NGHIÊN CỨU

Chuyển hóa không gian các công trình công cộng có giá trị được xây dựng trong giai đoạn 1954-1986 tại Hà Nội

Đánh giá: (Tốt) (Báo cáo)

Lịch sử phát triển của một đô thị có thể được phản ánh rõ nét qua kiến trúc đô thị. Mỗi thời kỳ có một hoặc một vài chính sách phát triển riêng, thể hiện quan điểm, nhận thức và tư duy của những người hoạch định chính sách, in dấu các sự kiện lịch sử, những thành tựu về phát triển kinh tế và khoa học công nghệ. Các công trình xây dựng trong thời kỳ ấy ít nhiều mang những đặc điểm này. Sự phát triển đô thị có thể không đồng đều, có khi kéo dài hàng thế kỷ song cũng có lúc chỉ diễn ra vỏn vẹn vài ba chục năm, có lúc thăng và lúc trầm, có thành công và thất bại, nhưng bao giờ cũng là một dòng chảy liên tục. Nếu bị ngắt quãng vì một lý do nào đó, không còn lưu giữ được một chút gì về một thời kỳ, lịch sử đô thị sẽ không trọn vẹn, giống như một cuốn sách khuyết mất một chương dù hay đến mấy cũng sẽ kém phần giá trị. Sẽ khó lòng hình dung bối cảnh ra đời của trào lưu phát triển kế tiếp và lý do để một số loại hình kiến trúc mới xuất hiện.

KIẾN TRÚC GIAI ĐOẠN 1954 – 1986 Ở HÀ NỘI

Khoảng thời gian hơn 30 năm ấy là một thời kỳ đầy biến động và khó quên trong lịch sử phát triển của thành phố (TP) Hà Nội, mở đầu bằng cột mốc năm 1954, khi người Pháp rút đi, lực lượng Việt Minh tiếp quản TP và kết thúc bằng cột mốc năm 1986, khi TP cùng cả nước chuyển mình thoát khỏi mô hình kinh tế và quản lý cũ để đáp ứng yêu cầu phát triển của thời kỳ mới. Giai đoạn này được chia thành ba thời kỳ nhỏ:

  • 1954 – 1964: Mười năm hòa bình, xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, mà Hà Nội là đầu tàu của Miền Bắc;
  • 1965 – 1975: Mười năm chiến tranh, với hai cuộc chiến tranh phá hoại của không lực Hoa Kỳ. Dù Hiệp định Paris về lập lại hòa bình được ký kết đầu năm 1973, Hà Nội không còn cảnh đạn bom, phải đến năm 1975 khi hai miền thống nhất mới được coi là sự kết thúc hoàn toàn của chiến tranh;
  • 1976 – 1986: Mười năm của nền kinh tế bao cấp, Hà Nội và các địa phương trong cả nước tái thiết trong hoàn cảnh rất khó khăn, và tình trạng này chỉ chấm dứt khi làn gió Đổi mới thổi tới cuối năm 1986.

Trong giai đoạn 1954 – 1986, tại Hà Nội có rất nhiều công trình có quy mô trung bình trở lên đã được xây dựng, chia thành ba nhóm, với ba mục đích sử dụng khác nhau, phục vụ ba chương trình phát triển của TP:

– Nhóm 1 – Các nhà máy, xí nghiệp, phân xưởng, kho tàng: Phục vụ chương trình phát triển công nghiệp của TP. Ví dụ: Nhà máy Công cụ số 1, nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, nhà máy Dệt 8/3, nhà máy Dệt kim Đông Xuân, nhà máy Cao su Sao Vàng, Xà phòng Hà Nội, Thuốc lá Thăng Long, … Các công trình này phần lớn được xây dựng trong thời kỳ 1954 – 1964, một số ít ở nội đô, số còn lại tập trung ở khu vực ngoại vi TP tại thời điểm ấy;

– Nhóm 2 – Các khu nhà tập thể xây dựng theo hình thức lắp ghép/bán lắp ghép: phục vụ cho chương trình phát triển nhà ở của TP, với sự viện trợ về công nghệ xây lắp chủ yếu của Liên Xô và Đông Đức. Ví dụ các khu nhà ở Kim Liên, Trung Tự, Bách Khoa, Nghĩa Đô, Giảng Võ,… Những khu nhà tập thể này phần lớn được xây dựng sau năm 1975, khi TP tái thiết trên quy mô lớn, nhu cầu nhà ở tăng mạnh;

– Nhóm 3: Các công trình công cộng như trường đại học, nhà văn hóa, bách hóa, trường học, bệnh viện, khách sạn, nhà khách,… Phần lớn các công trình này được xây dựng sau năm 1975, trong đó một số công trình là quà tặng của chính phủ các nước XHCN.

Cho đến nay, sau 30 – 60 năm, nhiều công trình, nếu còn tồn tại cũng đã xuống cấp đáng kể, ngoại trừ một số công trình trọng điểm được Nhà nước đầu tư bảo dưỡng định kỳ. Các công trình thuộc nhóm 1 hầu hết đã được chuyển đổi chức năng sử dụng, trở thành các tổ hợp nhà ở kết hợp dịch vụ. Chẳng hạn như khu đô thị kết hợp dịch vụ Times City thay thế cho tổ hợp nhà máy Dệt 8/3, nhà máy Công cụ số 1 đã giải thể, địa điểm đó nay trở thành Khu đô thị Royal City, hay Tháp Vincom đã được xây trên nền cũ của Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo. Các công trình thuộc nhóm 2, cũng tương tự, đã được xây dựng lại một phần, hoặc trở thành các khu nhà ở nhiều tầng hoặc cao tầng, hoặc đang trong trạng thái quá tải do bị cơi nới, sửa chữa tự phát, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, tiềm ẩn rủi ro về an toàn công trình cũng như an toàn phòng hỏa. Trong khi đó, các công trình thuộc nhóm 3, đối tượng mà bài viết hướng tới, cũng đang phải chật vật với câu hỏi “Tồn tại hay không tồn tại?”. Nếu tiếp tục tồn tại thì phải thích ứng như thế nào với bối cảnh mới, khi những yêu cầu về sử dụng cao hơn và thẩm mỹ đòi hỏi khắt khe hơn trước?

Tác giả đã tìm hiểu, tổng hợp thông tin và lên danh mục tạm thời với 67 công trình công cộng quy mô trung bình trở lên ít nhiều có giá trị, mang đậm dấu ấn của thời kỳ 1954 – 1986 ở Hà Nội, trong đó có 61 công trình hiện hữu và 6 công trình không còn tồn tại.

Những công trình công cộng được xây dựng trong giai đoạn này có một điểm chung: Chưa được coi là di sản kiến trúc như những công trình xây dựng thời kỳ trước đó nên chưa thuộc diện được bảo vệ bởi Luật Di sản (khi là ví dụ tiêu biểu cho phong cách xây dựng, tạo hình khối hoặc trang trí mặt đứng của một giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển đô thị Hà Nội trong thế kỷ 20 – một chương không thể thiếu trong cuốn Biên niên sử về Hà Nội – như đã đề cập đến ở trên); và cả khía cạnh phi vật thể (kỷ niệm, ký ức và tình cảm đối với những người đã nhiều năm gắn bó suốt một thời gian khó của Thủ đô và đất nước). Ngoại trừ một số công trình trọng điểm được gìn giữ tương đối nguyên vẹn qua các thời kỳ và được tu bổ định kỳ, phần lớn những công trình còn tồn tại đã bị cải tạo, sửa chữa một phần hoặc được xây chen để đáp ứng nhu cầu sử dụng mới cao hơn cũng như thường xuyên hơn bởi một số lượng người đông hơn, và nhu cầu đó rất cấp thiết nên các dự án cải tạo, sửa chữa và xây chen này đều được phê duyệt. Hậu quả là tính nguyên bản của công trình không còn giữ được. Những phần xây thêm nhìn chung không hoặc ít hài hòa với những khối có sẵn, nên giá trị của công trình suy giảm. Theo tìm hiểu của tác giả, hiện vẫn chưa có một nghiên cứu nào được tiến hành đánh giá sự xuống cấp cũng như xác định giá trị còn lại của những công trình này một cách toàn diện, cũng như chưa tổng hợp các nhu cầu thực tiễn đặt ra để làm cơ sở đề xuất cho việc sử dụng tiếp một cách khoa học.

Những đặc điểm phổ biến của các công trình công cộng giai đoạn 1954 – 1986 ở Hà Nội:

 Về thời gian: Được xây dựng vào thời kỳ đầu của quá trình chuẩn bị cơ sở vật chất của CNXH, khi mà sự đồng thuận của người dân với các chủ trương phát triển của Nhà nước ở mức cao tuyệt đối, với tinh thần lao động hăng say quên mình, góp phần xây dựng / tái thiết đất nước đàng hoàng và to đẹp;

– Về địa điểm: Hầu hết các công trình được xây dựng đều có cân nhắc về vị trí, thường tọa lạc trên những trục đường lớn, chiếm lĩnh không gian rộng hoặc thu hút tầm nhìn, ảnh hưởng nhiều bởi tư duy quy hoạch của các nước XHCN anh em, nhất là trong các công trình trọng điểm, nhiều chuyên gia quy hoạch và tổng công trình sư từ nước bạn được điều sang giúp các nhà chuyên môn trong nước, và thế hệ KTS, nhà quy hoạch đầu tiên được gửi đi đào tạo bài bản ở Liên Xô, Đông Đức, Ba Lan, Trung Quốc…;

– Về nguồn vốn đầu tư: Toàn bộ các công trình công cộng được xây dựng ở thời kỳ này đều sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cấp hoặc nguồn viện trợ đến từ Liên Xô, khối Đông Âu hoặc Trung Quốc, dẫn tới thực tế các công trình thường có ngôn ngữ kiến trúc giống nhau, mang tính phổ biến;

– Về chủ sở hữu hoặc chủ sử dụng khai thác: Tất cả đều thuộc sở hữu của nhà nước và do các cơ quan này khai thác sử dụng. Điều này khá đặc thù, giúp cho các công trình có được chế độ bảo trì tương đương như nhau, vì thế mức độ xuống cấp cũng định lượng được tương đối dễ dàng;

– Về phong cách kiến trúc và không gian của các công trình thời kỳ này rất dễ nhận biết. Đó là những hình khối hiện đại, vuông vức, đặc trưng cho kiến trúc hiện đại, mái bằng với các yếu tố nhiệt đới hóa rất dễ nhận biết như tường hoa bê tông, các hệ lam chắn nắng, mái đua rộng…;

– Về vật liệu xây dựng, công nghệ xây dựng: Đây cũng là yếu tố khá nổi bật và rất dễ nhận diện của các công trình thời kỳ này. Có thể thấy vai trò của công nghệ cơ giới hóa và sự xuất hiện nhiều hơn của bê tông cốt thép, vật liệu đặc trưng của phong cách Hiện đại phương Tây và sự chừng mực trong sử dụng vật liệu kính cũng như kim loại. Do đó, tuổi thọ của các công trình lâu hơn rất nhiều so với các công trình thuộc thời kỳ trước đây với kết cấu gạch, gỗ. Nhiều công trình có mặt đứng được ốp đá rửa màu trắng hoặc xám trắng, rất đặc trưng cho cách xử lý vật liệu bề mặt công trình công cộng thời kỳ hậu chiến và tiền đổi mới;

– Về văn hóa và thẩm mỹ: Đây là thời điểm mà tính cộng đồng đang được tôn vinh, tinh thần lạc quan cách mạng cũng như niềm hy vọng về tương lai tốt đẹp của một chế độ xã hội mới trên đà phát triển mạnh mẽ đang lên đến đỉnh điểm. Rất nhiều công trình ở thời kỳ này không chỉ mang yếu tố công năng, mỹ thuật mà còn mang tính biểu tượng rất cao;

– Về kinh tế: Các công trình thời kỳ này đóng góp rất lớn vào việc thỏa mãn nhu cầu của công chúng trong đời sống mới, còn khó khăn về vật chất nhưng luôn phong phú về giá trị tinh thần. Không ít công trình được xây dựng bằng kinh phí viện trợ hoặc công nghệ xây dựng viện trợ. Đến thời điểm này, nhiều công trình cũng đã hoàn thành khấu hao nhưng vẫn bảo đảm chất lượng để khai thác sử dụng trong thời gian một vài chục năm tới.

Sự phân bố các công trình công cộng được xây dựng giai đoạn 1954 – 1986 ở Hà Nội (Nguồn: Tác giả, 2020 dựa trên khảo sát cá nhân. Bản đồ nền: Google Map, 2020)

Là sản phẩm của một thời “ăn chắc mặc bền” nên hầu hết các công trình công cộng giai đoạn 1954 – 1986 ở Hà Nội được xây dựng kiên cố, có độ bền cả trăm năm, tức là gấp đôi thời gian sử dụng tính đến nay. Điều đó có nghĩa là các công trình ấy còn có thể được khai thác tốt trong vòng vài thập niên nữa. Vấn đề mấu chốt là khắc phục những gì tạm gọi là lỗi thời về chức năng sử dụng và thay thế những mảng “cũ, rách” bên ngoài chiếc áo khoác để công trình tiếp tục phát huy giá trị sử dụng hoặc có một cuộc sống mới. Những lợi ích của việc này có thể được nhận thấy rất rõ: Vừa duy trì và nâng cao giá trị sử dụng, vừa tiết kiệm nguồn lực đầu tư của xã hội trong bối cảnh vốn đầu tư xây dựng còn hạn chế, lại lưu giữ được các giá trị độc đáo của một thời kỳ đặc trưng với rất nhiều ý nghĩa trong lịch sử phát triển Thủ đô. Theo dòng thời gian, những giá trị của quá khứ sẽ được nhận diện đầy đủ hơn một cách khách quan. Theo kinh nghiệm trong/ngoài nước, những công trình cũ có giá trị với số lượng ít ỏi còn lại ngày càng được trân trọng. Do vậy, chuyển hóa không gian theo hướng thích ứng về chức năng của các công trình công cộng này trở thành một vấn đề khá cấp thiết và phù hợp quy luật phát triển thực tiễn.

Hình 2a: Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội được xây dựng những năm 1960
Hình 2b. Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc được xây dựng những năm 1960
Hình 2c: Bưu điện Hà Nội được xây dựng những năm 1970
Hình 2d: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được xây dựng những năm 1970
Hình 2e: Bách hóa Thanh Xuân Bắc được xây dựng những năm 1980
Hình 2f: Trường Phổ thông Hà Nội – Amsterdam được xây dựng những năm 1980

Sử dụng thích ứng như một sự lựa chọn và là một xu thế

Sử dụng thích ứng là một vấn đề không mới trong thiết kế đô thị trên thế giới, trước hết được thử nghiệm qua một số dự án tiên phong và sau đó được thực hiện trên quy mô lớn tại các quốc gia phát triển trong những năm 1970. Sử dụng thích ứng bắt đầu từ những dự án công nghiệp, khi các phân xưởng sản xuất công nghiệp nặng với công nghệ cũ gây ô nhiễm môi trường được chuyển đổi thành phân xưởng sản xuất công nghiệp nặng với công nghệ mới thân thiện hơn với môi trường, hoặc cơ sở sản xuất công nghiệp nhẹ, phân xưởng lắp ráp công nghệ cao, tự động hóa hoàn toàn mà CHLB Đức là quốc gia đi tiên phong trong nghiên cứu ứng dụng, nổi bật nhất là các dự án sử dụng thích ứng ở khu công nghiệp Ruhr thuộc tiểu bang Nordrhein-Westfalen. Bước phát triển tiếp theo của sử dụng thích ứng là các nhà xưởng, nhà kho được chuyển đổi thành các nhà để xe, siêu thị, trung tâm văn hóa cộng đồng hay sáng tạo nghệ thuật cho giới trẻ trong thập niên 1980. Xu hướng chuyển đổi các công trình dân dụng sang thể loại dân dụng khác cũng được ghi nhận ngày một nhiều ở các nước Phương Tây, trước khi lan tỏa sang phần còn lại của thế giới.

Song song với mảng thực hành, các lý thuyết và quan điểm về sử dụng thích ứng cũng đã được nhiều học giả trên thế giới phát triển và tổng kết. Có thể kể tới Robert Schmidt và Simon Austin với cuốn “Adaptable Architecture – Theory and Practice” hoặc Liliane Wong – tác giả của cuốn “Adaptive Reuse – Extending the Lives of Buildings”. Theo đó việc sử dụng thích ứng đối với vật thể nói chung và công trình kiến trúc nói riêng là một yêu cầu mang tính phổ biến trong xã hội loài người, hình thành từ khi con người biết tổ chức không gian nhân tạo và đạt đến tầm cao trong một xã hội hiện đại. Sử dụng thích ứng là một trong những tiêu chí chủ chốt của công tác thiết kế không gian và sử dụng hệ thống kết cấu. Công trình kiến trúc, dù đã được hoàn thiện và khánh thành đưa vào sử dụng, không có nghĩa là một tác phẩm hoàn hảo qua mọi thời đại để có thể bất biến (Robert Schmidt và Simon Austin, 2016). Việc thích ứng được đặt ra với công trình thể hiện trên ba cấp độ: 1. Sức chứa hay Khả năng dung nạp, 2. Công năng; 3. Hiệu suất, và vượt trên mức độ bảo dưỡng thông thường. Đó là một quá trình chuyển đổi nhanh hoặc chậm sao cho tương thích với điều kiện sử dụng mới, trong bối cảnh mới, mà vẫn giữ được giá trị di sản văn hóa mà công trình mang trong mình. Việc sử dụng thích ứng bao hàm một phạm vi khá rộng, bao hàm cả việc thay đổi và thêm vào hoặc mở rộng, tu bổ, chỉnh trang, sửa chữa,… áp dụng cho nội thất và ngoại thất, mặt bằng/bố cục, kết cấu/cấu trúc của công trình. Việc sử dụng thích ứng không loại trừ khái niệm “hiện đại hóa” (Liliane Wong, 2017).

Matthew Carmona và cộng sự tại Đại học Nottingham (Anh) trong cuốn sách kinh điển “Public Places Urban Spaces” (2003) được sử dụng rộng rãi trong những cơ sở đào tạo kiến trúc tại các quốc gia nói tiếng Anh đã nhìn nhận không gian công cộng, bao hàm cả các công trình kiến trúc công cộng nằm trong hoặc gắn kết với không gian định danh “public” ấy dưới nhiều góc độ, làm rõ sáu thuộc tính (đồng thời là sáu nhu cầu) cơ bản ở các mức độ khác nhau bao gồm: 1. Thị giác, 2. Nhận thức, 3. Hình thái, 4. Chức năng, 5. Thời gian và 6. Xã hội, cùng hai yêu cầu mở rộng trong bối cảnh xã hội hiện đại là: A. Bền vững; B. Tìm tòi sáng tạo. Ở một cấp độ cao hơn, nhóm tác giả nhận định không gian công cộng bao gồm cả công trình công cộng còn mang những nét đặc trưng giúp con người nhận diện không gian và lưu lại trong ký ức hình ảnh về không gian ấy. Với thời gian tương tác đủ lâu, giữa không gian và con người sẽ nảy sinh tình cảm gắn bó. Không gian khi ấy mang giá trị tinh thần, được gọi là “tinh thần nơi chốn”. Đối chiếu với luận điểm trên, việc sử dụng thích ứng các công trình công cộng được xây dựng trước đây song vẫn có giá trị ở bất kỳ một đô thị nào trên thế giới đã đáp ứng được rõ nhất các nhu cầu số 1, 2, 4, 5 và 6 khi đối tượng sử dụng là cộng đồng địa phương, thỏa mãn yêu cầu A đối với những cán bộ vận hành công trình cũng như quản lý dự án và yêu cầu B khi xét đến những người thiết kế.

Ba ví dụ thực tế mà tác giả và cộng sự đã thực hiện

Cải tạo Nhà hát múa rối nước Thăng Long (2018 – 2019)

Hình 5a: Ngoại thất Nhà hát Múa rối Thăng Long trước cải tạo Hình 5b: Ngoại thất Nhà hát Múa rối Thăng Long sau cải tạo
Hình 5c: Nội thất Nhà hát Múa rối Thăng Long trước cải tạo Hình 5d: Nội thất Nhà hát Múa rối Thăng Long sau cải tạo
Nguồn: Công ty Cổ phần Thiết kế Kiến trúc XYZ (2018 – 2019)

Trước cải tạo: Nhà hát múa rối nước Thăng Long vốn là Rạp hát Kim Đồng được xây dựng khoảng đầu những năm 1980 với đặc trưng bên ngoài là hệ lam bê tông trang trí và ngôn ngữ hình khối hiện đại, đơn giản. Như vậy, tính chất cải tạo là chuyển đổi tương đương về chức năng. Trải qua nhiều lần nâng cấp sửa chữa, bên ngoài nhà hát vẫn giữ được nguyên bản như ban đầu. Do đó, khi nhận nhiệm vụ cải tạo nội thất và chỉnh trang ngoại thất công trình, đơn vị thiết kế đã đi khảo sát rất kỹ và nhận ra rằng thời gian hoạt động của nhà hát diễn ra từ 15h tới 21h, tức là có tới 4/6 tiếng hoạt động vào lúc ánh sáng tự nhiên kém. Dọc trục phố Đinh Tiên Hoàng lại rất ít nhà ở. Vào buổi tối chỉ có các cửa hàng ở tầng một hoạt động nên từ tầng hai trở lên về cơ bản là tối và đủ điều kiện để các giải pháp chiếu sáng nhân tạo cho công trình phát huy tác dụng.

Sau cải tạo: Thay vì sử dụng giải pháp sơn lại mặt tiền như các lần cải tạo trước đây, đơn vị thiết kế đã sử dụng ánh sáng nhân tạo có tác dụng trang trí để mang lại hình ảnh mới mẻ cho công trình. Ánh sáng thay đổi với các hiệu ứng khác nhau giúp cho công trình có được nhiều bộ mặt linh hoạt trong cùng một thời điểm, và nâng cao yếu tố quảng bá cho một trong những nhà hát hiếm hoi ở Việt Nam hoạt động liên tục suốt 365 ngày trong năm để phục vụ khán giả, nhất là du khách quốc tế.

Cải tạo Trụ sở Công ty Vinexad (2006)

Hình 3a: Ngoại thất Trụ sở Công ty Vinexad trước cải tạo Hình 3 b: Ngoại thất Trụ sở Công ty Vinexad sau cải tạo
Nguồn: Công ty Cổ phần Thiết kế Kiến trúc XYZ (2006)

Trước cải tạo: Trụ sở Vinexad ở số 9 phố Đinh Lễ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một công trình ba tầng. Khi nhận nhiệm vụ cải tạo và nâng tầng phục vụ cho nhu cầu khai thác sử dụng mới, đơn vị thiết kế đã rất nghiêm túc trong việc khảo sát, lập hồ sơ hiện trạng và tiến hành thí nghiệm khả năng chịu lực của hệ thống kết cấu cũ. Việc khảo sát đã chỉ ra rằng hệ thống này gần như không thể chịu được tải trọng chất thêm, và việc biến đổi mặt ngoài công trình sang hình thức hiện đại sẽ khó thực hiện do cấu kiện là tường gạch chịu lực. Do vậy, việc cải tạo được tiến hành theo phương châm giữ nguyên chức năng ban đầu và có thay đổi đáng kể cấu kiện chịu lực.

Sau cải tạo: Để đáp ứng được nhu cầu của chủ đầu tư, giải pháp đưa ra là phá bỏ tối đa các bức tường không chịu lực bên trong để giảm thiểu tải trọng công trình, tiếp đó cấy thêm một lưới cột bê tông cốt thép vào bên trong công trình kết cấu gạch chịu lực để đỡ cho toàn bộ hai tầng làm mới bên trên. Toàn bộ mặt trước công trình không cải tạo nên sẽ giữ nguyên nhưng bọc ra bên ngoài một hệ thép kính để mang lại hình ảnh hiện đại như mong muốn, đồng thời cũng làm cho công trình không quá tương phản với cảnh quan xung quanh.

Cải tạo Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp (2014)

Hình 4a: Ngoại thất Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp trước cải tạo Hình
4b: Ngoại thất Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp sau cải tạo – Nguồn: Công ty Cổ phần Thiết kế Kiến trúc XYZ (2014)

Trước cải tạo: Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp IMI là một công trình công sở được xây dựng trong những năm đầu thập niên 1980, với ngôn ngữ kiến trúc đơn giản và khúc chiết. Sau hơn 30 năm sử dụng, công trình đã xuống cấp, đòi hỏi cần phải được tôn tạo. Với nhu cầu khai thác mặt trước công trình với đơn vị đại lý bán xe ô tô Mercedes, chủ đầu tư mong muốn thiết kế lại khu vực này sao cho đáp ứng được yêu cầu khắt khe về yếu tố nhận diện của hãng xe sang trọng nhưng lại không tách rời khỏi tòa nhà chính phía sau. Như vậy, tính chất cải tạo là xen cấy chức năng sử dụng mới (phía trước) nhưng không gây ảnh hưởng đến công trình chính (phía sau).

Sau cải tạo: Giải pháp đưa ra sau khi đơn vị thiết kế họp với đại diện quản lý Thương hiệu của hãng xe nước ngoài là sẽ tạo ra sự đồng điệu về vật liệu hoàn thiện của toàn khối công trình, sử dụng tấm hợp kim nhôm ngoài nhà. Rất may là cả hai thành phần công trình cũ và mới đều có hình thức hiện đại và đơn giản, sau khi đồng nhất vật liệu hoàn thiện đã có thể đứng cạnh nhau một cách tương đối hài hòa.

Như vậy, qua ba ví dụ thực tiễn, có thể thấy rằng sự chuyển đổi chức năng mới dừng ở mức tối thiểu, tức là chuyển đổi tương đương hoặc gần tương đương, không gây xáo trộn lớn đối với cấu trúc bên trong của công trình ban đầu nên là một điểm thuận lợi cơ bản của công tác thiết kế thích ứng trong những trường hợp này, dù trong một dự án kết cấu buộc phải được gia cường ở mức độ nhất định khi việc nâng tầng (mở rộng theo chiều đứng) là sự lựa chọn duy nhất trong điều kiện không thể mở rộng theo chiều ngang do giới hạn diện tích khuôn viên khu đất. Về ngôn ngữ kiến trúc, cả ba công trình sau cải tạo đều theo phong cách hiện đại và cố gắng giữ lại những nét nhận diện ban đầu, có thể để lộ trực tiếp hoặc vẫn rõ qua một vỏ bọc kính nhạt màu. Đối với những trường hợp cải tạo thích ứng phức tạp hơn, khi công năng mới có sự khác biệt đáng kể so với công năng cũ, cần có thêm những thử nghiệm, tìm tòi và tổng kết.

Lời kết

Sử dụng thích ứng các công trình có ý nghĩa lịch sử và văn hóa cho một thời đại dù chỉ ngắn ngủi, đầy gian khó nhưng rất đáng nhớ và đầy tự hào, đánh dấu sự chuyển mình đi lên của đất nước sau giải phóng và sau chiến tranh như những năm 1954 – 1986 sẽ là một nhiệm vụ quan trọng và cũng là một trường hợp nghiên cứu thú vị cho bất kỳ một kiến trúc sư nào, khi phải tìm ra khoảng cân bằng giữa hai yêu cầu tưởng chừng trái ngược là “bảo tồn” và “phát triển”. Trong thực tế, sử dụng thích ứng còn là một nội hàm của phát triển bền vững về mặt vật lý, đặc biệt trên phương diện tiết kiệm vật liệu và giảm thiểu phát sinh chất thải rắn, cũng như bền vững về mặt xã hội, khi đem lại những niềm vui không hề nhỏ bên cạnh các tiện ích cho cộng đồng dân cư khi họ thấy công trình gắn bó với một thời tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm hay một thời tuổi trẻ hào hùng và sôi nổi của mình vẫn còn hiện diện trong lòng một xã hội hiện đại luôn biến đổi.

ThS. KTS. Nguyễn Đức Vinh
CBGD Bộ môn Kiến trúc Dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng

Nguồn

Bài viết liên quan

    AI, kiến trúc hình thái và phong thủy

    AI, kiến trúc hình thái và phong thủy

    09/08/23 170 0

    Trong thời đại công nghệ, trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ, sự kết hợp của lĩnh vực kiến trúc với công nghệ sinh học và dữ liệu môi...

    Khoa Học đằng sau Âm học - Tiêu Âm

    Khoa Học đằng sau Âm học - Tiêu Âm

    17/04/22 252 0

    Giải pháp âm học trong thiết kế văn phòng: chúng ta đều biết rằng cần phải làm gì đó với nó để đảm bảo chất lượng cũng như sức khỏe và năng...

CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ

Update data ...