NGHIÊN CỨU

Creative Hub – Trung tâm sáng tạo mô hình và các bài học kinh nghiệm

Đánh giá: (Tốt) (Báo cáo)

Là thành viên của Mạng lưới các TP (TP) sáng tạo của UNESCO về lĩnh vực thiết kế, Hà Nội cần xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nhân lực và hoàn thiện các chính sách, chế tài hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo để phù hợp với danh hiệu trên. Trong đó, việc xây dựng mạng lưới các Creative Hub là vô cùng quan trọng. Những hình thức chính cho một Creative Hub là: Studio, trung tâm, mạng lưới, cụm nhóm, nền tảng Internet và các lựa chọn thay thế. Các trung tâm sáng tạo được định hình dựa trên nhu cầu và năng lực của các ngành công nghiệp sáng tạo và nền kinh tế địa phương. Các mô hình thành công có hai đặc điểm chung: Khả năng phục hồi và tính bền vững. Mỗi trung tâm sáng tạo cần phải xác định được giá trị cốt lõi của mình là gì và giá trị đó tạo được tác động như thế nào đối với cộng đồng xung quanh. Để tồn tại, duy trì hoạt động một cách bền vững và tạo được ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng thì việc có được một địa điểm và thiết kế phù hợp chính là chìa khóa. Cần xem xét một số mô hình sở hữu: Tư nhân, công và hợp tác công tư. Điểm hấp dẫn chính của các Creative Hub là việc có sẵn rất nhiều dạng không gian và đa dạng tiện ích giúp cải thiện điều kiện làm việc. Thẩm mỹ thiết kế của mỗi Hub ở ấn tượng đầu tiên cũng như những trải nghiệm hàng ngày là rất quan trọng. Một số mô hình thành công của thế giới cần được nghiên cứu và học hỏi như Impact Hub hay Nova Iskra. Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ và chương trình hành động cụ thể để thúc đẩy xây dựng TP sáng tạo đúng nghĩa trong thời gian tới.

“Creative Hub” những năm gần đây đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng toàn cầu. Hàng trăm không gian sáng tạo, nơi mọi người có thể thực hiện các hoạt động thiết kế, thử nghiệm, phát triển sản phẩm và đưa ra những ý tưởng mới đầy táo bạo,… đã xuất hiện trên khắp thế giới.

Tháng 10/2019, Hà Nội được UNESCO công nhận nằm trong Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO về lĩnh vực thiết kế. Từ đó, Hà Nội đứng trước cơ hội lớn trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo văn hóa; thúc đẩy cạnh tranh trong thu hút đầu tư; kích thích tái tạo đô thị; phát triển các chương trình giáo dục và sự kiện văn hóa gắn với tầm nhìn phát triển bền vững. Để xây dựng TP sáng tạo thì không thể thiếu một mạng lưới những nơi chốn dành cho sáng tạo và Creative Hub chính là những điểm nút trong mạng lưới đó.

Trong những năm qua, rất nhiều không gian sáng tạo được các tổ chức dân sự thành lập một cách chính thống và cả phi chính thống. Nhiều trong số những mô hình như vậy đã không tồn tại được lâu do thiếu kinh nghiệm và kiến thức để tạo lập một mô hình hoạt động, mô hình kinh doanh hiệu quả để có thể duy trì và phát triển một cách bền vững.

Do đó, việc nghiên cứu định vị chức năng hoạt động của mỗi trung tâm sáng tạo và học hỏi, phân tích các mô hình thành công trên thế giới cũng như tại Việt Nam là vô cùng cần thiết.

Khái niệm và phân loại Creative Hub

Theo định nghĩa do Creative HubKit đưa ra, “Creative Hub – Trung tâm sáng tạo là một nơi chốn, có thể là không gian vật lý hoặc không gian ảo, nơi tập hợp những người sáng tạo lại với nhau. Đó là nơi tụ họp, cung cấp không gian và hỗ trợ cho mạng lưới kết nối, thúc đẩy sự phát triển kinh doanh và sự tham gia của cộng đồng trong các lĩnh vực sáng tạo, văn hóa và công nghệ.”

Các trung tâm sáng tạo giúp tổ chức nền kinh tế sáng tạo, cho phép sự đổi mới và phát triển, đồng thời giúp các lĩnh vực liên quan đến sáng tạo tận dụng được các tiến bộ công nghệ, tăng khả năng tiếp cận công chúng và tạo điều kiện để tất cả mọi người cùng tham gia vào các hoạt động sáng tạo.

Các Creative Hub có thể được định hình theo rất nhiều kiểu khác nhau, một số dạng chính được giới thiệu ở hình sau:

  • Studio: Một tập thể nhỏ và/hoặc một doanh nghiệp nhỏ được thành lập trong một không gian làm việc chung (co-working space);
  • Trung tâm: Một tòa nhà rộng có thể có những cơ sở vật chật khác như café, bar, rạp chiếu phim, không gian sản xuất, cửa hàng, không gian triển lãm;
  • Mạng lưới: Một nhóm lan tỏa của những cá nhân hoặc công ty – thường trong một lĩnh vực hoặc nơi chốn cụ thể;
  • Cụm nhóm: Tập hợp của những cá nhân hay công ty làm về sáng tạo ở gần nhau trong một khu vực địa lý;
  • Nền tảng Internet: Chỉ sử dụng các phương thức mạng internet, các trang web và giao tiếp với khán giả ở nhiều địa điểm khác;
  • Lựa chọn thay thế: Định hướng thử nghiệm với các cộng đồng, lĩnh vực và mô hình tài chính mới.

Đa dạng các loại hình Creative Hub.

Cách phân loại này cũng nhằm bày tỏ mối quan tâm đối với sự đa dạng và chuyên môn hóa của các Creative Hub. Vai trò tiềm năng của các Creative Hub thể hiện sự sáng tạo bằng cách tạo ra và phát triển các cộng đồng cũng như khuyến khích những đổi mới thông qua các ngành công nghiệp sáng tạo. Tương tự như hoạt động của một cộng đồng, các Creative Hub được thành lập ở những nơi có chung lợi ích hoặc tiềm năng; do đó hệ thống này bị phân tán trên quy mô toàn cầu và các Creative Hub tồn tại dưới nhiều hình thức. Hơn nữa, các Hub thành công về các ngành công nghiệp sáng tạo kết nối ở cấp độ quốc tế, tức là họ tạo ra và thu hút mọi người từ các TP và quốc gia khác nhau bởi những cơ hội mà các Hub mang lại.

Chính những trường hợp thành công đi trước đã giúp cho những trung tâm mới có nhiều bài học kinh nghiệm để lựa chọn và hoàn thiện mô hình hoạt động phù hợp với hoàn cảnh riêng của mình.

Các trung tâm sáng tạo được định hình dựa trên nhu cầu và năng lực của các ngành công nghiệp sáng tạo và nền kinh tế địa phương. Mỗi trung tâm nằm trong một bối cảnh văn hóa cụ thể, hỗ trợ những hoạt động sáng tạo chuyên biệt và phát triển hệ giá trị của riêng mình.

Các mô hình thành công có hai đặc điểm chung: Khả năng phục hồi và tính bền vững. Các Trung tâm này hiểu các doanh nghiệp và những người sáng tạo làm việc trong môi trường của họ và có thể đáp ứng nhu cầu của những đối tượng đó. Nói cách khác, mỗi trung tâm sáng tạo cần phải xác định được giá trị cốt lõi của mình là gì và giá trị đó tạo được tác động như thế nào đối với cộng đồng xung quanh.

Mô hình hoạt động của mỗi Creative Hub phụ thuộc vào những đối tượng thụ hưởng được xác định trong kế hoạch kinh doanh. Tức là cần hiểu rõ những nhu cầu, động lực và các vấn đề của cộng đồng thụ hưởng bao quanh nó, từ đó thiết kế các hoạt động đáp ứng nhu cầu của cộng đồng một cách bền vững.

Các yếu tố cần xem xét để thiết kế một Creative Hub

Những Creative Hub được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của người dùng nhưng đồng thời cũng phản ánh mối quan tâm của đội ngũ sáng lập và mong muốn tạo được sự khác biệt với các Hub khác. Để tồn tại, duy trì hoạt động một cách bền vững và tạo được ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng thì việc có được một địa điểm và thiết kế phù hợp chính là chìa khóa.

Địa điểm:

Giá thuê thấp là yếu tố chính trong việc lựa chọn vị trí và trong khi các Hub thường được đặt ở những khu vực thành thị, cần nhớ rằng chi phí hàng tháng cho không gian làm việc có thể cao hơn trong các trung tâm TP. Một Hub có thể muốn ở gần một cộng đồng cụ thể hoặc trong các khu vực đang thiếu một ngành nhất định.

Sau đây là một số mô hình sở hữu không gian khác nhau cần được xem xét:

  • Sở hữu tư nhân – Không gian cho thuê hoặc sở hữu;
  • Hợp tác công tư – Hợp tác với cộng đồng địa phương hoặc chính quyền cấp TP;
  • Sở hữu công – Do khu vực công khởi xướng và tài trợ ở các mức độ khác nhau.

Thiết kế:

Điểm hấp dẫn chính của các Creative Hub là việc có sẵn rất nhiều dạng không gian, từ hình thức “hot-desking” (bàn làm việc chia sẻ) quy mô nhỏ dành cho các cá nhân đơn lẻ, đến các không gian rộng, nơi các công ty lớn hơn có thể tùy chỉnh để phù hợp với phong cách và nhu cầu của họ. Các không gian tổ chức sự kiện, phòng họp, không gian giao lưu hợp tác, cùng các quán cà phê và cửa hàng giúp cải thiện điều kiện làm việc. Thẩm mỹ thiết kế của mỗi Hub là rất quan trọng, dù là ấn tượng đầu tiên hay với những trải nghiệm hàng ngày. Nhiều Hub cho phép những người thuê dài hạn tùy chỉnh không gian của họ, tạo ấn tượng thị giác thú vị và bài trí theo các giá trị riêng của doanh nghiệp. Quá trình tìm kiếm phong cách thiết kế (đồ nội thất, đèn chiếu sáng,…) có thể mang tính sinh thái nhiều hơn nếu Hub có quan tâm định hướng việc gây tác động thấp đến môi trường.

Mô hình phát triển kinh doanh của Creative Hub.

Những mô hình Creative Hub thành công trên Thế giới

IMPACT HUB đã tạo ra được một mô hình tăng trưởng cho mạng lưới toàn cầu với 80 hub của họ:

  • Cơ sở hạ tầng làm việc: Tạo ra những không gian Co-working với thiết kế đầy cảm hứng, cung cấp các dịch vụ kinh doanh thiết yếu, một địa điểm hấp dẫn cho các sự kiện và các cuộc họp.
  • Hỗ trợ khởi nghiệp: Đào tạo kỹ năng kinh doanh, ươm mầm và thúc đẩy các dự án khởi nghiệp, các cơ hội kết nối;
  • Cộng đồng hợp tác: Tổ chức một cộng đồng đa dạng gồm các doanh nhân, những người hành nghề, nhà đầu tư và các tổ chức;
  • Hệ sinh thái tác động: Kết nối các nhân tố quan trọng trong nhiều lĩnh vực để hợp tác ứng phó với những thách thức chung;

Impact Hub, Madrid, Tây Ban Nha

Impact Hub, Madrid, Tây Ban Nha

Một ví dụ khác là NOVA ISKRA ở Belgrade, Serbia – một cơ sở và không gian làm việc sáng tạo đa chức năng với mô hình kinh doanh kết hợp:

  • Dịch vụ Co-working được đầu tư tối đa với thiết kế không gian đoạt giải thưởng, các dịch vụ dành riêng cho các cá nhân và theo nhóm, cùng các dịch vụ tổ chức sự kiện;
  • Nền tảng giáo dục: Tổ chức đào tạo, các khóa học, các bài giảng mở, cố vấn và nhiều chương trình đa dạng khác hướng tới các chuyên gia sáng tạo, doanh nhân và các công ty;
  • Giao tiếp trên tất cả các kênh, thiết kế trực quan và nội dung nhanh nhạy đóng góp vào hình ảnh tổng thể của Trung tâm, điểm rất quan trọng đối với hoạt động kinh doanh;
  • Mối quan hệ trong ngành: Nuôi dưỡng mối quan hệ với những doanh nghiệp đã chọn lọc;
  • Dịch vụ khách hàng: Các dịch vụ thiết kế được cung cấp cho nhiều khách hàng từ công ty khởi nghiệp đến công ty đa quốc gia;
  • Vận động chính sách và hiện diện truyền thông: Nuôi dưỡng các mối quan hệ với những bên liên quan của chính phủ và các tổ chức phi chính phủ, các phòng thương mại và các tổ chức khác;
  • Hợp tác quốc tế, quan hệ lãnh đạo quốc gia và khu vực;
  • Tăng trưởng nội bộ: Soi xét liên tục về tăng trưởng và văn hóa nội bộ.

Impact Hub, Belgrade, Serbia

Sơ đồ phức tạp (bên trái) giới thiệu mô hình hoạt động của Nova Iskra ngay từ đầu cuộc hành trình của họ trong khi sơ đồ đơn giản (bên phải) đại diện cho cấu trúc cốt lõi của họ đã được định vị rõ sau vài năm hoạt động với 4 thành phần chính:

  1. Không gian làm việc chung;
  2. Không gian cho thuê văn phòng nhỏ;
  3. Xưởng thử nghiệm;
  4. Hoạt động đào tạo;

Mô hình hoạt động của Nova Iskra,Belgrade, Serbia.

Kết luận và kiến nghị

Phát triển hệ thống Creative Hub là một xu thế toàn cầu không thể cưỡng lại, vì thế việc nghiên cứu các mô hình hoạt động từ lý thuyết tới thực tiễn của những dự án thành công đi trước trên thế giới song song với việc nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường để hiểu rõ hoàn cảnh của mình là vô cùng cần thiết đối với việc gây dựng những Không gian sáng tạo mới. Hà Nội cũng như các đô thị tiềm năng khác tại Việt Nam rất cần có những chính sách phù hợp để hỗ trợ, khuyến khích phát triển các dự án mới, khai thác thế mạnh công-tư, phát huy tiềm năng văn hóa sáng tạo dồi dào từ ngàn năm lịch sử của mình.

Cụ thể hơn, TP nên tận dụng những quỹ nhà, đất hay các cơ sở công nghiệp cũ đã di dời hoạt động sản xuất ra ngoại thành mà hiện chưa được sử dụng tới để chuyển đổi mục đích, hỗ trợ cho thuê giá rẻ với các doanh nghiệp, tổ chức muốn đầu tư phát triển các Creative Hub; điều chỉnh các qui định thông thoáng hơn để việc tận dụng, cải tạo các cấu trúc cũ còn sử dụng được một cách thuận lợi và vẫn đảm bảo an ninh, an toàn. Hà Nội nên đề xuất việc học hỏi và triển khai các mô hình đầu tư công để thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo như Thái Lan đã làm với hệ thống các TCDC (Trung tâm sáng tạo và thiết kế Thái Lan) nhằm bứt phá giá trị sản phẩm của Thái Lan nhờ vào nâng cấp thiết kế mẫu mã hàng hóa. Chúng ta cũng cần đưa các cơ sở sáng tạo vào qui hoạch phát triển đô thị, hướng tới hình thành những “quận sáng tạo”, “vùng sáng tạo”, hội tụ cơ sở vật chất đủ mạnh, đủ hấp dẫn để thu hút người làm sáng tạo ở nhiều địa phương trên cả nước cũng như các chuyên gia quốc tế đến làm việc.

Nguồn I Nguyễn Công Hiệp
ThS.Giảng viên, Khoa Kiến trúc, ĐH Kiến trúc Hà Nội

Bài viết liên quan

    AI, kiến trúc hình thái và phong thủy

    AI, kiến trúc hình thái và phong thủy

    09/08/23 97 0

    Trong thời đại công nghệ, trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ, sự kết hợp của lĩnh vực kiến trúc với công nghệ sinh học và dữ liệu môi...

    Khoa Học đằng sau Âm học - Tiêu Âm

    Khoa Học đằng sau Âm học - Tiêu Âm

    17/04/22 187 0

    Giải pháp âm học trong thiết kế văn phòng: chúng ta đều biết rằng cần phải làm gì đó với nó để đảm bảo chất lượng cũng như sức khỏe và năng...

    Tấm Tiêu Âm hoạt động như thế nào?

    Tấm Tiêu Âm hoạt động như thế nào?

    04/04/22 482 0

    Tấm tiêu âm cung cấp vật liệu tiêu âm hoàn hảo để giảm âm trong nhà hàng, văn phòng và nhiều không gian khác. Có rất nhiều thiết kế tiêu âm để lựa chọn...

CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ

Update data ...