NGHIÊN CỨU
NGHIÊN CỨU
Trong thời đại công nghệ, trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ, sự kết hợp của lĩnh vực kiến trúc với công nghệ sinh học và dữ liệu môi trường ngày càng chứng tỏ tính ưu việt. Nhưng điều làm nhiều nghiên cứu lý thuyết cũng như ứng dụng khoa học thời nay phải ngạc nhiên hơn, đó là sự “thông thái bản địa” của tiền nhân đã để lại những dấu ấn không thể phủ nhận trong chuyện chọn đất - cất nhà - bài trí nơi cư ngụ, với nhiều ví dụ mang giá trị tham khảo hữu ích.
Từ nhà vườn Kim Long (Huế) đến chùa Thầy (Hà Tây) luôn thấy nhiều các biểu hiện sâu sắc triết lý âm dương, phối kết ngũ hành, hòa hợp tự nhiên
Từ kiến trúc thời nay…
Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các phần mềm mô phỏng, các nhà thiết kế thời công nghệ mới đang thoát dần khỏi những yêu cầu đơn lẻ như kỹ thuật, thẩm mỹ hay trang trí thuần túy, mà hướng tới giá trị hiệu suất công trình. Tại các nền kinh tế hàng đầu thế giới, kiến trúc sư tiếp cận công việc thiết kế ngày càng khoa học và lý tính hơn. Thông số về kết cấu, kỹ thuật xây dựng, hiệu quả kinh tế… giờ đây đóng vai trò quan trọng, là “đầu vào” thiết yếu của quy trình thiết kế thông minh. Hệ thống dữ liệu được phân tích và tổng hợp, sau đó công trình được “ra hình hài” thông qua thuật toán và ứng dụng xử lý. Ngày càng thấy nhiều hơn công trình khởi điểm từ nghiên cứu về cấu trúc sinh học với trợ giúp của xử lý dữ liệu (như sân vận động Tổ Chim, Trung tâm thể thao Water Cube, cho đến các dự án bảo tàng ở Dubai) thực sự tạo nên một xu hướng mang tính toàn cầu, được thế giới gọi tên là kiến trúc hình thái học với hiệu quả như bền vững, tiết kiệm, công nghệ - kỹ thuật cao, vật liệu mới.
Gọi là “mới” là có ý so sánh với bản thân các xu hướng, phong cách thiết kế “cũ” có từ khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 1, thứ 2... ở các thế kỷ trước. Sự khác biệt cơ bản, nằm ở chuỗi công việc tạo ra hình thức công trình từ cơ sở nào, quan hệ và tính hệ thống của hình thức ấy ra sao. Khi dữ liệu đầu vào là thông tin (information) và hiệu suất (performance) càng đầy đủ thì AI (trí tuệ nhân tạo) hiện nay xử lý càng chính xác, gần hơn với các mong muốn của “đề bài”.
Các công trình kiến trúc hình thái học thường thúc đẩy sự sáng tạo hoặc ứng dụng vật liệu mới, cụ thể hóa thiết kế bền vững. Ví dụ như thuật toán chọn lựa một hình khối hoạt động hiệu quả hơn về mặt kết cấu, nhờ thế sử dụng ít vật liệu chịu lực cũng như chi phí hoàn thiện và sử dụng năng lượng hiệu quả, ngôi nhà sẽ rất tiết kiệm chi phí xây dựng và vận hành. Nghĩa là kiến trúc hình thái học với trợ giúp công cụ trí tuệ nhân tạo trực tiếp giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ngay từ cấu trúc ban đầu, như một sinh thể biết thích ứng để giảm thiểu tiêu tốn năng lượng.
Kiến trúc hiện đại thế giới hiện nay đề cao tư duy phân tích dữ liệu, thích ứng và xử lý năng lượng bền vững, hài hòa di sản hiện có với công trình xây mới
Quay về nếp nhà xưa
Triết lý của kiến trúc hình thái học, thật ra đối với văn hóa Á Đông là một dạng “bình mới rượu cũ”. Từ thế kỷ thứ IV trước công nguyên, Đạo Đức Kinh của Lão Tử đã nêu thuyết Vô Vi nói về sống thuận theo tự nhiên, giảm thiểu can thiệp vào tự nhiên, cùng tự nhiên tiến hóa. Hiểu theo triết lý này, kiến trúc nhà cửa của con người nếu được khởi lập từ môi trường tự nhiên, đáp ứng các yêu cầu tự nhiên và không có mục đích phi tự nhiên thì sẽ đạt được trạng thái hài hòa bền vững. Từ đó thuật phong thủy trong chọn đất - cất nhà phát triển và lan tỏa sâu rộng trong tâm thức cư dân Á Đông. Nhiều công trình cổ của Việt Nam đã thể hiện rõ tính “hình thái học” từ hàng thế kỷ trước. Hầu như đại đa số các công trình đình, chùa, nhà cổ có giá trị… đều có sự kết hợp hài hòa giữa tự nhiên và con người. Trong bối cảnh nền văn hóa lúa nước lâu đời, có các tín ngưỡng, biểu tượng, tôn giáo, văn hóa dân gian... đều tích hợp và biểu hiện dưới cấu trúc hệ trục, đa số xoay mặt về phía Nam có sơn thủy hòa hợp, cảnh quan giao hòa… giúp ngôi nhà truyền thống nhận được gió mát, tránh nắng nóng và điều chỉnh ổn định môi trường cư ngụ. Hình thức mái dốc, đỉnh mái cao giúp thoát nước mưa và lưu giữ nhiệt độ mát mẻ, hiên vươn rộng… là những ứng xử phù hợp với khí hậu nhiệt đới ẩm và không hề “thích thì làm” đơn thuần.
Tại các nếp nhà vườn Cố đô Huế, trong bối cảnh khí hậu nóng ẩm, nhiều mưa, người Huế xưa là bậc thầy trong xử lý nhà cửa đảm bảo sự thông thoáng, hòa hợp với môi trường. Từ cách bố trí sân vườn nhiều lớp, đóng mở nhịp nhàng, hạn chế gió lùa, giảm độ ẩm, tăng bóng đổ... cho đến hệ thống cổng, ngõ, bình phong, non bộ, bể cạn, và cả các loại cây trong nhà vườn Huế luôn biểu hiện sự gắn bó chặt chẽ, mát mẻ, hòa quyện, tạo ra một không gian thư giãn, hài hòa.
Chính vì thời chưa có “trí tuệ nhân tạo” mà nhà cửa làm được như vậy, nên các chuyên ngành hiện đại như kiến trúc cảnh quan, kiến trúc bền vững hiện nay đều khẳng định phong thủy là khoa học và triết lý về môi trường sống, trong không gian và thời gian cụ thể. Khi khảo sát thực địa, tất cả các trường phái phong thủy xưa nay đều liệt kê nhiều kiểu đất đai, nhà cửa đủ dạng tốt xấu. Trong đó điểm chung là nhà đất nên vuông vức, rộng rãi, bằng phẳng, có chỗ dựa sau, tầm nhìn thoáng trước, rồi gần nguồn nước sạch, đường sá thuận lợi, cây cối tốt tươi... nhằm tạo nên các điều kiện chung về nơi cư trú lý tưởng (Cát thổ trạch). Còn những hình thế nhà đất nào không đạt được vậy sẽ thành loại Hung thổ trạch, nội khí bất ổn, cư trú bất lợi. Những kinh nghiệm chọn lành tránh dữ như vậy luôn cơ bản và cần thiết, hữu dụng, và chỉ bị xem là mê tín, mơ hồ khi người thực hành áp dụng sai lệch, gán ghép phi lý, phản khoa học và bị trục lợi nhờ khai thác tâm lý bất an, thiếu hiểu biết của một bộ phận cư dân.
Xu hướng morphogenesis tiến hành theo quá trình “từ trong ra ngoài” để hiện thực hóa các ý tưởng được “lập trình”chứ không chỉ là “vẽ nên”
Nạp “dữ liệu” cho phong thủy hiện đại
Như vậy, kiến trúc hình thái học - morphogenesis, hôm nay thật ra là một phương pháp “số hóa” triết lý thiết kế Á Đông truyền thống theo những tiêu chuẩn và mô hình cụ thể thời hiện đại. Với sự trợ giúp của máy tính, những thành tựu vượt bậc trong kiến trúc tham số (parametric architecture) gần đây hầu hết được nghiên cứu phát triển trên các công cụ kỹ thuật số mà cha ông ta đã tượng hình trong hình ảnh kiến trúc truyền thống gắn kết với cảnh quan, môi trường thiên nhiên. Kiến trúc sư không còn là người “đưa ra hình khối” dựa vào kinh nghiệm và cảm quan cá nhân, mà thành người “điều khiển các quá trình xác định hình khối” một cách hệ thống và minh bạch, với kết quả cuối cùng không của cá nhân đơn lẻ người thiết kế, mà sản phẩm được kiểm soát ngay từ đầu và xuyên suốt các công đoạn. Quy trình thiết kế này còn loại bỏ được kiểu tư duy “mình thích thì mình làm” mang tính áp đặt cá nhân, ngẫu hứng và khó kiểm soát, giúp giải các bài toán kinh tế, kỹ thuật - năng lượng ngay từ đầu, và điều chỉnh phương án nhanh chóng, chính xác hơn rất nhiều so với kiểu tư duy trước đây vốn hay gọi thiết kế kiến trúc là “sáng tác” mang nhiều cảm tính. Trong bối cảnh Việt Nam, kiến trúc hình thái học có thể được sử dụng để tiếp nối tinh thần kiến trúc truyền thống, trên cơ sở xem xét các yếu tố bền vững và sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm, hiệu quả.
Còn nếu xét riêng trong giới hạn phong thủy ứng dụng cho người dân, những ai chưa thấu hiểu chuyên môn hoặc văn hóa truyến thống, thì mục tiêu cần hướng tới chính là nhận thức về môi trường, và ứng xử nhân văn. Một thế đất, một kiểu nhà được xem là tốt về phong thủy với người này nhưng lại có thể không hợp với người khác (tùy theo quan niệm sử dụng, tuổi tác, nhu cầu, thời điểm…). Nhưng về mặt tâm lý sở hữu, tham lam chiếm đoạt, giành giật… nếu ai cũng muốn nhà đất của mình phải tốt phải lợi, thì phong thủy hay khoa học hiện đại nào đi chăng nữa cũng sẽ bị biến tướng, suy thoái. Khái niệm văn hóa - triết lý về nơi an cư khi đó sẽ bị hiểu và hành xử sai lệch thành “phương tiện phục vụ” cho các nhu cầu, tham vọng tư lợi, thậm chí bất chấp các lợi ích môi trường, cảnh quan, xã hội.
Càng nhắc tới trí tuệ nhân tạo, càng ngạc nhiên trước năng lực xử lý và đáp ứng thông tin của các ứng dụng, thuật toán hiện đại, thì “người tiêu dùng có ý thức” càng cần trang bị cho mình kiến thức về văn hóa và môi trường, kỹ năng chọn lọc, sử dụng dữ liệu, và cốt lõi nhất là ý thức đúng đắn về nơi cư trú bền vững.
Hình thái học kiến trúc và AI chắc chắn trong tương lai gần sẽ phổ biến sâu rộng và thành công cụ để tối ưu hóa công việc thiết kế, tăng năng suất và độ chính xác. Nhưng để có những ngôi nhà - công trình bền vững và nhân văn thì mọi công cụ đều cần đến phần cốt lõi, phần con người nắm giữ và vun xới bao đời, đó là sự thức tỉnh, trí tuệ, và lòng nhân.
ThS. KTS Hà Anh Tuấn - Ảnh: Khánh Phương (nguồn)
Bài viết liên quan
Đường cong – Dòng chảy mềm mại trong thiết kế đồ nội thất
Khám phá việc tái sử dụng vật liệu của những ‘kiến trúc ngắn hạn’
Creative Hub – Trung tâm sáng tạo mô hình và các bài học kinh nghiệm
Mặt trái của năng lượng tái tạo: Các tấm năng lượng mặt trời và chất thải độc hại từ chúng
Khoa Học đằng sau Âm học - Tiêu Âm
Tấm Tiêu Âm hoạt động như thế nào?
CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ
Các kiểu phối màu dành cho dân thiết kế
Đường cong – Dòng chảy mềm mại trong thiết kế đồ nội thất
Ảnh hưởng của màu sắc lên không gian trong phim
Những lưu ý khi dùng đồ đạc trong nhà để giảm nguy cơ cháy nổ
Xây dựng một bể bơi trong sân nhà: Thiết kế và công năng
Xu hướng của tương lai ẩn mình trong kiến trúc hiện đại
Những ô cửa kính màu nghệ thuật dưới góc nhìn đương đại
Nước trong kiến trúc – Vẻ đẹp đậm chất thơ
Cách tính kích thước cầu thang khi xây nhà
Xu hướng phòng khách chìm – Điểm trũng ấm cúng
Khám phá việc tái sử dụng vật liệu của những ‘kiến trúc ngắn hạn’
Tại sao chất liệu đồng thau lại được ứng dụng nhiều trong các sản phẩm nội thất
Creative Hub – Trung tâm sáng tạo mô hình và các bài học kinh nghiệm
Copyright © 2020 - Bản quyền thuộc về Jade Swan
Người online: 96 | Tổng lượt truy cập: 9,762,873