NGHIÊN CỨU
NGHIÊN CỨU
Trong quá trình thi công xây dựng, mái nhà thường nằm ở công đoạn cuối. Thi công xong phần mái là gia chủ có thể yên tâm tới 90%. Điều đó cũng như đóng một dấu ấn quan trọng cho một quá trình. Nếu chia một ngôi nhà làm ba phần: Móng nhà, thân nhà và mái nhà thì mái vẫn được ưu ái hơn cả. Không chỉ là một bộ phận của kiến trúc để che nắng che mưa, mái nhà còn có ý nghĩa hơn thế để chỉ về một nơi cư trú hay một khái niệm cao hơn về một sự sum họp, hạnh phúc quây quần.
Mái nhà – có tự bao giờ?
Nếu coi mái nhà là một bộ phận của “ngôi nhà” để che mưa nắng, thì có lẽ mái nhà có tự lâu lắm rồi, khi mà chưa có các khái niệm về khoa học xây dựng hay nghệ thuật kiến trúc. Từ xa xưa con người đã biết tìm những nơi trú ẩn và sinh hoạt trong các hang đá – đó chính là những mái nhà đầu tiên.
Và rồi sau đó, không thể phụ thuộc mãi vào thiên nhiên, những túp lều, những ngôi nhà… ra đời bằng bàn tay và khối óc của con người. Mái nhà và kiến trúc song hành cùng sự tiến bộ của cả nhân loại.
Suốt chiều dài lịch sử, kiến trúc đã thay đổi rất nhiều cùng khoa học công nghệ, xã hội; những mái nhà cũng thay đổi theo. Nhưng khát vọng, mơ ước về một mái nhà hoàn mỹ trên nhiều phương diện vẫn đeo đuổi con người.
Từ những mái nhà dân gian…
Trong kiến trúc dân gian Việt Nam, mái nhà khởi nguồn bằng những vật liệu có nguồn gốc thiên nhiên. Mỗi địa phương có một loại mái – một loại vật liệu đặc thù cho mái. Ở miền bắc có mái tranh, mái rơm – rạ, mái cọ… miền nam sử dụng nhiều lá dừa để lợp mái. Kết cấu khung mái là tre, gỗ với những liên kết mộng, chốt, hay thậm chí buộc bằng lạt tre (ở miền bắc), dây dừa (ở miền nam)… Những mái nhà này nguyên sơ này vẫn còn tồn tại ở nhiều vùng quê Việt Nam.
Mái nhà tiếp theo chính là mái ngói đất nung. Mái ngói đã trở thành một hình ảnh điển hình trong kiến trúc truyền thống Việt Nam. Mái ngói cùng hệ kết cấu khung gỗ là một sự kết hợp tuyệt vời của vật liệu với vật liệu, của kiến trúc và điêu khắc. Mái nhà dân gian có 4 mái hoặc 2 mái, các công trình nhà ở quy mô nhỏ thường là 2 mái. Tuỳ từng loại công trình mà mái ngói đi kèm với những chi tiết trang trí khác ở bờ nóc, bờ chảy, đầu đao, diềm mái… Nhiều hình tượng và những ước mơ, khát vọng của con người được lồng ghép vào những chi tiết trang trí trên mái hay ở hệ khung vì kèo gỗ
Thời gian đã minh chứng cho sự trường tồn về giá trị thẩm mỹ, bền vững và những yếu tố công năng phù hợp của mái ngói với khí hậu và tập quán con người Việt Nam. Mỗi nơi và mỗi thời kỳ có từng loại mái ngói và ngói khác nhau, tạo nên sự đa dạng, phong phú. Cho tới bây giờ, mái ngói vẫn không hề cũ.
… cho tới 1001 loại mái
Khi người Pháp vào Việt Nam, họ đã mang theo nhiều lối kiến trúc mới từ phương Tây. Những kiến trúc mới này, cùng vật liệu và kỹ thuật xây dựng hiện đại đã làm thay đổi bộ mặt đô thị Việt Nam. Nhiều hình thức mái mới đã xuất hiện, trong đó đáng kể nhất là mái măng-sác (mansard), lợp ngói ác-đoa (ardoise) ở những công trình công sở theo phong cách tân cổ điển. Những công trình này được thiết kế rất mẫu mực và còn lại khá nhiều. Điều kỳ lạ là cho tới bây giờ, hình thức mái này vẫn được sao chép lại khá nhiều cho đủ thể loại công trình với những kết cấu và vật liệu hoàn toàn khác.
Người Pháp đã cũng đã để lại một số lượng lớn các biệt thự ở các đô thị Việt Nam, mà bây giờ chúng ta vẫn thường gọi là biệt thự Pháp. Đa phần các biệt thự này sử dụng mái dốc lợp ngói với hệ kết cấu vì kèo gỗ kết hợp với tường thu hồi. Cũng là mái ngói nhưng hình thức mái biệt thự khá đa dạng trong mỗi phong cách kiến trúc khác nhau.
Đã có một thời kỳ, ở cả đô thị lẫn nông thôn; khi xi măng, sắt thép không còn hiếm nữa thì việc “bằng hoá” (đổ mái bằng) cái mái là một mục tiêu phấn đấu của mọi nhà. Không thể phủ nhận mái bằng – đổ bê tông kiên cố hơn mái ngói, bền vững hơn. Nhưng nếu xét toàn diện thì mái bằng không phải toàn ưu điểm. Mái bằng đổ bê tông thoát nước kém, hấp thụ nhiệt lớn… khả năng thích nghi với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều không tốt. Bên cạnh đó mái bằng có phần nào hạn chế thẩm mỹ công trình so với mái ngói, mái dốc.
Và cũng một thời kỳ, khi kinh tế khá giả, khi có điều kiện tiếp cận với thông tin thì người dân xây nhà tự đưa những kiểu mái mà họ thích vào ngôi nhà của họ. Kết quả có nhiều mái chóp, mái “củ hành”… và nhiều loại mái có kiến trúc xa lạ với khí hậu và văn hoá Việt Nam. Trong khi ở Hà Nội mái chóp dán ngói nhiều tới mức người ta mượn lời ca khúc của nhạc sỹ Phú Quang để hát: “Em ơi, Hà Nội chóp”; thì mái Nhà hát lớn được copy khắp nơi trên tỉnh thành phía Bắc, từ công sở tới nhà dân.
Bây giờ có tới 1001 loại mái khác nhau. Sự lựa chọn hình thức mái, vật liệu mái cho kiến trúc sư và cả chủ nhà là… thoải mái. Tuy nhiên, hiện nay vai trò của kiến trúc sư được đánh giá đúng mức hơn nên các dạng mái “quái chiêu”, mái “vô duyên”… cũng dần ít đi.
Phân loại mái nhà:
- Theo hình thức: Có hai loại là mái bằng và mái dốc
- Mái bằng: Mái nằm song song với phương mặt đất với độ dốc được coi như bằng 00, độ dốc đủ để thoát nước bề mặt, không có ý nghĩa tạo hình kiến trúc. Mái bằng có ưu điểm tạo được sàn có thể để các cấu kiện, vật dụng khác trên mái (bể nước…), dễ di chuyển, thao tác trên mái khi có sự cố.
- Mái dốc: Mái được tạo với phương ngang một góc nhất định. Tuỳ loại vật liệu lợp mái và vật liệu khung mái cùng độ rộng diện tích che phủ mà mái có độ dốc khác nhau. Mái nhà tranh, tre, nứa, lá có độ dốc từ 33-450, mái ngói trong kiến trúc dân gian truyền thống có độ dốc từ 30-330, mái nhà Rông Tây Nguyên dốc tới 70-800, mái tôn có độ dốc thấp hơn – khoảng 12-150. Các loại vật liệu lợp mái ở mái dốc cũng có những hệ kết cấu tương ứng. Nếu vật liệu lợp mái là tranh thì sử dụng kèo tre, lợp ngói thì ứng với kèo gỗ, mái tôn được sử dụng với hệ kèo thép… Mái dốc về cơ bản khó di chuyển, thao tác trên bề mặt và không tận dụng được diện mái như mái bằng. Mái dốc góp phần tạo hình kiến trúc.
- Theo kết cấu:
- Mái bê tông cốt thép: Là mái được đổ bê tông toàn khối hoặc lắp ghép những cấu kiện bê-tông (panel). Mái bê tông cốt thép có ưu điểm bền vững, chịu tải tốt nhưng nhược điểm là khó có khả năng tháo lắp khi cần di chuyển hay phá dỡ công trình.
- Mái khung (giàn) phẳng (với vật liệu tre-gỗ, thép): Là những dạng mái sử dụng kèo, vì kèo, tường thu hồi… chịu lực cùng các lớp kết cấu khác (tuỳ loại vật liệu lợp mái). Mái ngói có các lớp kết cấu: Vì kèo, hoành, rui, mè (hoặc vì kèo, xà gồ, cầu phong, litô), mái tôn có các lớp: vì kèo, xà gồ… Loại mái này dễ tháo lắp các cấu kiện.
- Mái giàn không gian (hay còn gọi là giàn thép không gian): Hiện nay mái dàn không gian được sử dụng nhiều trong các công trình cần không gian lớn như ga hàng không, triển lãm, sân vận động, nhà thi đấu… Giàn không gian cho phép vượt được những nhịp lớn và khá linh hoạt trong giải pháp tổ hợp hệ khung cũng như việc tháo lắp, di chuyển.
- Mái có kết cấu đặc biệt: Các dạng mái kết cấu vỏ mỏng, dây treo…
- Theo vật liệu:
Có thể phân loại theo vật liệu lợp mái hay kết hợp cả vật liệu của kết cấu chịu lực mái: Ví dụ như mái bê tông, mái ngói, mái kính, mái thép – kính, mái gỗ – kính, mái bê tông – ngói… Hiện nay trên thị trường các loại ngói và tấm lợp mái rất đa dạng. Việc lựa chọn một hình thức mái và vật liệu mái cần dựa trên nhiều yếu tố: thẩm mỹ kiến trúc, kỹ thuật, kinh tế.
Mái nhà hay mặt đứng thứ năm của công trình:
Nếu quy một ngôi nhà hay một công trình kiến trúc về một hình không gian 3 chiều (3D) đơn giản nhất là một hình hộp, có 6 mặt – không kể 1 mặt đáy không nhìn thấy, thì mái nhà được coi là mặt đứng thứ 5. Nếu như ngày xưa khái niệm mái bằng chưa có thì rõ ràng mặt đứng nào của nhà cũng nhìn thấy mái (dốc). Nói một cách khác mái góp phần lớn trong việc tạo nên hình thức, hình dáng công trình. Chính vì vậy tương quan tỷ lệ mái với công trình, quan hệ chất liệu, màu sắc ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ chung của công trình. Ngày nay có nhiều công trình mái bằng – nhưng không có nghĩa là chúng không bị nhìn thấy. Trong đô thị hiện đại, điểm nhìn không chỉ là từ mặt đất. Khi ta đứng trên tầng cao của một toà nhà cao tầng, nhìn xuống ta sẽ thấy rõ ý nghĩa của mặt đứng thứ 5 như thế nào. Thậm chí, nhìn mặt đứng thứ 5 này có thể nhận biết ngay được trình độ quy hoạch, trình độ quản lý đô thị, mức sống và nhận thức… của cả một đô thị. Ở các đô thị Việt Nam hiện nay, nếu đứng ở điểm nhìn cao đó, ta có thể nhận thấy ngay là toàn mái tôn và bồn nước inox. Chỉ nói riêng khía cạnh thẩm mỹ điều đó thật đáng buồn. Hình ảnh mái tôn và bồn nước inox cho thấy một sự bế tắc trong cả khía cạnh sáng tạo kiến trúc và giải pháp kỹ thuật. Vì lẽ đó chăng mà nhiều khu đô thị mới bắt buộc các nhà biệt thự phải có kiến trúc mái dốc, mái ngói – để hạn chế mái bằng lợp tôn và bể inox??? Thế nhưng đó thuần là một mệnh lệnh hành chính chứ không phải cái gì thuộc về bản chất kiến trúc, bởi vì người ta vẫn có thể đặt được bồn inox lên mái dốc bằng bê tông.
Việt Nam là nước nhiệt đới, nóng ẩm mưa nhiều – là một điều kiện thuận lợi cho rêu mốc phát triển trên bề mặt kiến trúc, đặc biệt là mái. Việc lựa chọn và sử dụng một hình thức mái và vật liệu mái phù hợp không bao giờ là đơn giản.
Mái và chủ nghĩa biểu hiện trong kiến trúc:
Như phần trên đã đề cập: Mái góp phần lớn trong việc tạo nên hình thức công trình. Hình hài, đặc trưng của công trình, hình thái kiến trúc và cảnh quan tổng thể nhiều khi được thể hiện, biểu lộ phần lớn qua mái. Chính vì lẽ đó, từ xưa đến nay các kiến trúc sư vẫn dành nhiều tâm sức sáng tạo cho mái nhằm đạt được yếu tố thẩm mỹ nhất định cho công trình; và cao hơn là vươn tới một sự khái quát, tư tưởng cần biểu đạt. Chủ nghĩa biểu hiện trong kiến trúc ở trên thế giới cũng như Việt Nam cũng khai thác nhiều yếu tố này. Ở cả ý nghĩa vị trí và không gian (nằm trên cao nhất) và cả yếu tố tinh thần thì mái là bộ phận kiến trúc rất phù hợp để biểu hiện. Từ những kiến trúc dân gian truyền thống Việt Nam, trên các chi tiết mái, trên các hệ vì kèo kết cấu được trang trí các hoa văn, hoạ tiết thể hiện quan niệm, ước mơ, khát vọng của con người. Trên thế giới nhiều công trình có những hình thức mái độc đáo đã trở thành những kiệt tác kiến trúc của chủ nghĩa biểu hiện. Có thể kể tới công trình Nhà thờ Ronchamp (Pháp) của kiến trúc sư người Pháp Le Corbusier với mái nhà độc đáo – gợi nhiều liên tưởng tới những sự vật khác nhau; hay công trình Nhà hát Opera Syney (Australia) của kiến trúc sư người Đan Mạch Jorn Utzon với hình ảnh những cánh buồm (hay con sò) bên bờ biển…
Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhất là kết cấu xây dựng; một số công trình ở Việt Nam cũng đã có những hình thức mái độc đáo theo chủ nghĩa biểu hiện. Công trình Trung tâm Hội chợ triển lãm Hải Phòng (KTS Nguyễn Tiến Thuận) có mái giàn không gian như một cánh diều, hay con tàu. Công trình Trung tâm hội nghị Quốc gia (KTS Meinhard von Gerkan và KTS Nikolaus Goetze – Đức) với mái cách điệu từ hình tượng sóng Biển Đông…
Những xu hướng gần đây và tương lai
Những năm gần đây, sau khi đã chán mái bằng bởi sự cứng nhắc, người ta đã trở lại nhiều với mái dốc với mục đích tìm kiếm một sự duyên dáng, hay một tinh thần dân tộc. Mái dốc được sử dụng khá nhiều, thậm chí với cả nhà cao tầng. Tuy nhiên, sự nguyên bản hầu như không còn nữa. Hệ kết cấu kèo gỗ ít được sử dụng, thay thế vào đó là mái bê tông dán ngói, hay hệ khung thép lợp ngói, phủ tấm lợp. Những công trình quay trở về với đúng “thức” mái dốc truyền thống, kể cả với những vật liệu tự nhiên như tranh tre, lá dừa… phần nhiều là các công trình nhỏ không vĩnh cửu như nhà hàng, quán café…
Bên cạnh đó, với những vật liệu mới, kết cấu mới, công nghệ xây dựng hiện đại, nhiều dạng mái mới đã và đang được ứng dụng nhiều trong các công trình xây dựng từ quy mô nhỏ đến lớn. Mái kính được sử dụng khá nhiều để khai thác ánh sáng và hiệu quả không gian nội thất. Mái giàn thép không gian cũng đang được ứng dụng khá nhiều trong các công trình công cộng, công nghiệp.
“Mái xanh” hay “Vườn trên mái” là một xu hướng đang phát triển với tinh thần hướng tới thiên nhiên và tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên ở nước ta “mái xanh” vẫn chỉ là những mảng xanh nhỏ lẻ trên mái mang tính trang trí, chưa có nhiều nghiên cứu đầy đủ và đột phá ở khía cạnh kiến trúc – môi trường.
Sự trở về với kiến trúc truyền thống và niềm trăn trở của giới kiến trúc sư nói chung về một cái gọi là bản sắc kiến trúc là một điều đáng mừng, nhưng cũng tồn tại nhiều mâu thuẫn khi mà vật liệu và công nghệ vẫn đang ầm ầm tiến về phía trước.
Mái nhà, mái ấm và những giấc mơ
Từ xưa, cha ông ta đã rất coi trọng mái nhà. Mái nhà là yếu tố rất quan trọng của công trình và có ý nghĩa văn hoá cao. Trong quá trình thi công xây dựng, công đoạn thi công mái luôn được chú trọng – đặc biệt việc “cất nóc” được thực hiện với nghi lễ trang trọng. Lễ cất nóc là thời điểm đánh dấu công trình hoàn thành về mặt tinh thần.
Đã có nhiều ca dao tục ngữ nói về mái nhà hoặc có hình tượng mái nhà như: “Con không cha như nhà không nóc”, “Ngó lên nuột lạt mái nhà/ Bao nhiêu nuột lạt nhớ ông bà bấy nhiêu”…hay mượn mái nhà để nó về quan điểm sống: “Một mái nhà tranh hai trái tim vàng”…
Mái nhà vượt ra ngoài khái niệm là một thành phần, một bộ phận kiến trúc; mái nhà trở thành hình tượng, ý niệm về gia đình, về sự sum họp quây quần. Mái nhà là nơi trở về. “Chung một mái nhà” thể hiện một tình đoàn kết, tình cảm gắn bó và đồng thuận trong suy nghĩ. Mái nhà – mái ấm luôn là khát vọng muôn đời.
Mái nhà có lẽ cũng là “bộ phận kiến trúc” có mặt nhiều nhất vào thơ ca, âm nhạc..
Mái nhà đọng trong ký ức, đi vào giấc mơ, tiềm thức của mỗi con người…
“Dưới mái nhà
Một người đang ngủ
Mơ giấc mơ của những vì sao…”
(Giấc mơ – Văn Cao)
Bài và ảnh: KTS Nguyễn Trần Đức Anh
© Tạp chí kiến trúc
Bài viết liên quan
Đường cong – Dòng chảy mềm mại trong thiết kế đồ nội thất
Khám phá việc tái sử dụng vật liệu của những ‘kiến trúc ngắn hạn’
Creative Hub – Trung tâm sáng tạo mô hình và các bài học kinh nghiệm
AI, kiến trúc hình thái và phong thủy
Mặt trái của năng lượng tái tạo: Các tấm năng lượng mặt trời và chất thải độc hại từ chúng
Khoa Học đằng sau Âm học - Tiêu Âm
CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ
Các kiểu phối màu dành cho dân thiết kế
Đường cong – Dòng chảy mềm mại trong thiết kế đồ nội thất
Ảnh hưởng của màu sắc lên không gian trong phim
Những lưu ý khi dùng đồ đạc trong nhà để giảm nguy cơ cháy nổ
Xây dựng một bể bơi trong sân nhà: Thiết kế và công năng
Xu hướng của tương lai ẩn mình trong kiến trúc hiện đại
Những ô cửa kính màu nghệ thuật dưới góc nhìn đương đại
Nước trong kiến trúc – Vẻ đẹp đậm chất thơ
Cách tính kích thước cầu thang khi xây nhà
Xu hướng phòng khách chìm – Điểm trũng ấm cúng
Khám phá việc tái sử dụng vật liệu của những ‘kiến trúc ngắn hạn’
Tại sao chất liệu đồng thau lại được ứng dụng nhiều trong các sản phẩm nội thất
Creative Hub – Trung tâm sáng tạo mô hình và các bài học kinh nghiệm
Copyright © 2020 - Bản quyền thuộc về Jade Swan
Người online: 80 | Tổng lượt truy cập: 9,485,749