SẮP XẾP NHÀ CỬA

5 lưu ý khi làm sân vườn cho nhà phố

Đánh giá: (Tốt) (Báo cáo)

Sân vườn nhà phố thường chiếm 20-30% diện tích đất, đồng thời phải chú ý khâu chống thấm, thoát nước.

Thiết kế sân vườn cho nhà phố sẽ tận dụng được các "góc chết", giảm nắng gắt cho không gian phía trước, lọc không khí, cân bằng độ ẩm và tạo sự đa dạng về mặt kiến trúc.

Để sở hữu một khoảng sân vườn vừa đảm bảo công năng vừa phù hợp nhu cầu sử dụng, gia chủ cần lưu ý các yếu tố sau:

Vị trí

Đặc điểm của nhà phố thường là dạng ống, diện tích hạn chế, hẹp ngang và dài sâu. Vì vậy, sân vườn thường được bố trí một khoảng nhỏ phía trước, giữa hoặc sau nhà. Trường hợp diện tích đất lớn hơn, xây theo dạng biệt thự thì có thể làm sân vườn phía trước và ôm viền bên hông căn nhà.

Với những căn nhà phố diện tích nhỏ, gia chủ cũng cân nhắc đưa ở các vị trí như tầng thượng, dưới khu vực giếng trời, gầm cầu thang... để tiết kiệm diện tích.

Sân vườn giúp tăng thêm cảnh quan xanh mát cho ngôi nhà. Ảnh: Combo Home

Sân vườn giúp tăng thêm cảnh quan xanh mát cho ngôi nhà. Ảnh: Combo Home

Diện tích

Không gian lý tưởng để làm sân vườn thường từ 20-30% diện tích đất. Tuy nhiên, con số này có thể thay đổi linh hoạt, thêm hoặc bớt, tùy vào thực trạng ngôi nhà, điều kiện kinh tế và mong muốn của gia chủ.

Chú ý đến hạ tầng, cấp thoát nước

Ngay cả khi nhà đã có sẵn hệ thống cấp thoát nước nhưng khi làm sân vườn, gia chủ vẫn phải chú ý đến khâu chống thấm và phần đường ống thoát nước cho sàn. Với diện tích sàn càng lớn thì diện tích ống thoát nước cũng phải tăng theo.

Ví dụ: ống phi 60 mm có thể thoát nước cho diện tích mái 50-70 m2, còn ống phi 90 mm phù hợp với mái 70-100 m2.

Quy trình chống thấm cũng được áp dụng theo tiêu chuẩn riêng cho từng khu vực. Với ban công, thường thi công chống thấm 3-7 lớp. Trường hợp trước đó, gia chủ đã chọn vật liệu chống thấm tốt thì chỉ cần gia cố thêm 2-3 lớp. Lưu ý, trước khi chống thấm cần tiến hành vệ sinh sạch sẽ toàn khu vực.

Đối với sân thượng có thể làm 3-5 lớp, chú ý khi thi công phải phủ kín bề mặt sàn để đảm bảo hiệu quả, bảo vệ công trình. Ngoài ra, các lớp cần thi công theo hình chữ thập, vuông góc nhau. Đầu tiên, gia chủ phải chống thấm chân tường, gia cố bằng vữa chuyên dụng hoặc lưới polyester kết hợp sợi thủy tinh. Sau đó, quét chống thấm ra giữa sàn.

Ánh sáng

Cây muốn phát triển tốt thì không thể thiếu ánh sáng. Sân vườn nên được đặt ở những khu vực đủ nguồn sáng tự nhiên và gió lưu thông, điển hình như ban công, sân thượng, giếng trời.

Chọn cây trồng

Dựa theo công năng khu vườn như để trồng rau, cây ăn trái hay lấy bóng mát, chủ nhà có thể chọn các loại cây phù hợp. Với các khu vực trong nhà, có thể chọn loại cây chịu bóng như đỗ quyên, hồng môn, hoa trà, lan ý, thu hải đường hay trầu bà... Ở sân thượng và ban công, giống cây ưa nắng như hoa giấy, vạn tuế, trúc quân tử, cúc tần Ấn Độ...

Tuy nhiên, gia chủ không nên chọn loại cây quá to hoặc có bộ rễ phát triển mạnh, sẽ gây hư hỏng phần nền. Nếu trồng trong nhà, cây có tán rộng cũng không phù hợp, vì dễ che khuất tầm nhìn và mất nhiều thời gian tỉa cành, chăm sóc. Ngoài ra, cây trồng cũng phải phù hợp với phong cách thiết kế căn nhà, thích nghi tốt với địa hình, khí hậu của địa phương.

Theo KTS Đoàn Mạnh (từ Combo Home)

VnExpress

Bài viết liên quan

    Dọn nhà khi khách sắp gõ cửa

    Dọn nhà khi khách sắp gõ cửa

    31/10/22 159 0

    Đừng cố tổng dọn dẹp. Trong những tình huống khẩn cấp, bạn nên dẹp kế hoạch tổng vệ sinh ngôi nhà qua một bên. Theo Jenna Haefelin, đại diện tổ...

CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ

Update data ...