Diễn đàn

Ứng dụng chất liệu truyền thống của hội họa trong nội thất nhà ở Việt Nam đương đại

Đánh giá: (Tốt) (Báo cáo) - Người đăng: Admin_03 (Đạt)

Từ thuở sơ khai, con người đã vẽ lên thành các hang động trú ngụ. Hoạt động này cho thấy hội họa đã xuất hiện cùng với thủy tổ loài người, ta thấy rằng mối tương quan giữa hội họa với không gian ở của con người và giữa chúng mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau, nó phụ thuộc nhiều vào việc sử dụng chất liệu trong trang trí nội thất. Ứng dụng và tận dụng tối đa sự kết hợp của các chất liệu truyền thống hội họa Việt Nam với thiết kế nội thất nhà ở sẽ góp phần quan trọng trong việc tạo dựng một không gian giàu bản sắc trong nội thất nhà ở Việt Nam đương đại.

Nhìn vào hội họa Việt Nam trong truyền thống, ta không thể không kể đến hai chất liệu làm nên “hồn Việt” đó là chất liệu Sơn dầu và chất liệu lụa. Nhìn ở góc độ ứng dụng các chất liệu như: Sơn dầu, lụa… trong thiết kế nội thất nhà ở, ta có thể thấy được những giá trị nhất định mà các chất liệu này mang lại, đó là mang đến cho sản phẩm thiết kế một nét đậm chất Á Đông, không những thế nó còn chứa đựng được hơi thở của hiện đại. Tuy nhiên hiện tại, trong nội thất các loại hình nhà ở tại Việt Nam, những chất liệu này chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả. Bài viết này với góc độ của một người làm nghề nội thất, tác giả mong muốn bạn đọc có cái nhìn tổng quan về một số chất liệu truyền thống trong hội họa Việt Nam, từ đó cái nhìn khái quát để có thể ứng dụng các chất liệu vào không gian sống.

Tác phẩm sơn mài bình phong “Dọc mùng” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1906-1993)

Một số chất liệu truyền thống của hội họa Việt Nam và ứng dụng của nó trong nội thất nhà ở đương đại

Chất liệu sơn mài (sơn ta)

Nghệ thuật sơn mài đã xuất hiện tại Việt Nam từ thế kỷ 3 đến thế kỷ 4 (trước Công nguyên) nhưng chỉ thực sự được phổ biến vào Việt Nam một cách bài bản và chuyên nghiệp qua khóa học nghệ thuật sơn mài do Joseph Inguimberty, một giảng viên tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương giảng dạy vào năm 1937. Mặc dù chương trình đào tạo tương tự ở châu Âu nhưng các nghệ sĩ Việt Nam đã thành công trong việc đưa hơi thở Việt vào các tác phẩm nghệ thuật.

Sơn mài là một trong các chất liệu hội họa truyền thống và là niềm tự hào của mỹ thuật Việt Nam, là sự tìm tòi và phát triển kỹ thuật của nghề sơn (nghề sơn ta) thủ công truyền thống của Việt Nam, điều làm nên sự khác biệt giữa tranh sơn mài ở Việt Nam và các quốc gia khác chính là kỹ thuật mài tranh. Với chất liệu truyền thống của son, quỳ bạc, quỳ vàng,… những chất liệu sơn mài xưa như tiếng vọng của thời gian, giúp lưu giữ vẻ đẹp xưa cũ, khi cuộc sống hiện đại đã làm nhòa dần đi vẻ đẹp bình dị, mộc mạc mà vô cùng quý giá ấy. Trong sách “Các họa sĩ mỹ thuật Đông Dương”, họa sĩ Quang Phòng đã viết:

“…Sự kiện đặc biệt quan trọng ở thời kỳ đầu xây dựng nền hội họa hiện đại Việt Nam là sự xuất hiện tranh sơn mài, từ kỹ thuật sơn ta cổ truyền đến kỹ thuật sơn mà hiện đại là cả một bước ngoặt lớn đánh dấu kỷ nguyên về một chất liệu mới mang tính đặc thù dân tộc…”

Điều dễ nhận thấy của chất liệu sơn mài khi được ứng dụng sử dụng trong không gian nội thất đó là mang lại cảm giác mới lạ, có sự hoài cổ, chiều sâu, thanh lịch, ẩn chứa nét phương Đông huyền bí. Sự kết hợp giữa nghệ thuật sơn mài truyền thống trong việc thiết nội thất nhà ở cũng rất đa dạng, tùy vào ý đồ thiết kế-chất liệu sơn mài có thể được sử dụng vào bất kì không gian nào của ngôi nhà: Phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, phòng thờ, hay khu vệ sinh…; yếu tố tạo hình, trang trí, có thể là chỉ một tác phẩm tranh, rộng hơn là diện – mảng lớn trong không gian nội thất, hay sự kết hợp có ý đồ giữa các chất liệu với sơn mài trong thiết kế các vật dụng, đồ đạc nội thất… Sự xuất hiện của nội thất sơn mài góp phần tô điểm thêm cho không gian. Giữa những đồ nội thất làm từ vật liệu: Gỗ, kim loại, inox hoặc nhựa dẻo; chất liệu sơn mài giống như điểm nhấn, khiến không gian trở nên giàu sinh khí, giảm bớt sự đơn điệu.

Nói đến sự tinh xảo thì hiếm có chất liệu nào sánh bằng sơn mài, quy trình để làm nên tác phẩm sơn mài đòi hỏi sự kì công, trau truốt; các chất liệu truyền thống của Việt Nam bao gồm sơn then, sơn cánh gián (gốc từ cây sơn ta) làm chất kết dính, cộng với các màu son, vàng, bạc sau này khi phát triển còn có thêm các bột màu và vỏ trứng, vỏ chai; các chất màu được vẽ lên mặt nền là tấm vóc màu đen,… Trong quá trình làm tranh người ta dùng kỹ thuật mài ít hay nhiều lần tới khi đạt hiệu quả mà họa sĩ mong muốn, kỹ thuật mài cũng chính là vẽ- để làm mặt tranh đều phẳng mịn và êm hơn vì tranh được vẽ nhiều lớp chồng lên nhau, sau cùng là kỹ thuật toát và đánh bóng. Có những kinh nghiệm trong việc xử lý màu sắc, kỹ thuật, ngôn ngữ tạo hình và trang trí từ dân gian đến hiện đại mà nhiều thế hệ người làm nghề sơn tại các làng nghề truyền thống và các họa sĩ thiết kế mỹ thuật công nghiệp đều nắm chắc, coi là những nguyên lý cơ bản để họ sáng tạo và xoay vần với chất liệu sơn mài, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của cuộc sống hôm nay. Đặc biệt khi kết hợp sơn mài với đồ gỗ, kỹ năng làm mộc cũng cần phải tỉ mỉ để có thể tạo ra những kết cấu chắc chắn, đường cong nhấp nhô, những khớp nối chính xác, hay những vân gỗ đồng điệu với màu của sơn mài tạo nên sự lặp lại có ý đồ.

Chất liệu lụa

Bức tranh cổ nhất của nước ta được cho là chân dung Nguyễn Trãi thế kỷ 15. Đến khi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra đời năm 1925, các ông thầy người Pháp đã khuyến khích họa sĩ Việt Nam sử dụng hai chất liệu truyền thống là sơn mài và lụa để vẽ tranh. Từ xưa lụa là một mặt hàng cao cấp, bởi nó bền mịn và mượt mà có vẻ đẹp óng ánh. Màu dùng để vẽ trên lụa thường là màu nước, phẩm hoặc mực tàu. Trong dân gian, màu vẽ được chế từ các sản phẩm thiên nhiên có sẵn: Màu đen từ than xoan, lá tre, màu xanh từ lá chàm, màu vàng từ hoa hòe, màu trắng từ điệp tán nhuyễn… Khi cầm lụa trên tay, có thể cảm nhận được vẻ mịn màng, lụa không giống như các loại vải dệt từ các loại sợi nhân tạo. Người ta dệt lụa cũng tùy làng nghề truyền thống, có loại dệt sợi dày, có loại dệt thưa và màu sắc cũng khác nhau, có loại trắng ngà, có loại hơi vàng…

Thợ Nhuộm – Hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh

Cùng với sơn mài, chất liệu lụa hòa quyện giữa văn hóa nghệ thuật truyền thống của phương Đông với thẩm mỹ tạo hình hiện đại của phương Tây tạo nên sự hòa quyện giữa nghệ thuật hiện đại và truyền thống. Nó tự thân có lẽ đã trở thành một chất liệu nghệ thuật gắn kết được tinh thần mỹ thuật truyền thống của dân tộc. Mới đây, tại triển lãm “Sợi kết nối ”, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn chia sẻ: “Các tác phẩm tại triển lãm không chỉ giới hạn trong những khung tranh, mà toả ra với các sắp đặt kết hợp với sơn mài, và các chất liệu ứng dụng đa dạng, ứng tác với không gian. Các hình tượng và chủ đề được nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau, từ lịch sử nghệ thuật cho đến góc độ biểu tượng văn hóa, ký hiệu học văn hóa, tâm lý học, nhưng đồng thời cũng thể hiện được “cái đặc biệt” trong từng cá tính sáng tạo”.

Như vậy, có thể thấy rõ tính ứng dụng của chất liệu lụa trong việc thiết kế nội thất nhà ở, với đặc điểm bề mặt chất liệu mềm, mang âm hưởng của nghệ thuật truyền thống, lụa không còn chỉ là những sản phẩm giới hạn trong khung tranh mà hơn thế chất liệu này hoàn toàn phù hợp để ứng dụng kết hợp để trang trí trong các không gian nội thất trong nhà ở. Với chất liệu lụa có thể kết hợp hiệu quả với môi trường ánh sáng, chất liệu, màu sắc… khi đưa vào không gian mang giá trị thẩm mỹ, trạng thái thoải mái và cân bằng tâm sinh lý cho người sử dụng không gian.

Đồ đạc nội thất kết hợp chất liệu lụa- tranh lụa (nguồn: Triển lãm “Sợi kết nối”)

Ứng dụng các chất liệu truyền thống của hội họa Việt Nam trong thiết kế không gian nội thất nhà ở đương đại

Cá tính của chủ nhân được thể hiện qua “phong cách” sinh hoạt của gia chủ, được người thiết kế cảm nhận và thấu hiểu, chính nó góp phần tạo nên những dấu ấn trong không gian một cách tự nhiên nhất. Quay trở lại với các chất liệu trong hội họa với sức biểu đạt đa dạng, chúng ta có thể dễ dàng ứng dụng chúng vào trong không gian sống. Ví dụ, không gian phòng khách là bộ mặt của mỗi ngôi nhà nên việc trang trí cho không gian phòng khách thể hiện ngôn ngữ chung của không gian nhà ở – Vì vậy, việc lựa chọn vật liệu, chất liệu trang trí cũng hết sức quan trọng. Về mục đích sử dụng, phòng khách vừa là nơi tiếp khách vừa là không gian sinh hoạt chung của cả gia đình nên khi phương án sử dụng treo một bức tranh hoặc một diện tường được trang trí bằng chất liệu sơn mài truyền thống, với bề mặt sơn mài tạo nên một mặt phẳng nhẵn, bóng bẩy, lung linh các tầng lớp chất liệu, đẹp huyền ảo, trong veo, nó sẽ trở thành điểm nhấn rất hiệu quả cho toàn bộ ngôi nhà. Không chỉ ưu thế về chất cảm bề mặt, sơn mài còn có độ bền cao với thời gian, điều này đã minh chứng từ xa xưa qua những đồ vật thờ cúng, hoành phi câu đối, hay bình phong mà cha ông ta đã để lại. Đối với căn bếp, phòng ăn chúng ta cũng có thể dễ dàng có những ý tưởng cho một không gian độc đáo khi sử dụng các chất liệu truyền thống này bằng các tạo hình hay điểm xuyến những gam màu sắc phù hợp để giúp kích thích vị giác cho người sử dụng. Để ứng dụng các chất liệu truyền thống của hội họa Việt Nam vào nội thất nhà ở đương đại, tác giả định hướng một số phương thức như sau:

Sơn mài ứng dụng cho bàn trà phòng khách (Nguồn: hanoia)

1. Trang trí tranh, đồ Decor theo dạng đồ rời (tranh, bình, tượng, phù điêu,…) – ta có thể nhận thấy rất rõ từ bề mặt của chất liệu sơn mài hay lụa bởi từ chất cảm bề mặt vật liệu của nó giàu tính nghệ thuật, mỗi tác phẩm đều mang một nét cá tính rất riêng và để lại ấn tượng cho người xem ngay từ lần đầu nhìn. Với tranh trang trí hay đồ decor khi sử dụng các chất liệu này, tác giả có thể dễ dàng sáng tác tùy biến cả về màu sắc hay tạo hình của sản phẩm để phù hợp cho từng mảng tường trang trí hay tùy theo không gian chức năng trong nhà ở như bếp, phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn, nhà tắm…

2. Sử dụng thiết kế đồng bộ chất liệu theo diện – mảng: Có thể ứng dụng vào các mảng, diện trong không gian như: tường, vách, cửa… .Sử dụng đồng bộ là ứng dụng một loại chất liệu duy nhất trong một thiết kế mà vẫn phát huy hết thẩm mỹ và công năng.

Đánh giá: Tính nhận diện của chất liệu cao, có thể phù hợp với tạo hình, tạo dáng hiện đại theo phong cách mềm mại hay khỏe khoắn, họa tiết trang trí cụ thể hoặc trừu tượng hay mảng miếng. Hiệu quả cao trong trang trí, thể hiện được trọn vẹn chất cảm của chất liệu. Tuy nhiên, cần phải chú trọng trong việc sử dụng chất liệu, cần tiết chế tránh gây tác dụng ngược đối với người quan sát. Việc thiết kế đồng bộ chất liệu cho ta một tác phẩm trọn vẹn ưu thế của chất liệu, đồng nghĩa với việc giá thành thành phẩm thiết kế cũng sẽ gia tăng.

Bình phong kết hợp giữa chất liệu Lụa và Sơn mài (Nguồn: triển lãm “ Sợi kết nối”)

3. Sử dụng kết hợp nhiều chất liệu theo diện- mảng: Có thể ứng dụng vào các mảng, diện trong không gian như: Tường, vách, cửa… kết hợp với nhiều loại chất liệu khác nhau, tùy vào phong cách, mục đích thiết kế sẽ cho ra những hiệu quả chất cảm và công năng khác nhau.

Đánh giá: Việc kết hợp sử dụng chất liệu mới với việc ứng dụng nâng cao giá trị của sản phẩm thiết kế, rộng hơn nữa là không gian nội thất nhà ở, giúp tạo hiệu ứng nhận diện cao cho chủ thể cũng như giảm được các chi phí trong quá trình sản xuất. Kết hợp được giá trị từ chất liệu truyền thống và sáng tạo nên các tính biểu hiện mới trong không gian nội thất nhà ở đương đại. Tính sáng tạo được đề cao tuy nhiên cũng cần tránh làm mất đi cái hồn của các chất liệu truyền thống, tính bản sắc dân tộc trong thiết kế. Trong quá trình lựa chọn kết hợp các vật liệu, cũng cần lưu ý lựa chọn chất liệu, vật liệu liên kết sao cho phù hợp với các không gian chức năng nhà ở.

Tap ứng dụng Sơn mài

Ứng dụng chất liệu truyền thống của hội hoạ trong thiết kế đồ đạc

Ứng dụng trang trí các bề mặt đồ đạc nội ngoại thất như bàn, ghế, tủ, kệ… thì đặc tính trang trí lại được nhấn mạnh nhiều hơn bởi đường nét, mảng miếng, họa tiết cách điệu. Các chất liệu truyền thống của hội họa- ngay với cách gọi của nó đã cho ta thấy được phần nào nét độc đáo riêng biệt được biết đến là những chất liệu đặc trưng dân tộc, với tạo hình và màu sắc có thể dễ dàng tạo ra các hoa văn họa tiết phong phú hay tạo hình đa dạng theo chủ đề theo ý đồ của người sáng tạo. Tùy vào mục đích sử dụng, ta có thể quyết định thiết kế của từng đồ đạc, chất liệu có thể được nhấn vào một bộ phận của đồ đạc hoặc một chi tiết nhỏ trên bề mặt để tạo điểm nhấn thẩm mỹ. Cũng tương tự, hoàn toàn có thể thiết kế đồng bộ chất liệu hay là kết hợp nhiều các loại chất liệu vật liệu khác nhau, cả vật liệu tự nhiên và vật liệu nhân tạo.

Với sự phát triển của xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của con người ngày càng được nâng cao, việc cập nhật những xu hướng mới trên thế giới mà vẫn giữ được nét truyền thống, bản sắc thể hiện sự nhạy bén, học hỏi và ý thức cao hơn, đặc biệt trong việc sử dụng sản phẩm nội thất như thế nào để tạo nên một không gian thực sự hoàn hảo. Với mỗi không gian nội thất thì vai trò của nhà thiết kế trong việc sáng tạo các sản phẩm là vô cùng quan trọng. Những hiệu quả độc đáo mà các chất liệu truyền thống mang lại không chỉ về tạo hình, chất cảm, tính thẩm mỹ cho nội thất nhà ở mà nó còn mang lại tính độc đáo – tinh thần “độc bản” gia tăng giá trị cho sản phẩm nội thất, thể hiện “gu” thẩm mỹ, cá tính của người sở hữu.

Theo ThS. Nguyễn Thanh Vân

Tạp chí Kiến trúc

Bình luận chủ đề

0 Bình luận

Bài viết liên quan

    Nơi làm việc hay ngôi nhà thứ hai?

    Nơi làm việc hay ngôi nhà thứ hai?

    13/02/24 24 0

    Văn phòng 4DH2 Design, nơi kiến trúc gặp gỡ nghệ thuật và cảm xúc, mang đến một không gian làm việc độc đáo và đầy cảm hứng. Tại đây, sự...

CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ

    Bản hoan ca của đời sống

    Bản hoan ca của đời sống

    13/02/24 25 0

    Trước hết, căn nhà là một công trình cải tạo tương đối phức tạp với diện tích 600m2 khá...

    Văn phòng FPT telecom

    Văn phòng FPT telecom

    13/02/24 33 0

    FPT Telecom là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và internet hàng đầu tại Việt Nam trên...

    Nhà mới với vật liệu cũ

    Nhà mới với vật liệu cũ

    13/02/24 24 0

    Trước một căn nhà nhỏ tường xây gạch mộc, mái tranh, một người bạn của tôi kể về...

    NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

    NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

    20/11/23 51 0

    Mỗi ngôi nhà được xây dựng đều là một câu chuyện của kiến trúc sư, nhà thiết kế...
Update data ...