CHI PHÍ

TỦ QUẦN ÁO - CÁC PHONG CÁCH, YẾU TỐ THIẾT KẾ ẢNH HƯỞNG CHI PHÍ SẢN XUẤT

Đánh giá: (Tốt) (Báo cáo)

Thiết kế tủ quần áo thường khi không đòi hỏi quá nhiều ở những cái đầu thẩm mỹ của dân designer nội thất chuyên nghiệp, mà nó cần sự tỉnh táo, sáng suốt của những chủ nhà khôn ngoan và có sự tính toán hợp lý. Bài viết chia ra làm các phần giúp bạn hiểu rõ mọi thuộc tính cần thiết để có tủ quần áo đẹp nhất, giá hợp lý nhất:

  • Các phong cách nội thất cho tủ quần áo
  • Các nguyên tắc xác định nhu cầu chứa đồ bên trong tủ quần áo
  • Kích thước cho tủ quần áo
  • Vật liệu đóng tủ áo
  • Bảng báo giá tham khảo cho tủ quần áo

A. CÁC PHONG CÁCH NỘI THẤT CHO TỦ QUẦN ÁO

“Chúng ta có thể thiếu một cái sofa chứ không thể thiếu một cái tủ áo”. Một khách hàng nữ của mình đã nói thế và mình thấy rất có lý vì đó là cách nói để hiểu rằng nhu cầu về tủ áo luôn là quan trọng. Từ những cái kệ treo nhỏ dã chiến tới những chiếc tủ nhỏ, tủ lớn hay có khi là cả một phòng closet. Một số căn hộ hiện nay khi xây luôn tính toán phần hốc tường để làm tủ áo âm tường cho gọn.  Có thể chia Tủ quần áo ra làm 4 kiểu dáng rõ rệt (mình không chia quá nhỏ phức tạp để các bạn có thể hình dung dễ hơn). Nó dường như chỉ khác nhau phần cánh tủ và trang trí diềm tủ bên ngoài. Còn lại cách bày biện, bố trí sử dụng hệ thống treo hay ngăn tủ bên trong thì đều nguyên tắc giống nhau, chúng ta sẽ cùng tham khảo nguyên tắc đó ở các mục bên dưới.

1. TỦ QUẦN ÁO THEO PHONG CÁCH NỘI THẤT CỔ ĐIỂN

Đây là dạng tủ thường có mặt trong các ngôi nhà có nội thất phong cách Classic, Tân cổ điển, Marocco, Roccoco hay phong cách Hoàng gia. Đặc điểm của dạng tủ áo này là thiết kế cầu kỳ nhằm phô trương sự sang trọng, bề thế với những đường nét uốn lượn, điêu khắc, chạm trổ công phu. Đó là chưa tính các phần vật liệu được dát hay sơn nhũ vàng hoặc bạc vô cùng đắt tiền.

Màu sắc cho dạng tủ này thường thấy là màu trắng hoặc ngà, thi thoảng vẫn có màu gỗ tự nhiên hoặc thậm chí màu đen, dù màu đen không được ưa chuộng nhiều lắm trong nội thất ở nước ta, khi mọi người hay xem màu đen là màu của tối tăm, u buồn. Tất nhiên, với những ai có cá tính mạnh thì họ vẫn rất thích màu đen huyền bí.

2. TỦ QUẦN ÁO THEO PHONG CÁCH NỘI THẤT CHUYỂN GIAO/ KẾT NỐI - TRANSITIONAL

Nếu là lần đầu tiên đọc website này, bạn sẽ thấy khó hiểu, không biết phong cách transitional là gì. Nhưng với những ai đã quen thuộc với jadeswan thì không có gì ngạc nhiên về nó cả. Đây là cái tên được gọi chung cho một số phong cách nội thất riêng biệt, nhưng đều có đặc điểm là xuất hiện trong thời kỳ chuyển giao giữa giai đoạn này sang giai đoạn khác, dựa vào lịch sử phát triển văn minh của nhân loại. Các phong cách này có thể bao gồm : phong cách nội thất Đương đại - Contemporary và phong cách Chiết trung - Eclectic. Một số dạng phong cách Craftman (gỗ) nếu không quá phức tạp trong các đường diềm, chỉ trang trí thì nó cũng nằm trong dạng phong cách này

Đây là dạng tủ áo với nhiều sáng tạo từ các nhà thiết kế nhất. Bản thân mỗi loại tủ áo được khoác lên mình một chiếc áo không quá cầu kỳ nhưng cũng không hề đơn giản, đủ để chúng nổi bật trong căn phòng. Các đường nét trang trí tủ là sự pha trộn của phong cách cổ điển với nét hiện đại, tức được lược bớt đi chi tiết để trông nó nhẹ nhàng hơn. Hoặc giả người thợ có thể sáng tạo bằng cách mô phỏng, biến tấu, cách điệu các hoa văn cổ điển khiến chúng trở nên thẳng thớm, đơn giản và nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Với phong cách Chiết trung - Eclectic, bạn cũng sẽ quen thuộc với một sự pha trộn màu sắc mạnh mẽ bởi nó là tổng hợp của những món đồ tưởng khác biệt nhau nhưng vô cùng hòa hợp với nhau khi đặt cùng trong một không gian nội thất. Phải tinh tế và có gu lắm mới có thể đạt tới đỉnh cao của việc này. Thường thì người ta sẽ có một chủ đề chính hoặc một bộ sưu tập nào đó đặc biệt để làm trọng tâm, sau đó thì chọn lựa những thứ khác xoay quanh nhưng vẫn làm nổi bật vật đó.

3. TỦ QUẦN ÁO PHONG CÁCH HIỆN ĐẠI

Tủ áo hiện đại chiếm số lượng lớn trong các căn hộ gia đình. Từ vật liệu đến hình dáng, nó đều mang phong cách đơn giản, khỏe khoắn và gọn gàng. Các cánh tủ phẳng phiu làm từ gỗ công nghiệp đi kèm với tay nắm âm hoặc các dạng tay nắm thẳng thông dụng là đặc trưng của dạng tủ này.

Các phong cách nội thất hiện đại và đặc biệt là phong cách tối giản (minimalism) cực kỳ hợp với dạng tủ áo như thế. Những chủ nhà chọn phong cách này thường sống hướng nội, yêu thích sự tĩnh lặng, không thích màu sắc quá nhiều nhưng họ là những người giàu sự sáng tạo. Một khi chọn và yêu thích sự tối thiểu, họ quan trọng việc nhìn vào bên trong bản chất sự vật hơn và thường tìm ra những điều độc đáo, thú vị từ những thứ tưởng chừng đơn giản quá mức ấy mà người khác ít thấy được.

4. TỦ QUẦN ÁO PHONG CÁCH ĐỒNG QUÊ

Đặc trưng các tủ này là sử dụng vật liệu thô mộc như gỗ và tre kết hợp, gợi nên không khí đồng quê ở mọi nơi. Ngoài phong cách Country, Cottage còn phải kể đến các dạng phong cách nội thất khác như Rustic, Vintage cũng có thể sử dụng những tủ áo dạng này. Phong cách Retro thường gần với Vintage nhưng có lẽ nó nên sử dụng loại tủ Transitional bên trên để có sự kết hợp tốt trong không gian, vì cơ bản, Retro cũng là phong cách mang hơi hướm hoài niệm cổ xưa trong cái nhìn hiện đại. Một số dạng tủ quần áo phong cách country:

Cái chất mộc của gỗ tự nhiên đem lại cảm giác về một cánh tủ nặng nề nhưng chắc chắn. Khuynh hướng những năm gần đây, người ta kết hợp giữa gỗ và mây tre, tạo nên những thiết kế trông mộc nhưng vẫn lạ, trông "quê" nhưng vẫn rất "chất". Một vài dạng tủ áo có thể xem như một tác phẩm, một điểm nhấn trong không gian nội thất, vừa có thể dùng hòa hợp trong phong cách đương đại, eclectic, vừa có thể dùng cho phong cách mộc mạc của đồng quê hay những căn phòng đậm chất tự do mạnh mẽ của phong cách Rustic

Ở góc độ nào đó, cánh tủ áo cũng tương tự như cánh Cửa ra vào với cách sử dụng vật liệu, bảo quản hay làm mới đều giống nhau. Vậy nên, chúng ta không xoáy sâu vào phần cánh (để dành cho phần bài cửa) mà  sẽ mà thể hiện các tiêu chuẩn cần thiết để có một cái tủ quần áo tiện dụng nhất cho chính mình.
 

B. CÁC NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH NHU CẦU CHỨA ĐỒ BÊN TRONG TỦ QUẦN ÁO

Khi đi mua hàng, bạn sẽ thấy các chiếc tủ áo đã được nhà sản xuất nghiên cứu và cho ra đời các kích thước tiêu chuẩn phù hợp với số đông. Một chiếc tủ ngang 1.2m loại tốt cũng hơn 10 triệu. Nhưng mình đã gặp vài khách hàng không hề hài lòng với những chiếc tủ đó. Đơn giản vì đối với họ, nó không đủ đáp ứng nhu cầu. Vậy nên họ muốn có cả một không gian rộng hơn, dành hẳn một góc trong nhà để tạo nên khu vực Có thể là 2 dãy song song 2 bên hoặc thậm chí cả hình chữ U, dựng lên những chiếc kệ để làm khu riêng chứa đồ của mình. 

Phương án không làm cánh tủ (có thể sử dụng tấm màn kéo hoặc không) khiến không gian chứa đồ vô cùng rộng rãi mà chi phí để hoàn thành cũng tiết kiệm đi khá nhiều. Mình đã làm khá nhiều tủ quần áo dạng này cho các căn penthouse cao cấp, khi chủ nhà không thích những cánh tủ tí nào. Đây cũng là phương án khiến cho căn phòng ngủ luôn luôn gọn gàng, ngăn nắp và bạn lại luôn luôn có một thế giới để thử đồ trước khi tham dự một buổi tiệc nào đó.

Với nhà nhỏ và ít kinh phí, tìm hiểu rõ các nguyên tắc để tạo nên một set tủ closet như ví dụ, bạn cũng sẽ hiểu rõ toàn bộ quá trình khi đi mua tủ thì nên chọn cái nào (ngoài phong cách tủ phù hợp phòng ngủ). 

Vấn đề còn lại là bạn cần xác định mục tiêu sử dụng tủ rõ ràng. Các bước thực hiện để xác định như sau: 
Bước 1 : Xác định nhu cầu cho tủ

  • Đồ Nam/ nữ tách biệt
  • Áo : sơ mi, áo thun, khoác, vest, áo mùa đông…
  • Treo quần (jean, kaki, quần Tây…), váy
  • Áo đầm dài, dạ hội
  • Để giày (giày thấp, cao gót, boot…)
  • Để ví, giỏ xách
  • Treo cà vạt, dây nịt, khăn choàng
  • Phụ kiện khác (nón, trang sức…)

Đây là những thứ dùng để xác định chiều cao tối thiểu cho ngăn móc treo, từ việc treo quần dài, váy ngắn, váy dài đến áo đầm dạo phố, áo đầm dài đi tiệc...v.v....các bạn tham khảo kích thước một vài dạng :

Bước 2 : Dựa vào không gian đang có, lựa chọn ưu tiên kích thước tối đa cho các ngăn. Ví dụ như bạn gộp chung các loại đầm dài hay quần tây,… về một khu vực, các dạng sơ mi, áo thun về khu vực khác. Cách phát triển các ngăn chia từ nhỏ đến lớn có thể tham khảo theo từng mẫu bên dưới đây và gia giảm cho hợp với như cầu của gia đình mình hơn :

Bước 3 : Bước tiếp theo là bạn cân nhắc chiều sâu và chiều cao của tủ quần áo.

Thông thường, các dạng tủ áo bán sẵn trên thị trường, người ta luôn làm chiều sâu 600mm là phù hợp nhất với số đông. Nó có thể đảm bảo treo các loại đồ nam lẫn nữ mà không bị chèn áo. Tủ quần áo sâu 500-550mm thì lại hơi chật, chỉ hợp với đồ trẻ nhỏ. Tuy nhiên, do một số nhà có diện tích không nhiều nên chủ nhà chọn cách treo đồ thẳng đối diện mình, thay vì treo ngang như thường lệ. Cách này giúp cho bạn có tủ quần áo dù nhỏ nhưng vẫn rất xinh đẹp, gọn gàng và đáp ứng nhu cầu (tất nhiên là bạn không quá nhiều đồ)

Bước 4 : Cân nhắc tủ ngăn kéo, và nếu được, cũng không nên thiết kế quá nhiều ngăn kéo. Ngăn kéo không nên đặt cao hơn tầm nhìn, sẽ khó sử dụng. Các ngăn kéo thường dùng để đồ xếp. Ngoài ra còn ngăn kéo cho đồ lót, cho phụ kiện như cravat, khăn choàng, dây nịt, nón hay cả giày.

Chiều cao và cách sử dụng về việc cúi khom người hay với tay lấy đồ cũng là thứ để quan tâm. Bạn sẽ thấy rõ sự khác biệt nếu mình đưa ra 2 gia đình, một bên thì chiều cao trung bình là 1.72m, còn bên kia thì chiều cao trung bình cả nhà chỉ có 1.5m mà thôi. Khác biệt rất lớn này không chỉ ảnh hưởng trong việc thiết kế tủ quần áo mà gần như là việc thiết kế lẫn lắp đặt toàn bộ đồ nội thất trong nhà. Vậy nên bạn cần biết chiều cao của người sử dụng tủ này để cân nhắc kích thước cho hợp lý. HÌnh minh họa sau giúp bạn kiểm tra mọi thứ rõ ràng hơn:

Cuối cùng, mình cũng không quên đề cập tới phần trên của tủ áo, khi chiều cao tủ thường chỉ tầm 2met đến 2met4. Khoảng trống phía trên tủ cho tới trần để không rất phí, hoặc gác đồ lên đó mà không làm gì thì cũng mất thẩm mỹ, tốt nhất nên đóng thêm phần cánh tủ riêng bên trên đó, chiều cao full đụng trần sẽ đẹp hơn nhiều. Đó là nơi tựa như cái kho nhỏ, các bạn có thể để bộ chăn ga, gối hay vali, túi xách du lịch, những thứ không dùng thường xuyên nhưng nhà nào cũng có. Trừ khi chiếc tủ áo của bạn là dạng tủ rời với phong cách trang trí đặc sắc và có chân cao, chiều ngang tầm 1-1.2met đổ lại thì không cần làm như vậy, vì làm thế sẽ phá hỏng mất vẻ đẹp của tủ áo. Còn đây là một số ví dụ làm hệ tủ quần áo góc, rất đáng để cho bạn tham khảo :

Với việc xác định nhu cầu để đồ đạc cũng như phụ kiện của mình, bạn sẽ dễ dàng phác họa ra được bản vẽ chiếc tủ áo mình mong muốn. Dành 30 phút cho việc này chắc chắn sẽ khiến cho bạn cảm thấy hài lòng khi chiếc tủ áo được bàn giao. Nội thất chắc chắn phải đi từ nhu cầu của mỗi người sử dụng nó.

 

C. VẬT LIỆU ĐÓNG TỦ QUẦN ÁO

Tất cả những loại vật liệu nào dùng cho tủ bếp đều có thể dùng cho tủ quần áo. Đó là lý do vì sao bạn nhìn thấy trên thị trường, các công ty hay showroom chuyên tủ bếp thì cũng chuyên luôn cả tủ áo trong nhà. Ngoài ra, vẫn có một số dạng tủ áo "dã chiến" khác dành cho những bạn Sinh viên đi học xa nhà hay người có thu nhập thấp. Ví dụ như tủ áo vải nhựa, tủ nhựa....vv.....Còn lại, thống trị thị trường vẫn là gỗ chiếm hơn 70%; tủ quần áo khung sắt kinh hay khung nhôm cánh kính chiếm hơn 20% và mới nổi lên gần đây như một giải pháp nổi bật cho phong cách Hiện đại cá tính.

Với gỗ, để đóng tủ quần áo thì có thể kể đến Gỗ tự nhiên và Gỗ công nghiệp. Trừ khi bạn chọn thiết kế cầu kỳ hay yêu thích chất tự nhiên mộc mạc của gỗ thật, bởi lẽ chi phí của nó cũng khá đắt, còn lại thì do tủ quần áo không hề phải tiếp xúc với nước, cũng không chịu ảnh hưởng của nhiệt hay thay đổi nhiệt độ, việc chọn lựa gỗ công nghiệp làm tủ áo cũng khá dễ dàng bới màu sắc đa dạng, bề mặt hoa văn phong phú và giá cả có rất nhiều lựa chọn phù hợp cho tất cả mọi người. Các bạn có thểm tham khảo bài viết về Phân biệt các loại gỗ trong nội thất để nắm rõ hơn

Tiếp theo sẽ là phần Bảng giá tủ quần áo được mình tổng hợp và rút ra cái giá trung bình cho chi phí đóng tủ nhằm giúp bạn tham khảo dễ dàng hơn. Dù tương lai giá có thay đổi hay khác biệt đôi chút từ cửa hàng này với cửa khác khác, nhưng bạn hoàn toàn có thể dựa vào nó để có sự so sánh mức độ chi phí đắt rẻ tương quan giữa các loại vật liệu khác nhau trên thị trường.

 

D. BẢNG BÁO GIÁ THAM KHẢO CHO TỦ QUẦN ÁO

Thông tin được lọc để đưa ra bảng giá này sẽ khiến bạn hình dung tốt hơn về thị trường. Yếu tố đầu tiên và chiếm phần trăm lớn nhất trong việc quyết định chi phí tủ quần áo chính là vật liệu làm tủ. Đọc bảng giá, các bạn sẽ thấy "Acrylic mặt cửa", hay "Laminate mặt cửa". Hai cái này thực chất là đang viết tắt khiến người ngoài nghề hơi khó hiểu. Diễn giải rõ ra đó là :

---> Tủ quần áo được làm bằng gỗ công nghiệp, trong đó phần khung bên trong, hộc tủ và hậu tủ phía sau có thể được làm bằng cốt ván giá rẻ, như MDF mỏng sơn hay MFC chẳng hạn. Còn phần cánh tủ mặt ngoài được làm bằng MDF dán laminate hay bằng tấm acrylic (cốt gỗ phủ nhựa acrylic bên ngoài) 

Đây là cách làm của các xưởng sản xuất nhằm tối ưu hóa chi phí, giảm giá thành của tủ quần áo xuống tối đa. Bởi vì acrylic hay laminate rất đắt tiền, nên họ đã tạo ra giải pháp nhằm giúp cho chủ nhà có chiếc tủ quần áo đẹp nhưng giá cả không quá cao. Việc sử dụng tấm acrylic để làm hậu tủ thì thực sự lãng phí vì không ai thấy cái hậu, và khi bỏ đồ vào thì cũng che mất nó đi. Bạn tham khảo thêm một bảng báo giá tủ quần áo sử dụng vật liệu gỗ công nghiệp giá rẻ là MFC - loại vật liệu dùng để làm ngăn hay hộc :

Cách làm cho tủ gỗ tự nhiên cũng vậy. Những mặt khuất hay bị che phủ của tủ áo đều được thay thế bằng một dạng vật liệu tương tự, cùng màu sắc nhưng chất lượng kém hơn nhằm đạt giá thành tốt nhất. 

Ngoài yếu tố vật liệu làm tủ áo, chúng ta cũng cần nhìn sơ qua về các yếu tố khác cũng có ảnh hưởng ít nhiều sau đây:

  • Tay nắm tủ : có hàng ngàn dạng tay nắm từ hàng sản xuất đại trà đến những dạng tay nắm design độc đáo duy nhất. Mình sẽ có bài riêng cho phần này trong tương lai
  • Phụ kiện khác bao gồm bản lề tủ, thanh ray trượt (nếu tủ trượt hoặc cho tủ hộc kéo), thanh treo đồ, ổ khóa tủ. Hàng phụ kiện giá trung bình của Đài Loan thường được giới thiệu. Cao hơn chút là hàng Hafele. Xịn nữa là phụ kiện của Blum (Đức). Bạn có thể cân nhắc chi phí giữa vật liệu và phụ kiện để nó tương thích. Tất nhiên cũng phải dựa vào thiết kế. Một chiếc tủ country khó mà xài phụ kiện dạng công nghiệp sáng bóng, thật không hợp chút nào
  • Đèn trong tủ : dạng đèn thanh cảm ứng khiến cho khi có người lại gần tủ sẽ tự động bật sáng cũng đang tràn ngập thị trường nội thất bởi sự tiện lợi, cảm giác hiện đại và rất dễ lắp đặt. Những chiếc tủ áo khung sắt hay nhôm, cánh kính đi kèm với bộ đèn led thanh cảm ứng này chính là trend tủ áo của năm qua.

Đến đây thì mình kết thúc bài tủ áo. Hy vọng với tất cả thông tin và dữ liệu hình ảnh bên trên, bạn có thể hiểu hết mọi thứ cần phải làm để có chiếc tủ áo phù hợp yêu thích cho gia đình mình và có một căn phòng thật ấm áp

JS.

Ảnh sưu tập từ Houseplanner Pinterest

Bài viết liên quan

    BÁO GIÁ SƠN HIỆU ỨNG NĂM 2021

    BÁO GIÁ SƠN HIỆU ỨNG NĂM 2021

    28/03/20 10034 0

    Cập nhật bảng giá sơn hiệu ứng/sơn nước từ 02/01/2020 của công ty T-PAINTING chuyên nhận sơn nhà, sơn nước, sơn trang trí, sơn hiệu ứng,

    BẢNG GIÁ ĐỒ GỖ CHO NĂM 2020

    BẢNG GIÁ ĐỒ GỖ CHO NĂM 2020

    10/03/20 574 0

    Bảng giá mới nhất năm 202 dành cho tủ tivi, tủ giày, tủ kệ sách, tủ quần áo, tủ bếp và giường ngủ tham khảo từ một đơn vị thiết kế +...

    LẬP KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH XÂY NHÀ

    LẬP KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH XÂY NHÀ

    11/12/19 545 0

    Chi phí xây dựng nhà bao gồm : phí phá dỡ nhà cũ; phí gia cố móng; phí cấp phép xây dựng; phí xây dựng cơ bản; phí mua sắm vật tư...

    CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI GIÁ SOFA

    CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI GIÁ SOFA

    02/12/19 389 0

    Có 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến giá mua của một bộ sofa: Phần chất liệu bọc bên ngoài : da, vải nỉ bọc ghế sofa quyết định khoảng 50%...

CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ

Update data ...