Diễn đàn

Những sắc thái Kiến tạo nghệ thuật

Đánh giá: (Tốt) (Báo cáo) - Người đăng: Admin_03 (Đạt)

Gần đây, khái niệm “kiến tạo” được nhắc đến trong nhiều lĩnh vực xã hội, ví dụ “cộng đồng kiến tạo”, “kiến tạo bản sắc” hay “nhà nước kiến tạo”… Trong nghệ thuật, chúng ta có thể hiểu “kiến tạo” như thế nào? 

kienviet nhung sac thai kien tao nghe thuat1

Phương án nhà cao tầng của Lissitzky (1923-1925)

Liệu rằng, cứ phải kiến thiết, xây dựng, sáng tạo ra một cái gì đó thì mới được gọi là kiến tạo? Có người quan niệm cho rằng: chỉ cần đưa ra một cái nhìn khác cho cái đã có thì đã được coi là một hành động kiến tạo, ví dụ như các tác phẩm “Vòi phun nước”, “L.H.O.O.Q” của Duchamp, hay cách tái định vị của giới văn nghệ Nga gần đây theo hướng một quốc gia Âu – Á, hoặc nhận thức về lịch sử nghệ thuật Việt Nam có thể được căn cứ theo bản đồ (bao gồm các dân tộc, nhà nước từng tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay), khác với thói quen bấy lâu nay dựa theo tiến trình lịch sử của dân tộc Việt. Cũng ở góc nhìn này, một cộng đồng không nhất thiết phải sáng tạo ra những sản phẩm hoàn toàn mới mang tính đại diện; nó có thể “chiếm hữu biểu tượng” từ cộng đồng khác, ví dụ phong trào Biểu hiện trừu tượng ở Mỹ (vốn khởi phát từ châu Âu) hay chủ trương tái sử dụng (thay đổi chức năng, tên gọi) các công trình kiến trúc Pháp của Việt Nam sau khi giành độc lập. 

kienviet nhung sac thai kien tao nghe thuat2

Trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam là một trường hợp “chiếm hữu biểu tượng”. Công trình vốn là Sở Tài chính Đông Dương

Các phong trào Kiến tạo (constructivism) ở Nga đầu thế kỷ 20 và Giải kiến tạo (deconstructivism) ở phương Tây cuối thế kỷ 20- đầu thế kỷ 21 đã tạo ra những tác phẩm kiến trúc vượt thoát phi thường. Nhưng không phải lúc nào điều kiện xã hội và tài năng con người cũng có thể cộng hưởng cao vút như vậy. Có những thời kỳ, nghệ thuật không cần (và không thể có) triền miên những bữa ăn ở nhà hàng sang trọng, thay vào đó là những bữa cơm gia đình bình thường đầm ấm hoặc ăn kiêng, nhịn ăn theo nghi lễ tôn giáo. Sự kiến tạo trong nghệ thuật, đôi khi là giữ mình chất phác, tự nhiên, không nghĩ gì, không làm gì. 

Vô vi (không làm gì) là một triết lý quan trọng ở nền văn minh Đông Á, được nhắc đến nhiều trong lý luận của các học phái Nho, Lão, Pháp. Trong “Luận ngữ” có chép lại lời của Khổng Tử rằng: “Không làm gì mà thiên hạ được trị, là vua Thuấn đó chăng? Ông có làm gì đâu? Chỉ cung kính giữ mình, quay mặt về hướng Nam, thế thôi”. Lão Tử thì nhắc đi nhắc lại nhiều lần từ “vô vi” trong “Đạo đức kinh”, chẳng hạn: “Theo đạo thì ngày càng bớt, bớt rồi lại bớt đến mức vô vi. Vô vi thì không có cái gì không trị”, hay “Ta không làm gì mà dân tự cải hóa, ta ưa thanh tĩnh mà dân tự nhiên thuần chính, ta không ban giáo lệnh mà dân tự phú túc, ta vô dục mà dân tự hóa ra chất phác”. Còn Hàn Phi Tử cho rằng bản chất con người là vị lợi, không thể tin tưởng bất cứ ai, nên chính trị phải dùng hình pháp, người lãnh đạo phải ở trạng thái vô vi thì mới hiểu được lòng của kẻ dưới và không cho kẻ dưới nắm bắt được suy nghĩ của mình; ông viết: “Hiểu đạo lý thì nên đừng làm gì, đừng cho thấy. Chỉ có vô vi là dò xét được lòng người”. 

Ý tưởng “không làm gì cũng là một cách kiến tạo nền nghệ thuật” có thể khiến ai đó ngơ ngác hoặc “nóng mặt”. Có lẽ, chúng ta nên hiểu “không làm gì” theo hướng: thuận theo tự nhiên và thời thế, bảo đảm trạng thái hài hòa, tiếp biến từ từ, không cố gắng đột phá một cách duy ý chí? Lịch sử hội họa cổ điển Trung Hoa hàng nghìn năm luôn duy trì một sự kế thừa nghiêm cẩn, nếu có thay đổi thì nó được thực hiện một cách vi biến nhẹ nhàng. Trong “lục pháp luận” của Tạ Hách có nhắc đến “truyền di mô tả”, tức sao chép các bậc thầy đời trước. Ở góc nhìn phê phán của hiện đại thì đó chính là sự tiết giảm, thậm chí triệt tiêu sáng tạo cá nhân. Nhưng thú vị thay, chính sự “bảo thủ” đó đã kiến tạo nên bản sắc hội họa Trung Hoa một cách rõ ràng, sâu đậm và trực quan. Công bằng mà nói, việc bảo vệ một vẻ đẹp “trường sinh bất lão” trong hàng nghìn năm cũng khó khăn không kém với việc mỗi năm phải “tuyển” được một nàng hoa hậu tươi mới, khác biệt.

Ở một sắc thái khác, kiến tạo đôi khi được song hành cùng với phá hủy. Đó chính là huyền thoại về Shiva trong Ấn Độ giáo, vị thần bằng vũ điệu kỳ diệu của mình đã sáng tạo ra thế giới, nhưng mỗi khi ngài mỏi mệt, uể oải thì vũ trụ trở nên hỗn loạn. Lịch sử cũng đã chứng minh: sự tàn khốc của chiến tranh là chất kích ứng mạnh mẽ để kiến tạo bản sắc dân tộc. Ý tưởng tạo/hủy đồng thời cũng xuất hiện trong triết học và kiến trúc Giải kiến tạo (deconstruction và deconstructivism). Khi ta phá hủy một định kiến, xóa sổ một quan niệm, gạch bỏ một hình ảnh quen thuộc, cũng chính là lúc ta kiến tạo, ví dụ Daniel Libeskind đặt thêm một khối kính nhọn kỳ dị phá vỡ hình ảnh cổ điển quen thuộc của “Bảo tàng Lịch sử Quân sự Dresden” hay Frank Gehry tạo những mảng cong uốn éo của “Ngôi nhà khiêu vũ” ở khu vực phố cũ Praha. 

Sự hủy bỏ một quan điểm mỹ học, giải trừ các thói quen cảm thụ và thực hành nghệ thuật gần giống với khái niệm “phá chấp” trong Phật pháp. Huệ Năng khi nghe đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” trong kinh Kim Cương thì đại ngộ. Tức là, suy nghĩ không bám vào đâu, quan điểm không chấp vào bất cứ điều gì, tinh thần khai phóng ra khỏi tất cả các khái niệm, chính lúc đó “kỳ tâm” xuất hiện. “Kỳ tâm”, phải chăng là sự “vượt thoát” mà như “bao dung” tất cả: bảo vệ và phá hủy, vô vi và hữu vi, kiến tạo và giải kiến tạo?

Theo Vũ Hiệp

Kiến Việt

Bình luận chủ đề

0 Bình luận

Bài viết liên quan

    Nơi làm việc hay ngôi nhà thứ hai?

    Nơi làm việc hay ngôi nhà thứ hai?

    13/02/24 27 0

    Văn phòng 4DH2 Design, nơi kiến trúc gặp gỡ nghệ thuật và cảm xúc, mang đến một không gian làm việc độc đáo và đầy cảm hứng. Tại đây, sự...

CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ

    Bản hoan ca của đời sống

    Bản hoan ca của đời sống

    13/02/24 28 0

    Trước hết, căn nhà là một công trình cải tạo tương đối phức tạp với diện tích 600m2 khá...

    Văn phòng FPT telecom

    Văn phòng FPT telecom

    13/02/24 35 0

    FPT Telecom là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và internet hàng đầu tại Việt Nam trên...

    Nhà mới với vật liệu cũ

    Nhà mới với vật liệu cũ

    13/02/24 26 0

    Trước một căn nhà nhỏ tường xây gạch mộc, mái tranh, một người bạn của tôi kể về...

    NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

    NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

    20/11/23 54 0

    Mỗi ngôi nhà được xây dựng đều là một câu chuyện của kiến trúc sư, nhà thiết kế...
Update data ...