TƯỜNG & VÁCH NGĂN

CÁC DẠNG VÁCH NGĂN TRONG NỘI THẤT NHÀ Ở

Đánh giá: (Tốt) (Báo cáo)

Vách ngăn ngày càng tỏ rõ sự quan trọng trong nội thất nhà ở do nó dễ dàng đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, dễ thay đổi. Nhiều loại vật liệu và công nghệ chế tạo vách ngăn mới ra đời tạo cho người sử dụng khả năng rộng rãi trong lựa chọn và ứng dụng

Khó có ngôi nhà nào mà nhu cầu diện tích các phòng là bất biến qua thời gian. Khi thì bạn muốn phòng khách được rộng rãi để tiếp một lúc nhiều người, nhưng lúc khác, bạn lại muốn nới rộng phần sinh hoạt chung của gia đình cho các cuộc  gặp gỡ ngày lễ tết, hỉ sự. Đôi khi bạn muốn phân chia tạm thời một căn phòng rộng cho hai đứa trẻ, hoặc muốn có một ngăn cách giữa gian thờ và phòng nghỉ dành cho khách. Hoặc có lúc bạn lại muốn giữa phòng ngủ và nơi làm việc của bạn cũng phải tạo được sự ngăn cách, nhưng không muốn xây tường vi ảnh hưởng đến kết cấu công trình, đồng thời cũng che chắn mất sự thông thoáng chung. Câu trả lời nằm trong việc bạn phải sử dụng các loại vật liệu nhẹ làm vách ngăn thay cho tường xây gạch

Có nhiều ngôi nhà không phân chia không gian phòng bằng tường xây gạch mà áp dụng những loại vật liệu nhẹ, với mục đích làm giảm tải trong công trình, đồng thời dễ dàng thay thế khi nhu cầu sinh hoạt thay đổi . Đặc điểm chung của vách ngăn là phải nhẹ, cơ động, dễ tháo lắp, có bề mặt phẳng, nhẵn, đã hoàn thiện hoặc dễ phủ các vật liệu hoàn thiện. Một số vách ngăn còn đạt được tính năng chống cháy, cách âm và an toàn cao. Vậy sử dụng vách ngăn như thế nào cho hiệu quả

A. PHÂN LOẠI VÁCH NGĂN - NHỮNG DẠNG VÁCH NGĂN CÓ TRÊN THỊ TRƯỜNG

Vách ngăn là kết cấu không chiu lưc để ngăn chia không gian trong nhà, thường làm bằng các vật liệu nhẹ. Vách ngăn thường có tính tạm thời có thể tháo dỡ dễ dàng hoặc dịch chuyển vị trí nhanh chóng. Phân theo kết cấu, vách ngăn có thể chia ra làm 3 dạng:

  • Vách ngăn kín (tường, gạch, thạch cao,...)
  • Vách ngăn trang trí (bình phong, vách vải, kính...)
  • Vách ngăn di động (vải, gỗ, kính...) giúp mở rộng không gian khi cần thiết

Tùy vào mục đích sử dụng mà bạn chọn loại vách ngăn cho nhà mình phù hợp. Vách ngăn thường nhẹ, mỏng, có độ rỗng đáng kể, bề mặt phẳng, cứng, có hoặc không có cách âm, chống ẩm (tùy vật liệu). Sử dụng vách ngăn lửng không cao sát trần tạo được không gian riêng tư mà vẫn thông thoáng. Vách ngăn di động bằng các khung cửa kính có che rèm là giải pháp tốt nhất cho các căn phòng chung của hai người. Các tấm binh phong đóng vai trò một vật ngăn cách nhẹ nhàng, sinh động. Bình phong có thể làm bằng nhiều loại vật liệu kết hợp như gỗ và vải, gỗ nguyên tấm, hoặc khung thép và vải, miễn là đạt được hiệu quả ngăn cách và mỹ thuật.

Theo chất liệu sử dụng, có thể phân chia một số loại vách ngăn thông dụng như sau:

  • Vách ngăn thạch cao,
  • Vách ngăn gỗ tự nhiên, 
  • Vách ngăn bằng gỗ công nghiệp,
  • Vách ngân kim loại,
  • Vách ngăn gỗ bọc vải nỉ,
  • Vách ngăn kính,
  • Vách ngăn acrylic, resin
  • Vách ngăn mây tre trúc,
  • Vách ngăn đá,
  • Vách ngăn sơn mài,
  • Vách ngăn nước...

 B. GIỚI THIỆU CÁC DẠNG VÁCH NGĂN THÔNG DỤNG NHẤT

1. VÁCH NGĂN BẰNG THẠCH CAO

Vật liệu làm vách ngăn có thể nói là đa dạng và không ngừng được phát triển thêm. Thông thường nhất là vách ngăn bằng thạch cao.

Thạch cao đã xuất hiện trong xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ 20, với ứng dụng ban đầu là tấm lót tường cho dễ sửa chữa. Vài chục năm sau, khi kỹ thuật dàn dựng, nối, che chắn hình thành và ngày càng chuyên nghiệp hóa cao, nó được mở rộng sang nhiều chủng loại xây cất. Thông thường khi nói đến thạch cao, chúng ta nghĩ đến tường phăng hay trần phẳng, nhưng người ta đã ứng dụng thạch cao vào nhiều mảng trang trí rất linh hoạt. Có thể nói khả năng ứng dụng của bức vách thạch cao là không hạn chế, chỉ phụ thuộc vào trí tưởng tượng của con người. Dưới đây là một số tấm thạch cao rất hay sử dụng trên thị trường, trong đó có tấm siêu cứng chắc Gyproc Habito, một đột phá mới trong lĩnh vực thạch cao vừa được trình làng vào năm 2019

Tấm thạch cao ứng dụng làm vách ngăn thường có độ dày 6 - 9 mm. Đối với tường chịu tác động mạnh như ở hành lang cần sử dụng loại dày 9-12mm, thậm chí 15mm. Kích thước chuẩn của một tấm là 2440 X 1220 mm, có thể dễ dàng dùng dao sắc cắt gọt theo yêu cầu. Có nhiều loại chịu nước tốt có thể lát nền ở những nơi ẩm ướt như vệ sinh, bếp, phòng giặt và thay đồ chịu tiếp xúc thường xuyên với nước mà không hề sợ bị hư hỏng. Cũng có những dạng tấm chịu lửa khi kểt hợp với bông khoáng rokcwool dày 80-120 mm (80kg/m3 - 120kg/m3) có thể lên tới 1-2 giờ.

Sử dụng tấm thạch cao, ta có một vách ngăn nhẹ, cơ động mà lại mỏng, tiết kiệm không gian sinh hoạt. Lớp bông khoáng (sợi thủy tinh) hoặc xốp chèn vào giữa hal tấm thạch cao tạo được sự cách âm, cách nhiệt, còn hiệu quả hơn tường xây gạch. Tấm thạch cao có ưu điểm bền, phẳng mặt lại dễ uốn cong theo yêu cầu sử dụng. Việc lắp đặt không đòi hỏi kỹ năng cao, dụng cụ chuyên dùng. Mọi vật liệu hoàn thiện như sơn, giấy dán tường hoặc các vật liệu phủ mềm khác đều có thể dùng được.

Khi lắp đặt vách ngăn thạch cao

Tấm thạch cao có kích thước nhất định, do đó phải ghép các tấm để tạo thành bức tường lớn. Cần chú trọng các mối nối ghép, đinh phải đóng chìm xuống mặt tấm, không lồi ra. sử dụng băng keo che phủ các mối nối, các lỗ đinh, không để đinh trồi ra bề mặt. Lớp băng keo vừa có tác dụng làm phẳng, xóa dấu vết mối nối, vừa có độ đàn hổi giữ cho vách không bị nứt khi nhiệt độ thay đổi. Sau mỗi lớp băng keo phải đợi khô rồi mới trát lớp sau.

2. VÁCH NGĂN TRANG TRÍ

Rất nhiều ngôi nhà hiện đại đã phá bỏ bức tường ngăn cách giữa hai phòng (vì nhà hệ khung bê tông cốt thép chịu lực, tường chỉ còn vai trò vách ngăn) mà thay thế bằng bộ tủ tường cao tới sát dầm trần. Mỗi nửa tủ mở về một phòng, sử dụng không gian hết sức hữu ích, không cần xây bức tường gạch nặng nề, trong khi vẫn cách âm cách nhiệt tốt.

Vách ngăn thường có một khung cứng ở giữa bằng gỗ hoặc kim loại, để bắt các tấm vật liệu phẳng hai bên. Vách ngăn thấp, không cao sát trần có thể tạo được sự phân chia không gian mà vẫn thoáng mát. Vật liệu làm vách ngăn có thể là ván ép, thạch cao hoặc tấm kim loại, tùy sự lựa chọn của bạn. Ván ốp làm vách ngăn phải có độ dày tối thiểu 0,8 cm. Các tấm ván được ốp theo chiều đứng, làm sao để cạnh ván lọt vào giữa thanh gỗ làm xương. Tất cả các chỗ nối đều phải có gỗ gia cố. Khoảng cách đóng đinh hay bắt vít tối đa là 20 cm.

Có thể dùng một loại kết cấu vách ngăn nhẹ khác bằng tấm lưới thép làm cốt, trát vữa xi măng phủ bên ngoài. Tấm vách này được làm ở những nơi có yêu cầu chịu nước, độ bền cao như trong toilet (làm hộp kỹ thuật) hay nhà bếp. Bề mặt bên ngoài vẫn có thể ốp gạch men.

Một số loại vách ngăn thông dụng khác như tường torchis khung gỗ hoặc tre trát vôi rơm, lưới thép mắt cáo phủ la ti và trát vữa dày 2 cm. Vách thạch cao khung tô , vách ngăn bằng tấm bê tông nhẹ đúc sẵn, bằng bê tông bọt, than xỉ. Tường ngăn bằng gỗ hoặc ván ép là phổ biến nhất. Để cách âm tốt và tăng tính thẩm mỹ, người ta làm vách ngăn bọc muse và nỉ hoặc da.

Ngoài ra, còn có rất nhiều vật liệu khác cũng được sử dụng làm vách ngăn. Một bức tường bằng kính sẽ làm vật ngăn cách rất tốt, đặc biệt là khi chuyển tiếp cho những không gian sinh hoạt chung như giữa phòng khách và cầu thang, giữa bếp ăn và phòng khách... Cũng có khi, một vách ngăn bằng tấm kính mài mờ được dùng làm vật phân cách thưa thoáng giữa các không gian trong phòng có tính trang trí. Phần bệ đỡ tấm kính có thể xây gạch, ốp gỗ hoặc gạch men. Thậm chí giấy và khung gỗ cũng đươc sử dụng làm các bức tường trong ngôi nhà Nhật truyền thống (cửa đẩy soji). Người Nhật hiện đại thay thế giấy bằng các tấm mica nhựa trong mờ có độ bền vững cao hơn. Tuy nhiên loại vách ngăn này cách âm, cách nhiệt kém, nên chỉ thích hợp trong những môi trường khá yên tĩnh và kín đáo.

  • Vách ngăn bằng gỗ tự nhiên : ưu điểm của gỗ tự nhiên là nhìn sang trọng, bền và không giới hạn bất kỳ thiết kế nào. 

  • Vách ngăn bằng gỗ công nghiệp: gỗ công nghiệp hiện nay có hàng mấy trăm loại màu sắc và hoa văn đa dạng. Từ những tấm gỗ (thông thường kích thước là 1.22x2.44m), người ta có thể sáng tạo đủ loại hoa văn graphic để từ đó đi cắt CNC, tạo nên những vách ngăn theo nhiều phong cách khác nhau. Hoặc cũng có thể  sử dụng ván ghép đơn giản thành những đợt kệ, vừa làm vách ngăn, vừa để sách hay đồ decor trang trí

  • Vách ngân kim loại : Kim loại cũng có những giới hạn về thiết kế, gia công giá thành đắt đỏ nhưng với một độ hoàn thiện màu sắc riêng biệt mà nó vẫn có chỗ đứng vững chắc trong lòng các nhà thiết kế. Có những phong cách thiết kế không thể thiếu chất mạnh mẽ của kim loại. Ví như phong cách Industrial hay Rustic

  • Vách ngăn bọc vải nỉ : vách ngăn vải thường gặp nhiều trong không gian làm việc văn phòng hơn gia đình. Với nội thất nhà ở, vách ngăn vải thường có trên những bình phông ngăn chia cơ động, cũng là tạo nét duyên dáng trong không gian nội thất

  • Vách ngăn kính : đôi khi bạn sẽ nghĩ kính thì tẻ nhạt. Nhưng ngoài khuyết điểm là dễ vỡ (nếu nhà có trẻ con thì không nên dùng), kính hiện đại có vô số kiểu dáng từ kính mài mờ, kính màu, kính khắc axit đến kinh ép lụa, kính ép hoa..vv.... với tùy nghi lựa chọn hoa văn hình ảnh chủ động sẽ không khiến bạn phải thất vọng.

  • Vách ngăn acrylic, resin : Đây là một loại nhựa tổng hợp có bề mặt trong suốt hay đục mờ tùy loại. Nó tựa như chất dẻo cứng nên là giải pháp thay thế kính rất tuyệt vời vì nhẹ và an toàn hơn. Nó cũng có thể uốn cong được và gia công các loại hoa văn, màu sắc không giới hạn

  • Vách ngăn mây tre trúc : có thể dùng loại cây tre hay trúc thật đã được xử lý qua để chống mối mọt, hoặc có thể dùng dạng cây giả. Ngoài ra người ta cũng làm những tấm bình phong bằng mây tre với phong cách rất đồng quê

  • Vách ngăn sơn mài : những bức bình phông sơn mài hay vẽ tay cầu kỳ trang trí cũng không hề xa lạ với văn hóa của chúng ta, gắn liền với nơi cung điện của vua quan phong kiến hoặc các nhà giàu có.. Mỗi bức tựa như một câu chuyện, được xây dựng hình ảnh cầu kỳ, tỉ mỉ với màu sắc rất đặt trưng, luôn mang lại cái nhìn thu hút ngay tại nơi đặt để chúng

 

3. VÁCH NGĂN DI ĐỘNG

Vách ngăn di động là loại vách ngăn có thể chuyển dịch được vị trí theo hướng song song hoặc mở về hai hướng vuông góc với vách ngăn. Mục đích là tạo ra các không gian được nối thông hoặc phân chia theo nhu cầu sử dụng trong từng thời điểm khác nhau. Thực hiện hệ vách ngăn di động tương đối phức tạp. Người ta làm một hệ thống dầm nhôm hoặc thép trên trần, sử dụng vòng bi trượt để các tấm vách ngắn dịch chuyển dễ dàng Vách ngăn này có thể tạo không gian rộng hay hẹp trong chốc lát, phù hợp với những căn nhà muốn có các không gian linh hoạt.

Trừ khi là nhà rất rộng và có nhu cầu đóng - mở không gian nào đó cho các mục đích tiếp khách khác nhau, còn thì vách ngăn di động chỉ hay sử dụng cho văn phòng, hội nghị, các trung tâm hội thảo lớn....vv 

Chúc các bạn tìm được ý tưởng để làm vách ngăn đẹp cho nơi ở và làm việc của mình

JS.

Hình ảnh được sưu tầm từ rất nhiều nguồn trên Internet

Bài viết liên quan

    Lưu ý khi làm vườn treo cho nhà phố

    Lưu ý khi làm vườn treo cho nhà phố

    29/05/23 145 0

    Vị trí, điều kiện sinh trưởng cho cây, giải pháp chống thấm, hệ thống tưới nước là những yếu tố cần tính toán khi thiết kế vườn treo.

    Không gian nội thất bằng gạch thô

    Không gian nội thất bằng gạch thô

    23/01/22 285 0

    Gạch thô đem tới cảm giác mộc mạc. Nó không chỉ phù hợp với phong cách công nghiệp mà có thể đi cùng nhiều kiểu nội thất khác nhau. Bên cạnh...

    CÁCH ỐP TƯỜNG NHÀ TẮM

    CÁCH ỐP TƯỜNG NHÀ TẮM

    28/11/19 443 0

    Bài này có thể ứng dụng cho cả phần ốp tường nhưng được trích dẫn riêng cho nhà tắm để dễ minh họa ví dụ. Nhà tắm thường nhỏ nên cũng...

CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ

Update data ...