KINH NGHIỆM THIẾT KẾ

ĐIỀU GÌ ĐANG DIỄN RA TRONG TÂM TRÍ KHÁCH HÀNG VÀ NHÀ THIẾT KẾ NỘI THẤT

Đánh giá: (Tốt) (Báo cáo)

Qua 2 phần đầu (Phần 1 Phần 2), việc bạn chọn được cho mình nhà thiết kế cùng mức phí dự trù chắc chắn sẽ như bạn mong muốn. Quá trình tiếp theo cũng sẽ quan trọng không kém. Nếu may mắn gặp được người thiết kế có tâm và nhiều kinh nghiệm, bạn hãy đi theo sự dẫn dắt của họ bởi việc họ khao khát làm ra một tác phẩm đẹp cũng ngang ngửa với sự khao khát của bạn. Vấn đề ở đây chỉ còn là "lắng nghe nhau cho đúng" và cùng nhau tìm ra phương án hoàn hảo nhất. Tiếp theo Series chuyên đề LÀM SAO TÌM NHÀ THIẾT KẾ TỐT, KHIẾN HỌ LÀM NỘI THẤT NHÀ MÌNH ĐẸP & HÀI LÒNG NHẤT - Phần 3

A. TÂM TRÍ CỦA KHÁCH HÀNG VÀ NHÀ THIẾT KẾ NỘI THẤT CÓ DỄ DÀNG ĐI ĐẾN CÙNG MỘT ĐIỂM?

Là một khách hàng, bạn luôn mong muốn được cộng tác với các nhà thiết kế tài năng và tâm huyết. Dù cho ngân sách không cho phép, thì ít nhất bạn vẫn muốn được cộng tác với một nhà thiết kế có tâm. Vậy, "Làm sao biết được nhà thiết kế nào có tâm?"

Đây là một vấn đề mà không ai dám trả lời bởi vì nó phụ thuộc khá nhiều yếu tố khách quan. Mình có phỏng vấn một số nhà thiết kế tên tuổi, được chứng minh là có tâm với nghề qua chiều dài thời gian, và nhận được câu trả lời mẫu số chung là: "Có những công trình rút hết ruột gan tâm huyết ra làm cũng không thấy sao cả, còn hứng thú nữa. Nhưng có những công trình chỉ muốn làm cho xong bởi nguyên nhân chính là cách giao tiếp của khách hàng"

Ở đây họ không có ý đổ lỗi. Sự can thiệp quá mức của khách hàng vào thiết kế, sự "bảo ban thiết kế" của khách "phải làm gì, phải làm ra sao...." đã khiến sự sáng tạo của họ tụt dốc không phanh. Nếu không nghe thì khách bảo không tôn trọng họ.

Bạn cần nhận thức vấn đề "tôn trọng" ở đây là thế nào. Nếu bạn cho rằng một nhà thiết kế học hành 5 năm trời tại trường và mài dũa ít nhất cũng từng ấy năm qua công trình thực tế phải nghe lời bạn vì bạn là chủ thì không còn gì để nói. Công trình bạn làm ra miễn sao thỏa mãn sự bảo ban của bạn là được. Với yêu cầu thế này thì bạn nên đi tìm thiết kế nào giá càng rẻ càng tốt. Một thợ vẽ có lẽ phù hợp nhất, kiểu bạn kêu gì làm đó. Còn nếu bạn thuê thiết kế có giá trị, bạn sẽ phải tôn trọng ý kiến của họ về những gì mà họ là chuyên gia. Bạn bỏ tiền thuê chuyên gia để rút ngắn khoảng cách đạt được về thời gian lẫn thẩm mỹ, vậy thì không có lý do gì bạn bảo họ nên làm theo một người chưa biết gì về ngành nghề này cả. Đó là lòng tự trọng tối thiểu của một người designer

Một nhà thiết kế tâm sự, cô đã thấy bàng hoàng ra sao khi đưa những thiết kế đẹp nhất ở Châu Âu (đoạt giải sáng tạo trong năm về thiết kế nội thất) cho khách hàng xem qua trong quá trình tìm concept thì bị chê không còn gì để nói. Họ bảo những thiết kế kia là dị hợm, cải lương. Trong khi cô đã nương theo đề bài trong buổi nói chuyện ban đầu về sở thích "hiện đại nhất, cấp tiến nhất" mà khách hàng đã đặt ra cho cô. Các nhà thiết kế không thể nói khách hàng sai, nhưng cái đẹp trong mắt mỗi người luôn khác lắm.

Một anh thiết kế khác thì ngậm ngùi: Ban đầu gặp khách hàng, anh phấn khởi lắm vì khách nói yêu thích sự giản dị, mộc mạc và tinh khôi. Anh cảm thấy mình đồng cảm với khách hàng ghê gớm. Ngay sau hôm gặp khách về, anh dành ra mấy ngày đêm để vẽ liền và tin chắc mình sẽ win hợp đồng. Anh vẽ với suy nghĩ tựa như vẽ cho nhà mình, trau chuốt cân nhắc từng tỉ lệ sao cho hoàn hảo mới thôi. Tới ngày trình phương án, tưởng chừng sẽ nhận được sự mừng rỡ, hạnh phúc của khách hàng nhưng anh đã bị một gáo nước lạnh tát vào mặt. Sau khi xem qua, khách hàng đã hỏi anh một câu mà chắc cả đời anh không bao giờ quên được :"Đây là thiết kế rồi hả? Sao giống như chưa làm gì vậy?" Và khách hàng còn rất dễ thương khi bảo anh là họ không gấp, anh về vẽ thêm đồ vào trong khi cái mà anh hình dung là một phong cách tối thiểu (minimalist) anh hằng yêu thích.

Còn vô số, vô số ví dụ trong nghề mà dần dà mình sẽ chia sẻ. Cái mà mình muốn nói ở đây là, ở mỗi bước đi cần chắc chắn cách mà mình hiểu đối phương. Những trường hợp trên xảy ra do chủ quan là nhiều hơn cả. Nhà thiết kế dù đã làm việc rất tận tâm nhưng vì thiếu kinh nghiệm mà họ đã mắc sai lầm khi diễn giải "lời nói của khách hàng" bằng sự tưởng tượng trong tâm trí họ.

--- Khách hàng nói thích sang trọng, nhưng với họ sang trọng chính là những thứ nhà thiết kế đang nghĩ là cải lương. Để rồi khi bắt tay vào việc, designer đã vẽ những thứ mình nghĩ là sang trọng, tinh tế đưa ra cho khách thì bị tát nước lạnh "cho tỉnh"

--- Khách hàng nói thích sự giản dị, nhưng cái giản dị thế nào thì trong đầu mỗi người vô chừng lắm. 

--- Khách hàng nói thích sự tinh tế, nhưng bạn có dễ dàng định nghĩa thế nào là tinh tế hay không? Định nghĩa của bạn là chân lý chứ?

Với các nhà thiết kế kinh nghiệm đầy mình, họ luôn có giải pháp để giúp cho khách hàng bộc lộ rõ yêu cầu và ý thích hơn thông qua cuộc trò chuyện cùng những câu hỏi được biên soạn có chủ ý trước. Không phải ai cũng có khả năng diễn tả chính bản thân muốn gì (nhất là lối giáo dục ở nước ta còn nhiều hạn chế trong điều này). Và càng không phải ai cũng có mấy căn nhà để làm nên đã có kinh nghiệm trong chuyện diễn tả. Những nhà thiết kế "sói già" họ luôn suy nghĩ và cẩn trọng từng bước đi trước khi bắt tay vào vẽ. Chỉ có tuổi trẻ háo thắng mới lao vào vẽ với một bản brief (tóm tắt) ý kiến thu được từ khách mà đôi khi là do từ Sales (nhân viên kinh doanh của công ty) gặp gỡ khách hàng, đã mô tả và mang về. Thật trớ trêu là, các bạn rồi cũng sẽ rơi vào cái bẫy của việc diễn giải ngôn từ tiếp theo như trên. Một vòng lặp khó tránh.

B. CÁC VẤN ĐỀ DESIGNER CẦN KHAI THÁC ĐỂ TÌM HIỂU KHÁCH HÀNG TRONG (vài) CUỘC GẶP GỠ ĐẦU TIÊN

Đừng để khách hàng dẫn dắt, và cũng đừng để nhân viên kinh doanh dẫn dắt. Các bạn thiết kế trẻ mới ra trường còn non tay nên hay rơi vào trường hợp này. Là khách hàng, bạn cũng nên tránh và hãy để cho nhà thiết kế chủ động trong mọi thứ. Họ sẽ phải chuẩn bị kỹ càng để bộc lộ sự chuyên nghiệp và qua đó, rút ngắn thời gian uổng phí vào những việc không đâu mà đầu tư thời gian vào "cá tính thiết kế" của mình. Bạn chính là người hưởng lợi cuối cùng.

Tuy nhiên, bạn cần biết qua một nhà thiết kế làm việc chuyên nghiệp sẽ phải lead bạn như thế nào. Trước khi đi gặp khách hàng, họ thường đã chuẩn bị sơ khái niệm trong đầu:

  • Thiết kế đã biết gì về khách hàng chưa?
  • Thiết kế có thể yêu cầu bạn tìm hiểu thêm về nhu cầu và sở thích của bạn trước không? (ví dụ như ở phần 2 của chuyên đề)
  • Chính xác những thông tin nào designer cần để xác định xem bạn có thể làm việc tốt với họ không?

Phân tích những gì mà một nhà thiết kế đã biết về những khách hàng tiềm năng này sẽ giúp cho họ luôn tự tin khi gặp khách. Ngay cả trước khi tham khảo ý kiến, các tương tác ban đầu có thể mang lại cho bạn một khái niệm sơ bộ nào trước. Nhà thiết kế cũng cần biết về những thứ như sau :

  • Tuổi tác của khách hàng
  • Thành viên trong gia đình họ
  • Vị trí công trình nằm ở đâu, khu đất nào, lợi thế và bất lợi ra sao
  • Diện tích của dự án
  • Có việc gì mà khách hàng thích hay không thích đã từng được đề cập đâu đó không...vv....

Ngay cả các chi tiết cơ bản cũng có thể đưa họ đi đúng hướng để nghĩ về một concept thiết kế nào đó trước. Bước vào cuộc họp đầu tiên với khách hàng tiềm năng, ngay lúc này đây designer khôn ngoan sẽ biết rõ mình chưa thể thực sự được ký kết hợp đồng. Trong khi có một số ít khách hàng biết mình muốn gì, đa phần còn lại điều chưa có một ý niệm hình dung nào cả. Họ sẽ đặt câu hỏi trực tiếp và chính xác giúp khách hàng tập trung vào mong muốn và nhu cầu thay vì chỉ đồng ý với đề xuất của chính nhà thiết kế. Chú ý rằng, các designer muốn tìm hiểu về bạn nhưng có lẽ họ không có thời gian để lắng nghe câu chuyện cuộc đời của bạn. Đừng chia sẻ quá nhiều. Vì vậy câu hỏi của các nhà thiết kế và cả câu trả lời của bạn đều nên thân thiện mà ngắn gọn.

  • Màu sắc khách hàng thích và cả không thích (quan trọng)
  • Nghề nghiệp của khách là gì? có nghề phụ không?
  • Những đam mê khác của khách hàng là gì?
  • Điều gì làm cho khách hàng cảm thấy được truyền cảm hứng? Cho dù bất cứ điều gì (ví dụ như một màu sắc, một bức tranh, một thứ đồ nội thất họ nhìn thấy ở đâu đó, v.v.) mà đã thúc đẩy trí tưởng tượng của họ.
  • Số lượng người ở hay hoạt động trong công trình sau khi nó hoàn thành
  • Có người già, trẻ con hay người khuyết tật nào không?
  • Các yếu tố của các phòng khác mà khách hàng có thể đặc biệt thích hoặc không thích
  • Nếu khách không chắc chắn những gì họ muốn, hãy hỏi họ về điều mà họ không muốn nhất
  • Khách hàng đã thích và không thích những gì về thiết kế trong không gian trước đây của họ?

Khi nhà thiết kế tìm hiểu thêm về khách hàng, họ đang muốn nắm bắt đâu đó các chi tiết khơi dậy sự sáng tạo của chính họ, giúp họ có được một bức tranh rõ ràng hơn về những gì bạn thích, hoặc ít nhất là những gì bạn không thích, bằng cách sử dụng hình ảnh. Các phương tiện trực quan giúp khách hàng truyền đạt những gì họ gặp khó khăn khi mô tả. Đó là lý do vì sao việc chuẩn bị kỹ một catalogue hay profile thiết kế bao gồm các công trình nội thất hoàn chỉnh sẽ giúp cho khách hàng thấy những phong cách nội thất mà phía design có thể thực hiện là vô cùng quan trọng. Nó là thứ đảm bảo cho designer và khách hàng đang nói một thứ ngôn ngữ cùng nhau.

Kết thúc cuộc họp, nhà thiết kế chuyên nghiệp phải nắm bắt cho được những điều sau:

  • Những thứ mà khách hàng hoàn toàn muốn hoặc cần.
  • Những thứ mà khách hàng hoàn toàn không muốn hoặc không thể có (giá trị cao vượt ngân sách chẳng hạn)
  • Những ý tưởng tiềm năng thông qua ngôn ngữ hình ảnh được dẫn dắt

Các điểm này sẽ theo suốt và dẫn dắt thiết kế trong suốt quá trình thực hiện nếu hợp đồng được ký kết. Nhưng, để ký kết hợp đồng, trước hết các designer và team của họ cần phải trải qua giai đoạn báo giá và LÀM THẾ NÀO ĐỂ NÓI CHUYỆN VỀ PHÍ THIẾT KẾ VỚI KHÁCH HÀNG TIỀM NĂNG ?

Mời các bạn đón đọc bài viết tiếp theo trong chuỗi chuyên đề này của JS vào kỳ sau.

JS.

Bài viết liên quan

    Nên và không nên khi tân trang nhà thuê

    Nên và không nên khi tân trang nhà thuê

    22/08/22 129 0

    Khi thuê nhà hoặc căn hộ để ở, bạn có một số hạn chế nhất định trong việc bài trí, nhưng vài thay đổi đơn giản có thể giúp cải...

CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ

Update data ...