NGHIÊN CỨU
NGHIÊN CỨU
Góc nhìn từ các đô thị lớn trên thế giới về chất lượng không khí bên trong các tòa nhà
Tháng 9/2019, ứng dụng Air Visual – ứng dụng đo đạc chỉ số chất lượng không khí (AQI) theo thời gian thực cảnh báo mức độ ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam đang ở ngưỡng màu đỏ, tiệm cận ngưỡng màu tím (ngưỡng có hại cho sức khỏe) với chỉ số AQI rất cao. Cũng theo ứng dụng này, Hà Nội là thành phố ô nhiễm đứng thứ 7 toàn cầu. Đến lúc này, vấn đề về chất lượng không khí tại Việt Nam chính thức trở thành mối quan tâm hơn bao giờ hết. Nhưng dường như, chúng ta chỉ tập trung vào chất lượng môi trường bên ngoài mà bỏ quên chất lượng không khí bên trong các tòa nhà.
Thực tế, chất lượng không khí trong nhà còn đáng lo ngại hơn nhiều so với môi trường bên ngoài. Theo nghiên cứu của Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ ( United States Environmental Protection Agency – viết tắt là EPA) cho thấy, ô nhiễm không khí trong nhà là vấn đề được đánh giá nghiêm trọng và có mức độ gây tử vong cao nhất, vì có tới 80% – 90% hoạt động của con người diễn ra trong nhà. Không khí kém chất lượng có thể gây những ảnh hưởng tức thì như đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, kích ứng mắt, dị ứng mũi và đau họng.
Vậy “Chất lượng không khí trong nhà” là gì?
“Chất lượng không khí trong nhà” (Indoor Air Quality – viết tắt là IAQ) được Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ định nghĩa là chất lượng không khí bên trong và bao quanh các tòa nhà và công trình kiến trúc, đặc biệt khi nó liên quan tới sức khỏe và sự thoải mái của dân cư bên trong công trình.
IAQ có thể bị ảnh hưởng bởi các chất khí (bao gồm cacbon mônôxít, radon, hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, hay còn được gọi là VOCs – Volatile Organic Compound), được tìm thấy trong các vật dụng văn phòng hàng ngày như khăn giấy, mực in, chất tẩy rửa cửa sổ, bút dạ khô và nội thất mới… hoặc từ khói thuốc và các chất gây kích ứng do con người mang đến, tiếp tục sử dụng và thải ra chúng hàng ngày.
Ngoài ra, IAQ còn bị ảnh hưởng bởi các loại hạt trong không khí, chất gây ô nhiễm vi sinh (mốc, vi khuẩn), hay bất kỳ tác nhân gây căng thẳng nào về mặt khối lượng hoặc năng lượng mà có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như phóng xạ, ánh sáng…
Góc nhìn từ các nước phát triển về chất lượng không khí bên trong công trình
1. Nhật Bản với “Hội chứng nhà bệnh” vào những năm 1995
Nhiều thập kỷ trước, khi máy điều hòa không khí chưa được sử dụng nhiều, mùa hè ở Nhật Bản thường mở cửa sổ để thông gió. Tuy nhiên, sau thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao, ô nhiễm không khí và hiện tượng đảo nhiệt dần trở nên nghiêm trọng hơn, điều hòa không khí cũng trở nên phổ biến. Mặt khác, nhằm tiết kiệm năng lượng, các biện pháp cải thiện hiệu suất của máy điều hòa, cách nhiệt và độ kín của tòa nhà đã được áp dụng, thông gió tự nhiên hầu như không còn. Cùng với đó, vật liệu nội thất như sàn, tường và trần nhà cũng thay đổi từ tự nhiên thành nhân tạo như nhựa tổng hợp, gây ảnh hưởng đến không khí. Hàng loạt các hội chứng xây dựng bệnh và hội chứng nhà bệnh xuất hiện với các bệnh như nhức đầu, chóng mặt, sổ mũi và khó chịu xảy ra trong các tòa nhà và nhà mới xây.
Đứng trước điều đó, vào năm 2003, chính phủ Nhật Bản đã ban hành “Quy định của Luật tiêu chuẩn Xây dựng về Vật liệu Nội thất và Vật liệu Xây dựng” và được thực thi từ ngày 1 tháng 7 năm 2003.
Theo đạo luật này, các công trình xây dựng bắt buộc phải lắp đặt các thiết bị thông gió và thay thế tất cả không khí trong phòng cứ sau hai giờ. Hạn chế sử dụng vật liệu xây dựng phát thải formaldehyd và các tác nhân khác. Đối với nhà có gác mái, cần cung cấp thêm thông gió với thiết bị thông gió cơ học.
Chính sách nhằm thúc đẩy phát triển các thiết bị lọc khí, sau đó các hội chứng nhà bệnh gần như đã chấm dứt hoàn toàn tại Nhật Bản. Và giờ đây, Nhật Bản là một trong số các nước tiên phong về các thiết bị lọc khí và kháng khuẩn với công nghệ tiên tiến nhất thế giới.
2. Singapore và quy định bắt buộc về Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng không khí IAQ SS 554:2009
Singapore là quốc gia nhỏ bé với dân số chỉ 5,6 triệu người với những bất lợi về tự nhiên (không có tài nguyên thiên nhiên nào khác ngoài nhân lực) nhưng lại được đánh giá là một trong những nền kinh tế đáng chú ý nhất trên hành tinh. Đặc biệt, Singapore được công nhận rộng rãi vì những thành tựu về môi trường và được coi là mô hình của đô thị đáng sống và bền vững.
Điều gì là giúp Singapore làm được điều này?
Singapore là một nước có ngành công nghiệp phát triển mạnh với chủ yếu các hoạt động công nghiệp nặng như hóa chất, điện tử và luyện kim và là trung tâm lọc dầu lớn nhất của châu Á (lớn thứ ba thế giới). Mặc dù Singapore chỉ chiếm 0,39% tổng lượng khí thải châu Á ( Ohara et al., 2007; tổng hợp phát thải sáu chất gây ô nhiễm từ 25 quốc gia châu Á năm 2000), nhưng chia tỷ lệ trung bình đầu người thì Singapore lại là nước đứng thứ 2 Châu Á về lượng khí thải.
Năm 2008, Singapore trở thành một trong những quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới áp dụng các quy tắc xây dựng “xanh” bắt buộc. Các công trình xây dựng tại đất nước này buộc phải đạt các tiêu chuẩn về công trình xanh do chính phủ quy định mới được phép đi vào hoạt động. Và một trong các tiêu chuẩn quan trọng nhất là quy định về IAQ. Tiêu chuẩn IAQ của Singapore có thể so sánh với các tiêu chuẩn IAQ quốc tế khắt khe nhất (như Tiêu chuẩn ASHRAE 62.1).
Các quy định này buộc nhà thiết kế và nhà thầu phải xây dựng hệ thống điều hòa không khí và thông gió cơ học (ACMV) theo Quy định kiểm soát tòa nhà và Quy tắc thực hành tiêu chuẩn Singapore về thông gió cơ khí và điều hòa không khí trong nhà (gọi tắt là “SS CP 13: 1980”). Ngoài ra, các quy định về bảo trì ACMV được điều chỉnh bởi Luật Sức khỏe Cộng đồng, Môi trường, Luật Xây dựng và Tài sản chung (Bảo trì và Quản lý) và Luật Đất đai (Strata). Nhà thiết kế, nhà thầu, chủ đầu tư, chủ sở hữu tòa nhà và tập đoàn quản lý cũng có thể phải chịu trách nhiệm với công nhân, người dân và những người sử dụng cơ sở khác khi có các thương tích liên quan đến chất lượng không khí trong nhà (IAQ) theo các nguyên tắc chung của hợp đồng và quy định.
Kết luận
Chất lượng không khí trong nhà đã trở thành một trong những mối quan tâm lớn nhất về môi trường và sức khỏe tại các thành phố lớn. Ngoài các thành phố đã nêu trên, một số thành phố lớn khác như Los Angeles, New York và Mexico City… cũng đã có những chính sách và giải pháp nhằm giảm đáng kể mức độ ô nhiễm IAQ mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của họ.
Tại Việt Nam, vấn đề chất lượng không khí bên trong các tòa nhà vẫn chưa được chú trọng nhiều. Chúng ta cần quan tâm hơn nữa để có những giải pháp hiệu quả và bền vững trong tương lai.
Theo Tạp chí Kiến Trúc
Bài viết liên quan
Đường cong – Dòng chảy mềm mại trong thiết kế đồ nội thất
Khám phá việc tái sử dụng vật liệu của những ‘kiến trúc ngắn hạn’
Creative Hub – Trung tâm sáng tạo mô hình và các bài học kinh nghiệm
AI, kiến trúc hình thái và phong thủy
Mặt trái của năng lượng tái tạo: Các tấm năng lượng mặt trời và chất thải độc hại từ chúng
Khoa Học đằng sau Âm học - Tiêu Âm
CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ
Các kiểu phối màu dành cho dân thiết kế
Đường cong – Dòng chảy mềm mại trong thiết kế đồ nội thất
Ảnh hưởng của màu sắc lên không gian trong phim
Những lưu ý khi dùng đồ đạc trong nhà để giảm nguy cơ cháy nổ
Xây dựng một bể bơi trong sân nhà: Thiết kế và công năng
Xu hướng của tương lai ẩn mình trong kiến trúc hiện đại
Những ô cửa kính màu nghệ thuật dưới góc nhìn đương đại
Nước trong kiến trúc – Vẻ đẹp đậm chất thơ
Cách tính kích thước cầu thang khi xây nhà
Xu hướng phòng khách chìm – Điểm trũng ấm cúng
Khám phá việc tái sử dụng vật liệu của những ‘kiến trúc ngắn hạn’
Tại sao chất liệu đồng thau lại được ứng dụng nhiều trong các sản phẩm nội thất
Creative Hub – Trung tâm sáng tạo mô hình và các bài học kinh nghiệm
Copyright © 2020 - Bản quyền thuộc về Jade Swan
Người online: 201 | Tổng lượt truy cập: 9,764,018