Diễn đàn
Diễn đàn
Trò chuyện với KTS Nguyễn Văn Tất: Một nửa thành công đến từ sự tận tâm với nghề. Nửa còn lại là biết từ chối
Kiến trúc sư không thể đổ lỗi cho chủ đầu tư. Nếu anh ta đã không dám từ chối lại còn không biết cách lắng nghe thì chính xác đó là lỗi của kiến trúc sư.

Học kiến trúc
Vũ Hiệp: Sinh ra và lớn lên ở miền Nam trong những năm tháng chiến tranh, anh đã đến với nghề kiến trúc sư như thế nào?
KTS Nguyễn Văn Tất: Xã Tân Ba (Bình Dương) quê tôi là một vùng “xôi đỗ”, tức là nơi tranh giành ảnh hưởng giữa Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam với Việt Nam Cộng hòa. Anh trai tôi tham gia quân Giải phóng. Phần vì yêu thích kiến trúc, phần vì đó là một nghề có thu nhập khá và được trân trọng trong xã hội, nên năm 1973 tôi đã dự thi và trúng tuyển Trường Đại học Kiến trúc Sài Gòn, vừa học kiến trúc, vừa tham gia phong trào sinh viên mà từ năm cuối trung học tôi đã bắt đầu.
Năm 1976, Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh được thành lập trên nền tảng Trường Đại học Kiến trúc Sài Gòn, và tôi tiếp tục học tập trong “ngôi trường mới” rồi tốt nghiệp kiến trúc sư năm 1980. Sau đó, tôi làm giảng viên ở trường 9 năm.
Vũ Hiệp: Nếu truy ngược phả hệ theo thời gian, và gác lại các yếu tố chính trị thì “tiền thân” xa hơn của Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh là Ban Kiến trúc- Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đúng không anh?
KTS Nguyễn Văn Tất: Đúng vậy! Nếu coi truyền thống đào tạo của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội có từ năm 1925 thì đối với Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh là năm 1926, khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương bắt đầu đào tạo ngành Kiến trúc. Thời kỳ 9 năm kháng chiến, người Pháp đã chuyển cơ sở đào tạo lên Đà Lạt.
Vũ Hiệp: Sau khi Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh được thành lập, chắc hẳn phong cách, phương pháp, chương trình đào tạo có sự thay đổi so với giai đoạn trước? Được học cả hai “trường” trong một tấm bằng, cảm nghĩ của anh là gì?
KTS Nguyễn Văn Tất: Trước hết, phải khẳng định rằng, niềm vui thống nhất đất nước không gì có thể đong đếm được. Tuy nhiên, có hai điều khiến tôi hụt hẫng sau khi chuyển giao nhà trường: thứ nhất, cách học theo nhóm “Ne – Pa-trông” (nègre – patron (tớ – chủ, theo tiếng Pháp)) bị xóa bỏ; thứ hai, những thầy giỏi trong trường không được tiếp tục duy trì văn phòng thiết kế kiến trúc riêng.
Ne – Pa-trông là một mô hình giáo dục rất phù hợp với nghề kiến trúc. Nó tăng cường khả năng làm việc nhóm của sinh viên và giúp gắn kết, chia sẻ giữa sinh viên các khóa khác nhau. Pa-trông là sinh viên khóa trên, “ông chủ” dẫn dắt khóa dưới. Ne là sinh viên khóa dưới, “đầy tớ” hỗ trợ “ông chủ” trong thể hiện đồ án. Và khi ne làm bài đồ án, thì sẽ giữ vai trò pa-trông. Tuy ne chịu thân phận sai vặt nhưng sẽ được chia “tài sản” khi pa-trông tốt nghiệp, sau đó đến lượt mình trở thành pa-trông và tìm ne mới.
Vũ Hiệp: Mô hình Ne – Pa-trông giống như quan điểm “Học thầy không thầy học bạn”. Rất vui là sau này Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh đã quay lại với mô hình này trong mức độ nhất định. Anh nói rằng đã chọn thi vào trường Đại học Kiến trúc Sài Gòn vì công việc kiến trúc có thu nhập khá thời đó. Anh có thể đưa ra một vài dẫn chứng không?
KTS Nguyễn Văn Tất: Học kiến trúc thời đó rất tốn kém đối với con nhà nghèo như tôi. Chỉ cần 4,5 ngàn đồng là một sinh viên có thể thuê nhà và sống ở Sài Gòn trong 1 tháng, nhưng một chiếc bút kim có giá 5 ngàn, một cuốn sách Dữ liệu kiến trúc sư thì 11,5 ngàn, chi phí cho một đồ án tốt nghiệp khoảng 700-800 ngàn.
Khi học năm thứ nhất, tôi không có tiền mua họa cụ, nhưng nhờ làm ne mà được pa-trông cho mượn bút vẽ. Khi pa-trông làm thêm các việc như dựng mô hình, trang trí triển lãm, diễn họa công trình cho các thầy trong trường hoặc văn phòng bên ngoài thì ne đi theo hỗ trợ và được trả công. Một đầu việc như thế, ne có thể nhận được vài ngàn, cá biệt đến hàng chục ngàn vào các mùa triển lãm. Vào học năm thứ hai, nhờ làm thêm mà tôi không phụ thuộc nhiều vào tiền của bố mẹ nữa, vui và phơi phới tự hào con đường kiến trúc.
Vũ Hiệp: Như vậy phương thức đào tạo của Đại học Kiến trúc Sài Gòn khi ấy có tính nhập cuộc thực tiễn hành nghề rất tốt. Còn gì hay nữa không anh?
KTS Nguyễn Văn Tất: Một ưu điểm trong đào tạo thời đó là nhà trường cử những giảng viên dày dạn kinh nghiệm để dạy nhập môn cho sinh viên năm nhất. Vì chỉ những người thầy nhiều kinh nghiệm, có độ sâu văn hóa mới có thể đặt ra những vấn đề cốt lõi để định hướng cho cả cuộc đời làm kiến trúc trong tương lai. Các thầy thời đó cũng khích lệ sự sáng tạo của sinh viên, bằng cách hàng tháng đều có bài đồ án (khoảng 9 đồ án trong 1 năm) nhưng yêu cầu bình quân chỉ cần đạt 5/9 đồ án. Còn nếu bài xuất sắc có thể tích nhân đôi. Điều này vừa thoải mái cho sinh viên, vừa khuyến khích những trường hợp xuất sắc. Có người mới cuối năm 5 (hệ 7 năm) đã xong tất cả các bài đồ án phải đạt, và được đăng ký làm tốt nghiệp sớm nếu xong cả tín chỉ lý thuyết. Đáng tiếc khi cách học này không được ủng hộ và duy trì sau 1975.
Vũ Hiệp: Sau khi tốt nghiệp, tại sao anh quyết định ở lại trường làm giảng viên?
KTS Nguyễn Văn Tất: Vì khi ấy ra trường không còn văn phòng kiến trúc sư nữa. Ngoài ra, việc ở lại trường giúp tôi có điều kiện học hỏi nhiều hơn từ các bậc thầy thời đó như KTS Nguyễn Quang Nhạc hay KTS Huỳnh Kim Mãng, người phải đóng cửa văn phòng thiết kế của mình năm 1975 nhưng vẫn giảng dạy ở trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, nơi thầy Nhạc đã từng là hiệu trưởng trước 1975.

Hành nghề kiến trúc
Vũ Hiệp: Và đến khi Đổi mới, các văn phòng kiến trúc tư nhân được phép hoạt động, anh đã thôi không làm giảng viên nữa?
KTS Nguyễn Văn Tất: Năm 1989, tôi rời trường để làm cho Saigon Tourism vài năm, ở phòng Đầu tư, để quản lý dự án các công trình đầu tư nước ngoài đầu tiên thời Đổi mới. Xem các bản thiết kế của nước ngoài mà mình chết mê chết mệt. Học được cách quản lý và thiết kế chuyên nghiệp từ các doanh nghiệp nước ngoài, tôi cùng với một số người bạn thành lập công ty AA, liên doanh thiết kế với nước ngoài, chủ yếu làm nội thất (trong đó có công trình Hanoi Tower). Năm 1995, tôi thành lập công ty TAD làm tư vấn thiết kế đến nay.
Vũ Hiệp: Văn phòng TAD đã thiết kế nhiều công trình được giới chuyên môn đánh giá cao, có năm trao giải thưởng Kiến trúc Quốc gia mà TAD giành 3 giải. Lý do thành công của anh là gì?
KTS Nguyễn Văn Tất: Một nửa thành công của TAD đến từ sự từ chối. Kiến trúc sư và chủ đầu tư phải có sự chia sẻ và đồng điệu về nhiều mặt, kể cả lòng tin và tôn trọng lẫn nhau, nếu không rất dễ xảy ra xung đột, dẫn đến kết quả của dự án chẳng đi đến đâu cả, cả về thẩm mỹ lẫn kinh tế. Nhiều lần tôi phải “né” khi gặp chủ đầu tư không phù hợp. Tác phẩm kiến trúc là tinh hoa của sản phẩm xây dựng được nhào nặn với văn hóa ứng xử ở tầm nghệ thuật. Văn hóa ứng xử của kiến trúc sư và chủ đầu tư sẽ quyết định sự thành công của công trình.
Vũ Hiệp: Vậy một nửa còn lại để thành công là gì vậy anh?
KTS Nguyễn Văn Tất: Là sự tận tâm với nghề, với công trình, với chủ đầu tư. Khi may mắn tìm được chủ đầu tư phù hợp rồi thì kiến trúc sư không nên dùng tiền chủ đầu tư để xây tượng đài cho mình, như một kiến trúc sư đồng nghiệp đã nói. Công trình kiến trúc không được “vẽ ra” mà “mọc lên” bởi thái độ và tài năng của người kiến trúc sư. Nếu có văn hóa ứng xử tốt, kiến trúc sư có thể nhận được những gợi ý rất hay từ chủ đầu tư, nhất là hệ sinh thái mà công trình được hình thành.
Kiến trúc sư không thể đổ lỗi cho chủ đầu tư. Nếu anh ta đã không dám từ chối lại còn không biết cách lắng nghe thì chính xác đó là lỗi của kiến trúc sư.
Ngoài ra, kiến trúc sư phải chú ý tới từng chi tiết nhỏ nhất của công trình. Mình chăm sóc sợi tóc hay móng tay trên cơ thể như thế nào thì cũng phải chăm sóc từng viên gạch, hoa sắt của công trình như thế. Có nhân viên bảo tôi: “Anh là giám đốc có quá nhiều việc phải làm, cớ sao lại mất thời gian và sức lực cho những thứ lặt vặt?” Nhưng họ không hiểu rằng đó chính là văn hóa ứng xử. Chỉ có sự tận tâm và tình yêu mới tạo ra nghệ thuật kiến trúc.

Cảm luận về kiến trúc
Vũ Hiệp: Không chỉ hành nghề thiết kế kiến trúc, anh còn hoạt động cả trong mảng truyền thông, viết lách. Anh có thể nói về sự ra đời Tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp, tạp chí mà anh đã dành rất nhiều tâm huyết cho nó?
KTS Nguyễn Văn Tất: Đầu những năm 1990 xuất hiện trào lưu các tạp chí xuất bản phụ trương. Năm 1994, Tạp chí Kiến trúc của Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng cho xuất bản phụ trương, phát hành 3 tháng/ kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh do tôi và các anh Võ Thành Lân, Nguyễn Quốc Khanh phụ trách. Năm 1997, Tạp chí Kiến trúc liên kết với công ty Hải Đăng để xuất bản phụ trương với tên gọi Nhà đẹp, nhưng vì một số lý do mà việc hợp tác dừng lại sau một thời gian. Kể từ năm 1999, phụ trương Nhà đẹp đổi tên thành Tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp với vai trò như một số báo thứ hai hàng tháng của Tạp chí Kiến trúc. Từ đó đến nay, tôi làm phó tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc, trực tiếp phụ trách Tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp. Tạp chí hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hội Kiến trúc sư Việt Nam về chủ trương, đường lối, nhưng độc lập về tài chính, không sử dụng ngân sách nhà nước.
Tôi nghĩ, Hội KTSVN cần có một lời cảm ơn trân trọng đối với nhóm các nhà báo chuyên nghiệp, tâm huyết với nghề báo đã gánh vác mô hình xuất bản liên kết với Hội KTSVN để phát huy ảnh hưởng tốt đẹp của Tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp từ 1999 đến nay.
Vũ Hiệp: Tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp có nội dung rất thiết thực, phù hợp với độc giả đại chúng và các kiến trúc sư hành nghề. Lý do để anh lựa chọn chiến lược đó là gì?
KTS Nguyễn Văn Tất: Mục đích của Tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp là phản ánh thực tiễn thiết kế, xây dựng nhà ở của quần chúng nhân dân; cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức, hướng dẫn người dân cách cảm thụ và thực hành thiết kế kiến trúc nhà ở theo những xu hướng tiến bộ, nhân văn, hiện đại nhưng gần gũi với văn hóa, thẩm mỹ của người Việt Nam. Những tạp chí thiên về nghiên cứu kiến trúc thì đã có nhiều, và chủ yếu dành cho giới kiến trúc sư, nhất là những người nghiên cứu. Xã hội cần một tạp chí có thể hướng dẫn họ một cách cụ thể trong cảm nhận, hiểu biết, ra quyết định khi thiết kế, xây dựng ngôi nhà của chính mình. Nó như một cầu nối thân thiện, bình đẳng giữa chủ nhà với kiến trúc sư.
Vũ Hiệp: Mỗi người có một “gu” thẩm mỹ khác nhau. Một tạp chí có thể giới thiệu nhiều phong cách, nhưng một văn phòng thiết kế thì không dễ “biến hình” như vậy khi gặp các chủ đầu tư khác nhau. Anh nghĩ sao?
KTS Nguyễn Văn Tất: Với tôi, kiến trúc cũng giống như âm nhạc, có nhiều dòng khác nhau để phù hợp với từng tạng người, từng khung cảnh. Có người thích nhạc bolero, và có người lại nghe cổ điển. Cũng như vậy, có người thích ngắm kiến trúc hiện đại, có người thích ở trong ngôi nhà truyền thống. Một kiến trúc sư hay một văn phòng cũng có cái “tạng” của mình. Tôi xin nhắc lại rằng kiến trúc được nhào nặn bởi quan niệm qua văn hóa ứng xử ở tầm nghệ thuật. Kiến trúc sư mà gặp được chủ đầu tư “đồng khí tương cầu” thì quá tốt, nhưng nếu không được như vậy thì cả hai bên đều phải lựa cách ứng xử, trong trường hợp cuối cùng không thấy điểm chung nào thì giải pháp rất đơn giản: không nên đi tiếp cùng nhau.
Làm nghề để nuôi thân không khó. Làm nghề để nuôi nghề mới là điểm đến gian nan.
Vũ Hiệp: Vâng, một nửa thành công của kiến trúc sư đến từ sự từ chối. Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!

KTS Nguyễn Văn Tất:
- Sinh năm 1955 tại Biên Hòa, Đồng Nai. Quê quán: Bình Dương.
- Tốt nghiệp Kiến trúc sư tại Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh năm 1980.
- Sáng lập Công ty TNHH Tư vấn & Thiết kế TAD năm 1995.
- Nguyên Phó chủ tịch Hội KTSVN, ủy viên ban thường vụ Hội KTSVN các khóa từ 1994 đến nay.
- Ủy viên Hội đồng hành nghề kiến trúc – Ủy ban Hành nghề Hiệp Hội Kiến Trúc Châu Á.
- Phó tổng biên tập Tạp chí Kiến Trúc, trực tiếp phụ trách Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp từ năm 1999 đến nay.
- Các công trình tiêu biểu: Pansea Phan Thiết Resort, Khu du lịch Sài Gòn Mũi Né, Trung tâm kỹ thuật Phát thanh truyền hình Đồng Nai, Trung tâm hội nghị tỉnh Bình Định (liên danh với Studio Milou)…
- Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001, Giải thưởng Cuộc thi quốc tế Archi’s 79 – Habitation Rural do UIA và ACCT tổ chức, Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia nhiều năm, trong đó có giải Vàng các năm 2000, 2021.
Bài viết: Vũ Hiệp
Bình luận chủ đề
Bài viết liên quan
Những thiết bị công nghệ hiện đại cho ngôi nhà thông minh
Mái bậc thang xanh: Vườn treo sống động
Kính siêu trắng – Nâng tầm không gian trưng bày, thổi hồn thiết kế nghệ thuật
Màu vàng ấm áp trong không gian sống hiện đại
Tủ Jintana – Trí tưởng tượng hóa thân vào gỗ thích và tre
8 mẫu bàn gỗ thông cho phòng khách - Vẻ đẹp tinh tế từ vật liệu mộc mạc
CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ
SỞ HỮU PHÒNG TẮM ĐẬM CHẤT RIÊNG VỚI HANSGROHE FINISHPLUS
Nơi làm việc hay ngôi nhà thứ hai?
Chàng trai Sài Gòn được trao giải tại Giải thưởng kiến trúc quốc tế Architecture MasterPrize – AMP 2023
The CORE: Sự kết hợp giữa giá trị truyền thống và công năng hiện đại | AD+ Studio
Ứng dụng vật liệu sinh học trong thiết kế nội thất
Camila Material Solutions – Giải pháp vật liệu từ kinh nghiệm chuyên môn
Bản hoan ca của đời sống
Văn phòng FPT telecom
Nhà mới với vật liệu cũ
Triển vọng vật liệu xây dựng nguồn gốc sinh học tại Việt Nam
KTS. Võ Trọng Nghĩa gây tiếng vang tại giải thưởng quốc tế TADA với công trình “Nhà Tân Bình”
NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ
Những lỗ gạch dịu dàng đón nắng hắt
Copyright © 2020 - Bản quyền thuộc về Jade Swan
Người online: 41 | Tổng lượt truy cập: 10,182,285
