NGHIÊN CỨU
NGHIÊN CỨU
Sự giao thoa giữa một châu Âu hiện đại, lãng mạn và tinh tế với một phương Đông trầm mặc, sâu lắng đã tạo ra những hình ảnh đậm chất nghệ thuật của phong cách kiến trúc Đông Đương. Đó chính là sự hội tụ của ba yếu tố, bao gồm: Cái đẹp của nghệ thuật phương Đông dưới góc nhìn của người phương Tây, văn minh thời đại, giải pháp kiến trúc phù hợp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Tôi là một KTS yêu thích phong cách Đông Dương, xin chia sẻ góc nhìn cá nhân về phong cách này trong bài viết thay vì mổ sẻ chi tiết của từng yếu tố.
Khởi nguyên phong cách kiến trúc Đông Dương
Mỗi phong cách thiết kế đều được sinh ra trong một bối cảnh, không gian địa lý nhất định và phù hợp với đối tượng cụ thể. Phong cách kiến trúc Đông Dương (KTĐD) được hình thành vào đầu thế kỉ 20 bởi kiến trúc sư (KTS) người Pháp Ernest Hébrard (theo Wikipedia) khi xây dựng các công trình phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa, sau đào tạo cho các sinh viên thế hệ đầu trường Mỹ thuật Đông Dương.
Thực ra, ban đầu người Pháp “bệ” nguyên các công trình theo phong cách Tân cổ điển đang thịnh hành tại Châu Âu thời bấy giờ áp đặt vào xây dựng tại Viêt Nam như Nhà hát lớn Hà Nội, Bắc bộ Phủ (nay là Nhà khách Chính phủ)… Trong quá trình xây dựng, các KTS nhận thấy nhiều bất cập trong việc “sao chép” các công trình nổi tiếng tại quê nhà. Nơi đây là khí hậu nhiệt đới nóng ẩm gió mùa, vật liệu, tay nghề thợ Việt Nam cũng hoàn toàn khác so với châu Âu khí hậu ôn đới, các công trình được xây dựng phần lớn bằng đá, kĩ thuật xây dựng thì phát triển. Để giải quyết những bất cập đó, một phong cách kiến trúc mới được hình thành và gọi tên: Phong cách kiến trúc Đông Dương.
Phong cách kiến trúc Đông Dương ra đời trong bối cảnh như vậy, như một cách sáng tạo và thích ứng của người Pháp khi đến “xứ lạ”. Các không gian đều được tiếp cận trực tiếp với ánh sáng tự nhiên, cửa sổ rộng lớn hơn trong kính, ngoài chớp, tường biên xây bằng gạch dầy tối thiểu 330mm, sàn nhà thêm các lớp chống nồm ẩm, mái hiên rộng, vươn dài, lợp ngói cấu tạo nhiều lớp. Các giải pháp kiến trúc mới đó đã giúp công trình thông thoáng hơn, mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, hài hoà với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Về hình thức, các chi tiết trang trí được lấy cảm hứng từ kiến trúc truyền thống Việt Nam như mái đao, ngói âm dương các mô típ trang trí Phật giáo…
Có lẽ sẽ triệt để hơn nếu các chi tiết ấy không dừng lại ở “sao chép”, ví như các con sơn đỡ mái được làm bằng bê tông nhưng sao chép của kiến trúc gỗ, các cột, vì kèo sao chép kết cấu đình chùa chỉ dừng ở trang trí, không tham gia chịu lực, chẳng để làm gì cả. Nhưng phong cách kiến trúc nào mà không mang trong mình những ưu, nhược điểm?! Thời gian qua đi, qua hàng ngàn công trình, ưu điểm của phong cách này được kế thừa, nhược điểm dần dần được khắc phục tinh tế hơn dưới góc nhìn của người đương đại.
Dòng chảy phong cách kiến trúc Đông Dương
Len lỏi trong từng góc phố Đông Dương hơn một trăm năm với nhiều thăng trầm, như chính những thăng trầm lịch sử của bán đảo này, phong cách kiến trúc Đông Dương được các KTS Việt Nam phát triển tiếp đến những năm 1940 – 1950, sau đó bị gián đoạn bởi phong trào kiến trúc hiện đại do các thế hệ du học sinh trở về từ Nga và các nước Đông Âu thiết kế. Đầu những năm 2010, phong cách kiến trúc Đông Dương bật quay lại phát triển mạnh mẽ, bất ngờ, vừa lạ mà lại quen với những biểu hiện mới đa dạng hơn.
Năm 2012, khu nghỉ dưỡng InterContinental Đà Nẵng được khánh thành đi vào sử dụng, công trình lấy cảm hứng từ văn hoá, nghệ thuật phương Đông, với các mái dốc nhấp nhô như những mái nhà cổ Hội An, tông mầu trầm dịu, các chi tiết trang trí mang lại cảm giác thuần Á Đông nhưng được sáng tạo biến hoá nhìn rất lạ, thoát được cảm giác “sao chép”. Công trình được nhiều du khách quốc tế yêu thích, tạo ra ngạc nhiên đối với các KTS trong nước và tác động mạnh mẽ đến những người yêu phong cách kiến trúc Đông Dương.
Nếu so sánh một cách máy móc thì công trình InterContinental Đà Nẵng chưa hẳn đã là phong cách kiến trúc Đông Dương, nhưng công trình đã thổi một cảm hứng mạnh mẽ cho các KTS bản địa quay lại nghiên cứu ứng dụng phong cách này.
Ngày nay, phong cách kiến trúc Đông Dương được áp dụng rộng rãi với nhiều biến thể tinh tế, đi đầu là các khu resort, nhà hàng, khách sạn, như một cách nhấn mạnh tính bản địa trong lĩnh vực du lịch, lữ hành. Riêng mảng nhà ở thì các KTS trẻ đã quay lại nghiên cứu các giải pháp kiến trúc Đông Dương, kết hợp công nghệ, tạo ra các công trình hiện đại, ấn tượng, phảng phất hơi thở Á Đông đương đại.
Nội thất lấy cảm hứng từ phong cách kiến trúc Đông Dương được duy trì liên tục hơn bởi các cá nhân ưa thích văn hóa Á Đông, đặc biệt là giới họa sĩ như Thành Chương, Bùi Hoài Mai… Cũng có nhiều biến thể về nội thất được các KTS áp dụng, cơ bản được chia thành 3 nhóm chính: Nhóm hoài cổ, thiên về sao chép các mô típ trang trí truyền thống Việt Nam, các chi tiết kiến trúc tân cổ điển Châu Âu; nhóm decor thiên về nghệ thuật sắp đặt Á Đông, không gian thông thoáng, mộc mạc, với tông màu trầm ấm; nhóm sáng tạo thiên về tinh thần Á Đông, các chi tiết đã được cách điệu triệt để, phù hợp với cuộc sống năng động hiện đại.
Bồi đắp và suy ngẫm về một “VietNam Style”
KTS người Pháp thời điểm đầu thế kỷ 20 đã ứng xử văn minh, có trách nhiệm và để lại cho chúng ta không chỉ là những di sản vật chất mà cả những bài học quý báu, những cơ sở lý thuyết đã được chứng minh bằng các công trình thực tế. Thiết nghĩ, Hội KTS Việt Nam có thể tham khảo để bồi đắp thêm cho nền tảng lý thuyết thuyết kiến trúc “VietNam styte” trước bối cảnh kiến trúc nước nhà đã và đang đạt được những thành tựu khiêm tốn, chưa liên tục, mới dừng lại ở một số cá nhân, thực trạng chung thì vẫn “đang trăm hoa đua nở”, nặng về sao chép, thiếu chọn lọc với một cơ sở lý thuyết mơ hồ, nhiều thông tin nhưng thiếu sâu sắc.
Đại dịch Covid 19 mang đến những xáo trộn trong cuộc sống nhưng cũng cho chúng ta khoảng thời gian lắng đọng, để suy ngẫm về những gì chúng ta đã, đang và sẽ làm. Nó buộc chúng ta thay đổi cách tư duy về kiến trúc. Những thập kỉ vừa qua con người đã xây lên các TP ngày càng áp lực, tiêu thụ năng lượng nhiều hơn, mất cân bằng, thiếu không gian để thở, nhiều đô thị như “những khu rừng già bằng bê tông cằn cỗi”, con người ngày càng gặp nhiều hiểm nguy về môi trường, sống thiếu an yên trong chính ngôi nhà, quê hương của mình. Đây là lúc chúng ta cùng thế giới tư duy lại kiến trúc, tạo dựng cho mình một phong các kiến trúc riêng có bản sắc, phát triển bền vững. Tôi thiết nghĩ không nhất thiết phải “sao chép” bất cứ cái gì, cũng không cần phải “vay mượn” một phong cách nào trong quá khứ hoặc “bệ” nguyên cái đang thịnh hành ở một đất nước khác về áp đặt cho chúng ta. Ông cha ta đã để lại nhiều bài học quý báu trong xây dựng, sống hài hòa với thiên nhiên, truyền thống và bản sắc chính là điều khiến chúng ta trụ vững suốt hàng ngàn năm qua. Sao không lấy đó làm “chất liệu”, là nguồn cảm hứng giúp chúng ta trở lên khác biệt trong một thế giới kiến trúc đầy đa dạng.
Đã bao giờ bạn tự hỏi trong tương lai người Việt sẽ sống trong các không gian, ở trong các thành phố như thế nào chưa? Nếu xây dựng một nền kiến trúc cân bằng, lấy tư tưởng Á Đông làm nền tảng phát triển.Tôi nghĩ có hằng hà, sa số yếu tố cân bằng trong kiến trúc, nhưng điều quan trọng là chúng ta tư duy phát triển trên nền tảng cân bằng.
-
Cân bằng giữa con người với thiên nhiên
-
Cân bằng giữa tự nhiên với công nghệ
-
Cân bằng giữa phát triển với truyền thống
-
Cân bằng giữa toàn cầu với bản sắc
-
Cân bằng giữa không gian chung và riêng
-
Cân bằng giữa không gian động và tĩnh
-
Cân bằng giữa đô thị hóa với gìm giữ di sản hiện hữu
Đã đến lúc chúng ta là chính mình. Chúng ta cần khác biệt. Bây giờ hoặc không bao giờ, cái chúng ta làm hôm nay là hiện tại nhưng tương lai là lịch sử, di sản cho thế thệ tiếp theo.
J.S tổng hợp từ KTS Nguyễn Văn Sinh - Tạp Chí Kiến Trúc
Bài viết liên quan
Đường cong – Dòng chảy mềm mại trong thiết kế đồ nội thất
Khám phá việc tái sử dụng vật liệu của những ‘kiến trúc ngắn hạn’
Creative Hub – Trung tâm sáng tạo mô hình và các bài học kinh nghiệm
AI, kiến trúc hình thái và phong thủy
Mặt trái của năng lượng tái tạo: Các tấm năng lượng mặt trời và chất thải độc hại từ chúng
Khoa Học đằng sau Âm học - Tiêu Âm
CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ
Các kiểu phối màu dành cho dân thiết kế
Đường cong – Dòng chảy mềm mại trong thiết kế đồ nội thất
Ảnh hưởng của màu sắc lên không gian trong phim
Những lưu ý khi dùng đồ đạc trong nhà để giảm nguy cơ cháy nổ
Xây dựng một bể bơi trong sân nhà: Thiết kế và công năng
Xu hướng của tương lai ẩn mình trong kiến trúc hiện đại
Những ô cửa kính màu nghệ thuật dưới góc nhìn đương đại
Nước trong kiến trúc – Vẻ đẹp đậm chất thơ
Cách tính kích thước cầu thang khi xây nhà
Xu hướng phòng khách chìm – Điểm trũng ấm cúng
Khám phá việc tái sử dụng vật liệu của những ‘kiến trúc ngắn hạn’
Tại sao chất liệu đồng thau lại được ứng dụng nhiều trong các sản phẩm nội thất
Creative Hub – Trung tâm sáng tạo mô hình và các bài học kinh nghiệm
Copyright © 2020 - Bản quyền thuộc về Jade Swan
Người online: 199 | Tổng lượt truy cập: 9,764,360