PHONG THỦY
PHONG THỦY
Dù việc chọn lựa vật liệu nội thất cho nhà thường được các gia chủ tiến hành ở phần hoàn thiện, nhưng thực ra các ý tưởng và mong muốn biểu hiện đã hình thành từ phần thiết kế cho đến giai đoạn xây thô, thậm chí được nung nấu trước đó, tích lũy qua kinh nghiệm sống.
Bản chất phong thủy cũng là văn hóa sống truyền qua nhiều thế hệ, nên phong thủy thường song hành cùng các quyết định quan trọng của đời người như “ tậu trâu- cưới vợ- làm nhà”.
Yêu cầu phong thủy cho vật liệu nội thất nằm ở vai trò kết nối Trường Khí, hài hòa Ngũ Hành và tạo năng lượng tích cực trong không gian sống. Đó chính là nghệ thuật của sự dung hòa giữa nhu cầu và tiện ích, giữa các thủ pháp kỹ thuật đi từ bản chất cấu tạo đến phương cách xử lý bề mặt.
Mờ nhòa ranh giới thô – tinh
Hoàn thiện một ngôi nhà không chỉ để ngắm nhìn mà phải căn cứ theo thực tế sử dụng. Đa số gia chủ chỉ hình dung ra không gian nhà mình khi nhà đã… làm gần xong, khi đó các tính toán để có bề mặt chất liệu đẹp, hợp phong thủy trở nên khó khăn. Do đó, cần xác định không có ranh giới giữa phần thô hay phần tinh (hoàn thiện) của nhà nếu như muốn chủ động điều chỉnh mọi thứ, nhất là chuyện phong thủy.
- Xem thêm: Hiểu Cát Hung để giảm Trực Xung
Việc bổ sung mảng trang trí trên tường hay đặt một chiếc đèn trên bàn sẽ dễ dàng hơn so với bố trí một mảng trần gỗ trên cao, hoặc quyết định có nên dùng đá trắng cho gian bếp, bởi các thay đổi sẽ liên đới đến hệ khung xương, hệ kỹ thuật và nhất là tác động cụ thể của vật liệu đó với người sử dụng.
Các vấn đề hay gặp của vật liệu nội thất là chất cảm, màu sắc và độ bền trong quá trình tương tác. Cúng một loại vật liệu nhưng chịu tác động khác nhau của các yếu tố bên ngoài lẫn bên trong, nên cần xem xét tổng hòa theo Âm Dương và Ngũ Hành của bản thân ngôi nhà và gia chủ, chứ không phải trên thông số chung chung.
Theo dịch lỳ thì những vật liệu cứng và có bề mặt sáng, bóng loáng, màu sắc tươi khiến ánh sáng phản xạ mạnh hơn, mang tính Dương nhiều hơn. Những vật liệu xốp, mềm, màu sắc đậm và tối, bề mặt nhám… mang nhiều tính Âm hơn, và làm chậm dòng di chuyển của Khí hơn.
Ta thấy nhà truyền thống xưa nghiêng về tính Âm nhiều, bởi vật liệu sử dụng trước đây chủ yếu nguồn gốc từ thiên nhiên, chỉ sơ chế, để bề mặt thô nhám, màu sắc sậm xuống theo thời gian… Còn nhà hiện đại ngày nay, luôn có sự năng động, kích thích năng lượng làm việc, giao tiếp đối ngoại nhiều nên thiên về dùng vật liệu có tính Dương hơn.
Tuy nhiên các không gian nghỉ ngơi, yên tĩnh, đối nội, tâm linh… sẽ vẫn thiên về cách dùng vật liệu tính Âm. Xu hướng chung là cân bằng, hài hòa các phần Âm – Dương khi sử dụng vật liệu để tạo sự thân thiện với con người. Nhà xưa chủ yếu xong phần khung xương đã hầu như là hoàn thiện, nhà nay hay tách ra hai phần thô và tinh, tuy vậy ngày càng nhiều nhà hoàn thiện kiểu tự nhiên, thô mộc, và do đó khai thác đặc tính vật liệu sẽ khác nhau.
Về phong thủy môi trường, các kiểu hoàn thiện vật liệu tốn nhiều công sức mài giũa, chế tác thủ công tại công trường càng nhiều thì càng gây ô nhiễm. Những gia chủ chuộng lối sống giản dị, ít thích hóa chất sơn phủ hay các lớp “son phấn” bề mặt phức tạp sẽ chọn cách hoàn thiện gọn ghẽ, ít tác động môi trường hơn.
Tướng hay Số đều cần dung hòa
Khái niệm “hoàn thiện trang trí” hay được hiểu là các chi tiết gắn thêm vào để nhìn ngắm, và nhiều người hay bỏ qua với lý do “nhà tôi đơn giản, không trang trí cầu kỳ”. Nhưng thực ra, chính một không gian đơn giản, thậm chí tối giản (phong cách minimalism) lại đòi hỏi vật liệu chất lượng cao và kỹ năng hoàn thiện chuẩn xác, mà một chi tiết nhỏ không tính từ đầu sẽ phải chỉnh sửa nhiều và làm hỏng cả một không gian.
- Xem thêm: Không có màu nào xấu…
Trong Tứ Đắc khi hoàn thiện nhà ở (bốn yếu tố bền vững, hữu dụng, thẩm mỹ và kinh tế) thì yếu tố bền vững hiện là xu hướng cốt lõi, mang tính quyết định các giải pháp, và bền vững phải hiểu rộng về mặt môi trường, khả năng thích ứng trước các biến đổi, chứ không đơn thuần là bền chắc.
Chọn vật liệu hoàn thiện nội thất dung hòa Tướng và Số là cách chọn lựa sao cho các thông số liên quan đến kỹ thuật, mệnh trạch tương phối với gia chủ được tương hòa với dáng vẻ bề ngoài và chất cảm bề mặt. Đây là một hệ thống các tiêu chí tương tác qua lại với nhau, đòi hỏi nhiều bên hợp tác để tư vấn cho gia chủ đi đến chọn lựa tối ưu về nhiều mặt, trong đó có phong thủy.
Cần quan niệm các thông số kỹ thuật phải đi cùng hình dáng thẩm mỹ và hiệu quả phong thủy. Ví dụ gia chủ thích một mảng tường ốp kính màu có hoa văn đẹp, chất liệu đắt tiền, nhưng nếu xem xét không phù hợp với đặc tính sử dụng (ví dụ kính soi vào giường ngủ), không hài hòa tỷ lệ không gian, bố trí sai phương vị và ngũ hành của phòng… thì chỉ được Tướng mà hỏng Số.
Một ví dụ khác, gia chủ thích toàn bộ hệ thống tủ nhà mình bằng gỗ sơn trắng có các thông số kỹ thuật hợp lý, tiết kiệm, thi công gọn gàng (phần Số ổn) nhưng bề mặt lại đơn điệu sơ sài, màu trắng nhiều gây phản xạ ánh sáng trong căn hộ trên tầng cao, không gian nhạt nhòa… thì phần Tướng cũng không ổn.
Để dung hòa hai phần này, nhà chuyên môn và gia chủ phải cụ thể hóa được các tính toán và bố trí vật liệu nội thất theo từng trường hợp cụ thể, như phòng nhiều cửa sổ, ánh sáng mạnh thì chọn loại gạch nào, sơn nào, trong khi không gian sâu bên trong, ít sử dụng thì nên chọn loại nào phù hợp hơn. Không thể có một vật liệu tối ưu cho mọi không gian, cho nên “Hình nào thì Khí ấy” là triết lý chọn lựa vật liệu không theo cảm tính, giá cả hay duy mỹ thuần túy.
Từ bản chất đến bề mặt
Một nội thất được lắp ráp nhanh gọn, dùng vật liệu đạt chuẩn, nhiều công đoạn hoàn thiện từ xưởng… sẽ đảm bảo tính chất bề mặt và sự tương tác môi trường ổn định, kiểm soát từ đầu và ít lệ thuộc vào cảm hứng của thợ thi công như kiểu làm hoàn thiện cũ.
- Xem thêm: “Ăn chơi” nơi khoảng trống
Ví dụ một hệ tủ bếp làm bằng gỗ tự nhiên, thợ cưa cắt bào đục tại công trường, rồi đánh vernis hay thổi PU mù mịt… là kiểu hoàn thiện rất “thô”, ô nhiễm và không đồng chất, đồng bộ so với hệ tủ bếp hiện đại. Quy trình đúng là chọn nguyên liệu và phụ kiện thi công chuẩn xác từ xưởng, lắp ráp tại công trường gọn lẹ, màu sắc và bề mặt đảm bảo không khác biệt so với mẫu chọn lựa ban đầu trên bản vẽ và mẫu của nhà sản xuất.
Cũng như các nguyên lý Phong Thủy khác, sử dụng vật liệu trong nhà cửa là hệ thống kinh nghiệm tích lũy và phát triển, biến đổi qua thời gian. Có nhiều nguyên tắc thời trước làm đúng nhưng thời nay không còn hợp môi trường và văn hóa hiện đại. Do đó, để khai thác vật liệu nội thất hợp phong thủy từ bản chất bên trong đến bề mặt bên ngoài, cần lưu ý các nguyên tắc sau:
- Đồng thanh đồng thủ: ngôi nhà không phải là nơi tập hợp, phô trương đủ các loại vât liệu. Khai thác tốt tính năng của hệ vật liệu nhất quán sẽ giúp Nội Khí toàn nhà quân bình hơn là vật liệu chắp vá, thiếu đồng bộ hoặc dư thừa. Dùng vật liệu dễ kiếm và gia công tại chỗ (vật liệu địa phương) cũng là xu hướng kiến trúc – nội thất hiện đại thế giới đang khuyên dùng.
- Nhà nào chất nấy: chọn vật liệu phù hợp với nhu cầu và kinh tế, nếu không đáng phải sử dụng vật liệu nội thất đắt tiền thì nên cân nhắc. Đây cũng là yếu tố Ngũ Hư trong Phong thủy truyền thống: tránh lãng phí không gian, vật liệu, chi phí. Cha ông ta xưa chọn vật liệu rất thích đáng, bền chắc mà giản dị.
- Tốt khoe xấu che: vật liệu phải dùng thích đáng, đúng chỗ trong ngoài rạch ròi, tránh lẫn lộn, tránh dùng vật liệu thiếu bền vững để tiếp xúc với môi trường khắc nghiệt. Dùng vật liệu còn cần tương đồng nội khí với chức năng sử dụng (ví dụ phòng karaoke nên dùng vật liệu hút âm, phòng vệ sinh dùng gạch chống trơn).
- Tốt gỗ tốt cả nước sơn: vẻ đẹp vật liệu làm nên vẻ đẹp công trình, và cần giữ vững vẻ đẹp đó qua thời gian, thuận tiện cho việc sử dụng và bảo trì sửa chữa. Ngoài ra vật liệu khéo chọn sẽ tạo nên tính cách riêng, điểm nhấn bên trong cũng như ngoài nhà, tạo Nổi Bật Khí trong không gian sống.
Ngôi nhà nào cũng phải được cấu tạo và hình thành từ những vật liệu xây dựng, dù là thô sơ hay tinh xảo. Chính vật liệu xây dựng làm nên tính chất của ngôi nhà, làm nên trường khí trong và ngoài nhà, làm cho người dùng an tâm, thoải mái. Sử dụng vật liệu thế nào cho hài hoà về Phong thủy chính là tạo nên môi trường sống an lành và bền vững.
– Ảnh Xuân Trang - Nguồn
Bài viết liên quan
Đưa Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ vào nhà
Làm thế nào để biết một ngôi nhà có phong thủy tốt?
7 kiến thức phong thủy tốt trong nhà
Mẹo để Tạo Phong Thủy Tốt Trong Khu Vườn Của Bạn
Phong thủy phòng ngủ cho vợ chồng mới
5 Mẹo Trang Trí Nhà Phong Thủy Dễ Dàng Để Có Không Gian Sành Điệu Và May Mắn
CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ
Các kiểu phối màu dành cho dân thiết kế
Đường cong – Dòng chảy mềm mại trong thiết kế đồ nội thất
Ảnh hưởng của màu sắc lên không gian trong phim
Những lưu ý khi dùng đồ đạc trong nhà để giảm nguy cơ cháy nổ
Xây dựng một bể bơi trong sân nhà: Thiết kế và công năng
Xu hướng của tương lai ẩn mình trong kiến trúc hiện đại
Những ô cửa kính màu nghệ thuật dưới góc nhìn đương đại
Nước trong kiến trúc – Vẻ đẹp đậm chất thơ
Cách tính kích thước cầu thang khi xây nhà
Xu hướng phòng khách chìm – Điểm trũng ấm cúng
Khám phá việc tái sử dụng vật liệu của những ‘kiến trúc ngắn hạn’
Tại sao chất liệu đồng thau lại được ứng dụng nhiều trong các sản phẩm nội thất
Creative Hub – Trung tâm sáng tạo mô hình và các bài học kinh nghiệm
Copyright © 2020 - Bản quyền thuộc về Jade Swan
Người online: 198 | Tổng lượt truy cập: 9,764,488