn ngập, triều cường cũng ngập) khoảng sáu tháng trong năm.
Chúng ta còn rất hiếm những dự án “Vị Dân sinh” như: Đề án “Xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”. Chương trình thiện nguyện xây dựng 100 cây cầu dân sinh “kết nối bờ vui” từ cuối năm 2022,..

Nhớ lại cách đây 75 năm, Hội nghị thành lập Đoàn KTS (tiền thân của Hội KTS Việt Nam) đã vinh dự được Bác Hồ gửi thư động viên và căn dặn. Bác đã rất quan tâm đến vấn đề Dân sinh khi viết: “Ở và đi là hai vấn đề cũng cấp thiết như ăn với mặc. Vì vậy, việc kiến trúc là việc rất quan hệ” và Bác mong: ”Hội nghị chú trọng đặc biệt tới vấn đề nhà ở tại thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền”.

Để thấy, hơn bao giờ hết, vai trò của KTS Việt Nam trong quá trình kiến tạo không gian sống an toàn, bền vững, và đậm tính nhân văn dành cho/ cùng với đồng bào của mình là rất cấp bách. Và đó cũng là trách nhiệm, là nghĩa vụ xã hội cao cả của KTS trong bối cảnh nhân loại đang đứng trước những thách thức to lớn của năm cuộc khủng hoảng: dân số, lương thực, năng lượng, tài nguyên và sinh thái.

Theo KTS Đoàn Thanh Hà (H&P Architects)

Tạp chí Kiến trúc

Bình luận chủ đề

0 Bình luận

Bài viết liên quan

    Nơi làm việc hay ngôi nhà thứ hai?

    Nơi làm việc hay ngôi nhà thứ hai?

    13/02/24 25 0

    Văn phòng 4DH2 Design, nơi kiến trúc gặp gỡ nghệ thuật và cảm xúc, mang đến một không gian làm việc độc đáo và đầy cảm hứng. Tại đây, sự...

    Bản hoan ca của đời sống

    Bản hoan ca của đời sống

    13/02/24 26 0

    Trước hết, căn nhà là một công trình cải tạo tương đối phức tạp với diện tích 600m2 khá lớn, và cũng vì việc thay đổi khá nhiều những không gian...

CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ

    Bản hoan ca của đời sống

    Bản hoan ca của đời sống

    13/02/24 26 0

    Trước hết, căn nhà là một công trình cải tạo tương đối phức tạp với diện tích 600m2 khá...

    Văn phòng FPT telecom

    Văn phòng FPT telecom

    13/02/24 33 0

    FPT Telecom là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và internet hàng đầu tại Việt Nam trên...

    Nhà mới với vật liệu cũ

    Nhà mới với vật liệu cũ

    13/02/24 24 0

    Trước một căn nhà nhỏ tường xây gạch mộc, mái tranh, một người bạn của tôi kể về...

    NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

    NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

    20/11/23 51 0

    Mỗi ngôi nhà được xây dựng đều là một câu chuyện của kiến trúc sư, nhà thiết kế...
Update data ...