PHONG THỦY

Tiện nghi hướng tới an lành

Đánh giá: (Tốt) (Báo cáo)

Một ngôi nhà tiện nghi thời nay cần đặt lên hàng đầu sự thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, an lành hơn cho người cư ngụ. Đó chính là ngôi nhà có sự kế thừa cách ứng xử khôn khéo, linh hoạt của truyền thống, kết hợp chất liệu và giải pháp hiện đại, sao cho hài hòa với các quy luật phong thủy, quy luật Âm Dương chuyển hóa của vạn vật.

Phong thủy nhà ở (1)

 

Từ thập niên 1960 đến đầu thế kỷ 21, kiến trúc thích ứng khí hậu nhiệt đới Việt luôn được tiếp nối đúng mức với ngôn ngữ hiện đại kế thừa yếu tố truyền thống.

Theo Dịch Lý Đông Phương, giao mùa Đông – Xuân (Thủy – Mộc), lúc thời tiết lạnh và ẩm, là các bệnh về phổi (thuộc Kim, tương khắc Mộc) lại xuất hiện, và sẽ giảm dần khi tiết trời nóng lên (Hạ thuộc Hỏa, khắc Kim). Đa số khuyến cáo y tế phòng dịch đường hô hấp đều khuyên hạn chế dùng điều hòa không khí nhiệt độ thấp, cố gắng giữ nhà cửa thật thông thoáng, đón được nắng gió đủ đầy, là cách ứng xử không gian hợp với quy luật biến chuyển thời tiết. Văn hóa truyền thống Việt gọi là ăn ở theo thời khí, tương tự thuyết Đông Y về Ngũ vận và Lục khí (*).

Kinh nghiệm phong thủy dân gian luôn nhấn mạnh việc cải thiện vi khí hậu trong và ngoài nhà nhờ tận dụng năng lượng tự nhiên và che chắn hợp lý. Đó cũng là ứng dụng phong thủy thời hiện đại, nhằm hạn chế tác động của ô nhiễm môi trường gây tác hại xấu lên con người thông qua cách thức chọn lựa chất liệu và xử lý không gian.

Tiện nghi từ cấu trúc hợp lý

Một ngôi nhà có thể “thở” tốt khởi nguồn từ các giải pháp phong thủy phù hợp với cuộc đất. Thoáng không phải là trống trước hụt sau, càng không chỉ là kiểu làm thoáng về tầm nhìn (view) theo kiểu tạo khung kính rộng lớn nhìn ra vườn nhưng đóng kín mít như… ngôi nhà trong bộ phim Parasite của Hàn Quốc đang nổi đình đám sau khi đoạt bốn giải Oscar! Cách làm thoáng nhà trong điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm mưa nhiều ở Việt Nam rất đặc thù, khác với châu Âu hay Đông Bắc Á, nên kiến trúc kiểu Pháp hay Hàn Quốc khi “nhập gia” vào đất Việt phải biết “tùy tục” tương ứng, thậm chí tại từng vùng phải có thiết kế chuyên biệt (như chống bão, chống nồm, chống rêu mốc…).

Phong thủy nhà ở (2)

Sử dụng lớp bao che bên ngoài với hệ lam hay bông gió, tạo nhiều khoảng đặc rỗng đan xen giúp ngôi nhà giảm nóng mà vẫn đón nhiều dương quang hữu ích

Cũng bởi khí hậu xứ Việt thuộc loại “thất thường có quy luật” nên cấu trúc nhà theo nguyên tắc mềm, mở và linh hoạt trở thành các giải pháp ưu việt trong kiến trúc hiện đại. Mềm, biểu hiện từ dùng chất liệu có nguồn gốc tự nhiên, có độ xốp rỗng, liên kết thành nhiều khe thoáng để hô hấp tốt. Mở, chủ yếu ở cách phân chia không gian sao cho được nhiều vùng đệm và tránh ngăn cách bít bùng toàn phần. Còn linh hoạt là ở khả năng thích ứng, thay đổi tùy biến thiên theo thời tiết, hay theo thời điểm trong ngày. Trong ngôi nhà dân gian, cách trổ cửa lấy gió và dẫn gió theo hướng đối diện để tạo luồng khí đối lưu rất khoa học, tránh được Trực Xung (gió lùa thẳng) và tạo vùng mát âm đồng đều.

Ví dụ một nhà hướng tây, dĩ nhiên thời xưa cha ông không mở cửa về tây mà chủ yếu đón hướng nam, nhưng thời hiện đại đâu dễ chọn đất cất nhà, nên phải tùy biến sao cho hợp lý. Tây là hướng chịu nắng gắt, nhưng thực ra chỉ gay gắt khoảng giờ quá trưa sang chiều, và còn tùy theo mùa.

Phong thủy nhà ở (3)

Do đó, chọn cấu trúc hợp phong thủy cho nhà này sẽ là chuỗi giải pháp đồng bộ, như mở giếng trời, cửa mái, lam che… về phía đón được gió mát chủ đạo (ở vùng Nam bộ là tây nam và đông nam), đồng thời giảm được nắng chiếu trực tiếp bằng hệ lam hoặc tường gạch bông gió, tạo thêm bề mặt hồ nước, cây xanh tại sân thượng, hoặc làm xanh hóa ban công hướng tây để giảm nhiệt.

Thay vì nhà phố cứ lấn phòng ra sát tường ngoài, nên tạo một lớp đệm cách nhiệt kiểu hàng hiên, dùng mái che trên cửa ở tầm thấp, mái hoặc lam có thể xoay nghiêng theo góc chiếu mặt trời sẽ giúp cân bằng lượng nhiệt trao đổi trong và ngoài nhà, giảm lượng bức xạ một cách tự nhiên, không dùng nhiều đến điều hòa cơ khí. Thậm chí việc đặt phòng tắm ở phía nắng gắt chiếu trực tiếp vào sẽ giúp khu vệ sinh luôn khô thoáng. Còn phạm vi ngoài nhà (sân, vỉa hè) nên trồng cây loại chịu nóng, khô, tán rộng như sa kê, bàng, hoặc cây trang leo…

Phong thủy nhà ở (4)

Như vậy, trước khi mua sắm thiết bị, vật dụng tiện nghi cho gia đình, hãy dành chút thời gian kiểm tra lại cấu trúc nhà, để có sự chuẩn bị hoặc điều chỉnh hợp lý. Một màn hình tivi hoành tráng sẽ thêm phần tiện nghi khi đặt trong căn phòng thoáng mát, có thông gió xuyên phòng và có hiên che chắn mưa tạt nắng gắt.

Phong thủy nhà ở (5)

Một quầy bar đẹp sẽ thực sự “đúng điệu” nếu bố trí kề bên hồ nước nhỏ, khoảng hiên cây xanh, hay ít nhất cũng phải là một khung cửa trông thấy cảnh vật bên ngoài, nắng gió vào ra có chọn lọc. Những tiện nghi cao cấp sẽ khó phát huy tác dụng khi không gian thiếu gắn kết để sao cho vật dụng tiện nghi được đúng nơi đúng chỗ trong một cấu trúc thuộc về “phần cứng” hợp lý và bền vững.

Phong thủy nhà ở (6)

Khai thác tốt hàng hiên, mái rộng, mặt nước trong resort hiện đại chính là giải pháp phong thủy cân bằng trong ngoài cho ngôi nhà

Tiện nghi hơn từ xử lý bề mặt

Các bề mặt hoàn thiện trong không gian sống luôn gợi lên sự liên tưởng đến Cát Hung trong Nội khí. Hiểu nôm na một mảng đá bóng sẽ đem đến liên tưởng mát mẻ, thậm chí khô lạnh, khác với mảng gạch gốm nâu cam trầm ấm, còn hiểu theo Ngũ hành thì đá đen gợi Thủy và Kim, trong khi gạch gốm đỏ tương ứng với Hỏa vượng. Nắm vững ý nghĩa phong thủy của chất liệu và màu sắc sẽ giúp xử lý nội thất hài hòa hơn.

Màu sắc càng nhạt, bề mặt bóng thì khả năng phản xạ ánh sáng càng mạnh, tạo cảm giác tăng Dương, sôi động hơn. Còn những chất liệu có bề mặt gai xốp, màu đậm, ít phản quang thì thiên về tính Âm, nhã nhặn và tĩnh tại hơn. Các nhãn hàng từ sơn đến gỗ, vật dụng… cũng hay nghiên cứu từ nguyên lý thụ cảm của con người mà hình thành các bộ sưu tập chất liệu, màu sắc phù hợp.Sự thay đổi chất liệu bề mặt tường, sàn, trần… tạo nên các liên tưởng, hiệu quả khác nhau về không gian cứng hay mềm, thô hay tinh, sang trọng hay dân dãVới bề mặt sàn nhà, nơi tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên nhất, gia tăng tiện nghi nằm ở cách chọn lựa và xử lý chất liệu tương ứng với sinh hoạt. Ví dụ như dùng thảm tại các vị trí thư giãn, tiếp khách, dùng sàn gỗ trong phòng ngủ, dùng gạch nhám nơi rửa xe… là cách cân bằng Âm Dương hữu hiệu.

​​Phong thủy nhà ở (7)

Những tấm thảm đặt đúng chỗ là điểm nhấn tăng sức hấp dẫn cho không gian, giảm ồn, sử dụng êm ái thoải mái. Loại thảm thuần chất liệu tự nhiên như sợi đay, bông, chiếu tatami kiểu Nhật… còn được dùng như một liệu pháp Thiền định, tĩnh tâm hơn cho nội thất. Ngược lại, các chất liệu cứng như đá, bê tông, thép sẽ phát huy tính Dương tại những không gian chuyển tiếp trong ngoài, nơi nhiều va đập, chịu mưa nắng như hàng hiên, bậc thềm, sân vườn…

​​Phong thủy nhà ở (8)

Tường nhà và những bề mặt ngang tầm sử dụng, đụng chạm mỗi ngày luôn là đối tượng cần xử lý kỹ lưỡng. Những căn hộ hay biệt thự tiện nghi cao cấp luôn dành phần đáng kể chi phí cho chất liệu hoàn thiện tường, kệ tủ và hệ cửa. Nguyên tắc xử lý nội thất bền vững hiện nay là giảm thiểu các tạo hình trang trí vô ích, tôn trọng cấu trúc nguyên gốc, tránh sa đà vào ốp lát rườm rà, dành nhiều khoảng trống cho khả năng xếp đặt linh hoạt hơn, thay vì “đóng khung” vài vị trí cố định… là các giải pháp thích hợp với thẩm mỹ hiện đại, và không gian cần kết nối đa năng, linh hoạt.

Cần quan niệm hệ cửa cũng là những mảng vách có khả năng dịch chuyển, và hệ tường thực chất là cấu kiện vừa bao che vừa có thể thay đổi linh hoạt cho không gian co giãn thoáng đãng, thì sẽ thấy bộ khung đơn giản của ngôi nhà truyền thống thật khoa học và hữu dụng, không cần đến những “đồ giả” cầu kỳ vẫn tạo nên không gian cư trú đồng bộ và hòa hợp tùy gia đình.

Phong thủy nhà ở (9)

Việc gia tăng yếu tố tự nhiên cho các bề mặt luôn giúp công trình “thở” tốt hơn. Nội thất hiện đại cũng ngày càng có nhiều biến thể, mô phỏng thiên nhiên như dùng hệ lam gỗ nhẹ giấu đèn hắt, dùng các loại gỗ nhân tạo có vân và màu sơn gần gũi thị hiếu người Á đông… chứ không chỉ thuần túy kiểu nhà toàn trắng hay dùng màu kiểu “công nghiệp” như Tây phương. Dù tiện nghi văn minh thời hiện đại đã mờ dần ranh giới Đông Tây, vẫn không thể phủ nhận các yếu tố văn hóa truyền thống đã ăn sâu một phần trong tâm thức người Việt thời nay.

Phong thủy nhà ở (10)

Việc gia tăng yếu tố tự nhiên cho các bề mặt luôn giúp công trình “thở” tốt hơn. Nội thất hiện đại cũng ngày càng có nhiều biến thể, mô phỏng thiên nhiên như dùng hệ lam gỗ nhẹ giấu đèn hắt, dùng các loại gỗ nhân tạo có vân và màu sơn gần gũi thị hiếu người Á đông… chứ không chỉ thuần túy kiểu nhà toàn trắng hay dùng màu kiểu “công nghiệp” như Tây phương. Dù tiện nghi văn minh thời hiện đại đã mờ dần ranh giới Đông Tây, vẫn không thể phủ nhận các yếu tố văn hóa truyền thống đã ăn sâu một phần trong tâm thức người Việt thời nay.

Phong thủy nhà ở (11)

Cha ông ta có câu “nhà sạch thì mát” rất nên học hỏi, ứng dụng, nhất là trong thời dịch bệnh giao mùa, biến đổi khí hậu. Khái niệm “sạch” không chỉ ở tẩy rửa vệ sinh, mà là giảm thiểu ngóc ngách vô ích, tránh tích tụ bụi bặm vi khuẩn, có chỗ cho Dương quang chiếu rọi, Dương khí luân chuyển, thì Âm khí lùi xa, bệnh tật thuyên giảm. Ăn ở sạch sẽ không chỉ theo mùa hay có đợt, mà chính là nếp sống lâu ngày thành quen, đem lại tiện ích, giúp tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí… Đồng thời đem đến hiệu quả “sạch mắt”. Khi nơi sống bình hòa, mát mẻ, không quá nóng quá lạnh, tiện ích thoải mái, ấy là tạo dựng được một chốn cư ngụ an hòa, tiện nghi.

Phong thủy nhà ở (12)

_______
(*) Thuyết Ngũ vận và Lục khí: từ cơ sở Âm Dương chuyển hóa trong vạn vật, tự nhiên thay đổi suy vượng theo quy luật ngũ hành thành tứ thời (tiết), lục phủ và ngũ tạng của con người cũng ứng theo mà suy hay vượng. Lục khí kết tinh từ Thiên, Ngũ vận hình thành từ Địa, các biến hóa tuân theo lẽ tự nhiên, theo thời khí để giữ hòa khí, ứng đối với bệnh tật, còn gọi là thuyết Thời bệnh Học (Chronopathologie), đề cập quan hệ giữa tạng phủ và thiên địa, sự biến chuyển của các dạng bình khí, thái quá và bất cập của sức khỏe.

Ví dụ: “Phế là căn bản của khí, thuộc Thái-âm trong Dương,… chịu tác động với thời khí bốn mùa…” và chỉ rõ đặc tính các bệnh về phồi rằng: Phế bệnh, biến động là ho, ở khiếu là tỵ (mũi), ở chí là ưu (lo lắng), ưu phiền ắt làm tổn thương Phế.

Theo ThS.KTS.Hà Anh Tuấn – Ảnh: Xuân Trang

Bài viết liên quan

    Đưa Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ vào nhà

    Đưa Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ vào nhà

    11/07/23 155 0

    Khi nói đến phong thủy trong trang trí nội thất, điều quan trọng là phải lưu ý đến ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Một trong những quy tắc...

    7 kiến thức phong thủy tốt trong nhà

    7 kiến thức phong thủy tốt trong nhà

    28/11/22 176 0

    Dù bán, phong thủy căn hộ tốt cũng sẽ giúp bạn thực hiện giao dịch dễ hơn. Phong thủy là sự sắp xếp và định hướng không gian ngôi nhà...

    Phong thủy phòng ngủ cho vợ chồng mới

    Phong thủy phòng ngủ cho vợ chồng mới

    15/08/22 192 0

    Thiết kế phòng ngủ cho vợ chồng mới cưới được coi trọng từ xưa bởi mọi người tin rằng ảnh hưởng đến vận khí gia đình mới, cả về con...

CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ

Update data ...