NGUYÊN LÝ THIẾT KẾ

Xu hướng của tương lai ẩn mình trong kiến ​​trúc hiện đại

Đánh giá: (Tốt) (Báo cáo)

Hình dung của con người về kiến trúc tương lai đã xuất hiện trong nhiều cuốn tiểu thuyết hay các bộ phim khoa học viễn tưởng. Ý tưởng về ô tô bay, khoang đi bộ, thành phố plugin…có vẻ xa vời so với hiện tại nhưng nó có thể là sự thật ở một cột mốc tương lai nào đó.

Với những tiến bộ về công nghệ và kinh tế hiện nay, một số thành phố dường như đã “chạm đến” tương lai. Những xu hướng kiến trúc dự kiến ​​​​có thể được nhìn thấy trong tương lai là:

Thành phố thông minh

Thành phố thông minh sử dụng khung công nghệ và dữ liệu để thực hiện các kế hoạch phát triển bền vững. Khi các nguồn tài nguyên ngày càng hạn chế và các thành phố bắt đầu thiếu những nhu cầu thiết yếu như nước sạch, điện…buộc chính phủ phải phát triển các chiến lược nhằm thay đổi tỷ lệ tiêu thụ và phân phối, quản lý tài nguyên một cách tối ưu.

Nông nghiệp chắc chắn sẽ xuất hiện trong các thành phố tương lai. Thực hiện phát triển nông nghiệp sẽ phân nhánh theo các hình thức khác nhau như canh tác thẳng đứng, canh tác trên sân thượng, canh tác cộng đồng,...

Nông nghiệp đô thị, vật liệu hiệu suất cao và thiết kế thích ứng với biến đổi khí hậu là những khái niệm có thể được nghiên cứu để phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Những nghiên cứu này sẽ giúp phân phối năng lượng, hợp lý hóa tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Một ví dụ tiêu biểu về đô thị thông minh hiện nay là thủ đô Copenhagen (Đan Mạch). Với dự án 'Kết nối Copenhagen', thành phố đã đầu tư thực hiện nhiều đề án hướng tới phát triển bền vững như kế hoạch giảm 10% thời gian di chuyển của người đi xe đạp và hành khách đi xe buýt vào năm 2018.

KienViet-xu-huong-cua-tuong-lai-an-minh-trong-kien-truc-hien-dai(1).jpg

Thủ đô Copenhagen (Đan Mạch) đã đầu tư thực hiện nhiều đề án hướng tới phát triển bền vững

Tiến bộ công nghệ

Trong tương lai, công nghệ chắc chắn sẽ song hành cùng kiến trúc để tạo nên sự thỏa mãn trong công năng và thăng hoa trong những giá trị thẩm mỹ. “Kiến trúc nhập vai” (Immersive architecture) là một khái niệm đang phát triển, trong đó khách hàng được đưa vào thế giới mô phỏng bằng công nghệ VR để trải nghiệm thiết kế của kiến ​​trúc sư. Điều này cho phép hình dung và sửa đổi các ý tưởng thiết kế dễ dàng hơn.

Phối cảnh 3D trong lĩnh vực thiết kế và kỹ thuật sẽ là bước ngoặt để tạo nên những bước tiến lớn. Ngoài công nghệ thực tế ảo VR, các nền tảng trực quan hóa khác cũng đã được đề xuất bao gồm AR (thực tế tăng cường) và MR (thực tế hỗn hợp).

Công nghệ không chỉ giúp hình dung ra tương lai mà còn giúp bảo tồn di sản của quá khứ. Các công trình kiến ​​trúc xưa có thể được lưu giữ nguyên vẹn sau những thăng trầm của năm tháng.

Trong lĩnh vực bảo tồn và tài liệu, phần mềm và công cụ được phát triển đã rất tiên tiến. Theo thời gian, những công cụ này ngày càng được tối ưu hoá và sẵn sàng được sử dụng bởi các nhà bảo tồn và nhà khảo cổ học.

ung-dung-cong-nghe-trong-linh-vuc-bat-dong-san-con-rat-phan-manh-1.jfif

Nhiều công nghệ mới ra đời để ứng dụng trong lĩnh vực kiến trúc tương lai

Phần mềm BIM (Building Information Modeling)

BIM được hiểu là một quy trình liên quan tới việc tạo lập và quản lý những đặc trưng kỹ thuật số trong các khâu thiết kế, thi công và vận hành các công trình (công trình ở đây có thể là công trình xây dựng hay các sản phẩm công nghiệp).

Thông tin do BIM tạo ra gồm 2 loại:

  • Thông tin hình học: các kích thước dài, rộng, cao, vị trí của cấu kiện trong công trình như cột dầm sàn ống nước, bồn tắm, bóng đèn, bàn ghế tủ,…
  • Thông tin phi hình học (data): thông tin phụ về các cấu kiện như hãng sản xuất, thời gian bảo trì bảo dưỡng, giá thành, nhà cung cấp,…

BIM không chỉ là nguồn lưu trữ và cung cấp thông tin công trình từ giai đoạn thiết kế, thi công đến quản lý vận hành mà còn là quá trình tạo ra và sử dụng nguồn thông tin để tạo nên một mô hình thực tế ảo của công trình, nhằm mục đích tối ưu hóa thiết kế, thi công, vận hành quản lý công trình.

Mặc dù BIM chưa được phổ biến trong trường học nhưng nó đang dần được ứng dụng nhiều hơn trong các công ty kiến trúc - xây dựng để tiết kiệm thời gian và đơn giản hóa công việc.

Hiểu biết một số phần mềm như Revit của Autodesk đã trở thành một yêu cầu thiết yếu trong thế giới kiến ​​trúc kỹ thuật số đang phát triển. Đại dịch tuy đóng băng nền kinh tế nhưng đã tạo ra nền tảng kỹ thuật số cho nhiều lĩnh vực và đã đẩy nhanh quá trình số hóa trên toàn thế giới.

KienViet-xu-huong-cua-tuong-lai-an-minh-trong-kien-truc-hien-dai.png

BIM là một quy trình liên quan tới việc tạo lập và quản lý những đặc trưng kỹ thuật số trong các khâu thiết kế, thi công và vận hành các công trình 

Phong cách Avant-Garde

Avant-garde là một từ tiếng Pháp, tiếng Anh có nghĩa là “advanced-guard”. Cụm từ này dùng để chỉ những tác phẩm nghệ thuật phá vỡ mọi ranh giới và thách thức khả năng chấp nhận của con người. Avant-garde là đại diện của sự liều lĩnh và kiến tạo tương lai. Sự thay đổi và sáng tạo không ngừng chính là chìa khóa để tiến về phía trước. 

Kiến trúc Avant-Garde xuất hiện từ nửa đầu thế kỷ XIX tại Châu Âu, sau đó lan dần sang Mỹ trong những năm bắt đầu của chiến tranh thế giới (1915). Bứt phá khỏi những quy chuẩn thiết kế thông thường, các kiến ​​trúc sư Avant-Garde hình dung và quy hoạch đô thị theo hướng tương lai.

Một số phong trào như modernism (chủ nghĩa hiện đại), brutalism (chủ nghĩa tàn bạo), constructivism (chủ nghĩa kiến ​​tạo phục vụ) đã mang đến một làn gió mới trong các mô hình thiết kế, trong khi các trường học như Bauhaus truyền dạy kiến thức về cấu trúc mới trong kiến ​​trúc.

Mặc dù các thiết kế như Thành phố Đi bộ của Ron Herron hoặc Thành phố Plugin của Peter Cook không tồn tại nhưng khả năng về việc xây dựng dự án kiến trúc phức tạp như vậy trong tương lai hoàn toàn có thể. Các kiến ​​trúc sư như Rem Koolhaas, Frank.O.Gehry, Walter Gropius là những người đã đưa phong trào hiện đại hoá tiến xa hơn thông qua các công trình quy mô. Theo một cách nào đó, sẽ không sai khi suy đoán về một làn sóng phong trào hiện đại hóa khác, nơi những thiết kế tương lai cũ có thể trở thành hiện thực.

 

KienViet-xu-huong-cua-tuong-lai-an-minh-trong-kien-truc-hien-dai.jfif

Ron Herron của Archigram đã tưởng tượng ra những thành phố khổng lồ trên những chiếc cột có thể di chuyển khắp thế giới vào năm 1964

Kiến trúc ứng phó trong dịch bệnh

Đại dịch COVID-19 bắt đầu vào cuối tháng 12 năm 2019 đã ảnh hưởng đến ngành xây dựng theo những cách chưa từng có tiền lệ. Khi cuộc sống bình thường đã trở lại cũng là lúc con người phải suy nghĩ lại về các chiến lược thiết kế của các công trình và thành phố. Tương lai sẽ cần có những cấu trúc và không gian có thể ứng phó với những tình huống khẩn cấp như vậy.

Các khía cạnh thể chất và hành vi sẽ ảnh hưởng đến thiết kế trong thời kỳ đại dịch, điều này cũng phải xem xét đến việc giãn cách xã hội, cách ly, cô lập…Không gian công cộng, đại sảnh hay bất kỳ khu vực tập trung đông người nào khác sẽ phải được thiết kế lại để duy trì khoảng cách an toàn. Các cơ sở y tế và các công xưởng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch cũng sẽ được xem xét thiết kế lại để đảm bảo an toàn hơn.

KienViet-xu-huong-cua-tuong-lai-an-minh-trong-kien-truc-hien-dai.jpg

Không gian công cộng, đại sảnh hay bất kỳ khu vực tập trung đông người nào khác sẽ phải được thiết kế lại để duy trì khoảng cách an toàn

Đô thị mở rộng theo chiều dọc

Đô thị hóa đã dẫn đến sự gia tăng mật độ dân số ở các thành phố và thị trấn lớn do hạn chế về đất đai. Quỹ đất sẵn có không đáp ứng được yêu cầu của người dân. Các vấn đề về hạn chế không gian và tắc nghẽn phải được giải quyết bằng một cách tiếp cận vấn đề triệt để và bền vững hơn.

Vì khó có thể mở rộng kiến trúc theo chiều ngang nên sự phát triển theo chiều dọc của các công trình xây dựng làm tăng khả năng sử dụng khi có thể chứa nhiều người hơn trên một đơn vị diện tích. 

Giải pháp thiết kế khu thương mại và giao thông vận tải ở tầng trệt và không gian làm việc cũng như khu dân cư ở tầng cao hơn có thể giúp phân phối và quản lý tài nguyên và an ninh.

KienViet-xu-huong-cua-tuong-lai-an-minh-trong-kien-truc-hien-dai(3).jpg

Sự phát triển theo chiều dọc của các công trình xây dựng làm tăng khả năng sử dụng vì có thể chứa nhiều hơn trên một đơn vị diện tích

Thiết kế tham số

Kiến trúc tham số là dạng kiến trúc mà đối tượng thiết kế (công trình hoặc đô thị) không còn là các đối tượng tĩnh, các mối quan hệ giữa tạo hình và công năng khá linh hoạt và được điều khiển bời một yếu tố đầu vào gọi là tham số.

Khi có những tham số khác nhau, hình dạng kiến trúc cũng biến đổi khác nhau, theo một hình thù bất kỳ nào đó, với một cảm xúc hay một ý đồ nào đó – sao cho  phù hợp với công năng, thẩm mỹ và hài hòa với cảnh quan xung quanh. Đơn vị cấu thành (cellular) thường là những hình học đơn giản như: hình tam giác, hình tròn, hình vuông, hình tổ ong, hay dạng lưới bất kỳ.

Kiến trúc Tham số tạo ra một hình khối kiến trúc có sự khác biệt một cách liên tục, tính mềm dẻo và tính linh hoạt được tận dụng triệt để. Cơ sở lý luận, logic và nền tảng cấu trúc ban đầu của những mô hình chứa tham số phức tạp này chính là hình học phi Euclide nói chung hay cụ thể là toán học Topo. Các cấu trúc được xây dựng bởi các kiến ​​trúc sư như Zaha Hadid và Frank.O.Gehry là những ví dụ tuyệt vời về thiết kế tham số trong thời điểm hiện tại.

KienViet-xu-huong-cua-tuong-lai-an-minh-trong-kien-truc-hien-dai(4).jpg

Kiến trúc tham số là dạng kiến trúc mà đối tượng thiết kế (công trình hoặc đô thị) không còn là các đối tượng tĩnh

Tương lai của kiến ​​trúc sẽ chuyển sang trọng tâm chính là giải quyết các vấn đề xã hội và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng tới sự phát triển bền vững- thân thiện với môi trường. Công nghệ tiên tiến sẽ là công cụ bổ trợ quan trọng để các nhà thiết kế để tìm giải pháp cho các vấn đề phổ biến.

Nguồn I Biên dịch: Thu Trang | Từ : Rethinking The Future 

Bài viết liên quan

    Tầng một nên cao bao nhiêu mét?

    Tầng một nên cao bao nhiêu mét?

    31/10/22 143 0

    Tầng một (trệt) nhà tôi cao 3,2 m nhưng một số người nói nên cao 3,6-3,9 m, tôi có nên yêu cầu bên thi công sửa không?

CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ

Update data ...